Album Âm hưởng dân ca

Thể hiện:

00:00|04:00
Hai chị em

Album: Album Âm hưởng dân ca

Năm sáng tác: Đang cập nhật...

Lời bài hát: Hai chị em

Hoàn cảnh ra đời và bình luận xung quanh :  mời các bạn xem tiếp sau lời bài hát.

1-
Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh,
Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình
Hai chị em trên hai trận tuyến
Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang
Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước,
Sáng ngời tên những cô gái Việt Nam.

Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển
Hỏi rằng có gì đẹp trong cô gái Việt Nam
Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ
Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang
Từng cây lúa từng cây súng, rất tự hào của cô gái Việt Nam.
Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển
Hỏi rằng có gì đẹp trong cây lúa Việt Nam
Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ
Dạn dày nắng mưa, dạn dày súng bom,
Từng con số từng câu hát đã trả lời cho cây lúa Việt Nam.

2-
Tay không cướp bót giết giặc trừ gian
Một sương hai nắng đi gặt dưới bom đạn
Mỗi trận thắng em nghe chị hát
Vui mùa lúa chín nghĩa cả tình sâu
Em hiểu rằng mỗi gánh thóc mới
Có mồ hôi lẫn xương máu của ta.

Nhắn ai có đi vô trong chiến trường
Hỏi rằng chứ mùa này hoa mai đã nở chưa
Đẹp lắm chứ hoa nở hoa nở khắp chốn,
Mùa hoa chiến công nở rộ khắp nơi
Từng thôn xóm từng đường phố
Đang chuyển mình thừa thắng vượt lên.

Nhắn ai có ra quê ta Thái Bình
hỏi rằng lúa vụ mùa năm nay có đẹp không
Đẹp lắm chứ cánh đồng thắng Mỹ,
Cả miền Bắc ta được mùa lúa vui
Mừng chị nhé mừng em nhé, tan giặc về em hát chị nghe.

1. Hoàn cảnh ra đời của bài hát này (theo Nguyễn Phú Cương viết cho báo Quảng ninh: 

Bài báo nguyên bản xin tra ở đây: http://www.baoquangninh.com.vn/van-hoa/201802/tien-biet-nhac-si-hoang-van-nhac-si-ay-ai-gap-deu-khong-the-quen-2373592/)

Nhạc sĩ Văn Dung nhớ lại: cách đây gần 50 năm (khoảng đầu những năm 70) đoàn nhạc sĩ về Thái Bình thực tế sáng tác. Ai cũng hăm hở tỏa về các đội sản xuất người gánh phân, người nhổ mạ. Hoàng Vân thấy cứ đi vào các cụ già trò chuyện, lại tha thẩn vào mấy ngôi đình, ngôi chùa. Tối tối lại thấy ông ngồi bên ngọn đèn ghi chép và đọc sách về Thái Bình. Sắp đến ngày “nộp sáng tác”, các nhạc sĩ có tác phẩm rồi, thậm chí có vị còn hai ba bài đã dạy thanh thiếu nhi trong Hợp tác xã hát rộn ràng mà chưa thấy ông “động thủ” gì. Đến hôm tập trung ở huyện các nhạc sĩ đều trình bày tác phẩm. Hoàng Vân lúc đó nhìn lên quyển lịch treo tường có hình hai nữ anh hùng Tạ Thị Kiều và Nguyễn Thị Chiên tay trong tay, ông lật mặt sau vỏ bao thuốc lá chép luôn giai điệu và lời hát và cầm guitar hát luôn “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình / Hai chị em trên hai trận tuyến/ Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang…” Bài hát được hoan nghênh nhiệt liệt, đến tận bây giờ nghe lại vẫn còn xúc động.

2. Một vidéo quay nhạc sĩ giới thiệu hoàn cảnh ra đời của bài hát cho Việt Kiều tại Paris: https://hoangvan.org/hai-chi-em--lich-su-ha-noi-?lang=vi

3. Triển lãm lấy chủ đề của Hai chị em

 

LĐO | 07/03/2015 | 12:44

“Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình/Hai chị em trên hai trận tuyến/Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang/Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước, sáng ngời tên những cô gái Việt Nam…”. Đó là lời bài hát “Hai chị em” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân và cũng là sự gợi ý tuyệt vời cho triển lãm “Hai chị em - hai trận tuyến” - khai mạc ngày 6.3 tại Bảo tàng Phụ nữ VN nhân kỷ niệm 55 năm “Đội quân tóc dài” (1960 - 2015) và 50 năm phong trào “Ba đảm đang” (1965 - 2015).

