Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay
Người Hà Nội, số 90, 1988. Chử Văn Long thực hiện
Phóng viên (P.V.) : Câu hỏi 1 : Xin anh cho biết không khí chung trước khi bươc vào Đại hội âm nhạc lần này ?
Nhạc sĩ Hoàng Vân (H.V.) : Trả lời : Tôi tin vào trách nhiệm của Ban chuẩn bị Đại hội và những cố gắng đóng góp của toàn thể anh chị em Hội viên trên những vấn đề chính của xã hội đang đặt ra trước giới sáng tác và lý luận âm nhạc phải đáp ứng trong Đại hội. Dù sao cũng có mâu thuẫn giữa « cái mong muốn » và « cái có thể », nhiệm vụ thì lớn lao mà thực lực và vật chất còn hạn hẹp. Nhưng mọi việc đều được tiến hành theo như dự kiến. Đại hội sẽ là sự phản ánh thực trạng trình độ của giới âm nhạc hôm nay.
Câu hỏi 2 : Điều gì anh tâm đắc nhất về lý luận, tổ chức của Hội sau khi thông qua Đại hôi, sẽ quyết định đời sống, sác tác của Hội viên ?
Trả lời : Mong muốn cao nhất là được sông bằng lao động, bằng sáng tác và lý luận. Đó là một việc rất cấp thiết, nhưng không phải được giải quyết từ phía tổ chức Hội, mà từ phía từng tác giả là chính. Tổ chức hội phải có những chính sách và biện pháp để đảm bảo và phát huy sức sáng tạo của hội viên. Trước mắt là vấn đề cải tiến chế độ nhuận bút và tiến tới những hợp đồng sáng tác có chất lượng và hiệu quả cao, ở cả trong nước và với nước ngoài.
Câu hỏi 3 : Không khí đổi mới trong âm nhạc thể hiện như thế nào ?
Có hai đối tượng cần đổi mới trong âm nhạc. Một là con người làm công tác âm nhạc, hai là, các tổ chức có nhiệm vụ quản lý con người và công tác âm nhạc. Về phía các nhạc sĩ thì đây là một thời điểm đầy thử thách đối với sự tiến bộ và tồn tại của từng cây bút. Và đương nhiên công việc sáng tạo luôn luôn có ý nghĩa khám phá và phát hiện những cái mới. Nhưng khó hơn vẫn là các cơ quan quản lý con người và công việc sáng tạo của họ. Mọi lĩnh vực trong xã hội đang phát triển biến dộng từng ngày, trong đó mọi chuyển động của tổ chức Hội phải có khả năng thích ứng và điều tiết, gắn liền với những nhu cầu xã hội. Theo ý riêng của tôi, chỗ thiếu sót cần bổ khuyết kỳ này chính là ở chỗ mọi thể loại âm nhạc phải có liên hệ mật thiết với đời sống xã hội, bởi vì khi tâm lý khao khát chuyên sâu nghề nghiệp trở thành phổ biến thì sẽ xuất hiện khuynh hướng « nhà nghề » và những « mê cung kỹ xảo ». Mọi cây bút đều phải tìm được chỗ đứng của mình. Mọi thể loại âm nhạc phải tìm đến công chúng, mới có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Ngay cả các nhà lý luận, và công tác sư phạm cũng vậy. Bởi vì, những nhân tố mới trong sự phát triển xã hội đang ló rạng. Nó sẽ sàng lọc và chấp nhận những gì tích cực, phù hợp với xu thế đổi mới. Nguy cơ xa rời truyền thống và lý tưởng thẩm mỹ là có thật. Trong vòng một năm qua, do nhận thức được rõ thực trạng, Hội Nhạc sĩ đã cố nắm bắt những động lực mới xuất hiện. Liên hoan âm nhạc dân tộc, âm nhạc khí nhạc, các giọng hát trẻ tài năng, những chương trình mới của các nhà hát… và những tác phẩm rất dễ thương của nhiều tác giả trẻ có triển vọng… Anh có hỏi tôi về cái mạnh, cái yếu của âm nhạc hôm nay ? Xin thưa, cái mạnh là sức sáng tạo và tài năng dồi dào, còn cái yếu là sức chứa của các cơ quan quản lý chưa dung nạp và phát huy được thế mạnh nói trên.
Câu hỏi 4 : Dân tộc ta có những nghệ sĩ biểu diễn tài năng như Đặng Thái Sơn, nhưng có bao người hiểu được tiếng đàn tuyệt diệu ấy ? Theo anh có cách nào rút ngắn được khoảng cách cho nhân dân có được trình độ phổ cập âm nhạc, để có thể hưởng thụ được món ăn tinh thần chung của nhân loại, mà nhiều nước đã làm được từ lâu ?
Trả lời : Cách đây 50 năm, rất ít người Việt Nam biết đến Goethe, Tolstoi. Bây giờ số độc giả kinh điển nước ngoài tăng lên nhiều. Biết tìm và đọc là một chuyện, đọc rồi hiểu đến đâu lại là một chuyện khác. Từ Leonard de Vinci dến Pablo Picasso có những ai ? Xem tranh và hiểu biết tác giả và những giá trị lớn trong nghệ thuật quả không đơn giản, trong âm nhạc cũng vậy.
Các nước Tây Âu phát triển trong khoảng trên dưới 300 năm qua, cho đến nay, những thính giả của nhạc kịch và âm nhạc giao hưởng vẫn chỉ là những lớp người hạn chế. Mặc dù có những hoạt động tích cực của rất nhiều Hội truyền bá âm nhạc. Tôi xin nói mấy ý trên để ta cùng suy ra nguyên nhân của khoảng cách giữa Đặng Thái Sơn và công chúng hôm nay. Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ sự đồng cảm chân thành với các nhạc sĩ làm công tác lý luận, đang đảm đương gánh nặng truyền bá âm nhạc trong thính giả nước ta. Đó là một công việc hết sức lớn lao. Tôi mong có được những nhóm nghệ sĩ như nhóm 5 nhạc sĩ người Nga của thế kỷ trước, vừa sáng tác, vừa truyền bá âm nhạc rộng rãi trong mọi tầng lớp công chúng. Cuối cùng, còn một động lực quan trọng trong sự phát triển nền âm nhạc nước nhà là sự phát triển dân trí, mà nền tảng của nó là trình độ dân chủ hóa. Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ này, anh em còn nói nhiều về những vấn đề kinh tế liên quan đến việc phát triển sự nghiệp âm nhạc, trong đó như hai năm vừa qua, những khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng không ít đến công việc sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Những thiết chế văn hóa âm nhạc đồ sộ đối diện với thực tế đổi mới, đầy rối ren và khắc nghiệt đã phát sinh ra nhiều câu hỏi, trong đó, nhiều người đang còn như ngái ngủ sau giấc mơ bao cấp, bừng con mắt tỉnh dậy, vẫn còn chưa nhận biết được hết những gì mà đời sống xã hội đang đặt ra cho những người làm công tác âm nhạc và các cơ quan quản lý. Nhưng tôi tin rằng, chính các nhạc sĩ, những người lao động sáng tạo chuyên cần lại nhìn thấy rất rõ, bởi vì chính họ, và công việc của họ đã hàm chứa đáp số cuối cùng. Dù cao hay thấp, trước những nhu cầu âm nhạc của thời kỳ đổi mới đang và sẽ đặt ra. Trong đó, việc giáo dục âm nhạc cho trẻ em rất cần được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Câu hỏi 5 : Gần đây Hà Nội tổ chức những đêm nhạc, giới thiệu một số ca khúc viết trước chiến tranh chống Pháp, của một số nhạc sĩ. Ban đầu sôi nổi, nhưng rồi lắng xuống, theo anh nên nhìn kết quả những đêm nhạc ấy thế nào ?
Trả lời : Những tranh cãi về vấn đề này chính là tiền đề để xác định một cách nhìn của khoa học lịch sử, trong một chương của bộ lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nếu quan niệm như tôi nghĩ, thì mọi kết luận cuối cùng về từng bài, e rằng còn hơi sớm. Bức tranh toàn cảnh về âm nhạc trước năm 1945 (trong câu hỏi của anh đặt ra thì phải nói là trước năm 1947), nghĩa là gồm cả những sáng tác trong năm 1945 và 1946 khi Cách mạng tháng Tám đã thành công. Bức tranh toàn cảnh đó còn cần một khoảng lùi thời gian nữa, mới đủ sức nhìn thấy, đặng rút ra những bài học lịch sử, một cách khách quan và khoa học. Riêng về một số bài hát trữ tình vừa qua đã trình diễn và giới thiệu mà báo chí đã có dịp nói tới, tôi xin tạm thâu tóm mấy cách nhìn nhận như sau :
Tôi xin được miễn bình luận thêm. Chúng ta đều biết trong lịch sử âm nhạc có những chu kỳ tái hiện từng thời gian nhất định của những tác phẩm có sức bền nhất định sự tái hiên đó tùy thuộc vào khí hậu chính trị và tâm lý xã hội đương thời, và những chu kỳ tái hiện sự hâm mộ của những tác phẩm trong quá khứ, chính là thước đo giá trị bền vững đích thực của bản thân tác phẩm.
Như thế thì cách nhìn thẳng vào giá trị nghệ thuật của tác phẩm là cách nhìn khoa học hơn cả. Tôi chỉ có thêm một ý nghĩ là danh mục những tác phẩm và tác giả hình như còn sót nhiều bài của những người khác, hai nữa là cách trình diễn thiếu trung thực, không đúng phong cách hát và nhạc của thời kỳ 1930-1936, thời kỳ 1936-1940 và 1949-1946. Đó là thời kỳ du nhập và manh nha của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc Việt Nam. Và, mặc dù còn rất thô sơ và yếu ớt, nó có một hàm lương nhất định của ý thức nhân văn và dân chủ.
Tạp chí Âm nhạc, số 2, 1996
Nếu hiểu rằng gần sáu mươi năm qua chúng ta đã có một nền âm nhạc mới, hoặc có được nền móng đầu tiên của một nền âm nhạc mới, thì nền âm nhạc đó chính là sự hóa thân, sự cố gắng hòa nhập của « cái tôi » nô lệ vào cái tập thể cách mạng, của mấy thế hệ nhạc sĩ. Vì vậy cho nên khi xét về giá trị riêng của từng tác phẩm hoặc từng tác giả thì có nhiều tranh cãi, nhưng nhìn chung cả bộ mặt âm nhạc thì thấy được. Dẫu sao, cũng chỉ là « ở nhà nhất mẹ nhì con ! ». Trong gần một vạn hội viên đó, ác hại thay, cộng đồng nhân loại vẫn tiếp tục tìm kiếm những giá trị tiềm ẩn trong sức sáng tạo mang tính cách rất riêng biệt của từng con người văn nghệ sĩ. Biết rằng, cuộc tìm kiếm đó đã có lịch trình hơn hai thế kỷ từ khi chủ nghĩa cá nhân với mọi mức độ cao thấp của con người được giải phóng cùng với các cuộc cách mạng đã và đang đi vào những thời kỳ phát triển cao sâu về cá tính sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Như thế, bằng mối tương quan ngược chiều đó, đã phác họa ra một không gian âm nhạc. Tần số âm thanh trong không gian âm nhạc có thể đo đếm được theo nghĩa đen. Không còn là chuyện viễn tưởng hay tranh hài hước : vắt sữa bò, đánh cá ; từ cao đơn hoàn tán đến thánh ca… Sự có mặt của âm nhạc ở bất kỳ đâu cũng tạo nên một không gian âm nhạc lớn nói trên. Giữa chúng, có những tác động tương hỗ.
Thời thượng : Có nhiều cách hiểu về tính thời thượng trong âm nhạc. Xét về tâm lý, đó là tâm lý chuộng lạ. Nếu đúng như thế, thì trong lịch sử âm nhạc đã có nhiều thời kỳ mà những giá trị đích thực tỏ ra lu mờ trong cái biển quảng cáo tràn ngập những « tác phẩm hàng hóa theo thời trang ». Ngay như những cây bút có tiếng là đứng đắn thì những bài « lăng xê mốt » của họ cũng được xem như hàng hóa đến mức phổ biến như một nghề trong « làng lý luận ». Và có cả những học gia đầy quyền uy cũng bầy trên giá sách của mình những đĩa hát, băng nhạc mà trong thời điểm nào đó ai mà không nghe, không khen thì đều là hạng « tai trâu » cả.
Cùng với thời gian, vỏ bọc của sự lẫn lộn càng ngày càng dày đặc được nhân lên bởi những hệ thống thông tin đại chúng khổng lồ. Từ hàng trăm năm nay, giới mộ điệu trên khắp thế giới đã luôn than tiếc cái thời thưởng thức tao nhã, thanh khiết của những không gian âm nhạc lý tưởng. Nhưng, một mặt khác, xét về mặt xã hội việc tạo ra « mốt » thời thượng trong việc truyền bá âm nhạc không phải là không có tác dụng tích cực. Nó chứng tỏ năng lực sáng tác âm nhạc của loài người dồi dào hơn – hay được vắt kiệt một cách nhanh hơn – khiến cho thời thượng mang thêm đặc tính tái hiện có chu kỳ về những hình thức của chủ đề và ngôn ngữ âm nhạc như : Sự cô đơn, tình yêu tam giác, cái chết… Những tác phẩm âm nhạc bắt nguồn từ đề tài tôn giáo hoặc những tư tưởng triết học đủ màu sắc – nơi mà được các đồng nghiệp xem như những « thánh địa » biệt lập với âm nhạc thế tục – lâu dần cũng tạo ra những trình thức. Giống như xuân, hạ, thu đông : mai, lan, cúc, trúc của phương Đông là những mô-típ muôn thuở và tái hiện có tính chu kỳ theo thời thượng. Nhạc nhẹ bất kỳ hay dở, phải hát bằng tiếng Anh. Nhạc nghiêm túc càng có màu sắc thần bí tôn giáo càng cao siêu, nếu có hát, nhất thiết phải bằng tiếng La tinh và nếu có sự hiện diện của computer (Electronic and computer music with instruments) thì là rất sang trọng.
Cuộc tranh luận về tính kịp thời trong âm nhạc nước ta trước đây thực chất cũng nằm trong quỹ đạo của vấn đề thời thượng. Không còn nghi ngờ gì – âm nhạc hay nói riêng ca khúc – chỉ có thể được hưởng sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng nếu nó cập nhật hóa được những cảm xúc lớn lao của xã hội của thời đại. Ở Âu châu, đã từng có câu nói : « Buổi sáng đọc báo, còn buổi tối ở tiệm cà phê » cho những ai muốn biết thời sự mới nhất. Những nhạc sĩ ứng tác ở tiệm Café-Concert có thể hát về đảo chính ở Chi-lê, về động đất hay núi lửa phun ở đâu đó… Và điều then chốt nhất vẫn là tài năng người nghe chỉ có thể nghi ngờ tài năng của nghệ sĩ, chứ không ai nghi ngờ gì về sự kịp thời của những ca khúc.
Và, chúng ta cũng không nên quên rằng, thời đại của tháp ngà, của những micro-mondes, của Bá Nha đi tìm một Tử Kỳ đã qua từ lâu rồi.
Tác giả và tác phẩm mới : Sự nhân danh cái cao siêu để bài bác cái gọi là âm nhạc của số đông ngày càng ít được chứng thực và do đó càng ngày càng ít được ủng hộ. Trong thế kỷ này, sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, không gian âm nhạc vẫn còn trong tình trang cát cứ, phân tán. Đây là thời gian mà vàng thau, thật giả lẫn lộn một cách đáng sợ. Nhưng từ sau cuộc Đại chiến thế giới thứ hai cho đến nay thì tình hình đã thay đổi. Sự phát triển chưa từng có của các phương tiện kỹ thuật truyền bá âm nhạc, cùng với các phương tiện khác đã đưa đến rất nhiều thay đổi căn bản trong hoạt động âm nhạc. Trước hết quyền uy của các nhạc sĩ lớn trên nhạc đàn bị tước bỏ và chuyển sang tay các média. Nhưng sau đó để bù lại, do phương thức hàng hóa hóa (thương phẩm hóa) tác giả được đánh giá công bằng hơn, được đãi ngộ tốt hơn. Không còn tình trạng vàng thau lẫn lộn, hàng thật, hàng giả. Đấy là nói về cơ chế. Bên trong cơ chế đó đương nhiên tồn tại nhiều vấn đề : mục đích, đối tượng v.v… một khi mà tác phẩm được công bố rộng rãi thì bức màn khói suy tôn thần tượng cục bộ cũng không còn tồn tại. Số lượng tác phẩm bao nhiêu cũng không đủ cho sức tiêu thụ của các média có tính chất toàn cầu. Chỉ nói riêng sức ngốn của đài vô tuyến truyền hình về các chương trình âm nhạc từ dân gian thô sơ như chiếc kèn bằng lá cây, cho đến những tác phẩm có quy mô đồ sộ được diễn cùng lúc 200 chiếc đàn dương cầm thì cũng đều được tiêu thụ bằng hết. Bình đẳng và công bằng. Như thế liệu có « tục » quá không ? « đói » quá không ? Muốn nói gì thì nói cũng phải có cái thứ âm nhạc « cao đạo » chứ ? Vâng đúng là có chỗ. Đó là những nhà hát lớn (Bolchoi, Broadway…), của quá khứ và hiện tại. Đây là chỗ tôn nghiêm, và cũng khá xa xỉ, vì giá trị nghệ thuật được tính thành tiền, là nghệ thuật đỉnh cao. Nhưng có điều đáng chú ý là chìa khóa của nó nằm trong tay một số ít những tài năng lớn, với sự thẩm định khắt khe.
Như thế là mọi không gian âm nhạc đòi hỏi sức sáng tạo của đủ mọi thể loại. Người nhạc sĩ từ những cộng đồng người tự hát ca, tự biểu diễn cho cộng đồng của mình ; coi đó là hưởng thụ và đã tiến hóa thành một nghề hát ca và biểu diễn cho những cộng đồng lớn đang đồi hỏi hưởng thụ ở mức độ rất cao. Đó là nền âm nhạc chuyên nghiệp hôm nay.
Đã có bốn thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Những gì đã làm được còn quá ít. Tác giả và tác phẩm giờ đây đang manh nha trong những không gian âm nhạc rất mới mẻ. Động lực quan trọng nhất là tài năng và điều kiện để phát triển tài năng và tính công dân, tính Đảng luôn luôn là những chuẩn mực lý tưởng cân bằng với trình độ dân chủ hóa cao, không có ngoại lệ.