Bài báo do nhạc sĩ viết

Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua (2010)

24/03/2021   684

NHẠC SĨ HOÀNG VÂN : Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua

Sau đây là một bài phỏng vấn nhạc sĩ về bức tranh toàn cảnh của âm nhạc đương đại Việt Nam vào năm 2010 do nhà báo Thu Hiền thực hiện cho tạp chí Hồn Việt

Thưa nhạc sĩ, ông có nhận xét gì về bức tranh toàn cảnh của âm nhạc đương đại Việt Nam

Nhìn một cách tổng quát thì thời nào thế ấy. Thế hệ chúng tôi sống trong chiến tranh nên âm nhạc để phục vụ chiến đấu, còn trong thời bình như bây giờ âm nhạc để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân (nói nôm na là phục vụ giải trí). Nói về âm nhạc thì lại phải nói đến hai vấn đề là Sáng tác và Biểu diễn. Nhìn những sáng tác bây giờ tôi thấy có những khó khăn nhất định. Đó là nhiều người sáng tác trẻ vẫn rất bối rối khi xâm nhập vào đời sống của xã hội đương đại nên không biết sáng tác cái gì ? Không bám sát cuộc sống hoặc bám sát cuộc sống mà không biết viết thế nào cho hay, để đi vào lòng người mà vẫn phù hợp với thực trạng cuộc sống. Sáng tác ít dẫn đến việc người biểu diễn không có cái mới để diễn, mà sáng tác và biểu diễn có liên quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, cả hai đều đang gặp phải khó khăn như nhau.

Nhiều người nhận xét rằng, ngày xưa, thế hệ nhạc sĩ sáng tác được rất nhiều bài hát hay, nhưng « bài ca đi cùng năm tháng » có sức sống bền bỉ với thời gian và đi sâu vào lòng người. Còn bây giờ, nhiều bài hát nghe xong là quên, không để lại chút ấn tượng gì với người nghe nhạc. Phải chăng, các nhạc sĩ trong quá khứ giỏi hơn các nhạc sĩ đương đại ?

Tôi phải khẳng định rằng, trong hoạt động nghệ thuật, muốn thành công phải có tài năng. Nhưng tôi không cho rằng thế hệ các nhạc sĩ ngày xưa giỏi hơn các nhạc sĩ trẻ bây giờ. Không thể phủ nhận được họ đều là những người có tài năng. Nhưng ngày xưa chúng tôi làm cái gì viết về cái đó nên nó hay. Ví dụ như tôi làm giáo viên thì tôi viết Bài ca người giáo viên nhân dân mọi người cho là hay. Hay khi tôi chứng kiến cảnh bom đạn ở Quảng Bình thì tôi viết Quảng Bình quê ta ơi thì cũng được oi là hay… Tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề ở chỗ, tất cả mọi quốc gia đều có thời kỳ lập quốc (phần lớn đều phải trải qua các cuộc cách mạng, chính biến). Việt Nam chúng ta cũng vậy. Và cái thời kỳ lập quốc ấy được gọi là gốc rễ. Gốc rễ thì thường có sức sống mãnh liệt nên những bài hát sáng tác trong thời kỳ ấy có thể « đi cùng năm tháng », vì nó là gốc của nghệ thuật nên có giá trị rất lớn.

Chuyển từ thời chiến sang thời bình, chúng ta phải đối mặt với khá nhiều khó khăn như vấn đề đô thị, vấn đề sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… nên chúng ta chưa thật sự đưa được cuộc sống vào âm nhạc. Chứ còn về nguyên lý đơn thuần, tôi vẫn luôn tin rằng « ngày hôm nay luôn tốt hơn ngày hôm qua ».

Ông nói rằng « thời nào thế ấy », vậy các nhạc sĩ bây giờ muốn phát triển được thì cần những yếu tố gì ?

Thời đại bây giờ, cái gì người ta cũng cần sự NGẮN GỌN, SẮC SẢO, và MỚI LẠ. Mà muốn có được những cái này thì lại phải hình thành được một hệ thống tư duy mới. Mà hệ thống tư duy mới này lại không thể hình thành trong một sớm một chiều. Cái mới như một trái núi lớn đang đè nặng lên tất cả mọi người, đòi hỏi chúng ta phải khám phá, phải xử lý nó như thế nào ? Nhưng không phải lúc nào mới cũng là hay. Mới nhưng phải sắc sảo và ngắn gọn. « Thời buổi tên lửa » này ai mà có thời gian nghe chúng ta kể lể dài dòng nữa ? Vì vậy muốn làm được âm nhạc mưới phải tạo được một hệ thống tư duy mới.

Họ - tức là lực lương sáng tác trẻ bây giờ - đa đạt được khoảng bao nhiêu phần trăm những điều mà ông cho là cần thiết – cái gọi là hệ thống tư duy mới ấy ?

Thẳng thắn mà nói thì những người trẻ tuổi chưa thể biết được hết những điều đó. Trẻ nên vẫn còn sống rất bản năng vì thế nên chứa đựng nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng hay nhầm lẫn. Họ không dễ gì để nhận ra và thực hiện được cái MỚI, NGẮN GỌN và SẮC SẢO ấy. Nhưng trong 10 năm trở lại đây, tôi thấy họ đã có những tiến bộ rất đáng kể. Có những người đã phát huy được năng khiếu của mình và trưởng thành tốt đẹp. Sự trưởng thành của họ là cộng dồn từ những bước đi rất ngắn, rất gọn, trong 2 đến 3 năm một hoặc thậm chí trong từng năm một. Sự trưởng thành của họ là họ đã biết phải thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội, của thời đại. Cụ thể, ngoài đề tài cá nhân, nhiều bạn trẻ rất quan tâm tới những đề tài xã hội (như : hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, các hoạt động tôn giáo, giáo dục…). Tôi thấy có những bạn trẻ có những tư tưởng rất lớn lao (chứ không hoàn toàn chỉ là « anh anh – em em » như rất nhiều người thường nhận xét về lực lượng trẻ).

Ông có chia sẻ gì với những nhạc sĩ trẻ hiện nay ?

Tôi chỉ có một điều chia sẻ thế này : PHẢI HỌC. (Hiện tôi vẫn đang học tiếng Tây Ban Nha để nghe được những vở nhạc kịch viết bằng tiếng Tây Ban Nha). Phải học nhiều mới biết nhiều. Khong thể ỷ vào việc mình có tài năng mà không học. Nếu không học thì tài năng cũng sẽ bị thui chột. Vì vậy, phải học thật say mê thì mới có thể thành công được.

Xin cảm ơn nhạc sĩ

Thu Hiền thực hiện, tạp chí Hồn Việt 41 (tháng 11.2010), tr. 24

Bài viết liên quan

Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay (1988)

24/03/2021
Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay…

Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi (1987)

24/03/2021
Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi Thể thao – Văn…

NGUYỆN ƯỚC CHO NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM (2015)

24/03/2021
Nhạc sĩ Hoàng Vân: NGUYỆN ƯỚC CHO NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM…
NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC (1976)

NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC (1976)

21/11/2020
NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC Bài này…

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam