Bài báo do nhạc sĩ viết

NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC (1976)

21/11/2020   879

NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC

Bài này được viết trong báo Văn nghệ, số 24, 1976, dưới bút danh Y-Na. In lại trong cuốn Hợp tuyển bài báo, nghiên cứu, phê bình, lý luận âm nhạc Việt nam thế kỷ XX, VIM, tập 5, 2003. 

NHẠC HAY TRƯỚC HẾT PHẢI ĐƯỢC BIỂU DIỄN CHÍNH XÁC

Báo Văn nghệ, số 24, 1976

Y Na

Phạm vi của sự chính xác bàn đến trong bài này chỉ nhằm khía cạnh âm chuẩn của âm nhạc. Cũng có thể nghĩ thêm về khía cạnh tốc độ và cường độ của người biểu diễn

Sự hài hòa trọn vẹn trong khi thể hiện một tác phẩm âm nhạc bao gồm nhiều yếu tố mà người biểu diễn phải cân nhắc, đắn đo. Con đường dẫn đến thành công bền chắc nhất là sự khổ luyện, là sáng tạo nên những hình tường chân thực, sinh động và hùng hồn nhất Trong đó trước hết nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi tính chính xác cao nhất của âm thanh, của tốc độ và cường độ và những sắc thái tỉ mỉ khác ghi trong tác phẩm âm nhạc. Không có gì tác hại hơn sự chênh nhau giữa người hát và người đàn, sự lạc giọng của chính người hát, sự sai biệt giữa nhạc cụ này và nhạc cụ khác về cao độ ; và về tốc độ cũng vậy, không có gì hành hạ lỗ tai người nghe một cách phũ phàng hơn là : trống đánh xuôi, kèn thổi ngược !

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là một cách nói cường điệu lên cho vui. Nhưng trong thực tế biểu diễn âm nhạc nhiều khi sự chênh lệch càng nhỏ, nghe càng khó chịu.

Có nhiều nguyên nhân : có thể vì người hát chưa được trải qua sự đào tạo nghiêm khắc, có thể là do nhạc cụ cũ và hỏng, có thể do trang bị dàn nhạc không đồng bộ, đồng nhất ; lại cũng có thể do khí hậu, thời tiết… vân vân… làm cho vấn âm chuẩn bị vi phạm trong khi biểu diễn. Nhưng nghiêm khắc mà nói : phần trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về con người.

Có ca sĩ có giọng hát tốt nhưng vì một lẽ nào đó, hay bị chênh giọng, lạc điệu. Có nhạc sĩ vĩ cầm chơi lâu năm nhưng về âm chuẩn vẫn « có vấn đề ». Nhất là sự hòa tấu càng đông người thì vấn đề âm chuẩn càng trở nên phức tạp ; và, thậm chí đàn dương cầm sai dây vẫn cứ chơi, coi như không có gì xảy ra, làm xấu hổ cả người chơi và cơ quan có đàn !

Khi tôi viết những dòng này thì loa công cộng đang phát ra một bản nhạc mà những cây khèn thiếu chính xác cứ ngang nhiên thổi những âm và hòa âm cơ bản đơn giản nhất mà ai cũng thấy là rất « phô » (không chuẩn, không chính xác). Nhạc cắt dùng giữa những buổi phát thanh và vô tuyến truyền hình cũng bị chênh không ít (Quảng Bình chiến thắng, Bèo dạt mây trôi…). Mong các cơ qauan biên tập lưu ý. Một mặt khác, trong khí thế rầm rộ của các tiết mục đạt chất lượng biểu diễn khá thuần thục của phong trào ca nhạc không chuyên  cũng có thể nhặt ra không ít những sự vi phạm tiêu chuẩn âm thanh. Điều đó dễ hiểu. Song chính vì chúng ta rất tự hào về sự phát triển và lớn mạnh của phong trào mà phải rất quan tâm và nghiêm khắc hơn trong lúc dàn dựng trong giai đoạn hiện nay về vấn đề âm chuẩn.

Hậu quả của sự thiếu chính xác trong biểu diễn rất tinh vi. Và người chịu đau khổ là tác giả, là người nghe. Hơn nữa, nói như các nhà phê bình thì âm không chuẩn sẽ đầu độc lỗ tai (thính giác âm nhạc) của nhiều thế hệ.

Bất cứ hình tượng âm nhạc nào cũng đòi hỏi sự thể hiện chính xác. Không thể cao quá, thấp quá, nhanh quá, chậm quá, to quá, nhỏ quá. Âm nhạc chỉ có thể đúng ! Đúng như liều lượng đã được tác giả cân nhắc thông qua nhiều yếu tố. Nhưng đối với người biểu diễn, âm chuẩn là điều kiện tiên quyết. Thêm nữa, bệnh ấu trĩ phổ biến trong xử lý tốc độ và cường độ thường hay biểu hiện ở hai thái cực : hoặc là do quá chú ý đến tình cảm nên tiết tấu bị buông lơi quá đáng làm cho khúc thức bị rời rạc, hoặc là sự huênh hoang về cường độ một cách quá đáng dẫn đến sự chênh giọng ở khu vực cao, phá vỡ âm sắc và làm cho hình tượng âm nhạc bị tầm thường hóa cũng đáng lo ngại không kém ! Thùng rỗng kêu to !

Có nhạc sĩ cao hứng phóng như bay, hoặc thả sức chơi to đến át cả các bè cần thiết khác. Có dàn nhạc chơi từ đầu đến cuối thiếu âm chuẩn (khúc khởi nhạc Người thợ cạo thành Xê-vin, Le barbier de Séville). Tệ nạn đàn « cương » còn khá phổ biến.

Tất cả những hiện tượng đó ít hay nhiều đều là tổn hại đến hình tượng của tác phẩm : nó hạn chế sự truyền đạt trung thực ý nhạc của tác giả đến người nghe. Nó làm cho thính giả xa gần bực bội, con trẻ bị tiêm nhiễm sự thiếu trong sạch vào thính giác âm nhạc. Rất cần sự quan tâm nghiêm khắc trước mắt cũng như sau này của những cơ quan và các nhà chỉ đạo nghệ thuật biểu diễn âm nhạc.

Nếu việc cân đong, đo, đếm đã được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chuyên trách thì vấn đề âm chuẩn trong biểu diễn âm nhạc cũng cần được giám sát như thế, nếu không muốn nói là hơn thế, vì sự thiệt thòi quá trừu tượng.

Bài viết liên quan

Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay (1988)

24/03/2021
Nhạc sĩ Hoàng Vân nói về tình hình âm nhạc hiện nay…

Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi (1987)

24/03/2021
Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi Thể thao – Văn…

NGUYỆN ƯỚC CHO NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM (2015)

24/03/2021
Nhạc sĩ Hoàng Vân: NGUYỆN ƯỚC CHO NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM…

Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua (2010)

24/03/2021
Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua Bài phỏng vấn nhạc…

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam