Nghe nhạc

Thể hiện:

00:00|04:00
Tâm tình người thủy thủ - ca sĩ Quý Dương, thơ Mai Liêm

Album: Album Nhạc phổ thơ

Năm sáng tác: https://hoangvan.org/Khoảng 1961

Lời bài hát: Tâm tình người thủy thủ - ca sĩ Quý Dương, thơ Mai Liêm

Lời bài hát và bài thơ gốc được đăng ở bản thu do nghệ sĩ Mạnh Hưng thể hiện.

Sau đây là bài giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Đình San.

Những giai điệu bất tử

TÂM TÌNH NGƯỜI THUỶ THỦ

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

            Chuyện đã lùi vào quá khứ rất lâu. Sau khi chúng tôi tốt nghiệp phổ thông - ngày ấy chỉ có 10 năm - không phải ai cũng thi vào đại học mà có rất nhiều ngả đường vào đời khác: Đi học trung cấp, học nghề để sớm đi làm - đối với những học sinh có gia đình khó khăn về kinh tế. Và có một số lại thích đăng ký đi tham gia xây dựng kinh tế và văn hoá miền núi theo tiếng gọi của Đảng, Đoàn. Lại có một số bạn nam thích đi bộ đội. Tôi có người bạn thân tên T, mặc dù gia đình khá giả, bản thân lại học giỏi, thi đỗ vào đại học Bách khoa, có nhiều khả năng sang Liên Xô học, nhưng đã làm đơn xin đi bộ đội. Nhưng T cứ đòi vào lính hải quân. Cuối cùng, nguyện vọng của cậu cũng đạt được. Ai cũng lấy làm ngạc nhiên vì T là con trai Hà Nội, trông rất thư sinh, lại đi lính hải quân, đóng ở đảo Bạch Long Vĩ. Sau đó, tôi lấy làm rất thích thú khi nghe cậu nói rằng sở dĩ muốn xung vào quân chủng hải quân vì rất thích nghe tôi hát bài Tâm tình người thuỷ thủ. Khi ấy, tôi không biết tác giả là ai, chỉ rất mê bài này:

          “ Nhổ neo ra khơi. Đêm nay khi trăng mọc. Tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi. Tạm biệt em yêu, vẫy chào thành phố cảng thân yêu. Em ơi chớ hỏi anh nhiều. Em đừng hỏi rằng vì sao anh ra đi… .”

          Đó là những năm 1963- 1964. Nhưng bài hát trên còn được ra đời trước đó. Tôi nhớ rõ là khoảng năm 1959- 1960, bắt đầu lây lan trong giới trẻ, cùng với một số bài được coi là “lãng mạn” khác như:  Nón bài thơ của Đỗ Quang Trung, Thật là khó nói của Phan Huỳnh Điểu, Dòng sông của Trần Viết Bính. . . Sau khi Tâm tình người thuỷ thủ trở nên nổi tiếng thì mấy năm sau, bị cấm lưu hành, tức là không được phát trên đài, không được hát trên các sân khấu hoặc bất cứ cuộc liên hoan, hôi họp nào. Còn hát riêng lẻ thì đương nhiên không thể cấm được. Đến hôm nay, ta sẽ lấy làm ngạc nhiên, không thể hiểu nổi một bài hát trữ tình, hay, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, biển đảo, con người như thế lại có thể bị “cấm”. Thì ra hồi đó, người ta còn mang nặng tư tưởng giáo điều- gọi là “Mao- ít”- cổ hủ, cứng nhắc, hễ cứ đụng chạm đến tình yêu, đến em, anh, rồi môi hồng, má đỏ. . . đều bị cho là “lãng mạn” tuốt. Mà lãng mạn với nghĩa tiêu cực, tức là yếu đuối, nhụt ý chí chiến đấu của con người mới xã hội chủ nghĩa.

          Người bạn T. thân mến của tôi đã từ sự yêu thích một bài hát mà trở nên yêu cái nghề người nhạc sĩ đề cập. Đó là thuỷ thủ, lính hải quân. Quả là Tâm tình người thuỷ thủ đã có sức lôi cuốn đặc biệt bởi một giai điệu rất nhẹ nhàng, mơ mộng. Những quãng giai điệu bình ổn, được tác giả bố cục trong tiết tấu ¾ tạo sắc thái êm đềm, dập dềnh của chiếc tàu lênh đênh trên biển. Nhưng là lúc tàu bình yên, không gặp sóng to, gió lớn để chàng thuỷ thủ có thể thả hồn vào cõi suy tư: “Nhổ neo ra khơi. Anh biết rằng nếu ở cuối trời dù có ngững hòn đảo thần tiên đầy châu báu hay có người thiếu nữ với đôi môi hồng như san hô cũng không thể nào làm anh xa được em yêu”. . ...

          Sau này khi có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi hỏi từ nguyên cớ gì ông viết ra được một bài hát rất thú vị như vậy. Ông cho biết: Mình vốn rất yêu biển, và yêu đời lính thuỷ quanh năm lênh đênh trên biển. Mình tưởng tựợng ra một cuộc chia tay với người bạn gái thân thiết để lên tàu ra khơi. Chia tay bên bờ biển thì còn gì đẹp bằng. Và đã là tình yêu thì phải lãng mạn, mơ mộng rồi. Thế là bài hát ra đời một cách khá dễ dàng. . . Hỏi vì sao không diễn tả cuộc sống vất vả giữa bão tố nơi trùng khơi, quanh năm ngày tháng vật lộn với sóng gió, luôn đối mặt với nguy hiểm thì nhạc sĩ Hoàng Vân nói ông không có ý đó, mà chỉ muốn diễn tả tâm trạng chàng thuỷ thủ ở cái thời khắc chia tay người yêu, chứ không có ý đề cập đến toàn bộ cuộc sống trên tàu, trên biển của họ. Có lẽ chính vì thế mà khi ấy người ta phê phán tác giả đã tô hồng hiện thực, không nói đúng được cuộc sống gian truân của bộ đọi hải quân nên đã không cho phổ biến bài hát này.

          Bài hát bị quên lãng một thời gian khá dài. Nhưng cái gì là giá trị đích thực thì trước sau sẽ được phục hồi. Từ sau năm 1975, đất nước ta hoà bình, thống nhất, cuộc sống mọi người được êm ả trong cuộc sống dựng xây, đặc biệt là sau năm 1986, luồng gió đổi mới của Đảng đã lùa vào mọi ngóc ngách của những bộ óc thủ cựu, đem lại cho dân tộc một luồng sinh khí mới. Mọi giá trị đích thực được phục hồi. Cùng với rất nhiều tác phẩm khác thuộc đủ mọi chủng loại, Tâm tình người thuỷ thủ lại được giới trẻ say sưa tìm lại, ca hát. Đến hôm nay, bài hát này vẫn là một trong số hiếm hoi những ca khúc hay viết về bộ đội hải quân được tất thảy mọi người ưa thích. Anh bạn T của tôi nay là một đại tá hải quân đã nghỉ hưu ở thành phố Hải Phòng. Những lúc dỗi dãi, anh vẫn cùng vợ- cô bạn gái năm xưa- ra biển cùng thả hồn ra tít tắp biển khơi, cùng hát lại Tâm tình ngươi thuỷ thủ- bài hát đã khiến anh gắn với biển cả suốt một đời. . . /.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã chia sẻ cho chúng tôi bản thảo bài phân tích này, đã được đăng ở trên một báo.

 

Nghe các bài khác

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam