Sách nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau | Theo hoinhacsi.vn

01/10/2023   206

Nhà xuất bản Kim Đồng xin trân trọng gửi đến bạn đọc và bạn yêu nhạc Việt Nam cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…”  Cuốn sách được con gái ông − Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chấp bút và biên soạn.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc và là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn thành lập nền âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp Việt Nam. Ông đã có một sự nghiệp sáng chói, sáng tác ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng ghi dấu ấn khó quên với người yêu nhạc và là một phần không thể tách rời với lịch sử âm nhạc Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

“Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” giống như một cuốn tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, Tiến sĩ Lê Y Linh đã lần ngược lại thời gian để kể về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình.

Với tư cách một nhà nghiên cứu âm nhạc vừa là một người con của nhạc sĩ, Tiến sĩ Lê Y Linh ‘phục dựng’ cuộc đời của ông bằng phương pháp khoa học hiện đại. Cô đã sưu tầm các tài liệu, từ lí lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ;  sưu tầm các tác phẩm,  sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh. Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”.

Cuốn sách này hầu hết là những đánh giá khách quan của những đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà báo, khán thính giả… Có thể thấy Nhạc sĩ Hoàng Vân đã rất kiệm lời khi nói về mình, ngay cả các con ông Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh và Giáo sư, Nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng được di truyền đức tính “kiệm lời” đó. Ngoài ra, nếu hầu hết ở các tác phẩm mang tính hồi kí, của chính nghệ sĩ hoặc do người thân kể lại, chúng ta có thể thấy rất nhiều những thông tin về đời tư, cuộc sống hàng ngày, những câu chuyện riêng tư của các mối quan hệ, những “bí mật” phía sau cánh gà… thì có thể nói với cuốn sách này, điều ấy không được tập trung thể hiện. Đúng như tiêu đề “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau” cuốn sách này đã cho chúng ta thấy một nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ hết mình để hòa với đời sống của muôn người luôn ở sống và sáng tác trong cái thì hiện tại tiếp diễn hôm này và ngày mai đến tận mai sau, không vấn vương quá khứ, không nhìn lại ngày qua để hối tiếc hay trì néo.

Có thể thấy toàn bộ đời sống riêng tư của nhạc sĩ trong cuốn sách này được thể hiện qua mối tình với người vợ thủy chung mà bút danh Y-NA (yêu Ngọc Anh) là một bằng chứng son sắt, tình yêu với 2 con của một người cha vừa nghiêm khắc  đòi hỏi cao trong học tập và rèn luyện vừa trìu mến trong đời sống hàng ngày.

Nhạc sĩ Hoàng Vân dành cho riêng mình những thú chơi lặng lẽ, đó là hội họa, là thư pháp, là những chuyến dạo chơi Hàng Lược đón Xuân…

Với quan niệm đó “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư−một nhà văn hóa−một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.

Cuốn sách được chia làm bốn phần: Phần 1 - giới thiệu về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân; Phần 2 - về tác phẩm của nhạc sĩ; Phần 3 − quan điểm sáng tác của nhạc sĩ và Phần 4 − những kỉ niệm với nhạc sĩ trong trí nhớ và trái tim của người thân, đồng nghiệp các thế hệ và người yêu nhạc. 

Trong phần thứ nhất, chúng ta sẽ được đi từ tuổi ấu thơ cho đến những tác phẩm cuối cùng của Nhạc sĩ Hoàng Vân. Sinh ra với tên là Lê Văn Ngọ, tại Hà Nội, ông là con út trong một gia đình tư sản trí thức. Bố ông là một nhà giáo dạy Hán học thông thạo Cầm Kì Thi Họa, mẹ mất sớm... “Từ rất nhỏ cậu bé Ngọ đã là người nhậy cảm với các loại âm thanh, có những xúc cảm rất rõ ràng khi nghe thấy các loại âm thanh tiếng động, từ tiếng chuông, đến tiếng sấm sét”… “Thế nên hồi bé cậu đã được tập và chơi rất nhiều nhạc cụ như: piano, violon, violoncelle, kèn clarinette…

Được tham gia Hướng đạo sinh, trong lòng cậu tràn ngập tình yêu đất nước, quê hương và đồng bào. Giữa khung cảnh “Trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, xác người nằm như rạ như rơm” (ca từ trong hợp xướng Hồi tưởng), cậu sớm giác ngộ cách mạng và trở thành liên lạc viên của Tự vệ thành Hà Nội.

Năm 1946, khi 16 tuổi, giã từ Hà Nội, chàng trai Lê Văn Ngọ mang theo cây kèn harmonica đi theo kháng chiến. Và từ đây âm nhạc Việt Nam có một nhạc sĩ Hoàng Vân.

Hoàng Vân trở thành một người chiến sĩ kháng chiến, mọi nhiệm vụ được giao ông đều gắng sức bởi ông luôn tâm niệm “nếu có hai lựa chọn sẽ chọn cái khó hơn”. Với vốn liếng học nhạc thuở nhỏ, ông bắt đầu sáng tác các bài hát đầu tiên. Đó là những bước “tập dượt” để chỉ vài năm sau 1953, tác phẩm Hò kéo pháo ra đời. Tác phẩm tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu. Với Hò kéo pháo Hoàng Vân đã sáng tạo một điệu hò cách mạng hùng tráng có một không hai.

Từ tác phẩm này, phong cách âm nhạc Hoàng Vân đã hình thành và định hình, đó là nghệ thuật được ông chưng cất lên từ những lấm láp hiện thực để lấp lánh như những viên kim cương dưới ánh mặt trời. Cái nhìn sử thi này còn bao trùm khi viết về những người lao động như Tôi là người thợ lò, Bài ca người giáo viên nhân dânBài ca xây dựng… ông cũng đều đã có được cái nhìn anh hùng ca mang tầm thời đại.

Phần thứ hai của sách dành cho việc điểm lại những tính cách nổi bật trong số lượng đồ sộ mà nhạc sĩ Hoàng Vân để lại. Với tư cách một ngươi làm khoa học âm nhạc, Lê Y Linh đã dành một phần lớn trong “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” để có thể bước đầu đánh giá về các tác phẩm của ông. Chị đã tổng hợp và phân tích, triển khai các ý kiến đánh giá về các tác phẩm của ông từ các nhà  nghiên cứu, các nhà báo, nhà nghiên cứu như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thụy Loan, Trần Thị Trâm, Phạm Tú Hương, Phan Ngọc Thạch, Trần Văn Luân, Trần Văn Minh… Viết về cha, nhưng tác giả - Tiến sĩ Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học, để có thể khách quan trong nhận xét đánh giá, hoàn thành tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Phần 3 dành cho quan điểm sáng tác nghệ thuật là tập hợp các bài viết của nhạc sĩ Hoàng Vân về âm nhạc. Tuy không nhiều, nhưng những bài viết này đã làm sáng tỏ thêm chân dung âm nhạc Hoàng Vân với những quan niệm sâu sắc và hiện đại về âm nhạc dân tộc, về sự đào luyện của người nghệ sĩ…

Ông đã để lại trong trái tim của bạn bè đồng nghiệp của các thế hệ nhạc sĩ kế tiếp những bài học lớn trong sáng tác và cách sống. Phần 4 là những kỉ niệm về nhạc sĩ đã ghi dấu trong trái tim người thân, bạn bè và đồng nghiệp.

Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Y Linh:

Lý do từ đâu chị viết cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau?

Cha tôi lìa đời trong giấc ngủ ngày 4/8/2018 (19 tháng chạp âm lịch, vài ngày trước ông Táo). Khi ông mất đi, phải rất lâu sau tôi mới có đủ can đảm mở lại những ngăn kéo ở dưới giường ông nằm, nơi chứa những di vật của ông những năm cuối đời.

Mấy chiếc ngăn kéo rất lớn, nên mất cả ngày mới sắp xếp được lại gọn gàng.

Tôi lần giở từng kỉ vật cha để lại. Ba bốn cuốn tiểu thuyết cổ điển tiếng Pháp và tiếng Anh trong đó có Je suis compositeur (Tôi là một nhà soạn nhạc) của Arthur Honneger mà tôi tặng ông vài tháng trước khi mất và ông đang chép lại những chương, những đoạn đắc ý. Ba cuốn từ điển Hán − Việt, Anh − Việt, Pháp − Việt. Cuốn Thú chơi cổ ngoạn của Vương Hồng Sển. Một số bài báo viết về ông được các nhà báo gửi biếu, một cuốn tạp chí Âm Nhạc nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ. Một chiếc hộp nhạc mà lúc lên dây cót, mở ra có tiếng nhạc thánh thót phát ra ông mua cho tôi khi vào Sài Gòn cuối những năm 1970, trong hộp có hàng tập ảnh đen trắng bé tí tẹo cuả tôi ngày còn thơ bé. Tôi lên dây cót và nghe lại bài Người tình Lara sau hơn bốn mươi năm, bài hát chủ đề của bộ phim Bác sĩ Zhivago, ông mua cho tôi bản dịch cuốn này cùng bao cuốn khác hồi còn niên thiếu. Số tạp chí Âm Nhạc có bài báo khi tôi bảo vệ luận án và một tập ảnh tôi ông đưa đi phóng ra từ chiếc ảnh nhỏ in trong bài báo. Những bài báo viết về buổi hòa nhạc tháng 6 năm 2005, khi Lê Phi Phi, em tôi, chỉ huy các tác phẩm khí nhạc của ông trong đó có Điện Biên Phủ. Rất nhiều bút và giấy nhưng không còn giấy nhạc nữa. Một cái triện và hộp mực cùng mấy cuộn giấy cổ giành cho việc viết thư pháp. Một tập nhạc thiếu nhi và thiếu niên khoảng 30 bài để riêng, 2 bài thơ.

Không có nhật kí, không có chuyện kể, chỉ có những bài báo, những bản thảo nhạc, những cuốn sổ tay sáng tác mà tôi dần dần tìm thấy ở các tủ trong căn nhà cổ mang màu thời gian từ hơn thế kỉ nay. Ông không viết gì khác ngoài sáng tác nhạc, thơ và thư pháp. Ngay cả gần khi ông mất, không còn sáng tác nữa, ông cũng không bao giờ có dự định viết hồi kí. Khi ông còn sống, sau khi thu thập các tác phẩm của ông, mỗi lần định hỏi ông, định biên tập, định in, định công bố… thì ông đều từ chối. Chúng tôi mới thật sự có thể bắt tay được vào công tác lưu trữ sau khi ông mất.

Cuối năm 2020, tôi tạm coi là qua được một bước đầu tiên trong việc tìm kiếm, sưu tầm và phân loại các tác phẩm của nhạc sĩ và có ý định cho nó một hình hài nào đó, nhưng ý tưởng viết một cuốn sách về nhạc sĩ Hoàng Vân chưa thật sự hình thành. Một ngày cuối tháng 11 năm 2020, trên đường về thăm mẹ giữa đại dịch, tôi đang cách ly y tế tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh. Sáng đó tôi nói chuyện với cô bạn cùng phòng là nằm mơ thấy bố về nói chuyện rất vui. Đến trưa, sau một vài trao đổi, ý tưởng của cuốn sách dần hình thành và nhờ duyên ấy với NXB KĐ, tôi đã có cơ hội để viết mặc dù lúc bắt tay vào viết tôi chưa hề có ý tưởng gì về bố cục và đường dẫn.

Thực hiện cuốn sách này tôi chỉ có một mong muốn là kể lại những chi tiết quan trọng trong cuộc đời sáng tác của bố tôi – nhạc sĩ Hoàng Vân, trên cơ sở các tư liệu đã tập hợp được. Nội dung được triển khai theo bốn chủ điểm chính: Sự nghiệp sáng tác theo trình tự thời gian; Tác phẩm; Quan niệm của nhạc sĩ về âm nhạc và một số kỉ niệm về người nhạc sĩ. Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ, ”chỉ cần“ điểm tác phẩm là đã có phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần  cuộc sống đời thường của ông.

Chị xếp cuốn sách này vào thể loại nào: Hồi kí (được chấp bút-viết thay), kí chân dung và cuốn sách này có điều gì khác ở các cuốn hồi kí hay kí chân dung khác ở mặt thể loại?

Bản thảo đầu tiên tôi đã thử viết như một người chấp bút viết lại hồi ký của ông, nhưng khi viết xong tôi không thấy bằng lòng chút nào. Đưa cho một hai người bạn quý đọc qua, họ cũng thấy cấu trúc có nhiều trúc trắc. Bởi vì đúng là phần đời tư “thật sự” chưa được đề cập nhiều, nếu viết về ông như ở ngôi thứ nhất e không thể hợp vì tôi không tin tưởng là mình có thể hiểu ông đến thế. Chính vì vậy tôi đổi lại hoàn toàn bố cục, nội dung và đường dẫn chủ đạo của cuốn sách theo như bản in này. Thú thật tôi cũng không nghĩ rằng độc giả chờ đợi được biết nhiều chi tiết hơn về đời tư của ông và đây có lẽ là một khiếm khuyết của cuốn sách, vì việc viết và kể chuyện cùng với đời tư không phải là một việc dễ dàng đối với khả năng của tôi.

Chúng ta có thể coi cuốn sách này như một công trình khảo cứu điểm lại những tác phẩm chủ chốt của nhạc sĩ Hoàng Vân được đặt vào hoàn cảnh lịch sử ra đời của chúng, với kỳ vọng là sẽ diễn tả được một phần nào sự hiện diện và vai trò của Âm nhạc nói chung trong giai đoạn lịch sử liên quan. Qua những hồi ức được nghe bố, mẹ, và em tôi kể lại, qua việc đọc hàng trăm bài báo viết về tác phẩm và sự nghiệp của ông, tôi cố gắng dựng lại một phần môi trường gia đình và giáo dục, lịch sử và hoàn cảnh đã cho phép nhạc sĩ cho ra đời những tác phẩm đã được ghi nhận. Sự ghi nhận ấy chủ yếu sẽ được trích dẫn qua lăng kính của các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu, nhà báo, đồng môn, đồng nghiệp của nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Hoàng Vân là một người rất kiệm lời khi nói về tác phẩm của mình nên chúng tôi cũng sẽ noi theo ví dụ đó. Nói về sự kiệm lời, một trong những điều tôi lo lắng nhất khi viết cuốn sách, đó là đảm bảo tính khách quan và tính khoa học. Tôi là một nhà nghiên cứu, tư chất đầu tiên phải có là tính khoa học và tính khách quan. Khi viết về những tác phẩm của cha mình, để giữ được tính khách quan, tránh rơi vào tình trạng “Bố hát con khen hay” không phải là dễ. Vậy nên khoa học nhất là nhường lời cho các nhà phê bình khác nhận định và đánh giá, tôi chỉ làm nhiệm vụ nối chuỗi sự kiện, trích dẫn, và hoàn thiện việc miêu tả cảnh quan.

Với khối lượng tác phẩm ông để lại, trong một sự nghiệp sáng tác rất dài và đa dạng, ý tưởng chính muốn truyền đạt trong cuốn sách cũng đã tới một cách tự nhiên: tác phẩm chính là cuộc đời của ông. Như tôi đã nói trong phần mở đầu của sách, “chỉ cần” điểm tác phẩm của ông cũng “đã đủ” lột tả được một phần quan trọng trong cuộc đời nhạc sĩ. 

“Bút sa gà chết”, nhưng tôi vẫn hoàn thành cuốn sách, mặc dù không loại trừ trường hợp là mình cũng có thể nhầm hoặc chưa đủ tài liệu. Chính vì vậy trong lời tựa tôi cũng chia sẻ rằng có thể khi tìm được những tài liệu khác trong tương lai, có thể ta lại có những kết luận khác. Tôi nghĩ rằng việc phân tích và đánh giá giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của ông là dành cho các nhà lý luận, nghiên cứu, biểu diễn, sản xuất, giáo dục để nhằm rút ra những điều bổ ích cho sự phát triển toàn diện của nền âm nhạc Việt Nam trong tương lai.

Nhạc sĩ Hoàng Vân như chị chia sẻ không viết hồi kí, nhật kí, chị đã bằng cách nào để có được những thông tin về sáng tác, về cuộc đời của ông?

Vào năm 1994, tôi yêu cầu ông chép lại một số bài được ưa chuộng nhất để phục vụ cho mấy buổi hòa nhạc tại Paris (10 ca khúc). Cũng năm đó, ông có liệt kê cho tôi một danh sách gồm khoảng 20 bài với tựa đề “Những tình khúc Hoàng Vân 1991-1994”, nhưng rồi tôi đã không làm được gì hơn.

Vào năm 2000, tư tưởng học đường thôi thúc, tôi đã lên kế họach sưu tầm tác phẩm của ông và đã nhờ các bạn tới Đài Tiếng nói Việt Nam tìm lại tất cả các bản ghi âm tác phẩm của ông (hơn 100 bản thu). Nhưng sau đó trong vòng hơn mười năm, vì quá bận rộn cho việc hoàn thành luận án cũng như công cuộc mưu sinh ở nước ngoài nên tôi cũng chỉ giữ ở đó. Đến năm 2015, ngày ông ốm nặng, tôi tập hợp được một thùng tổng phổ, đưa đi scan (khoảng 150 ca khúc, trong đó có khoảng một nửa chưa công bố).

Tôi đã xa nhà gần ba mươi năm nên việc đầu tiên là phải tới gặp rất nhiều người đã làm việc, đã sống, đã có dịp gặp gỡ nhạc sĩ để xác định các nguồn tư liệu, lượm lặt thông tin, và tôi vô cùng cảm ơn những người bạn, đồng nghiệp, người hâm mộ của ông suốt bao năm qua đã giúp tôi những công đoạn quan trọng. Cũng rất may mắn nữa là nhờ các phương tiện thông tin hiện đại, tôi đã có được thêm những đầu mối khác để tiếp tục tìm kiếm tư liệu. Sau đó là việc, đọc báo, đọc sách, đọc tư liệu, khảo chứng… để phân tích và tổng kết các nguồn, đối chiếu thông tin, xác minh chéo, phân loại, sắp xếp bản viết, bản in, bản thu, truy tìm những tài liệu, những nhạc phổ, những bản thu còn thiếu. Em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi, chuyên trách việc khôi phục và thậm chí phải nghe lại các bản thu để ghi âm lại thành nhạc phổ, hiệu đính, chỉnh sửa để bổ xung hoàn thiện kho tư liệu.

Sau ba năm, hiện chúng tôi đã thống kê được 700 tác phẩm dưới nhiều hình thức: hàng trăm vidéo về nhạc sĩ và về tác phẩm, 170 bản thu, hơn 500 bản nhạc viết tay, hơn 200 bản nhạc đã được in, hơn 10 phim truyện, hơn 200 bài báo và sách viết về ông… Chúng tôi nghĩ rằng số tư liệu này có lẽ đã tập hợp được khoảng 70-80% số lượng tác phẩm của ông để lại. Hiện các tư liệu này đang dần dần được đưa trên trang web, bảo tàng số của nhạc sĩ, để bảo quản và vẫn tiếp tục được bổ xung đều đặn.

Khi có được các tư liệu từ các nguồn, ghi chép, báo chí, nói chuyện, kể chuyện… chị đã xử lý thông tin đó như thế nào?

Xử lý một lượng thông tin lớn như vậy đúng là không đơn giản. Mặc dù đã làm được một bước quan trọng nhưng thật ra hiện nay tôi cũng mới chỉ hoàn thành một phần nhỏ. Đầu tiên tôi phải lên danh sách với nhiều hạng mục, danh sách này không ngừng thay đổi theo thời gian nhưng nó giúp tôi thống kê được được các tác phẩm và nguồn. Sau đó, việc đối chiếu những nguồn này đã giúp cho tôi có thể bổ xung vào danh sách tác phẩm gồm nhiều hạng mục và với nhiều tiêu chí thống kê và phân loại khác nhau. Rất nhiều vấn đề được đặt ra bởi đặc điểm của tác phẩm âm nhạc, chẳng hạn như xác định thời gian ra đời. Đây là việc rất khó vì có năm sáng tác, năm in, năm biểu diễn, năm thu thanh…, đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử để từ đó phân tích và hiểu được tác phẩm, hiểu được tiến trình trong bút pháp của ông trong vòng nửa thế kỉ. Việc này không đơn giản vì có khi thông tin nhiều nhưng hỗn loạn giữa năm sáng tác, năm xuất bản, năm thu thanh…, và rất nhiều tác phẩm không hề có một thông tin nào.

 Sau đó việc bổ xung tư liệu giữa tư liệu thu thanh và nhạc phổ… Cũng có khi tìm được những bài tưởng của bố, nhưng hóa ra lại là của người khác, và ngược lại, vì khi thu thì có khi không có tên tác giả…

Những thông tin về sáng tác được rút ra từ tác phẩm, bài báo, công trình nghiên cứu, băng thu nhạc, các bài báo lấy từ nguồn trên mạng, ở thư viện quốc gia, thư viện Học viện Âm nhạc Quốc gia, thư viện Viện Âm nhạc, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Sau đó, tôi nghe lại một số băng phỏng vấn nhạc sĩ được lưu giữ ở Đài. Và cuối cùng là những cuộc gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi, phỏng vấn một số người liên quan đến tác phẩm hay một giai đoạn trong cuộc đời của nhạc sĩ. Những điều có tính chất riêng tư hơn về thời thơ ấu và sau này tôi đã nhớ lại, hỏi mẹ, hỏi em, hỏi các anh chị trong họ. Bản thảo tác phẩm được lưu giữ trong thư viện riêng của nhạc sĩ. Bản thảo in được nhiều tổ chức và cá nhân trao tặng. Các băng thu thì sưu tập từ kho của Đài (VoV). Cũng nhiều khi rất công phu vì nhiều tác phẩm có bản thu nhưng không còn nhạc phổ, vậy là em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi, phải ngồi ghi âm lại từ bản thu âm.

Hoàng Vân có sức sáng tạo dồi dào hiếm thấy, một sự nghiệp không ngừng nghỉ trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, với các tác phẩm thuộc đủ thể loại trong vòng hơn năm mươi năm. Việc khảo cứu và phân tích tường tận cuộc đời âm nhạc và tác phẩm của Hoàng Vân với tôi là một nhiệm vụ gần như không thể thực thi trong khuôn khổ những con chữ khô khan này. Đó là chưa kể đến những điều còn bí ẩn hoặc chưa sáng tỏ, hoặc nhầm lẫn và chắc chắn sẽ phải bổ xung, đính chính nếu chúng ta tìm được những tư liệu mới trong tương lai.

Tôi đưa dần những tư liệu này lên trang web. Mặc dù việc quản lý trang không phải đơn giản, nhưng đây là một công cụ rất đắc dụng vì nó được coi như là bảo tàng số của sự nghiệp của nhạc sĩ. Đắc dụng bởi nó có thể chứa đựng và phân loại rõ ràng một số lượng lớn tác phẩm với nhiều thể loại và đề tài, đặc điểm quan trọng nhất của sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ.  Đắc dụng bởi nó vừa là chỗ lưu giữ nhưng cũng là nơi có thể phổ biến rộng rãi những tài liệu cho báo chí, nhà nghiên cứu, bạn nghe nhạc. Tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân phủ sóng rất nhiều thể loại và hình thức, mỗi thể loại đều để lại dấu ấn sâu sắc trong nền âm nhạc Việt Nam, vì vậy, việc những tác phẩm đó có thể dễ dàng tiếp cận qua web cho những người có nhu cầu thưởng thức, giảng dậy hay nghiên cứu.

Chị có thể chia sẻ thêm những câu chuyện kỉ niệm trong quá trình sưu tầm, tìm kiếm, gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân?

Trong quá trình tìm, nhiều ví dụ lắm. Tôi ước mong có nhiều thời gian hơn nữa để đi tìm gặp thêm nhiều người khác, nói chuyện, trao đổi, so sánh tư liệu với những người đã gặp, đã làm việc, cùng thời với ông. Có những ước mong không thể thực hiện được nữa vì cha tôi và nhiều đồng nghiệp cùng lứa với cha đã đi rất xa. Tôi có thực hiện một số cuộc trao đổi, phỏng vấn, nhưng những chi tiết đó chỉ là bổ xung cho thông tin của bộ sưu tập. Danh sách chủ yếu là dựa trên những bằng chứng của nhạc phổ, bản thu, bài báo, bài nghiên cứu. Việc đi tìm tài liệu trên mạng cũng rất kỳ công. Có những nhà “bộ nhớ” giỏi lắm, nhiều khi tôi đọc một vài forum yêu nhạc, thấy họ nói đến tác phẩm này, ca khúc kia, bèn viết tin nhắn nhờ họ xem họ có thể tìm cho tôi được tài liệu đó hay không, từ người nọ sang người kia giới thiệu và tất cả rất ân cần hỗ trợ. Nhiều bản phổ hay bản thu âm là do những người hâm mộ nhạc của ông tặng chứ không hẳn ở những thư viện chính thức. Hay là có hôm tôi đang đi lục tìm một nhạc phổ ca khúc lại rơi vào một tập phác thảo khí nhạc cho phim mà chả có tựa đề, đến lúc hai chị em đem ra so sánh thì mới tìm thấy phần đầu của bản thảo. Khi có tên của một tác phẩm, tôi đi tìm tư liệu xung quanh thời gian đó, sau đó khoanh vùng hẹp dần lại, và đặt tiêu cự vào một vài điểm, cũng có thể tìm ra.  

Kỷ niệm tôi muốn nói tới lại là một kỷ niệm buồn. Hồi tôi còn nhỏ, tôi có nhớ là bố bị ốm trong vòng một thời gian dài, cả nhà rất buồn, nhưng tôi không hiểu tại sao bố ốm. Mới gần đây, tôi mới có được thông tin là vào khoảng 1969-1970, kho tổng phổ của Đài bị cháy. Sau một đêm, bao nhiêu công sức của bố tôi và anh em trong Đài làm việc mười năm ròng rã đã tan thành tro bụi. Đây là một sự mất mát vô cùng to lớn cho lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại bởi vì mười năm đó là những năm đầu tiên của nền âm nhạc chuyên nghiệp hàn lâm Việt Nam và dàn nhạc Đài mà bố tôi đã gây dựng từ đầu 1960 là một dàn nhạc được thu thanh nhiều nhất và có sự phát triển lớn mạnh trong thời gian đó. Đây cũng là mười năm có những sáng tác làm nên tên tuổi Hoàng Vân. Bố tôi ốm, và nếu như xem danh sách tác phẩm, trong vòng 2 năm (1971-1973), theo những tư liệu tìm được hiện nay, ông không cho ra đời được một tác phẩm nào đáng kể. Vậy là những thông tin ấy đã bổ trợ cho nhau.

Có thể nói Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau là một sách chân dung tác giả - tác phẩm sống động và có ý nghĩa. Người đọc sẽ không chỉ được khám phá chân dung đầy đủ của nhạc sĩ Hoàng Vân mà còn được tiếp cận với lịch sử âm nhạc Việt Nam một cách sống động. Vừa là một người con, vừa là đồng nghiệp thế hệ sau của ông trong công tác nghệ thuật, chị đã học được gì ở ông? Chị có thể chia sẻ một kỉ niệm của mình với cha mà chị nhớ nhất?

Trong những lời cha dặn, tôi nhớ và áp dụng những câu sau đây mỗi ngày: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. “Khi có hai con đường, nên luôn luôn chọn con đường khó hơn”. “Tái ông mất ngựa”. “Vouloir c’est pouvoir” (nếu quyết tâm thì sẽ làm được). “Tout excès est mauvais” (cái gì quá cũng không tốt). "Khiêm tốn là một trong những ưu điểm lớn nhất ". "Tầm sư học đạo". "Không thầy đố mày làm nên".

Về nghề nghiệp? Cách chiêm nghiệm, cách tổng quát, cách phân tích, cách nhìn nhận một vấn đề. Sự nhậy cảm, tính hiếu học, tính cẩn trọng là những kỹ năng mà tôi nghĩ đã học được phần nào ở ông.

Một số kỷ niệm khác về ông cũng như cách ông giáo dục con cái tôi cũng đã nói tới trong phần «Cha tôi, Nhạc sĩ Hoàng Vân» trong cuốn sách.

Chị có thể chia sẻ thêm lý do chị chọn NXB Kim Đồng để gửi gắm cuốn Cho muôn đời sau? Chị hi vọng điều gì về những độc giả nhỏ tuổi của Kim Đồng khi các em tìm hiểu về nhạc sĩ của những bài hát thiếu nhi ấn tượng: Con chim Vành khuyên, Em yêu trường em, Ca ngợi Tổ quốc, Sắp đến Tết rồi, hay tác giả của nhạc hiệu những chương trình nổi tiếng dành cho các em: Bảy sắc Cầu vồng, Đường lên đỉnh núi, Tổ ấm gia đình…

Tuổi thơ là tương lai của đất nước. Một tuổi thơ được giáo dục về tri thức nhưng cũng hiểu biết về Chân-Thiện-Mỹ và cảm nhận được vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật, đó chính là thông điệp của Nhạc sĩ Hoàng Vân trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Và NXBKĐ chính là nơi thích hợp nhất để truyền tải thông điệp ấy cho các thế hệ trẻ.

Tôi hy vọng rằng khi các em đọc cuốn sách này sẽ có thể hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tôi hy vọng rằng lúc đọc cuốn sách này các em cũng có thể cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật, nâng cao gu thẩm mĩ. Mong các em có ý muốn được nghe lại những tác phẩm âm nhạc đã trở thành kinh điển không chỉ dành cho trẻ em. Cũng hy vọng là tuyển tập âm nhạc cho tuổi trẻ của nhạc sĩ Hoàng Vân được NXBKĐ in trong năm nay sẽ cho các em được dịp thật sự thưởng thức và thể nghiệm vẻ đẹp trong âm nhạc Hoàng Vân.

Chị có những tiếc nuối gì khi nghĩ đến cha?

Cũng có tiếc nuối, tiếc nuối là ông đã không được nhìn thấy danh sách và biết (vì lúc sinh thời ông không bao giờ tìm hiểu và cần biết) mình đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, mặc dù điều này cũng không quan trọng lắm. Tiếc là ông đã không được nghe bản thu của những tác phẩm viết cuối đời. Tiếc là ông đã không còn thời gian hoàn thành được một dự án về một bản giao hưởng lớn về loài người, về thời lập quốc như ông có mong khi đã ngoại tuổi tám mươi. Tiếc là nền giao hưởng và âm nhạc hàn lâm nước nhà với bao công sức và thành tựu của các đồng môn thế hệ ông và thế hệ sau đó hiện đã không bắt kịp nhịp phát triển của nước nhà những năm gần đây.

Chị có thông điệp gì khi thu thập và đưa lên các phương tiện truyền thông để tác phẩm của ông (âm thanh và tổng phổ) được dễ dàng tiếp cận? và có dự định gì khác sau khi hai cuốn sách này đã ra đời?

Càng tìm hiểu, nghiên cứu về các tác phẩm của ông và về một số nhạc sĩ cùng thời, tôi càng thấy được vai trò lớn lao của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Và hiểu rằng việc tổng hợp những tư liệu trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân là nhiệm vụ.

Đây tất nhiên là một nhiệm vụ đối với cha tôi, nhưng nó còn là đối với lịch sử âm nhạc Việt Nam, bởi thu thập, phân loại và phổ cập những tài liệu của các nhạc sĩ trong giai đoạn lịch sử này là một việc làm cần thiết và cấp bách, nếu như chúng ta muốn những thế hệ sau có thể có một kho tư liệu nhạc phổ và thu âm đầy đủ nhất về giai đoạn này, bởi tư liệu của các nhạc sĩ cùng thời với cha tôi được lưu trữ ở rất nhiều nguồn khác nhau và không phải dễ tập hợp. Chỉ một thế hệ nữa thôi, nếu không làm gì, những tài liệu này sẽ thất thoát phân tán và lúc ấy sẽ là quá muộn để dựng lại một giai đoạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam một cách «nói (có thu âm) có sách, mách có chứng », chứ không phải là những dòng hồi ức, bình luận, phê bình, nghiên cứu mà người đọc không thể có dịp nghe những tác phẩm âm nhạc ấy nữa.

Tuy nhiên, một câu tục ngữ Pháp có nói: “Une hirondelle ne fait pas le printemps − Một con chim én không thể làm nên mùa xuân”, thông điệp mà chúng tôi muốn gửi cho các nhạc sĩ và người thân tiến hành sớm việc tập hợp, lưu trữ tư liệu sáng tác và tác phẩm của mình.

Và kỳ vọng có thể làm được một công trình nghiên cứu hoặc thực nghiệm nào đó trên những tư liệu mà các nhạc sĩ khác cũng sẽ thu thập được ấy.

 

Nguồn: Sách nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau - hoinhacsi.vn

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam