Bài báo do nhạc sĩ viết

Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi (1987)

24/03/2021   968

Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi

Thể thao – Văn hóa, số 34, 1987

Báo Thể thao – Văn hóa phỏng vấn nhạc sĩ HOÀNG VÂN, Trưởng ban sáng tác thanh nhạc – Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Phóng viên (P.V.) : Trong thời gian qua, nhiều nhạc sĩ trẻ đã xuất hiện và được Hội giới thiệu những chương trình của các tác giả đó. Anh có thể có nhận xét gì về đội ngũ mới này ?

Nhạc sĩ Hoàng Vân (H.V.) : Câu lạc bộ tác giả và tác phẩm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa cho « trình làng » năm cây bút sáng tác nhạc đương độ sung sức : Nguyễn Cường vạm vỡ với bộ râu rậm, say mê với những âm điệu Tây Nguyên, Trương Ngọc Ninh dang thư sinh, mang quân hàm đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam, với những điệu hát tâm tình của tuổi trẻ chiến sĩ, Cát Vận rất hăng hái và tự hào về những ca khúc chính trị của mình, Đặng Hữu Phúc với những bản tình ca hồn nhiên, tươi mát, và Trần Tiến, một cây bút « dấn thân » viết rất khỏe.

Tôi vốn không quen dùng khái niệm tác giả trẻ để chỉ các nhạc sĩ nói trên vì các anh trên hành trình sáng tác đã và đang tới những cột mốc khá xa so với điểm xuất phát. Mấy nét phác hoạc của tôi về từng người không thể nói là đầy đủ được vì âm nhạc là tiếng nói của trái tim, những gì mang đậm tình ngời bao giờ cũng đi thẳng vào trái tim công chúng, bất chấp không gian và thời gian. Mà nói đến trái tim, thì, than ôi !

« Nào ai biết được bến bờ của nó

Em là chủ của vương quốc ấy

Mà đã bao giờ em biết được đường biên giới của nó ở đâu ! »

(Tagore)

Nếu ai còn mang ấn tượng đã cũ là ca khúc của ta « duy lý » quá (chưa được thế đâu) thì hãy nên đến nghe những đêm nhạc của câu lạc bộ tác giả và tác phẩm…

P.V. : Chắc anh có ý nói về nét đổi mới trong âm nhạc hôm nay ?

H.V. : Trời ơi, anh định xếp tôi vào hạng xu thời hay sao mà hỏi thế ? Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật cả ngàn năm nay, luôn luôn và mãi mãi là một quá trình đổi mới.

« Cho em nắm tay anh

Nắm tay anh khi mùa xuân về

Cho em khát khao

Khát khao anh khi mùa xuân về…»

(Nguyễn Cường)

Hợp xướng của Cát Vân, Hạt mưaXuống chợ của Trương Ngọc Ninh, Ánh trăng rồi Ru con mùa đông của Đặng Hữu Phúc và cho dù là Xác con ve sầu nằm chết bên cửa sổ mùa thu của Trần Tiến đi chăng nữa thì những giới hạn của sự tìm tòi, sáng tạo trong thơ ca vẫn còn cần được mở rộng và khích lệ hơn nữa. Bởi vì mọi tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật không phải cái nào cũng thành công như nhau, nhưng vẫn phải kiên trì dũng cảm sáng tạo và hứng chịu những búa rìu của dư luận.

Vì thế nên những tác phẩm trình bày gần đây có một nét chung là đã tự phá vỡ được cái vỏ bọc « giả duy lý » để tiếp cận với chính mình và những cảm xúc đích thực là của mình. Vì con đường của âm nhạc đến với trái tim gần hơn là đến với các đầu, biết rằng trái tim gần hơn là đến với cái đầu, biết rằng trái tim có lúc thông minh hơn cái đầu dù nó lầm lạc nhiều hơn. Một điều đáng chú ý nữa là các nhạc sĩ tác giả ngày nay phải chạy đua trên một đường đua cự ly ngắn và các cuộc đua liên tục kế tiếp nhau như từng đợt sóng. Khuynh hướng gồng mình lên để tự khẳng định trong cái biển mênh mông của hàng ngàn ca khúc làm sao tránh khỏi những khoa trương thái quá. Tôi không có ý nói các nhạc sĩ sáng tác hôm nay lấy thời thượng làm mục đích. Nhưng phải thấy rằng phải có sức mạnh của những mêđia khổng lồ mới tạo ra được thời thượng chứ không phải dễ, mặc dù tác phẩm thời thượng đó chưa hẳn là có giá trị nhất đương thời. Những best seller, những ca khúc hay nhất trong tuần, trong tháng có tác dụng kích thích tài năng rất mạnh, loại trừ những khía cạnh tiêu cực khác. Nếu cho phép tôi nói như một nhà phê bình thì thực tiễn sáng tác âm nhạc của hôm nay dù sao vẫn cần đòi hỏi các ca khúc trước hết phải có sức tỏa sáng rồi sau đó mới đến sức bền (theo khái niệm sơ đồ hàng dọc). Mai danh ẩn tích hàng mấy năm, thậm chí cả chục năm trời mới ra được một tác phẩm thì đó là nét « cao đạo » lỗi thời của những thế kỷ đã qua. Trên cái nền phồn vinh của những sáng tác chí ít có sức tỏa sáng một thời ấy, thời gian và công chúng sẽ sàng lọc, và cái còn lại sẽ tự chứng minh sức bền của nó. Trong lịch sử đã chẳng từng có những quốc gia, dân tộc mà cả trăm năm qua đi cũng không đế lại được một danh nhân hay danh phẩm nào đó sao !

Điều làm tôi suy nghĩ nhiều sau những đêm nhạc của năm nhạc sĩ kể trên là mong muốn khuyến khích sáng tạo. Tôi sợ những khuôn mặt thờ ơ. Và mới thấy tinh thần quý trọng đồng nghiệp là một động lực quan trọng. Và mới thấy trong giai đoạn thử thách này, ngọn lửa sáng tạo của các anh cần thiết biết bao.

P.V. : Hiện nay đang có những khuynh hướng và những tìm tòi khác nhau, trong đó có sự đối lặp giữa cái cũ, cái bảo thủ với cái mới, cái cách tân cũng như giữa cái thời thượng lai căng với cái lành mạnh và bản sắc dân tộc. Theo anh, xu thế phát triển của nhạc nhẹ hiện nay có dấu hiệu nào lạc quan và cần khích lệ ?

H.V. : Phần cuối của câu hỏi này, tôi đã nói một phần trong câu trả lời ở trên. Sự đối lập như anh hỏi, trong âm nhạc ít khi hiện ra một cách rạch ròi, dứt khoát. Như những dòng sông chảy ồ ạt, xô bồ, cái cũ và cái mới đan xen vào nhau, tác động lẫn nhau. Trong sự vận động không ngừng đó, những cái gì là tiến bộ còn chưa hiện rõ ra ngay. Theo sự hiểu biết có hạn của tôi, khái niệm vật cản như gần đây ta vẫn thường nghe nói không tồn tại trong sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có quyền lực trong cơ chế tổ chức, do chuyển biến chậm không theo kịp sức lao động sáng tạo của thời đại, mà nhiều nơi, nhiều lúc trở thành vật cản mà thôi. Một tác phẩm âm nhạc được sáng tác ra bao giờ cũng có tác dụng kích thích và góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác phát triển. Ngay những tác giả và tác phẩm được xem như là bảo thủ, như là cũ đi chăng nữa thì sự tồn tại của nó ít nhất cũng đạt được tác dụng đối chiếu để làm rạng rỡ thêm những gì là tiến bộ, là mới trong con mắt lịch sử.

Nhưng tôi cũng xin nói thêm rằng cái gọi là đối lập như câu hỏi anh đã nêu chưa thực sự hình thành trong phong trào sáng tác, xét về bản thân trình độ nghệ thuật thể hiện trên tác phẩm. Vì cơ sở của những trào lưu âm nhạc có sức mạnh thực sự chỉ có thể xây dựng trên một xã hôi đã dân chủ hóa. Mà trên con đường thiên lý của nền dân chủ, nước ta mới rời điểm xuất hành chưa bao lâu.

Gương mặt âm nhạc Việt Nam trong mấy chục năm qua là một gương mặt của sự khẳng định, và còn ấu trĩ. Điều đó có nguyên nhân của thực tiễn xã hội. Khi một nền nghệ thuật đã mang được trong nó những nhân tố phủ định thì điều đó là dấu hiệu của một bước phát triển mới. Âm nhạc, hay nói rõ hơn, ca khúc Việt Nam hôm nay đang bước nốt bậc thang cuối cùng để bước lên tầng một của tòa nhà nhiều tầng. Trong sự ngổn ngang trăm mối này, nổi bật lên yêu cầu bức thiết của sự chuyển mình. Chìa khóa nằm trong tay các nhạc sĩ sáng tác. Và công tác phê bình giữ một vị trí then chốt. Nhưng tôi muốn nói rằng sáng tác và phê bình (phải-LTS) trên yêu cầu của một « dây chuyền công nghệ » mới (từ đào tạo cho đến sáng tác và phê bình). Tham vọng này lớn lao quá chăng ? Nhưng tôi tin rằng đã đến lúc người sáng tác nên tự yêu cầu mình về những gì viết ra khi đến tai những thính giả nước ngoài vẫn đảm bảo được hiệu quả toàn diện. Bởi âm nhạc là một thứ thông điệp không cần phiên dịch.

Chính tôi đã nhiều lần chứng kiến không ít những cái lắc đầu chê bai của thính giả ngoài nước đối với một số sáng tác rất được hâm mộ ở trong nước vì nó gần giống với bài của nước này hoặc nước kia. Không còn nghi ngờ gì nữa, một nền nghệ thuật mà không mang đậm được bản sắc dân tộc thì sẽ không có gì để đóng góp với nhân loại nữa.

P.V. : Riêng anh có thêm những công trình hay tác phẩm gì mới vì công chúng yêu nhạc đang mong chờ một tác giả mà họ yêu mến ?

H.V. : Tôi mới làm xong được một tập ca khúc mà trong phần ca, mọi từ toàn là những chữ vần « n » và « l » nhằm mục đích chữa « tật nói ngọng » cho trẻ em học sinh cấp một của vùng đồng bằng sông Hồng. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang đòi những thống kê thực nghiệm trên một trường phổ thông ở Nam Định và Thái Bình để thông qua trước khi đưa công trình này sang giới thiệu bên Viện khoa học giáo dục. Và, như thường lệ tôi vẫn ham mê sáng tác ca khúc trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của những điều kiện xã hội hiện nay. Một vở nhạc kịch viết đầu năm 1987 đã công diễn gần tới đêm thứ 100 ở Thái Bình, và đây, xin gửi anh và các bạn đọc Thể thao – Văn hóa một ca khúc mới nhất của tôi.

Bài viết liên quan

Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay (1988)

24/03/2021
Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay…

NGUYỆN ƯỚC CHO NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM (2015)

24/03/2021
Nhạc sĩ Hoàng Vân: NGUYỆN ƯỚC CHO NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM…

Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua (2010)

24/03/2021
Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua Bài phỏng vấn nhạc…
NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC (1976)

NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC (1976)

21/11/2020
NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC Bài này…

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam