Album Âm hưởng dân ca

Thể hiện:

00:00|04:00
Quảng Bình quê ta ơi

Album: Album Âm hưởng dân ca

Năm sáng tác: https://hoangvan.org/1964 (theo

Lời bài hát: Quảng Bình quê ta ơi

Hoàn cảnh ra đời: xin tham khảo bài báo đăng sau lời

1-
Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới
Rằng có đắng cay (nên chừ) mới có ngọt bùi.
Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt
Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa.
Quảng Bình (khoan khoan hò khoan)
Bao mến thương (khoan khoan hò khoan)
Đã mười năm rồi quê ta bao đổi thay rồi (khoan khoan hò khoan)
Từ biển xanh (khoan khoan hò khoan)
Đến rừng núi xanh (khoan khoan hò khoan)
Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy
Trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê.
Ơi chị dân quân canh gác ven biển
Ơi anh chiến sĩ canh gác bầu trời
Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành
Hạt giống cách mạng đã nảy mầm, nảy mầm xanh tươi.
(ĐK)
Quảng Bình quê ta ơi...
Giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu qúy.
Quảng Bình quê ta ơi...
Muôn người như một gửi về Trị - Thiên tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ... về trong một nhà.


2-
Có ai về Đại Phong, xin vô ghé thăm vùng Bến Tiến
Tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn.
Có ai về Quảng Phú, vui nghe tiếng ai hò kéo lưới
Hợp tác chung trời chung biển cá tươi đầy khoang.
Vẻ vang thay (khoan khoan hò khoan)
Bao tấm gương (khoan khoan hò khoan)
Bám biển đêm ngày, chiến thắng bão lụt đêm ngày (khoan khoan hò khoan)
Đồng lúa xanh (khoan khoan hò khoan)
Với hàng cây xanh (khoan khoan hò khoan)
Vui trên bến thuyền ngược xuôi giữa dòng sông Nhật Lệ
Như những con thoi suốt ngày từng đoàn xe đi.
Ơi chị thanh niên phơi muối ven biển
Ơi anh công nhân đẵn gỗ trên rừng
Lứa tuổi thanh xuân hai mươi tuổi đời
Cùng với quê hương lớn lên rồi cả cuộc đời mới (ĐK).

3-
Có ai về Rào Nam, xin vô ghé thăm Cự Nẫm
Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu.
Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió
Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây.
Dòng sông Gianh (khoan khoan hò khoan)
Với hàng dương xanh (khoan khoan hò khoan)
Đời đời hát ca tên anh, những người anh hùng (khoan khoan hò khoan)
Có còn nhớ chăng (khoan khoan hò khoan)
Những ngày kháng chiến (khoan khoan hò khoan)
Đêm đêm ngóng chờ từng tin thắng trận bến Xuân Bồ.
Ôi nhớ sao các mẹ các chị dành gạo nuôi quân.
Ơi chị dân quân canh gác ven biển
Ơi anh chiến sĩ canh gác bầu trời
Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành
Hạt giống cách mạng đã nảy mầm, nảy mầm xanh tươi 

(ĐK)
Quảng Bình quê ta ơi...
Giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu qúy.
Quảng Bình quê ta ơi...
Muôn người như một gửi về Trị - Thiên tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ... về trong một nhà.

https://baoquangbinh.vn/van-hoa-van-nghe/201701/voi-tac-gia-ca-khuc-quang-binh-que-ta-oi-2142352/ 

Với tác giả ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi"

Chủ Nhật, 29/01/2017, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định: “Không thể xếp thứ tự cho những đứa con của mình, cũng như các tác phẩm của tôi. Chỉ biết rằng, Quảng Bình quê ta ơi là bài nổi bật nhất trong 1964 và suốt về sau này. Đây là một tác phẩm được viết với những cảm xúc đặc biệt, có những sự sáng tạo nhất định và quan trọng nhất là trụ được theo năm tháng trong lòng khán giả”.

 

Nhạc sĩ Hoàng Vân.

“Đứa con cưng” của nhạc sĩ

Cuối năm 2016, nhạc sĩ Hoàng Vân đã dành cho phóng viên Báo Quảng Bình cuộc trò chuyện về ca khúc này. Ông kể lại rằng: Năm 1964, tôi đi thực tế ở Quảng Bình. Thời gian đầu năm, Quảng Bình vẫn rất thanh bình, bà con nông dân hăng say sản xuất.

Đến 5-8-1964, xẩy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam, trong đó có Quảng Bình. Đợt ném bom đầu tiên, lúc đó, tôi đang ở trận địa của Hải quân Việt Nam và bài Quảng Bình quê ta ơi đã ra đời trong bối cảnh ấy.

Nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết, dưới làn bom đạn, người dân Quảng Bình vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng say lao động sản xuất mà vẫn lạc quan, yêu đời. Chính điều đó đã gây cảm xúc mạnh trong ông và những lời ca, nốt nhạc cứ thế bật nẩy, tuôn trào một cách hết sức tự nhiên, đầy xúc cảm.

Ngay sau khi viết xong bài hát, tôi đã ra ngay Hà Nội, dàn dựng và thu tác phẩm này với hợp xướng, dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam tại 58 phố Quán Sứ cùng với ca sĩ Kim Oanh. Đây là ca sĩ đầu tiên đã hát bài này và cũng là ca sĩ mà tôi thích nhất hát Quảng Bình quê ta ơi cho đến nay. Bài hát trở nên rất nổi tiếng, phổ cập ngay lập tức và sau khoảng 2 năm thì tôi đã có vinh dự được biểu diễn báo cáo tác phẩm này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và toàn bộ Bộ chính trị. Cũng vì bài hát này mà Tỉnh uỷ Quảng Bình đã tặng thưởng cho tôi một chiếc đài bán dẫn của Liên xô rất giá trị, nhạc sĩ Hoàng Vân cười hóm hỉnh khi nhắc lại kỷ niệm cũ.

Sức sống mãnh liệt của Quảng Bình quê ta ơi

Nhạc sĩ Hoàng Vân cho rằng, Quảng Bình quê ta ơi có ảnh hưởng bởi chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, nhưng nhạc sĩ hoàn toàn sử dụng một cách rất chủ động và biến hoá theo phong cách của mình. Đó không phải là sự copy một làn điệu dân ca và đặt lời mới như một số nhạc sĩ khác từng làm. Chính vì bài hát không mang một âm hưởng vùng miền nào rõ rệt nên đi đến đâu nó cũng được yêu thích.

Khi mượt mà, êm dịu như lời ru, khi tươi vui, khỏe khoắn, khi trĩu nặng hồi tưởng và suy tưởng, khi lại thân thiết mộc mạc như lời trò chuyện, dặn dò nhau, ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” đã thấm vào lòng người với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã tạo cho người nghe những cảm xúc sâu lắng, thiết tha, gợi lên hình ảnh về một miền quê đầy truyền thống anh hùng, đang từng ngày đổi mới.

“Cái độc đáo là tôi chưa nghe ai hát sai giai điệu ca khúc này bao giờ. Có những chỗ đả phách rất khó và gần như từ nào cũng phải luyến láy mà dân chúng hát rất đúng. Thật không lí giải nổi. Chỉ có thể là bởi bài hát quá hay, đã trở thành máu thịt trong tâm hồn người Quảng Bình”. Nhạc sĩ Dương Viết Chiến đã khẳng định như vậy khi nói về ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân.

“Người sáng tác âm nhạc, nếu không giỏi ca từ, khi viết sang lời 2 là khó rồi nhưng ở đây, nhạc sĩ Hoàng Vân viết 3 lời mà vẫn không tiếng nào bị ép bởi nốt nhạc, vẫn tròn vành rõ chữ. Ông quá giỏi!”, nhạc sĩ Dương Viết Chiến nhấn mạnh thêm. Ông cho rằng, ca khúc đã sử dụng chất liệu hò khoan Lệ Thủy một cách biến hóa, nhuần nhuyễn và mang âm hưởng của ngữ điệu Quảng Bình với những phần luyến láy câu chữ rất đặc trưng.

Thời chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi vào bộ đội, nghe giọng nói là đồng đội đã hỏi: “Cậu có phải ở Quảng Bình quê ta ơi không?”... Và trong tâm thức người Quảng Bình, từ lâu, Quảng Bình quê ta ơi đã được coi là “tỉnh ca” của quê mình.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của Quảng Bình đặc biệt yêu thích bài hát này. Người ta vẫn kể, trong những ngày điều trị tại Bệnh viện 108, chị em điều dưỡng viên vẫn thường mở bài Quảng Bình quê ta ơi cho Đại tướng nghe. Những lúc ấy, mắt ông thường rơm rớm lệ.

Vào những năm chống Mỹ, từ già đến trẻ ai cũng thuộc bài này. Cho đến tận bây giờ, tại các sự kiện trọng đại của tỉnh, ở những hoạt động nghệ thuật quần chúng trên mọi miền quê hay trong những buổi giao lưu, gặp gỡ thì giai điệu “Quảng Bình quê ta ơi” luôn được cất lên với niềm tự hào. Quảng Bình quê ta ơi cũng đã được nhiều ca sĩ chọn để hát trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên với những cách thể hiện khác nhau, càng cho thấy sức sống mãnh liệt của ca khúc này.

“Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi”

Trong đợt lũ giữa tháng 10-2016 vừa qua, nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân đã chia sẻ trên mạng xã hội bức ảnh chụp những dòng chữ của cha mình gửi tới Quảng Bình vào đợt lũ năm 2010: “Xin hãy cho tôi được bày tỏ lòng cảm thông và chia sẻ chân thành nhất đến Quảng Bình vô cùng yêu dấu của tôi. Hoàng Vân- tác giả ca khúc Quảng Bình quê ta ơi”.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi cho biết, anh thấy mình có trách nhiệm đặc biệt với Quảng Bình. Hè năm ngoái, khi bố anh bị ốm nặng, lãnh đạo ngành Văn hóa của Quảng Bình ra Hà Nội thăm sức khoẻ ông, anh và gia đình rất cảm động. Qua ca khúc Quảng Bình quê ta ơi, anh cảm nhận được tính nhân văn, bình dị trong lời ca, và sâu lắng tình cảm mà cha anh dành cho mảnh đất, con người Quảng Bình. Anh nói, mình đã từng có dịp ghé Quảng Bình và hẹn sẽ có một ngày quay lại đây.

“Tôi đã đi nhiều vùng miền, sáng tác hàng trăm ca khúc về những nơi đó, về các ngành nghề... Nhưng Quảng Bình quê ta ơi có lẽ là 1 trong những ca khúc mà chính tôi, người dân Quảng Bình và nhân dân cả nước yêu thích và luôn luôn hát nó với một tình cảm qua nhiều thế hệ. Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi”, nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh 24 tháng 7 năm 1930, bút danh là Yna. Ông nổi tiếng với những ca khúc rất phong phú, đa dạng cả về nội dung, đề tài, thể loại và mang giá trị nghệ thuật cao như Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Bài ca xây dựng, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò, Chào anh giải phóng quân, Em yêu trường em... Ngoài sáng tác ca khúc, ông còn viết nhiều tác phẩm hợp xướng, khí nhạc; viết nhạc cho phim và tham gia công tác giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội.

Ông đã đạt được những giải thưởng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác, trong đó có Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Cả hai người con đều tiếp nối con đường nghệ thuật của ông. Con gái Lê Y Linh là tiến sĩ âm nhạc tại Pháp. Người con trai thứ là giáo sư, nhạc trưởng Lê Phi Phi, hiện đang làm giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng nước Cộng hòa Macedonia.

Trần Hương Lê

 

Và những bài báo khác

https://nhandantv.vn/quang-binh-que-ta-oi-n28938.htm 

http://vnmusic.com.vn/p875-nhac-si-hoang-van-voi-quang-binh-que-ta-oi.html

https://vnexpress.net/giai-tri/quang-binh-que-ta-oi-bai-hat-yeu-thich-nhat-cua-dai-tuong-2894038.html

 https://news.zing.vn/tac-gia-quang-binh-que-ta-oi-chia-se-ve-tuong-giap-post359816.html 

Nghe các bài khác

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam