Thể hiện:
Album: Album bài nhiều người yêu thích
Năm sáng tác: https://hoangvan.org/1966-1967
Xem những bài báo bình về ca khúc và hoàn cảnh ra đời sau phần lời hát.
1-
Trên những nẻo đường rực cháy, sau tay lái đã mấy đêm ngày
Xe anh đã vượt được bao sông bao núi, chỉ những con đường mới biết mà thôi.
Ơi những con đường ta yêu biết mấy, đường vào nhà máy, đường về nông thôn
Qua những năm trường quê hương kháng chiến
Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương.
Đây những chuyến hàng nặng tình đất nước, hàng ngược miền núi, hàng về miền xuôi
Bên những chiếc cầu bao đêm thao thức
Tất cả mọi tấm lòng đều hướng ra tiền phương.
2-
Qua mỗi một mùa mưa lũ, tay ai đã giữ vững tuyến thông đường
Bom rơi đã bao lần trên bao tấc đất, chỉ những con đường mới biết mà thôi.
Nghe tiếng chim rừng cất cao tiếng hót, mừng đường thông tuyến chào đoàn xe qua
Nghe những tiếng còi vui sao vui thế
Tất cả để thắng giặc giải phóng miền Nam.
Đây những con tàu đi trong sóng gió, tàu vượt đường sắt, tàu vượt trùng dương
Đây những chuyến hàng mang bao tâm huyết
Góp phần giành thắng lợi thẳng tiến ra tiền phương.
3-
Như cánh tay dài vươn tới ta ôm lấy sông núi ruộng đồng
Ta vây kín quân thù không cho chúng sống
Đường nối tiếp đường ta tiến ra tiền phương.
Ta nhớ những ngày đi thăm tuyến mới
Trèo đèo vượt suối lặn lội rừng sâu, in dấu chân đầu tiên trên vách núi
Hướng thẳng ra chiến trường mở những con đường xa.
Qua những bến phà hiên ngang chống Mỹ, một lần chúng phá ngàn lần ta đi
Ta bước trên đầu giặc thù xông tới
Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương.
4-
Trên những nẻo đường rực cháy, lòng sục sôi ghi nhớ mối thù này
Dù mạch máu ta ngừng thân ta ngã xuống
Mạch máu giao thông thề quyết không thể ngưng.
Ta bước trên đường đi tới chiến thắng, rì rào biển hát dọc đường Trường Sơn
Ta sẽ nối lại nhịp cầu Nam - Bắc, suốt đời ta sẽ còn mở những con đường vui.
Ta hát ca ngợi chiến tranh nhân dân, đường là mạch máu chảy từ tim ta
Trên mỗi thước đường mang bao tâm huyết
Góp phần giành thắng lợi thẳng tiến ra tiền phương.
http://www.hoinhacsi.vn/bai-ca-giao-thong-van-tai-hoang-van
1. Dáng hình đất nước trong “Bài ca giao thông vận tải”
07:01am - 02/09/2017
Tạp chí GTVT - Mạch máu giao thông chạy khắp các chiến trường, góp sức làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc, vì thế mà những bài hát hay nhất trong kháng chiến vẫn luôn gắn với những con đường, cây cầu và “Bài ca giao thông vận tải” là một trong những bài hát như thế.
Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt
Hoàng Vân là nhạc sỹ có số lượng bài hát mang tính chất “Ngành ca” nhiều nhất. Bên cạnh những ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Không cho chúng nó thoát... thì những ca khúc ông viết về các ngành nghề cũng chiếm số lượng lớn. Thực tế, hầu hết các bài “Ngành ca” của ông đều vượt thời gian, thoát khỏi sự bó buộc khô cứng để trở thành những ca khúc bất hủ, được đông đảo công chúng yêu thích như: Bài ca GTVT, Bài ca sau tay lái, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Tôi là người thợ lò, Bài ca người thủy thủ…
Trong những bài hát viết về ngành GTVT, Bài ca GTVT của nhạc sỹ Hoàng Vân đã được chọn làm “Ngành ca” trong Hội nghị đầu tiên của ngành GTVT hợp nhất hai miền Nam - Bắc. Bài ca ấy được ra đời trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt với những cảm xúc không dễ gì có được.
Theo lời tác giả Hoàng Vân, khi ông cùng một anh tài xế và một lái xe dự phòng đi vào Đoàn 559 qua những đợt bị trải bom, tận mắt chứng kiến sự sống và cái chết vô cùng thảm khốc và sự hy sinh anh dũng, quên mình xả thân để giữ những con đường của các chiến sỹ, những cô gái thanh niên xung phong còn ở độ tuổi thanh xuân, đang kỳ như nụ hoa hàm tiếu he hé nở, tình cảm ấy như một tư liệu đã giúp ông sáng tác được ca khúc Bài ca GTVT.
Cách đây không lâu khi chia sẻ những tâm tư của mình về Bài ca GTVT, nhạc sỹ Hoàng Vân tâm sự: “Thời điểm tôi bật lên những giai điệu cho ca khúc này là vào lúc 3h sáng, ngay ở Đường 20, khi xe tải không thể chạy nổi bởi phía dưới bùn lầy ngập ngụa, còn bên trên bầu trời máy bay trải bom liên tục, cứ 5 phút một đợt, mà kinh khủng nhất là chỉ có khoảng 30% số bom nổ, còn lại là bom nổ chậm. Đã thế, giặc lại rất gian xảo, cứ 30 phút lại quay lại thả bom tiếp. Nhưng sau mỗi đợt như vậy, các chiến sỹ thanh niên xung phong lại ào lên dò xét, cắm cờ để báo hiệu khu vực đó có an toàn hay không? Hầu hết những thanh niên xung phong ở đoạn đường đó là phụ nữ, có những gương mặt còn rất trẻ, má còn phớt lông măng, mắt to tròn rất quả cảm... Khi ba anh em ngồi trên ca-bin được hướng dẫn nhảy xuống để trú ẩn và được an toàn thì không còn nghe thấy tiếng hiệu lệnh cho xe lăn bánh, ai cũng thắc mắc là thường vào thời khắc này thì sẽ có tiếng hô ở những khúc rẽ hoặc ở từng đoạn đường vừa nguy kịch... Cả không gian im phăng phắc. Vào cái thời khắc mà người ta vừa thoát khỏi sự đeo đuổi của cái chết và đành phải xem nó như một cuộc trốn tìm thì bỗng nhiên rơi vào sự im lặng trống trải. Tôi tự hỏi: Những cô gái kia đâu? Họ trốn ở chỗ nào hay họ còn bận làm gì nữa. Nhưng không, họ đã hy sinh! Nhiều như thế, đông như thế mà đã hy sinh tất cả, trải tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình cho những chuyến xe lăn qua... Câu ca từ trên chính là dành cho những chiến sỹ tuổi hoa hàm tiếu đó và chỉ những con đường mới hiểu rõ nhất sự hy sinh cao đẹp mà nhẹ tựa lông hồng của những chiến sỹ này”.
Lời ca bay bổng mà chân thật
Với hoàn cảnh ra đời đặc biệt như thế, Bài ca GTVT không hề miêu tả không khí chiến tranh mà muốn biểu hiện tâm hồn, tình cảm của những người trong cuộc. Đó là những cô gái thanh niên xung phong, những chàng lính trẻ lái xe luôn phơi phới yêu đời, trẻ trung, lãng mạn. Có lẽ, để thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh, nhạc sỹ Hoàng Vân đã có Bài ca bên tay lái - một ca khúc có hình tượng âm nhạc rất phù hợp với không khí chiến đấu khi đó. Còn ở Bài ca GTVT, tất cả dồn vào mấy câu có tứ văn học rất hay: “Như cánh tay dài vươn tới. Ta ôm lấy sông núi ruộng đồng…” và “Ơi! Những con đường ta yêu biết mấy. Đường vào nhà máy, đường về nông thôn. Qua những năm trường quê hương kháng chiến. Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương”. Chủ đề tác phẩm được dồn vào những câu kết: “Ta bước trên đường đi tới chiến thắng. Rì rào biển hát dọc đường Trường Sơn. Ta sẽ nối lại nhịp cầu Nam Bắc. Suốt đời ta sẽ còn mở những con đường vui”.
Bình luận về bài hát này, nhạc sỹ Nguyễn Đình San đánh giá: “Bài ca GTVT là một bài hát cực kỳ ngắn gọn, được viết ở thể 2 đoạn đơn, mỗi đoạn chỉ có 2 câu nhạc, bố cục rất chặt chẽ, mạch lạc. Chỉ nghe qua một vài lần ta rất dễ nhập tâm và có thể thuộc. Những nốt luyến láy, hoa mỹ được nhạc sỹ triệt để sử dụng để tạo cho bài hát nét duyên dáng, vẻ mặn mà, lấp lánh rất đáng yêu. Đây cũng là một đặc điểm dễ nhận thấy ở phong cách sáng tác ca khúc của nhạc sỹ Hoàng Vân: Trẻ trung, điệu đà, rất có hồn, có sức lôi cuốn người nghe. Ông luôn biết tạo nên những điểm nhấn của giai điệu, khi bằng việc vút lên những nốt cao rất đúng lúc, khi lại đổ xuống những nốt trầm đầy ấn tượng (như trong vọng cổ, người ta vẫn gọi là “xuống xề”). Cũng có trường hợp lại là những nốt luyến láy “đắt”.
Nghe Bài ca GTVT, ta có cảm giác như một bài tình ca bởi toát lên chất dịu dàng, đắm say, ngọt ngào, đam mê. Có người thắc mắc tại sao viết về GTVT trong chiến tranh, khi hiện thực quá sôi động, khốc liệt mà bài hát lại mềm mại, du dương đến vậy.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc oanh liệt ấy, việc ra đời bài ca bất hủ này đã kịp thời trở thành món ăn tinh thần, sự động viên cỗ vũ cho toàn dân, toàn quân và đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong trước kẻ thù. Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ ngày nay chia sẻ, mỗi khi nghe những ca khúc này lại thấy rạo rực tình yêu quê hương đất nước, yêu tinh thần của những cô gái, chàng trai thanh niên xung phong. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn muốn được sống trong thời kỳ hào hùng của dân tộc để một lần được chia sẻ những gian nan với các cô gái nhỏ nhắn nhưng ý chí quật cường.
Bài hát luôn toát lên dáng hình đất nước, đặc biệt là tầm quan trọng của những huyết mạch giao thông, từ đó tưởng nhớ những công lao to lớn của lực lượng thanh niên xung phong đã hy sinh sức lực, tuổi trẻ và cả xương máu để đảm bảo sự thông suốt các tuyến đường chiến lược, đưa bộ đội, vũ khí ra chiến trường
THÙY DƯƠNG
Bài báo nguyên bản được đăng ở đây: http://www.tapchigiaothong.vn/dang-hinh-dat-nuoc-trong-bai-ca-giao-thong-van-tai-d48289.html
2. Bài ca giao thông vận tải - Hoàng Vân
Đăng ngày 05/12/2013 - 07:10
Tác giả:
Nhạc sỹ Nguyễn Đình San
Trên những nẻo đường rực cháy Sau tay lái đã mấy đêm ngày Xe anh đã vượt được bao sông bao núi Chỉ những con đường mới biết mà thôi.
Trong một lần đi thực tế, vào khoảng những năm 1966 - 1967, nhạc sĩ Hoàng Vân vô cùng cảm kích những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã dạn dày trong khói lửa, ngày đêm quên mình để nối những con đường, giữ liền huyết mạch giao thông. Nhạc sĩ Hoàng Vân kể rằng, trong chuyến đi thực tế đó gây ấn tượng nhất với ông là những chàng trai lái xe. Họ đã ôm vô lăng phóng xe đi giữa bom đạn, mặc pháo sáng, mặc mọi hiểm nguy, chỉ có một đích duy nhất: tiến lên phía trước, ra chiến trường. Và ngay tại những nơi nóng bỏng nhất đó, đường nét giai điệu đầu tiên của bài hát “Bài ca giao thông vận tải” đã xuất hiện: “Trên những nẻo đường rực cháy, sau tay lái đã mấy đêm ngày. Xe anh đã vượt được bao sông, bao núi. Chỉ những con đường mới biết mà thôi…”.
Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai”, “vì miền Nam ruột thịt” nhân dân miền Bắc từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng, chi viện cao nhất cho đồng bào và chiến sĩ Miền Nam.
Đây những chuyến hàng nặng tình đất nước Hàng ngược miền núi, hàng về miền xuôi Bên những chiếc cầu bao đêm thao thức Tất cả mọi tấm lòng đều hướng ra tiền phương.
Một bài hát cực kỳ ngắn gọn, được viết ở thể 2 đoạn đơn. Mỗi đoạn chỉ có 2 câu nhạc. Bố cục rất chặt chẽ, mạch lạc. Chỉ nghe qua một vài lần ta rất dễ nhập tâm và có thể thuộc. Những nốt luyến láy, hoa mỹ được nhạc sĩ triệt để sử dụng để tạo cho bài hát nét duyên dáng, vẻ mặn mà lấp lánh rất đáng yêu. Đây cũng là một đặc điểm dễ nhận thấy ở phong cách sáng tác ca khúc của Hoàng Vân: trẻ trung, điệu đà, rất có hồn, có sức lôi cuốn người nghe. Ông luôn biết tạo nên những điểm nhấn của giai điệu, khi bằng việc vút lên những nốt cao rất đúng lúc, khi lại đổ xuống những nốt trầm đầy ấn tượng (như trong vọng cổ, người ta vẫn gọi là “xuống xề”). Cũng có trường hợp lại là những nốt luyến láy “đắt”. “Bài ca giao thông vận tải” ở vào trường hợp này. Nghe bài hát, ta có cảm giác như một bài tình ca bởi toát lên chất dịu dàng, đắm say, ngọt ngào, đam mê. Có người thắc mắc, tại sao viết về giao thông vận tải trong chiến tranh, khi hiện thực quá sôi động, khốc liệt mà bài hát lại mềm mại, du dương.
Trên những nẻo đường rực cháy Lòng sục sôi ghi nhớ mối thù này Dù mạch máu ta ngừng thân ta ngã xuống Mạch máu giao thông thề quyết không thể ngưng. Ta bước trên đường đi tới chiến thắng Rì rào biển hát dọc đường Trường Sơn Ta sẽ nối lại nhịp cầu Nam – Bắc
Miền Bắc đã tạo cơ sở mới về chính trị, kinh tế, quốc phòng để chi viện lực lượng và vật chất cho miền Nam. Với chế độ chính trị ưu việt, với lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh cùng với sự hậu thuẫn của quốc tế Miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong cả nước, tạo tiền đề cho cách mạng miền Nam Việt Nam chuyển hướng, giúp miền Nam vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ,
Nhận thấy vai trò của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, đế quốc Mĩ đã hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại với quy mô lớn, với mức độ đánh phá ác liệt đối với Miền Bắc và đối với tuyến giao thông vận tải chiến lược hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với miền Nam. Mĩ muốn phá hoại tận gốc tiềm lực quân sự kinh tế của Việt Nam, “kéo lùi miền Bắc Việt Nam trở lại thời kì đồ đá”, làm cho ta không còn khả năng chiến đấu.
Qua mỗi một mùa mưa lũ Tay ai đã giữ vững tuyến thông đường Bom rơi đã bao lần trên bao tấc đất Chỉ những con đường mới biết mà thôi.
Miền Bắc đã tập trung lớn khả năng về lực lượng, phương tiện để khắc phục tại chổ và kịp thời hậu quả của chiến tranh, vượt qua vòng vay phong tỏa của địch để tiếp nhận tốt hàng viện trợ của bên ngoài và tiếp viện theo yêu cầu của tiền tuyến miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ đến đỉnh cao và hết sức ác liệt vẫn không ngăn được miền Bắc làm nghĩa vụ hậu phương.
Dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khói lửa chiến tranh; duy trì, phát triển tiềm lực về mọi mặt, tiếp tục tăng cường lực lượng ngày càng lớn cho tiền tuyến, đồng thời về cơ bản vẫn giữ vững đời sống nhân dân hậu phương ổn định, đảm bảo càng đánh càng mạnh. Từ năm 1965 đến năm 1975, miền Bắc đã động viên hàng triệu lao động, mở rộng lực lượng vũ trang và phục vụ chiến đấu. Trong thời gian diễn ra những cuộc tiến công chiến lược (1968, 1972, 1975), nhân lực động viên ở miền Bắc phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước. Nhu cầu về nhân lực của nhiều ngành trực tiếp phục vụ chiến tranh cũng tăng lên rất lớn. Nhân lực động viên đến cuối năm 1972 cần tới trên 2 triệu người, chiếm khoảng 30% lao động xã hội miền Bắc, trong đó 70% là nam giới. Tỉ lệ tuyển quân ở xã cao nhất là trên 10% dân số; 70% số hộ gia đình ở miền Bắc có người thân chiến đấu trên các chiến trường.
Qua mỗi một mùa mưa lũ Tay ai đã giữ vững tuyến thông đường Bom rơi đã bao lần trên bao tấc đất Chỉ những con đường mới biết mà thôi.
Hoàng Vân đã lý giải, ông không có ý miêu tả không khí chiến tranh mà muốn biểu hiện tâm hồn, tình cảm của những người trong cuộc. Đó là những cô gái thanh niên xung phong, những chàng lính trẻ lái xe luôn phơi phới yêu đời, trẻ trung, lãng mạn. Lại nữa, để biểu hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh, ông đã có “Bài ca bên tay lái” - một ca khúc có hình tượng âm nhạc rất phù hợp với không khí chiến đấu khi đó. Còn ở “Bài ca giao thông vận tải” tất cả dồn vào mấy câu có tứ văn học rất hay: “Như cánh tay dài vươn tới. Ta ôm lấy sông núi ruộng đồng…” và “Ơi! Những con đường ta yêu biết mấy. Đường vào nhà máy, đường về nông thôn. Qua những năm trường quê hương kháng chiến. Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương”. Chủ đề tác phẩm được dồn vào những câu kết: “Ta bước trên đường đi tới chiến thắng. Rì rào biển hát dọc đường Trường Sơn. Ta sẽ nối lại nhịp cầu Nam Bắc. Suốt đời ta sẽ còn mở những con đường vui”. Cái tên bài hát thì nôm na mà giai điệu và lời ca lại hết sức hấp dẫn.
(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)