(QBĐT) - Nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại rất nhiều ca khúc nổi tiếng cho công chúng trên các lĩnh vực, ngành nghề, các mặt trận và các địa phương. Có thể kể ra một số ca khúc tiêu biểu: Quảng Bình quê ta ơi!, Hát về cây lúa hôm nay và bài Tình yêu đất và nước, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Tình ca Tây Nguyên, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Hai chị em và Chào anh Giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng... Đặc biệt bài Người chiến sĩ ấy, có thể nói là một tác phẩm âm nhạc dạng chính ca đầy đặn, trọn vẹn viết về người chiến sĩ.
Vào đầu bài hát, hình tượng người chiến sĩ đã được nhạc sĩ khẳng định với mọi người rằng: "Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh, không thể nào quên! Không thể nào quên!". Hình tượng người chiến sĩ nổi bật, lớn lao, cao thượng, nhưng lại rất giản dị, gần gũi, mà ai trong chúng ta như cũng đã gặp trên con đường đấu tranh cách mạng: "Bao nhiêu năm trường trên đường Cách mạng anh vẫn đi đi mãi không ngừng"...
Theo dòng lịch sử, qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, người chiến sĩ là nhân vật trung tâm của cuộc chiến. Trên khắp mọi miền đất nước, ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người con tạm biệt người thân, tạm biệt quê hương để lên đường cầm súng đánh giặc. Họ đã chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh để chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thực hiện lý tưởng cao quý của Đảng, Bác Hồ và nhân dân.
Hình tượng người chiến sĩ được nhạc sĩ Hoàng Vân xây dựng trong ca khúc Người chiến sĩ ấy-sáng tác năm 1969, khi mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tròn một phần tư thế kỷ xây dụng, chiến đấu và trưởng thành, từ Nà Ngần, Phay Khắt đến Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là những người con của nhân dân, mang dòng máu yêu nước và khí phách hào hùng bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau cầm súng chiến đấu với quân thù xâm lược, giành lại Tổ quốc giang sơn.
Trong những năm mặc áo lính, người chiến sĩ Quân đội nhân dân đã xuất hiện thần kỳ trên những con đường cách mạng. Các anh đã cầm súng chiến đấu từ vùng núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn và trên cả hai miền đất nước khi Tổ quốc còn bị chia cắt: "Bao nhiêu năm trường lên rừng xuống biển, trên núi cao hay dưới đồng bằng, không có nơi nào anh vắng mặt"... "Rừng cây nào trên chiến trường anh nghỉ? Thành phố nào ánh sáng điện thức trắng đêm? Dâng cả cuộc đời anh cho hai miền đất nước"...
Người chiến sĩ luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, làm tốt công tác dân vận, tình cảm quân dân - tình cảm cá nước: "Anh ở bà con thương, anh đi bà con nhớ". Anh đã dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Nhân dân thương nhớ và biết ơn các anh ví như "Rừng bao nhiêu lá thương anh biết mấy! và "Đồng bao nhiêu nước thương anh biết mấy! Lớp lớp đời sau nguyện nhớ suốt đời!"...
Trong suốt những năm cầm súng đánh giặc, người chiến sĩ cũng đã từng bị "Đạn quân thù đã mấy lần rách áo anh", hoặc có khi bị địch bắt, tra tấn, tù đày: "Vào ra tù đã mấy lần anh nhỉ?"... Nhưng tất cả những khó khăn, gian khổ ấy không thể nào làm lung lạc ý chí kiên cường và bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, mà càng làm cho nghị lực người chiến sĩ cách mạng cao cả, phi thường và càng thêm vĩ đại.
"Người chiến sĩ ấy", nhạc sĩ Hoàng Vân không viết về một người chiến sĩ cụ thể nào, nhưng chúng ta cảm thấy như đã gặp gỡ, gần gủi, thân thuộc với anh trên khắp các chiến trường và trong suôt cả quá trình đấu tranh cách mạng, kể từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1944.
Hình tượng người chiến sĩ-hiện thân lý tưởng cách mạng tiến công của Đảng, Bác Hồ và của dân tộc. Người chiến sĩ ấy là một ca khúc về truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân. Bài hát viết ở cung mi trưởng, trên hoá biểu có 3 dấu giáng là si giáng (sib), mi giáng (mib) và la giáng (lab). Câu vào đầu, tác giả sử dụng nhịp 3/4 tốc độ chậm vừa, sau đó vào nhịp 2/4 hùng tráng, tự hào cho toàn bài. Với 2 lời ca, bài hát đã xây dựng khá hoàn chỉnh hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân gần gũi, mộc mạc mà cao quý và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Qua bài hát, chúng ta thấy được niềm lạc quan cách mạng, lòng kiêu hãnh biết bao khi được làm người chiến sĩ Quân đội nhân dân cầm súng đánh giặc, giữ nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự thương yêu đùm bọc của nhân dân.
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, còn có bút danh là Y- na, sinh ngày 24-7-1930 tại Hà Nội. Từ năm 1946 ông đã từng tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên Tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, tham gia tuyên truyền, làm báo và công tác địch vận trung đoàn, sư đoàn, sau đó phụ trách nghệ thuật văn công Sư đoàn 312. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học ở tại Nhạc viện Bắc Kinh - Trung Quốc. Tốt nghiệp ông được cử về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (cho đến năm 1989). Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là Trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại hội cho đến năm 1996. Hiện ông đã được nghỉ hưu tại quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
Bài hát Người chiến sĩ ấy cùng với các bài Quảng Bình quê ta ơi!, Tôi là người thợ lò, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân,... đã xứng đáng để nhạc sĩ Hoàng Vân nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật do Nhà nước phong tặng.
Nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác ca khúc Người chiến sĩ ấy, khi ông 39 tuổi. Đã 45 năm ra đời, bài hát vẫn luôn vang mãi trên các sân khấu chuyên nghiệp cũng như nghệ thuật quần chúng khắp cả nước. Hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ còn sống mãi, trẻ mãi cùng với tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Vân và ca khúc Người chiến sĩ ấy.
Nhạc sĩ Dương Viết Chiến, báo Quảng Bình điện tử.
Xem nguyên bản bài báo trên link sau đây: https://baoquangbinh.vn/van-hoa-van-nghe/201612/hinh-tuong-nguoi-chien-si-trong-ca-khuc-nguoi-chien-si-ay-cua-hoang-van-2141265/