 Triển lãm trưng bày hàng trăm bức ảnh, hiện vật thể hiện sự đóng góp, hy sinh của phụ nữ hai miền Nam, Bắc trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Sau khi Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở VN được ký kết năm 1954, VN bị chia cắt làm 2 miền. Miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, là hậu phương chi viện sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam, vừa chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Miền Nam tiếp tục sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Những bức ảnh tư liệu quý giá cho người xem sống lại những năm tháng khốc liệt của chiến tranh nhưng cũng đầy hào hùng và vinh quang của một thời “Cả nước lên đường”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… Người xem cũng bắt gặp ở đây câu chuyện về những bà má miền Nam tay không cản xe tăng địch với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời” để bảo vệ mảnh đất quê hương; chuyện về người vợ liệt sĩ 3 năm làm vợ chỉ được ở bên chồng hơn 40 ngày, rồi sau đó vò võ nuôi con với niềm tin sắt đá chồng mình vẫn đang chiến đấu ở miền Nam; chuyện về những cô gái lái xe kiên cường, vượt qua làn mưa bom bão đạn dọc Trường Sơn lịch sử… Những câu chuyện đầy cảm xúc, chạm vào trái tim mỗi người bởi nó đã chuyển tải được thông điệp về lòng yêu nước, nghị lực và tình yêu thương, sự dũng cảm, kiên cường, đức tính đảm đang, trung hậu của người phụ nữ VN trong chiến tranh.

Có thể nói, thời kỳ ấy, trên tiền tuyến lớn, phụ nữ miền Nam là lực lượng đi đầu trong phong trào “Đồng khởi” và đã phát triển mạnh mẽ thành “Đội quân tóc dài” huyền thoại với sức mạnh “níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác” và trở thành niềm tự hào của dân tộc, nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Còn phụ nữ miền Bắc, với tinh thần chia lửa cùng “miền Nam ruột thịt” đã tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang” (đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đảm đang gia đình), cùng với phong trào “Đồng khởi” và “Đội quân tóc dài” của phụ nữ miền Nam đã đưa vai trò, vị thế của phụ nữ VN lên một tầm cao mới, được thế giới vô cùng ngưỡng mộ và đánh giá góp phần “thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới” (Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế).

Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - UV Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN - đã đánh giá cao hoạt động này của Bảo tàng Phụ nữ VN, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng tỉnh Nam Định. Đồng chí cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với gần 100 đại biểu là Bà mẹ VNAH, nữ Anh hùng LLVT, những người đã từng tham gia và có đóng góp tích cực trong “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang”, có mặt tại buổi lễ.

K.A

Bài báo nguyên bản xin tra ở đây:

https://laodong.vn/archived/hai-chi-em-hai-tran-tuyen-706760.ldo

 

 

4. Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội liên hiêp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2012) :
Cô Ba dũng sỹ, chị Hai năm tấn - trang sử vẻ vang chống Mỹ cứu nước

8:23' 20/10/2012

 

Cứ mỗi lần giai điệu của ca khúc “Hai chị em” vang lên, lòng tôi lại xốn xang một cảm xúc khó tả, một cái gì đó vừa bồi hồi, xúc động, lại vừa day dứt một nỗi niềm nhớ quê. "Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, hai chị em trên hai trận tuyến anh hùng bất khuất - trung hậu đảm đang. Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước, sáng ngời tên những cô gái Việt Nam... Đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ".

Nếu ai chưa từng đi xa sẽ khó có cảm giác giống như tôi, hơn thế nữa tôi lại đang có mặt ở mảnh đất Trà Vinh - vùng quê kết nghĩa “chị em” với Thái Bình từ thời kháng chiến chống Mỹ. Ở Trà Vinh có nhiều “cô Ba” lắm, nếu như ngày xưa có“cô Ba dũng sĩ”, thì ngày nay là những cô "Ba tân thời" miệt mài bên những mảnh vườn sum suê trái ngọt, bên những cánh đồng bát ngát, bên những hàng dừa xanh mướt ngút ngàn. Cô Ba kháng chiến nay trở thành những “bà cố” hoặc thành thiên cổ, nhưng chiến tích của họ thì sử sách mãi còn khắc ghi. “Chị Hai” ở Thái Bình xa xôi mà kết nghĩa “chị em” được với “cô Ba” thì cũng là một kỳ tích hiếm có. Dưới thời đạn bom ác liệt, giữa hai bờ chiến tuyến mà lửa thù không đốt được dải Trường Sơn thì ở đâu đó nơi làng quê xa xôi hay nơi mặt trận khói lửa vẫn vang lên câu hát rộn ràng khí thế mà chất chứa tình yêu quê hương, đất nước.

"Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, hai chị em trên hai trận tuyến anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang. Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước sáng ngời tên những cô gái Việt Nam... Đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ".

Dù rằng ở hai trận tuyến khác nhau, dù rằng cô trong Nam, chị ngoài Bắc, khác nhau địa giới hành chính, khác cả phong tục tập quán và giọng nói, tiếng cười nhưng ở họ vẫn có một điểm chung, họ vẫn là những “cô gái Việt Nam” - những cô gái được Bác Hồ khen ngợi bằng tám chữ vàng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”; họ là những chiến sĩ cầm súng trên chiến trường, là những người thợ cầm cuốc cày ở lại xây dựng quê hương giúp chồng ra tiền phương đánh giặc. Dù ở vị trí nào, ở địa phương nào họ cũng đều là những người anh hùng, đều là những tấm gương sáng, là những dấu chấm đỏ tươi trên “trang sử vàng truyền thống của Phụ nữ Việt Nam”. “Cô gái Việt Nam” đẹp lắm! anh hùng lắm! Họ không chỉ đẹp bởi vóc dáng, mà còn bởi nụ cười chiến thắng, nụ cười tin tưởng vào ngày mai huy hoàng của Tổ quốc thống nhất. Nụ cười của "cô Ba" e ấp sau nón lá dừa và nụ cười của “chị Hai” hồn hậu bên sóng lúa đương thì con gái đã trở thành hình tượng đẹp nhất mỗi khi nhắc tới quê hương Việt Nam. Thời đại sinh ra những người anh hùng và những người anh hùng ấy đã làm cho thời đại bừng sáng lên, thời đại của những cô gái tay không bắt giặc, thời đại của những o du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Phụ nữ Việt Nam, người con gái Việt Nam anh hùng và dũng cảm.

Thời đại của những “bà mẹ cầm súng” trong trang văn của Anh Đức, của những “mẹ đào hầm khi tóc còn xanh” trong ý nhạc của Phạm Minh Tuấn và là thời đại của những chị Hai năm tấn, của cô Ba dũng sĩ trong nhạc Hoàng Vân, thời kỳ “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “những nón trắng cày ruộng thay chồng trên cánh đồng năm tấn thóc”, thời kỳ “hậu phương thi đua với tiền phương”… còn nhiều, nhiều nữa những bà, những mẹ, những chị như vậy.

Nếu ai đã từng một lần bắt gặp cái “dáng kiều thơm” bé nhỏ trong ký ức của chàng lính Tây Tiến, đã từng gặp cái “bồn chồn nhớ mắt người yêu” trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi sẽ thấy đâu đó trong thơ, trong nhạc Việt Nam hình ảnh của những người phụ nữ ấy. Họ cũng bé nhỏ, cũng e ấp lắm nhưng họ cũng có thể trở thành bất tử như những vọng phu thuở nào, cũng có thể trở thành những anh hùng làm nên lịch sử. Họ tiễn người yêu lên đường nhập ngũ, tiễn chồng, tiễn con và đến lúc chính họ cũng trở thành chiến sĩ, họ cũng cầm súng chiến đấu. Họ là người Việt Nam đã góp phần làm vẻ vang thêm trang sử, làm nên những bản anh hùng ca hào hùng của thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Trên cánh đồng lúa chín, dưới tầm đạn thù, người phụ nữ Việt Nam vẫn cầm liềm cắt lúa, vẫn cất cao tiếng hát qua mỗi vụ được mùa, ngoài tiền phương các cô vẫn dẫn đầu đoàn binh tóc dài, áo bà ba đi “đốt đồn giặc thù”. Dù là đổ mồ hôi hay đổ máu xương đều là vì một nghĩa lớn, bởi một trái tim muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chị và em tuy hai mà một, chiến công của em có mai vàng mừng công đẹp lắm, chiến công của chị có lúa thóc trĩu đòn gánh trên vai gửi vào chiến trường nuôi quân. Cả chị cả em, cả một thế hệ những người phụ nữ Việt Nam thời ấy cùng chuyển mình, cùng hiến dâng vì một lý tưởng cao đẹp, một triết lý sống còn mà dân tộc đã giao phó “vừa đảm đang vừa bất khuất”. “Hỡi ai có xa quê ta Thái Bình hỏi rằng lúa vụ mùa năm nay có đẹp không?” “Đẹp lắm chứ! Anh hùng lắm chứ!” lúa Thái Bình vẫn đẹp, gạo Thái Bình vẫn cứ trắng trong như tấm lòng của “chị Hai” dành cho “cô Ba”, dành cho quê hương đất nước. Để đến một ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải em sẽ lại “hát chị nghe” như ngày nào. Tình cảm sâu nặng, thủy chung son sắt chính là đặc điểm nổi bật nhất trong tâm hồn những cô gái Việt Nam.

Đã nửa thế kỷ đi qua kể từ khi ca khúc ra đời, người nghe nhạc vẫn đắm đuối, ngẩn ngơ với giai điệu vui tươi, lạc quan yêu đời tin tưởng vào chiến thắng. Nước nhà thống nhất, giang sơn thu về một mối. Để ai đó có đi trong chiến trường, hỏi rằng mùa này hoa mai đã nở chưa, đẹp lắm ấy hoa nở khắp chốn. Vâng! Mùa hoa chiến công nở rộ khắp chiến trường. Thái Bình mùa này mùa lúa bội thu. Cả hai miền thắng lớn.

Tan giặc về để em lại hát chị nghe. Chúng ta hãy dành hàng ngàn bó hoa tươi thắm nhất để trao tặng các mẹ, các chị với tình cảm thân thương và lòng quý trọng biết ơn nhất. Các mẹ, các chị chính là những bông hoa đẹp nhất đã và đang hiến dâng cho đời.                                            

Xuân Miễn - Hồng Thơ

Bài báo nguyên bản xin tra ở đây:

http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=5645&print=true

 

 

6. Những bài hát của một thời (24): Hai chị em - Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Ngày mai vào tháng 3 dương lịch, có ngày 8.3. Chả biết từ bao giờ, chị em chớ hề xin phép ai cứ nhận tháng này của riêng giới mình, và đàn ông cũng vui vẻ chấp nhận. Thì có mất gì. Được là khác. Xin chúc mừng tháng Phụ nữ nhé.

Bài hát Hai chị em của nhạc sĩ đáng kính Hoàng Vân. Tôi đã giới thiệu về ông khá nhiều nên lần này không thêm thắt gì nữa. Chỉ xin cám ơn ông đã để lại cho giới nữ một ca khúc tuyệt vời.

Thời chống Mỹ, bài Hai chị em vang khắp vùng nông thôn miền Bắc, phổ biến đến nỗi cứ thấy chị nào cô nào beo béo một tí là bọn đàn ông đùa vui, gọi là "chị hai năm tấn". Những năm tháng ấy, nếu không có phụ nữ vững vàng ở hậu phương miền Bắc, cả về sức mạnh vật chất lẫn tình cảm, tôi cam đoan rằng cuộc chiến tranh không biết kéo dài đến bao giờ. Ngàn lần biết ơn sự hy sinh vô giá của phụ nữ thời gian khổ khốc liệt ấy.

Bản nhạc này do tốp ca nữ đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện, chị Kim Oanh lĩnh xướng.

Chân thành cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

Ngày cuối cùng tháng 2, 29.2.2012
Nguyễn Thông

Bài báo nguyên bản xin tra ở đây:

https://thongcao55.blogspot.com/2012/02/nhung-bai-hat-cua-mot-thoi-25-hai-chi.html

https://thongcao55.blogspot.com/search?q=Ho%C3%A0ng+V%C3%A2n

 

Nghe các bài khác

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam