BẢN GIAO HƯỞNG – ĐẠI HỢP XƯỚNG ĐIỆN BIÊN PHỦ, tác giả: nhạc trưởng Trần Vương Thạch

23/02/2024   322

 

BẢN GIAO HƯỞNG – ĐẠI HỢP XƯỚNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

 

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch[1]

Là một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người chiến sĩ Lê Văn Ngọ đã được khơi nguồn cảm hứng để sáng tác bài hát Hò kéo pháo nổi tiếng, và nhờ đó ông đã được đi học âm nhạc để trở thành nhạc sĩ Hoàng Vân. Sự nghiệp sáng tác của ông đã được ghi nhận với nhiều tác phẩm thanh nhạc nổi tiếng như Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò … Ngoài ra ông còn để lại rất nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch … mà khán thính giả ít được biết đến.

Tác phẩm Đại hợp xướng Điện Biên Phủ là một trong những tác phẩm lớn đã được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong một thời gian khá dài. “Tôi có ý định viết từ lâu, nhưng phải tới sau năm 1990 mới bắt tay vào viết và đến cuối 2004 mới xong. Đây là tác phẩm tôi dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Nhưng phải nói là rất khó sáng tác, bởi bây giờ là thời bình rồi, phải làm sao toát lên được âm hưởng hào hùng, vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ lại phải phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng là điều không hề đơn giản. Tôi đã viết với một khát vọng lớn. Về mặt ngôn ngữ âm nhạc cũng như hình tượng nghệ thuật, phải vừa mới mẻ lại kế thừa truyền thống và xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch để hy vọng thuyết phục được người nghe… Bây giờ tôi đang rất hồi hộp không biết khán giả sẽ đón nhận tác phẩm này thế nào”, Nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ trong buổi phỏng vấn trước buổi công diễn đầu tiên của Điện Biên Phủ vào tháng 6 năm 2005 (https://tuoitre.vn/dem-hoa-nhac-nhac-si-hoang-van-voi-dien-bien-phu-82600.htm). Chúng ta có thể nghe lại bản thu âm do nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy trong buổi biểu diễn của tác phẩm này trong phần Nghe nhạc trên trang web chính thức của nhạc sĩ.

Nếu như Hồi tưởng (1961-1962) là đỉnh cao của tác phẩm giao hưởng - hợp xướng Hoàng Vân lúc khởi đầu sự nghiệp của nhạc sĩ và của nền hợp xướng Việt Nam thì bản giao hưởng - hợp xướng Điện Biên Phủ (2004) là tác phẩm lớn cuối cùng đánh dấu sự nghiệp sáng tác của ông. Điểm chung của hai tác phẩm này là viết cho hợp xướng và dàn nhạc, nhưng với cấu trúc tác phẩm, xét về vai trò giữa hợp xướng với dàn nhạc trong cả hai tác phẩm, chúng ta thấy rõ là về cấu trúc Hồi tưởng là một bản giao hưởng thơ và Điện Biên Phủ là một liên khúc giao hưởng. Đây cũng chính là một đặc điểm độc đáo về sáng tạo trong hình thức của Hoàng Vân.

 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích chi tiết tác phẩm Điện Biên Phủ của nhạc sĩ.

Tác phẩm Đại hợp xướng Điện Biên Phủ có Phần mở đầu (Ouverture) và 4 chương nhạc, tất cả các phần đều có tiêu đề. Biên chế của tác phẩm gồm có: Hợp xướng với bốn giọng gồm Soprano, Alto, Ténor và Basse. Và các giọng lĩnh xướng gồm Baryton, Alto, Ténor; Dàn nhạc gồm bộ Gỗ (piccolo, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinette, 2 fagot), bộ Đồng (4 cor, 2 trompette, 2 trombone), Timpani, bộ Gõ (cymbale, campanelli, trống chèo, triangle, tambour militaire) và bộ Dây (violon I, violon II, alto, violoncelle, contrebasse).

 

  1. Phần mở đầu: Hợp xướng và dàn nhạc. Moderato.

Xuất hiện đầu tiên là tiếng kèn kêu gọi được diễn tấu ở toàn bộ bộ kèn trong 4 ô nhịp và được trình bày xen kẽ giữa hai hợp âm Đô trường và Mi giáng trưởng. Hai hợp âm này tạo cảm giác mạnh mẽ, khoáng đạt và là motif hòa âm chủ đạo được tác giả khai thác trong tác phẩm. (xem Hình 1).

 

Hình 1. Chủ đề kêu gọi:

 

Liền đó xuất hiện chủ đề âm nhạc “ca ngợi” (a) ở hai giọng Alto và Bass trong điệu thức Đô trưởng, đây chính là chủ đề âm nhạc xuyên suốt được tác giả sử dụng trong tác phẩm, đặc biệt nhất là chủ đề này sẽ là chủ đề chính của chương IV. Chủ đề “ca ngợi” (a) được mở rộng trong sắc thái Tutti (toàn bộ) hoành tráng, trang trọng và mạnh mẽ (Maestoso con brioso) ở điệu thức Mi giáng trưởng (ô nhịp số 8). (xem Hình 2).

 

Hình 2. Chủ đề 'ca ngợi':

 

Từ ô nhịp 15, âm nhạc mềm mại và tình cảm (dolce espressivo) ở điệu thức La giáng trưởng. Ở đây tác giả khai thác quãng nhạc do–mi giáng, đã xuất hiện từ hòa âm của đoạn mở đầu, nhằm chuyển sắc thái giai điệu sang tính cách ‘thứ’ mềm mại và sâu lắng. Câu nhạc ca ngợi những sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ ở chiến trường Điện Biên Phủ, mà tác giả ví như những “bài thơ, cánh hoa, lời ca”, đã “tỏa hương thơm trên đất nước. Trên những dòng sông, trên những cánh đồng”. Và từ đó đi đến cao trào cùa bài hợp xướng, được tác giả đặt vào nốt La giáng cao nhất của giai điệu (ô nhịp 23) để từ đó giai điệu đổ xuống tạo cảm giác thật bay bổng và xúc động của “Tiếng hát bay qua đại dương biển xanh. Tiếng hát qua sa mạc qua núi cao”.

Đoạn kết của hợp xướng (ô nhịp số 29) trở lại với điệu thức Đô trưởng xen kẽ với hòa âm La giáng trưởng, đối thoại giữa hợp xướng và dàn nhạc ở sắc thái rất mạnh mẽ (fff). Âm nhạc dần chuyển điệu và nhỏ dần để vào đoạn chuyển của kèn Cor và bộ Gỗ, đoạn này sử dụng motif âm nhạc như gợi lại giai điệu bài hát Hò kéo pháo, nhằm chuẩn bị cho chương I của tác phẩm.

 

  1. Chương I: Trên chiến trường không bao giờ quên.

 

Chương I gồm có ba đoạn lớn, Đoạn thứ nhất (A) bắt đầu bằng câu nhạc dẫn ‘hồi tưởng’ ở Violin I và Violin II được tiếp nối bởi bè Nam cao, ở điệu thức Sol trưởng và tốc độ vừa phải (Moderato). Giai điệu này với lời hát “Trên chiến trường không bao giờ quên. Mùa thu năm ấy”, đã thể hiện chính tâm tình của tác giả khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ và oai hùng năm xưa. Đây là giai điệu dẫn dắt kể chuyện này mà tác giả sẽ sử dụng nhiều lần trong tác phẩm, đặc biệt là trong đoạn thứ ba (C) của chương I, giai điệu này sẽ là chủ đề chính cho giọng Baryton lĩnh xướng. (xem Hình 3)

 

Hình 3. Chủ đề “hồi tưởng”:

 

Hình 3-2

Từ câu nhạc mở đầu, xuất hiện giai điệu dân gian ở tiếng sáo Flute và Piccolo đồng âm cùng với kèn Fagot (ô nhịp số 7), gợi ra âm sắc của tiếng sáo mèo H’mông. Theo chị Lê Y Linh, con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân, thì trong đoạn này tác giả đã sử dụng các cấu trúc quãng đặc trưng của dân ca H’mông lồng vào tiếng hót của chim “Bắt cô trói cột’. Tiếng hót chim “Bắt cô trói cột” được nhắc lại nhiều lần ở hai kèn Oboë, đến hai Clarinette rối đến hai Fagot cộng với bè trầm của dàn dây. (xem Hình 4).

 

Hình 4. Câu nhạc sáo Mèo và motif 'bắt cô trói cột':

 

Sau đoạn mở đầu là bài ca của tốp nữ giọng Nữ cao và Nữ trầm (ô nhịp 13), thể hiện tâm tình và nỗi cơ cực của người dân tộc miền núi Tây Bắc trong thời gian bị chiếm đóng. Trong đó nổi lên đoạn solo của giọng Alto như kể lể, thở than (alla recitato) về nỗi cơ cực của các dân tộc miền núi và sự mong chờ các anh bộ đội đến giải phóng. (xem Hình 5).

 

Hình 5. Chủ đề nhân dân Điện Biên:

 

Đoạn thứ hai (B) bắt đầu với đoạn búng dây (pizz) của dàn Dây từ phách lấy đà của ô nhịp số 40. Nhịp điệu dần nhanh lên để đi đến đoạn Hành khúc (Marcia ; ô nhịp 46) ở điệu thức Sol trưởng. Trong bài hành khúc tác giả đã sử dụng các quãng nhạc điển hình từ bài hát Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đoạn hành khúc như nói lên những bước hành quân của bộ đội đi đến chiến trường Điện Biên Phủ, “như những dòng suối nhỏ chảy thành sông, như những dòng sông chảy ra biển cả”. (xem Hình 6).

 

Hình 6. Chủ đề hành khúc:

 

Từ ô nhịp số 58, toàn bộ giai điệu bài hát Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được xuất hiện ở kỹ thuật búng dây (pizz) của dàn Dây, trên nền bài hát đó tác giả Hoàng Vân đã sử dụng kỹ thuật phức điệu để chồng lên những câu kèn hành khúc và những câu hát của hợp xướng nhằm vẽ lên hình ảnh tầng tầng, lớp lớp các chiến sĩ “Đi trong đêm. Nào bộ binh, nào xe, nào pháo, nào dân công gánh gánh gồng gồng …” tiến về chiến trường Điện Biên Phủ. Đoạn phức điệu dần mạnh mẽ với tính cách Marcato risoluto (ô nhịp 82) để dẫn đến cao trào với chủ đề âm nhạc mang tính cách ‘Cảm động’ (ô nhịp 87) của các quãng bẩy đi lên nhằm tạo cảm giác rộng mở và hào hùng. Đỉnh cao là ở ô nhịp 91, với dấu nhấn mạnh (sf) của toàn bộ dàn nhạc và hợp xướng, trong đó hợp xướng nhắc lại motif quãng bốn đi lên của chủ đề ‘ca ngợi’ ở âm vực cao. Cao trào của câu nhạc được giữ ở bốn ô nhịp, rồi bất ngờ xuất hiện đoạn ‘nhiều tình cảm xúc động’, tác giả cho xuất hiện nốt Ré thường (ô nhịp 95)), tạo cảm giác bất ngờ và xúc động để nói về hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ “Từng giờ đang theo dõi bước quân đi”. Đoạn nhạc kết thúc bởi những âm thanh thì thầm với ‘giọng giả’ của hợp xướng cùng với tiếng chim ‘Bắt cô trói cột’ (ô nhịp 110), như diễn tả những thời khắc yên lặng hiếm có của chiến trường.

Đoạn thứ ba (C) (ô nhịp 119) mở đầu bằng câu nhạc “hồi tưởng” ở Violon I và II, là câu nhạc đã mở đầu Chương I, tác giả đã phát triển chính giai điệu này để xây dựng chủ để âm nhạc của đoạn lĩnh xướng quan trọng của giọng Baryton tiếp theo (ô nhịp 123). Đoạn lĩnh xướng giọng Baryton như những “hồi tưởng” của chính tác giả “Trên những con đường không bao giờ quên … Nhớ như in từng nét mặt người chiến sĩ. Trong rừng sâu tiếng vách đá âm vang tiếng quai búa …”. (xem Hình 7).

 

Hình 7. Chủ đề 'hồi tưởng' của giọng Baryton:

 

Đoạn lĩnh xướng của Baryton dường như đã miêu tả thời khắc mà tác giả sáng tác bài Hò kéo pháo ngay trên trận địa. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã kể lại rằng: “Những chiến công và sự hy sinh vô bờ bến của các đơn vị kéo pháo đã cho tôi những cảm hứng rất lớn. Hình ảnh những đơn vị bộ binh và pháo binh hành quân, kéo pháo vượt đèo cứ lởn vởn trong đầu tôi. Những đợt kéo pháo như thế thật là vĩ đại! Đêm trong hầm ngột ngạt không ngủ được. Tôi bước ra khỏi hầm. Trăng mờ. Sương đêm lành lạnh. Bỗng tiếng gà rừng gáy vang lên ngay cạnh cửa hầm của tôi. Tiếng gà gáy trong đêm báo sáng không chỉ là dấu ấn thời gian mà còn là biểu tượng khát vọng chiến thắng của các chiến sĩ. Hình tượng gà gáy đã cho tôi cảm xúc rất mạnh. Và quay về hầm tôi viết: Gà rừng gáy trên nương rồi...” (https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/bai-hat-ra-doi-ben-chien-hao/17702.html).

Và đúng vậy, từ ô nhịp 135 âm nhạc đi từ sắc thái rất nhỏ (pp) lớn dần lên, với kỹ thuật mô tiến chủ đề, tác giả đã dẫn âm nhạc lên cao trào mạnh mẽ để từ đó xuất hiện giai điệu bài hát Hò kéo pháo ở bè Flute, Clarinette (ô nhịp 143). Trên nền tảng của bài hát, tác giả Hoàng Vân đã chồng lên đó chủ đề âm nhạc “hồi tưởng” “Trên chiến trường không bao giờ quên … vào mùa xuân năm ấy ! …”. Từ ô nhịp 151, tốc độ vừa phải (Moderato), tác giả đã cho xuất hiện toàn bộ giai điệu của bài hát Hò kéo pháo ở phần trầm của Fagot, kèn Đồng và bộ Dây pizz, chồng lên đó là chủ đề ‘hồi tưởng’ ở Violon I, và chủ đề ‘ca ngợi’ với quãng bốn điển hình ở các giọng hợp xướng. Sự phức điệu trong đoạn này tạo nên những hình ảnh tầng tầng lớp lớp những người chiến sĩ kéo pháo trên sườn núi, ở đó là sự hy sinh anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện mà “Tổ quốc muôn đời nhắc nhở tên anh”. (xem Hình 8).

 

Hình 8. Đoạn phức điệu của 'Hò kéo pháo':

 

Hình 8-2

Từ ô nhịp 178 âm nhạc dần nhỏ lại, tác giả tiếp tục sử dụng hai tầng giai điệu gồm bè trầm của Hò kéo pháo cùng với chủ đề ‘hồi tưởng’ ở hợp xướng. Hai tầng giai điệu này được chuyển sang cho bộ kèn gỗ trên nền trémolo của dàn dây. Chương nhạc được kết thúc bằng ‘hợp âm’ Sol không có âm ba ở sắc thái rất nhỏ (pp), như diễn tả sự tĩnh lặng của màn đêm Điện Biên.

 

  1. Chương II : Đọc thư hậu phương. Allegro non troppo.

 

Tiêu đề Đọc thư hậu phương đã nói lên tính cách âm nhạc và nội dung của chương nhạc. Chương nhạc được chia làm hai đoạn lớn, sử dụng giọng Alto lĩnh xướng trong vai người vợ, hát lên những lời viết thư cho chồng ở tiền tuyến. Điều chúng tôi nhận ra là dường như trong chương nhạc này tác giả Hoàng Vân đã phát triển một hình thức ‘Xướng – Xô’, một thể loại diễn xướng dân gian Việt Nam. Hình thức Xướng – Xô gồm có người hát chính được gọi là Cái, hát phần chính của làn điệu được gọi là phần kể, phần Xướng; và tập thể những người tham gia được gọi là Con, hát đáp lại bằng phần cuối gọi là Xô. Trong chương nhạc này, tuy là ở độ dài lớn hơn nhiều so với các bài Xướng – Xô dân gian, nhưng ta cũng có mô hình tương đồng là giọng Alto giữ phần lĩnh xướng kể chuyện như giọng Cái, và hợp xướng hát hòa theo xen kẻ giữa những đoạn kể chuyện như phần Con.

Chương II được chia làm hai đoạn lớn, Đoạn thứ nhất (A) bắt đầu bằng câu dạo nhạc của kèn Flute và Clarinette, giọng Mi giáng trưởng, hòa trong tiết tấu dân gian của Trống chèo và tiếng pizz của dàn Dây (mà tác giả ghi rõ là “mô phỏng trống cơm”). Âm nhạc đưa ta vào khung cảnh nông thôn miền Bắc mà ở đó người vợ chiến sĩ đang tần tảo nuôi con và chăm sóc mẹ ở hậu phương. Câu nhạc được nối tiếp bằng hợp xướng nữ hát không lời (vocalisé) và hai bè nam nhắc lại motif của sự gợi nhớ chiến trường xưa. Âm nhạc của đoạn này được tác giả phát triển từ ngôn ngữ âm nhạc Quan họ, mà chúng ta có thể nhận ra motif âm nhạc của bài Bèo dạt mây trôi trong đoạn kết của phần hợp xướng nữ. Đoạn mở đầu này dẫn vào phần kể chuyện (ô nhịp 11) của vai người vợ, giọng Alto lĩnh xướng, được tác giả chú thích là “Anh bộ đội đọc thư nhà (Nội dung thư hiện lên bằng tiếng hát)”. (xem Hình 9).

 

Hình 9. Giai điệu dân gian Bắc bộ:

 

Mở đầu đoạn lĩnh xướng của giọng Alto, tác giả Hoàng Vân viết lời ca là “Con chim xanh đậu cành đu đủ, em gửi thư này mong đến tay anh …”, theo chúng tôi ở đây có lẽ tác giả đã vận dụng thể nói thơ dân gian để sáng tác đoạn lĩnh xướng mang tính kể chuyện và hát nói của nhân vật người vợ. Đoạn độc thoại này ở điệu thức Mi giáng trưởng, ngôn ngữ âm nhạc được tác giả khai thác từ âm nhạc Quan họ, là một thể loại âm nhạc dân gian rất phổ biến ở nông thôn miền Bắc Việt Nam. (xem Hình 10).

 

Hình 10. Chủ đề của 'người vợ':

 

Cuối đoạn kể chuyện thứ nhất của giọng Alto (ô nhịp 33), tác giả đã khéo léo sử dụng giai điệu mở đầu của Flute để giọng Alto lĩnh xướng hát lên nhằm “bắc cầu” trở lại phần hợp xướng vocalisé, nhưng lần này là do hợp xướng nam đảm nhận. Câu hát vocalisé được hai bè nữ tiếp nối để dẫn vào tiếp tục phần kể chuyện thứ hai của giọng Alto (ô nhịp 48). Đoạn lĩnh xướng lần này được tác giả chú thích là chậm hơn và hát như nói (meno mosso – alla recitativo).

 

Đoạn thứ hai (B) bắt đầu từ ô nhịp số 53, vẫn luôn ở điệu thức Mi giáng trưởng với tốc độ vui, hoạt bát, nhịp nhàng, hợp xướng và toàn bộ dàn dàn nhạc trình bày phần cao trào của chương nhạc, hát lên đời sống ở hậu phương. Điểm đặc biệt ở đây là tác giả sử dụng trống Chèo ngẩu hứng một đoạn theo “kiểu trống Đế” nhằm khắc họa màu sắc sắc dân gian miền Bắc, và cũng nhằm dẫn vào cao trào của chương nhạc. Đoạn Tutii hợp xướng và dàn nhạc được phối hợp rất sống động giữa bè giai điệu chính ở hợp xướng và kèn gỗ được hòa điệu nhịp nhàng trong phần đệm của bộ Gõ, Đồng và Dây, cùng bè phức điệu bay bổng ở Violon I. Trong đoạn này tác giả còn sử dụng kỹ thuật hát đuổi thường thấy trong các thể loại hát dân gian Việt Nam (ô nhịp 62). (xem Hình 11).

 

Hình 11. Chủ đề hợp xướng:

 

Hình 11-2

Từ ô nhịp số 76, giọng hát kể chuyện của bè Alto lĩnh xướng lại xuất hiện lần thứ ba cùng với phần đệm pizz nhẹ nhàng của bộ Dây ở giọng Mi giáng trưởng. Sau đó bè Flute và Clarinette lại một lần nữa diễn tấu câu nhạc dân dã để dẫn dắt trở lại đoạn hát kể chuyện lần thứ tư (là đoạn quay trở lại 11 ô nhịp của phần hát nói thứ nhất), nhưng lần này là với toàn bộ bè Alto của hợp xướng. Chương nhạc kết thúc bởi toàn bộ hợp xướng và dàn nhạc trong không khí âm nhạc tươi sang của đoạn coda.

 

  1. Chương III : Lá cờ của Bác.

 

Chương III là chương nhạc trung tâm và lớn nhất của tác phẩm với 219 ô nhịp, chương nhạc được chia làm bốn đoạn lớn. Đoạn thứ nhất (A) bắt đầu lập tức vào không khí xáo động bởi tiếng kèn xung trận, là chủ đề mà tác giả đã sử dụng mở đầu tác phẩm, nhưng lần này cùng toàn bộ dàn nhạc ở điệu thức Ré thứ và tốc độ nhanh (Allegro). Đoạn nhạc như thể hiện sự khởi đầu của cuộc chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, gồm có : 10 ô nhịp như vũ bão với tiếng kèn kêu gọi ở bộ kèn cùng với những chuỗi nốt móc đôi dữ dội ở dàn Dây, và sao đó là 4 ô nhịp của những tiết tấu mạnh mẽ của kèn đồng, dàn Dây và Timpani. (xem Hình 12).

 

Hình 12. Chủ đề tiếng kèn 'kêu gọi' chiến đấu:

 

Từ ô nhịp số 11 tốc độ chậm hơn và tự do hơn như hát nói (Rubato alla recitativo), tác giả dẫn vào giai điệu bi thương của cuộc chiến, thang âm gần với điệu Oán Nam bộ. Ở đây tác giả đã dành cho dàn Dây gồm Violon I, Violon II và Alto một đoạn ‘độc thoại’ mãnh liệt và sâu sắc, được hỗ trợ bởi những hợp âm nhấn mạnh dữ dội ở toàn bộ dàn nhạc. (xem Hình 13).

 

Hình 13. Chủ đề bi thương:

 

 

Đoạn nhạc nhỏ dần để dẫn về khung cảnh đêm với tiếng chim ‘bắt cô trói cột”, từ đó xuất hiện phần soli của bè Ténor ở điệu thức Ré thứ (ô nhịp 26) và giọng lĩnh xướng Tenor (ô nhịp 33) hát về hình ảnh Bác Hồ trên chiến khu Việt Bắc. Để kết thúc đoạn lĩnh xướng, tác giả đã khai thác phần “ngâm kiểu Sa mạc” cho giọng Tenor lĩnh xướng (ô nhịp 41). (xem Hình 14).

 Hình 13 - 2

Hình 14. Chủ đề của Ténor lĩnh xướng:

 

Sau đó là đoạn cầu nối của dàn nhạc và hợp xướng để dẫn vào Đoạn thứ hai (B), bắt đầu với tiết tấu Hành khúc chậm ở điệu thức La thứ (ô nhịp 51) của hợp xướng Nam, diễn tả cảnh các chiến sĩ trong đêm mưa rét đào trận địa. Dàn nhạc chơi tiết tấu đảo phách nặng nề, như diễn tả những động tác “Lục cục lào cào, tay súng tay đào”, đâu đó vẫn xuất hiện những tiếng chim “bắt cô trói cột” trong dàn nhạc. (xem Hình 15).

 

Hình 15. Chủ đề hợp xướng các chiến sĩ:

 

Rối bất ngờ cuộc chiến nổ ra (ô nhịp 77), được dẫn đầu bởi tiếng kèn Trompette, tác giả sử dụng toàn bộ hợp xướng và dàn nhạc ở những hợp âm nhấn như bùng nổ, để bước vào một đoạn diễn tả cuộc chiến đấu từ ô nhịp số 81. (xem Hình 16).

 

Hình 16. Âm nhạc chiến đấu:

 

Âm nhạc càng lúc càng căng thẳng, dàn nhạc và hợp xướng như gào thét trong những tiết tấu và sắc thái dữ dội, dẩn đến đoạn chơi ở tốc độ rất nhanh (Vivo presto) và mạnh mẽ mở đầu cho Đoạn thứ ba (C), với phần đoạn hợp xướng hùng tráng nhịp 2/4 (Tempo di Marcia, ô nhịp 97) ở điệu thức Mi thứ. (xem Hình 17).

 

Hình 17. Hợp xướng chiến đấu:

 

Giữa đoạn âm nhạc khốc liệt của cuộc chiến đấu, tác giả sử dụng hợp xướng Nam để hát lên hình ảnh của buổi lễ kết nạp Đảng xúc động trên chiến trường (ô nhịp 135). Âm nhạc càng lúc càng mạnh mẽ, đây là một đoạn crescendo lớn nhất của toàn bộ tác phẩm để dẫn vào đỉnh điểm cao trào ở ô nhịp 193, của toàn bộ dàn nhạc và hợp xướng ở sắc thái rất mạnh (fff), diễn tả hình ảnh chiến thắng, là cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm địch.

 

Đoạn thứ tư (D), bắt đầu từ ô nhịp 193, tác giả sử dụng điệu thức Do trưởng với tiết tấu mạnh mẽ của bộ kèn, tốc độ nhanh dần lên để dẫn vào đoạn hành khúc vang dội của hợp xướng cùng với giai điệu bài hát Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận ở bè Flute, Oboë, Violon I và II. Toàn bộ dàn nhạc và hợp xướng diễn tả niềm vui khôn xiết của chiến thắng giải phóng dân tộc, chương nhạc kết thúc bằng hợp âm kéo dài vang vọng của toàn bộ dàn nhạc và hợp xướng. (xem Hình 18).

 

Hình 18. Hợp xướng “Lá cờ chiến thắng”:

 

 

  1. Chương IV: Bài hát của các chiến sĩ trẻ. Moderato.

Chương IV gồm ba đoạn lớn (ABA’), chương nhạc như một sự tổng kết các chủ để âm nhạc đã được sử dụng trong cac chương nhạc trước. Đoạn thứ nhất (A) mở đầu bằng giai điệu “hồi tưởng” mà tác giả đã sử dụng mở đầu chương I, nhưng lần này là ở điệu thức Si trưởng được diễn tấu với sắc thái mạnh mẽ (f) ở dàn Dây và bộ Gỗ. Câu nhạc ‘hồi tưởng’ dẫn vào đoạn lĩnh xướng quan trọng của giọng Tenor, đây chính là chủ đề âm nhạc mang tính “ca ngợi” của Phần mở đầu (Ouverture) của tác phẩm. Đoạn lĩnh xướng giọng Tenor chính là giọng hát của người “chiến sĩ trẻ”nhằm ca ngợi chiến công hào hùng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chủ đề âm nhạc của đoạn lĩnh xướng này mang tính chất mạnh mẽ, hào sảng với quãng bốn đúng đi lên mở đầu câu nhạc. (xem Hình 19).

 

Hình 19. Chủ đề 'ca ngợi':

 

Chủ đề này ngay lập tức được ly điệu sang điệu thức Đô trưởng ở ô nhịp số 7, hòa cùng với bè phức điệu ở Violon I tạo cảm giác tung bay, khoáng đạt. Từ tính chất âm nhạc hào sảng của điệu thức Si trưởng, tác giả đã dẫn câu nhạc đến nốt Ré thường ở điệu thức thứ cùng tên (ô nhịp 14), nhằm tạo nên sắc thái tình cảm, xúc động thể hiện lòng biết ơn đối với những hy sinh mất mát mà “Trên mỗi tấc đất có bao nhiêu bài thơ. Từng chiến công rung động lòng ta”.

Giai điệu lĩnh xướng dần mở rộng, để đạt đến cao trào ở nốt Sol cao nhất của giai điệu mà đổ xuống (ô nhịp 21), lĩnh xướng được nhấn mạnh bởi các hợp âm dầy đặn của kèn Gỗ và Cor. Đoạn lĩnh xướng ngợi ca kết thúc bằng cao trào mạnh mẽ (ff) ở điệu thức Si trưởng cùng với toàn bộ dàn nhạc nhằm hát lên “Tiếng hát năm xưa kẻ thù khiếp kinh. Tiếng hát hôm nay còn vang khắp nơi. Tiếng hát Điện Biên trên khắp hai miền. Miền Nam nghe chăng lòng ta xao xuyến! Quyết chiến! Bảo vệ quê hương, Quyết thắng! Giành lại thống nhất!”.

Đoạn thứ hai (B) bắt đầu từ ô nhịp 32 với đoạn nhạc nhanh vui (Allegretto non troppo) ở điệu thức Si trưởng của dàn nhạc. Theo chúng tôi ở đây tác giả Hoàng Vân đã khai thác tiết tấu của bài Giải phóng Điện Biên, nhằm tạo tính cách âm nhạc rạo rực dẫn vào phần hợp xướng vui mừng của chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chủ đề âm nhạc của của hợp xướng ở điệu thức Sol # thứ, nhưng lại được tác giả Hoàng Vân khắc họa tính cách vui tươi và mới mẻ với những tiết tấu đảo phách trẻ trung và duyên dáng. (xem Hình 20).

 

Hình 20. Bài ca “chiến thắng”:

 

Điều này cũng chính là một trong những đặc điểm nổi bật của các ca khúc truyền thống cách mạng Việt Nam, mà chúng tôi ghi nhận được. Đó là tính cách hào hùng, vui tươi, dí dỏm ở các bài hát có điệu thức thứ, mà chúng ta có thể thấy rõ nét trong các bài Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn hoặc bài Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng. Điều này chúng ta có thể hiểu rằng đây không phải là trong ý nghĩa điệu thức trưởng và thứ của âm nhạc Âu châu, mà chính là các tác giả Việt Nam đã khai thác màu sắc của thang âm điệu Vũ của hệ thống Ngũ âm Việt Nam. Giai điệu của bài hát vui mừng được trình bày lần thứ hai ở điệu thức Mi thứ (ô nhịp 49), được tác giả bổ sung thêm bè phức điệu ở bè Soprano, Tenor và Violon I. Đoạn nhạc nhanh vui của dàn nhạc lại được lặp lại (ô nhịp 62) ở điệu thức Sol trưởng chuyển sang Đô trưởng, để dẫn vào bài hợp xướng “niềm vui” lần thứ ba cùng với bè phức điệu ở giọng Nam trầm, Violon I và II, ở điệu thức La thứ (ô nhịp 67), nhưng lần này lại được dàn nhạc đệm ở hòa âm Đô trưởng. Âm nhạc tạo nên không khí náo nhiệt của niềm vui chiến thắng.

Bài hợp xướng chuyển chậm lại (Maestoso con brioso, ô nhịp 71) để vào Đoạn thứ ba (A’) của chương IV. Trong đoạn này, tác giả sử dụng chủ đề âm nhạc “ca ngợi” mà ông đã sử dụng ở Phần mở đầu của tác phẩm. Chủ đề ‘ca ngợi’ lần này được toàn bộ hợp xướng hát ở điệu thức Đô trưởng, nhằm ca ngợi những chiến công hào hùng: “Điện Biên! Trên những chiến trường không bao giờ quên”. Bài hợp xướng ‘ca ngợi’ được trình bày lần thứ hai (ô nhịp 80) có biến tấu và mở rộng, để dẫn đến cao trào ở ô nhịp 99. Ở hòa âm La giáng trưởng, hợp xướng được hỗ trợ bởi toàn bộ dàn nhạc và âm thanh của Cymbal để nhấn mạnh vào nốt nhạc cao nhất của chủ đề, cộng vào đó là motif của bài Chiến thắng Điện Biên được bè Trompette solo mạnh mẽ ở sắc thái ff, như báo tin chiến thắng của toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Không khí rạo rực của âm nhạc được tác giả dẫn đến đoạn Coda hoàng tráng ở tốc độ Presto. Với chủ đề âm nhạc ca ngợi ở Hợp xướng được mở rộng tiết tấu, song song đó là các quãng nhạc thôi thúc và tiết tấu mạnh mẽ của bộ đồng, cùng với những nốt nhạc nhanh ‘ríu rít’ của bè Flute, Clarinette, Violon I và II, được hỗ trợ bắng những bước đi vững chãi của bè trầm đầy đặn của dàn Violoncelle và Contrebasse và Timpani. Tất cả đã tạo nên một tổng hòa rực rỡ của màu sắc, của niềm vui chiến thắng “Điện Biên! Đất nước đời đời ghi nhớ. Thế giới đời đời ngợi ca”!

 

 

Với cấu trúc đầy đủ của một tổ khúc giao hưởng, đại hợp xướng Điện Biên Phủ có đầy đủ tất cả các yếu tố của một Thanh Xướng Kịch (Oratorio), đó là các đoạn hợp xướng, lĩnh xướng (aria), có những đoạn như hát nói (récitativo), cùng với dàn nhạc trình bày kể lại sự kiện lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài phần kỹ thuật thanh nhạc và dàn nhạc, để phục vụ cho ý đồ rộng lớn của tác phẩm, Nhạc sĩ Hoàng Vân đã huy động nhiều nguồn hỗ trợ cho việc diễn tả nội dung. Cũng như trong Hồi tưởng, tác giả đã sử dụng một số giai điệu hay motif của một số bài hát truyền thống tiêu biểu như Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hò kéo pháo của chính tác giả Hoàng Vân của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp để tái tạo lại toàn bộ cảnh quan xung quanh phần âm nhạc thời kỳ đó. Hơn nữa, ông đã khai thác và phát triển rất nhiều tinh hoa của các vùng dân ca như các motif điển hình của dân ca H’mông, motif của chim “Bắt cô trói cột”, bài Bèo dạt mây trôi của Quan họ Bắc Ninh, thơ dân gian “Con chim xanh đậu cành đu đủ”, ngâm thơ Sa mạc… Trong giai điệu, tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn những thang Ngũ âm điển hình của âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là các làn điệu dân ca phía Bắc. Về kỹ thuật hòa âm, Điện Biên Phủ không phải là tác phẩm mà Hoàng Vân dùng những kỹ thuật quá phức tạp, ở đây, ông chú trọng hơn về các thủ pháp ly điệu sử dụng có chủ đích.

Một trong những đặc điểm độc đáo nữa trong Điện Biên Phủ là Nhạc sĩ Hoàng Vân đã mang đến cho dàn nhạc giao hưởng Âu châu những màu sắc đặc biệt của âm nhạc Việt Nam như sử dụng các nhạc cụ kèn gỗ để mô phỏng lại tiếng hót của chim “Bắt cô trói cột”; phối hợp Trống Chèo với tiếng búng dây (pizzicato) của dàn dây mà tác giả còn ghi chú rõ là “mô phỏng tiếng trống cơm”; pha màu giữa sáo Flute, Piccolo với kèn Fagot nhằm tái hiện sắc thái của khèn Mèo…

 

Một vài thủ pháp kỹ thuật được phân tích trong bài viết này đã làm cho Điện Biên Phủ đạt được hiệu quả tạo cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc từ hoành tráng đến sâu lắng, tạo nên sức hút của tác phẩm. Ngôn ngữ hợp xướng đã góp phần chuyển tải nội dung, nhưng cũng khiến cho tác phẩm được gần gũi hơn với công chúng Việt Nam, điều mà nhạc sĩ Hoàng Vân luôn đau đáu trong suốt sự nghiệp của mình.

 

Điện Biên Phủ có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh là tác phẩm đỉnh cao, là khúc kết rực rỡ (brillant) cho sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ của nhạc sĩ Hoàng Vân.

 

 

Trần Vương Thạch

 

[1] Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HSBO), là Ủy viên Ban chấp hành và Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông được đào tạo từ Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, sau đó đi tu nghiệp và tốt nghiệp chỉ huy tại Nhạc viện Hoàng gia Bỉ và Nhạc viện Hoàng gia Hà Lan. Ngoài HSBO, ông đã chỉ huy cùng với nhiều dàn nhạc trên thế giới trong suốt sự nghiệp của mình.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam