Hoàng Vân với Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ với Hoàng Vân, tác giả Nguyễn Thụy Loan

22/07/2024   1121

ĐIỆN BIÊN PHỦ với HOÀNG VÂN

HOÀNG VÂN với ĐIỆN BIÊN PHỦ

Nguyễn Thụy Loan

Điện Biên Phủ với Hoàng Vân và Hoàng Vân với Điện Biên Phủ là một bài khảo cứu của PGS-TS Nguyễn Thụy Loan. Bài đã được xuất bản trong tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật số tháng 5/2024, số đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

BBT: Các tác phẩm minh họa

Xem chương trình Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên trên kênh chính thức của nhạc sĩhttps://youtu.be/JrElcLYGaZ4

Nghe bản hợp xướng Vượt Núihttps://hoangvan.org/vuot-nui?lang=vi

Nghe bản hợp xướng Việt Nam muôn năm, phần mở đầu trong hợp xướng Việt Nam Tổ quốc ta anh hùng viết chung với các nhạc sĩ Lê Lôi, Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Hồ Bắc : https://hoangvan.org/viet-nam-to-quoc-anh-hung?lang=vi 

Có những thời thế tạo nên nhân kiệt

Ba lần chống quân Nguyên Mông khét tiếng tạo ra một thánh nhân - Hưng đạo đại vương. Kháng chiến chống quân Minh tạo nên danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Thời thế nửa cuối thế kỷ 18 sinh ra thiên tài quân sự - nhà chính trị kiệt xuất Nguyễn Huệ. Cuộc đối đầu không cân sức giữa một đế quốc hùng mạnh với một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu ở nửa cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX đã làm nảy sinh bao anh hùng lưu danh sử sách và một vĩ nhân, ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời Việt Nam: Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, được thế giới ngưỡng mộ.

Ấy là: Thời thế tạo anh hùng.

Thế nhưng, không chỉ thời đại lịch sử, mà một sự kiện lịch sử cũng có thể làm nên trang sử vàng chói lọi, tạo ra những nhân vật kiệt xuất và nhân tài văn hóa.

Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện rất đặc biệt như vậy. Đó là sự kiện mang tầm vóc thời đại, đặt dấu chấm hết cho gần một thế kỷ áp bức, thống trị của thực dân Pháp, đánh dấu thắng lợi vẻ vang của chín năm kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại được để làm “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”[1] khiến cục diện chiến tranh Việt Nam và Đông Dương thay đổi, đồng thời “thay đổi số phận thế giới”[2] và “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[3].

Cũng với Điện Biên, Việt Nam có thêm một nhà quân sự kiệt xuất - đại tướng Võ Nguyên Giáp và một nhân tài âm nhạc - nhạc sĩ Hoàng Vân.

Có thể nói không ngoa: 

  1. Điện Biên Phủ đã làm nên một Hoàng Vân tài hoa, một đá tảng kiến tạo lâu đài nhạc mới Việt Nam

Thật vậy. Điện Biên Phủ chính là nơi hội tụ Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa để hợp cùng tài năng thiên bẩm của chàng chiến sĩ Điện Biên trẻ tuổi, chỉ mới vẻn vẹn có vài ca khúc phổ biến trong bộ đội, đã cho xuất thần một Hò kéo pháo xuất sắc, bệ phóng cho sự thăng hoa sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nhạc mới Việt Nam.

Thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành là lúc quân Pháp - sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Việt Nam, chủ trương chuẩn bị một trận “tổng giao chiến” mang tính quyết định nhằm lập lại ách thống trị ở Ðông Dương; còn Bộ Chính trị của ta chủ trương mở một chiến dịch quyết định thắng bại của cuộc chiến tranh. Địa điểm của chiến dịch đó chính là Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương trong kế hoạch Navarre mà thực dân Pháp xây dựng với hy vọng tạo ra một “Pháo đài bất khả xâm phạm”, có thể trong 18 tháng chuyển bại thành thắng. Chàng trai trẻ ở tuổi 23 “may mắn là người tham gia chiến dịch này” và “Chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác một vài ca khúc, trong đó có Hò kéo pháo” như sau này nhạc sĩ bộc trực với phóng viên báo Thể thao Văn hóa[4].

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó là lần đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp pháo binh được huy động với lực lượng lớn nhất và đảm nhiệm nhiều chức năng đa dạng, kết hợp cùng nghệ thuật tổ chức và sử dụng pháo binh độc đáo, sáng tạo - trái với mọi tính toán của các chuyên gia pháo binh Pháp, đã tạo bất ngờ lớn, gây “cú sốc mạnh tới tinh thần quân địch”[5]. Vì thế, pháo binh đã góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch. Trong các nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch, kéo pháo vào/ra cũng là công việc khó khăn nhất, được xem như “kỳ tích không dễ gì đạt được[6], đòi hỏi cả trăm người với tời quay cùng công sức, chí quyết tâm cao độ và cả sự hy sinh anh dũng để bảo vệ và đưa pháo vượt đèo leo dốc băng qua những con đường cheo leo hiểm trở dưới làn đạn của địch. Trong các đề tài về Điện Biên Phủ, chỉ riêng Hoàng Vân chọn đúng đối tượng đặc biệt quan trọng này để làm nên một ca khúc chuyên biệt về pháo binh và việc kéo pháo.

Với sự xuất thần, ngay khi ra đời, Hò kéo pháo đã chứa đựng những nét độc đáo, tới nay vẫn có thể xem là hiếm: 1) sự thẩm thấu nhanh nhạy cùng tài hòa trộn nhuần nhị - như “2 trong 1”- âm điệu đặc trưng của dân ca Thái[7] với dân ca Việt vào một tổng thể chỉ vẻn vẹn là câu nhạc ngắn; và 2) đưa lối nói thường vào ca khúc - hiện tượng chưa có tiền lệ trong ca khúc mới Việt Nam. Câu “Hai - ba nào!” không có cao độ xác định, với từ “Hai” được ngân dài gấp đôi trước khi chuyển sang “ba nào!” nhanh gọn, chắc khoẻ và dứt khoát được lặp đi lặp lại như một âm hình chủ đạo (leitmotiv) vừa phản ánh chân thực thực tiễn hoạt động kéo pháo của các chiến sĩ, lại vừa tạo hiệu quả cao giúp người nghe cảm nhận được sự nặng nhọc của việc kéo-đẩy những chú “voi thép lì lợm” gần 2 tấn vượt đèo núi dốc ngược.

Tác giả bài hát được nhận Giải Nhất trong Đại hội văn công toàn quốc 1954, được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế rồi, con mắt tinh tường cùng trực giác nghệ thuật nhạy bén của đại tướng đã nhận ra ngay một nhân tài tương lai cho đất nước. Được ông giới thiệu với Tổng cục Chính trị, cùng năm ấy, chàng chiến sĩ Điện Biên được gửi đi đào tạo tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Con đường đưa chàng trai tới đỉnh cao nghệ thuật được mở ra từ đó. Thế nên, chẳng ngẫu nhiên, sau này nhạc sĩ khẳng định: “Điện Biên Phủ là nơi đưa tôi đến với âm nhạc (…) và rồi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp”[8].  

Trở về từ Bắc Kinh với tay nải đầy ắp kiến thức toàn diện và tinh hoa âm nhạc hàn lâm phương Tây, chàng chiến sĩ Điện Biên năm nào đã là một nhạc sĩ tài hoa, đa năng. Ông là một trong không nhiều nhà soạn nhạc Việt Nam vững vàng cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc - từ ca khúc, tiểu phẩm tới những tác phẩm giao hưởng, đại hợp xướng quy mô lớn, sử dụng thành thạo một số nhạc cụ - nhất là piano. Bên cạnh công tác chỉ huy, chỉ đạo nghệ thuật, viết phần đệm, phối khí và dàn dựng tác phẩm cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Hoàng Vân sáng tác hàng trăm tác phẩm đủ thể loại, kể cả nhạc cho phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, cho kịch nói, kịch hát, nhạc kịch, vũ kịch, chèo, cải lương. Với vốn kinh nghiệm phong phú, chỉ một năm sau khi về nước, Hoàng Vân được mời giảng dạy Phối khí, Sáng tác cho nhiều thế hệ sinh viên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội)[9] trong gần 30 năm (1961 - 1989). Là tác giả của khoảng 50 nhạc phim, từ 1990 Hoàng Vân còn là giảng viên thỉnh giảng môn Âm nhạc điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội trong khoảng hơn một chục năm[10]. Học trò ông đào tạo, sau này có những người trở thành nhạc sĩ nổi tiếng.

Tham gia chiến dịch Điện Biên, chứng kiến những gian lao vất vả, sự quyết tâm và hy sinh của đồng bào chiến sĩ nhưng chung cuộc nhỡn tiền là chiến thắng vô cùng vẻ vang, trong tâm khảm Hoàng Vân tràn đầy lòng tự hào, cảm hứng quật khởi hoặc ngợi ca và lòng biết ơn thấm thía các anh hùng, liệt sĩ, cảm hứng phấn chấn, ý chí quyết tâm tràn trề và khí thế phơi phới đi lên với niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do - cho dù khó khăn gian khổ đến mấy. Những ấn tượng, cảm xúc đó khắc sâu trong tâm trí, trở thành cảm hứng nổi bật trong các tác phẩm thuộc nhiều đề tài khác nhau của Hoàng Vân, để rồi qua các tác phẩm ấy lại truyền lửa tới công chúng khắp đất nước, nâng bước họ trong chặng đường chống Mỹ ác liệt và xây dựng đất nước.

Với những cống hiến về nhiều mặt, chàng chiến sĩ Điện Biên năm xưa được ghi danh bảng vàng như một trong những nhạc sĩ tiên phong góp công lớn cho công cuộc xây dựng lâu đài nhạc mới chuyên nghiệp Việt Nam trên cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất giang sơn.

Tất cả đều khởi đầu từ chiến trường Điện Biên - nơi phát lộ mối tơ duyên tiền định đặc biệt giữa Hoàng Vân và Điện Biên Phủ.

  1. Điện Biên trong trái tim và tâm tưởng Hoàng Vân

Tắm mình trong thực tiễn ác liệt của chiến dịch từ tuổi 20, dược trực tiếp trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc những điều mắt thấy tai nghe, Hoàng Vân không bao giờ quên những ngày trên chiến trường Điện Biên và thời khắc lịch sử đã giành lại cuộc sống bình yên, tương lai sáng lạn cho dân tộc, đồng thời quyết định vận mệnh cùng sự nghiệp thăng hoa rực rỡ của mình. Ông luôn khắc ghi điều đó và những ký ức về chiến dịch trong tận sâu thẳm trái tim, khối óc, để trọn một đời đau đáu trả nghĩa tình với chiến trường không bao giờ quên[11].

Trở nên dễ hiểu vì sao trong hàng ngũ nhạc sĩ Việt Nam, không ai gắn bó mật thiết và có tình cảm sâu đậm với Điện Biên Phủ như Hoàng Vân, không ai khắc ghi tình sâu nghĩa nặng với Điện Biên như Hoàng Vân. Sự gắn bó ấy không chỉ trong trái tim, tâm tưởng, mà thể hiện trong nhiều sáng tác trải dài suốt sự nghiệp sáng tác của ông, ở đó hình bóng Điện Biên khi ẩn khi hiện - cả bằng hình ảnh thể hiện qua ca từ hoặc âm điệu những ca khúc gợi nhớ một số sự kiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ và cả thuần túy chỉ bằng hai tiếng “ĐIỆN BIÊN”.                  

Mười ba năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bản hùng ca Vượt núi với trọng tâm là cảm xúc, nghĩ suy về đường mòn Hồ Chí Minh, sự liên tưởng lập tức hiện ra trong tâm trí nhạc sĩ.

Là một trong hai tuyến giao thông có tầm chiến lược rất quan trọng để vận chuyển lương thực, vật chất hậu cần, vũ khí đạn dược, xe cơ giới, pháo, trang bị kỹ thuật và các đơn vị kỹ thuât, lực lượng chiến đấu chi viện cho Quân Giải phóng ở chiến trường miền Nam, từ 1965, đế quốc Mỹ đẩy mạnh việc đánh phá để ngăn chặn con đường huyết mạch này lên thành một trong những trọng điểm ưu tiên hàng đầu. Chiến sự tại đây rất ác liệt. Từ 1965 -1972, khoảng hơn 73 chuyến máy bay (gồm cả B52) của Mỹ bắn phá, rải xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn, gần 1 triệu galông chất độc hoá học. Ngoài sự tàn phá về thiên nhiên, hơn hai vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường này[12]. Năm 1967, để chuẩn bị cho cuôc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, các hoạt động trên đường Hồ Chí Minh rất khẩn trương. Vì vậy, năm 1967 khi viết tác phẩm Vượt núi[13], sự liên tưởng lại dẫn nhạc sĩ tới những hình ảnh gợi lên ký ức về Điện Biên Phủ năm xưa:

Nào ngựa nào xe, Nào súng nào đạn, Nào gồng nào gánh.

Người Kinh, người Thượng, người Dao người Mèo, người Tày người Nùng,

Băng ngàn băng dốc. Tất cả lên đường!

Nhìn chặng đường qua, đường dài kháng chiến đánh thắng giặc Pháp,

Đường lên Điện Biên giành lấy đất trời,

Tay không đánh giặc, khó hơn vượt núi. Lên tới đỉnh cao, ta lại bước tiếp

(…)

“Đi ta đi! Lại một đỉnh cao.

Đường dài kháng chiến. Quyết thắng giặc Mỹ!

(…)

Cả nước đi lên! Nén chặt đau thương. Cất cao tiếng hát.

Vượt đèo leo dốc, lên tới đỉnh cao, Chống Mỹ cứu nước! (…)

Lại gần 40 năm sau Điện Biên Phủ và ròng rã suốt 14 - 15 năm tiếp theo, khi viết Điện Biên Phủ - tác phẩm tâm huyết nhất được viết ở thể loại Giao hưởng - Hợp xướng đồ sộ với chương Mở đầu (Ouverture) và 4 chương - mà ông chủ tâm chọn để xứng tầm với chiến dịch làm nên trang sử vàng chói lọi “Lừng lẫy năm châu, Chấn động địa cầu”, những ký ức về Điện Biên vẫn hiển hiện trong chương I - Trên chiến trường không bao giờ quên như đang diễn ra trước mắt nhạc sĩ, trước cả công chúng trong buổi công diễn đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nước:

Nào bộ binh, nào xe nào pháo,

Nào dân công gánh gánh gồng gồng, qua những đồi gianh, rừng nứa

(…)

Vách đá âm vang tiếng hò thâu đêm,

Đi mở đường chiến thắng!

Đường ta đó, Đường đi tới vinh quang.

Đường ta đó, Đường đi tới chiến thắng!

 “Chiến trường không bao giờ quên” từng đeo đuổi trong tâm khảm cả cuộc đời nhạc sĩ chính là cội nguồn làm nảy sinh ý tưởng xây dựng riêng một chương nhạc mang tiêu đề “Trên chiến trường không bao giờ quên”. Không kể chương Mở đầu, đó sẽ là chương nhạc đầu tiên trong 4 chương chính của bản Giao hưởng - Hợp xướng Điện Biên Phủ ông ấp ủ suốt mấy chục năm trường  

Một nét nhạc gắn với ca từ “Trên chiến trường không bao giờ quên mùa Thu Đông năm ấy” (hoặc “vào mùa xuân năm ấy”) cũng dần hình thành và trở thành chủ đề âm nhạc chính xuyên suốt tác phẩm. Không chỉ để mở đầu cho chương nhạc nói trên, chủ đề này còn xuất hiện ở nhiều vị trí khác trong chương. Đặc biệt, nó được nhấn mạnh một cách trang trọng bằng thủ pháp dãn rộng gấp đôi, do hai bè Soprano và Ténor đồng ca: “Trên chiến trường không bao giờ quên! Vào mùa xuân năm ấy” (nhịp 146 - 150) đi song hành với nét nhạc Hò kéo pháo “Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi…” diễn tấu không lời bởi Flute, Piccolo, Clarinette trên nền một âm hình diễn tả bước quân hành do Violon 2, Viola, Violoncelle và Contrebasse diễn tấu bằng kỹ thuật pizzicato. Bằng hình thức phức điệu 3 bè đó, tác giả gợi cho người nghe điều nung nấu trong tâm trí ông suốt bấy lâu cùng hình ảnh trong ký ức về giai đoạn phấn chấn nhất của việc kéo pháo khi về tới đích và tiếng những bước chân của đoàn quân đang hùng dũng tiến vào chiến trường mà nhạc sĩ không bao giờ quên. Tiếp ngay sau đó, mở đầu cho trường đoạn mới, bè Alto và Basse lại tiếp tục đồng thanh xướng “Trên chiến trường không bao giờ quên vào mùa xuân năm ấy” (nhịp 152 - 154) trước khi vào phần ca ngợi anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện.

Chủ đề dãn rộng “Trên chiến trường không bao giờ quên vào mùa xuân năm ấy” lại được tái hiện ở phần cuối chương (nhịp 178 - 182) trên nền nhạc không lời “Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi…”, rồi chuyển giao sang bộ gỗ diễn tấu cả 2 tuyến giai điệu (nhịp 183 - 187). Âm cuối của chủ đề chính được ngân tự do để rồi sóng âm của nó được dội lại bởi âm thanh của cả dàn hợp xướng và dàn nhạc ở 6 nhịp cuối và kết thúc chương nhạc.

Không những được tô đậm ở chương I, chủ đề “Trên chiến trường không bao giờ quên….” còn được đưa vào rải rác ở hầu hết các chương trong toàn bộ tác phẩm: a) một phần của nét nhạc đã hé lộ ở chương Mở đầu (nhịp 11-12); b) chủ đề dãn rộng do Ténor và Basse hát “Trên chiến trường không bao giờ quên!  Vào mùa xuân năm ấy” trên nền nét nhạc không lời (vocalisé) của Soprano và Alto cùng âm hình của dàn nhạc ở phần đầu chương 2 - Đọc thư hậu phương (nhịp 5-9); và c) dưới hình thức nhạc không lời ở đầu chương 4 - Bài hát của các chiến sĩ trẻ (nhip 1-3).

Tất cả những điều đó đi vào tác phẩm của Hoàng Vân từ những cảm xúc, nghĩa tình không bao giờ có thể xóa nhòa - như thể đã được khắc vào bia đá, và, hệ quả của những ký ức, tình cảm ấy:

Điện Biên! Điện Biên!” 

“Việt Nam! Điện Biên!”,

“Điện Biên!”...

Đó là những từ khắc sâu trong tâm khảm Hoàng Vân sau những trải nghiệm trên chiến trường Điện Biên Phủ, để rồi làm nên Việt Nam muôn năm, Điện Biên Phủ, và các cuộc Vượt núi lên những đỉnh cao, lại “vượt đèo, leo dốc”, “băng ngàn”, “đạn bom quyết vượt” và “bước tiếp bước” trên “đường dài kháng chiến”, “tới đỉnh cao chống Mỹ cứu nước” với ý chí kiên định “quyết thắng giặc Mỹ” cho đến thắng lợi vinh quang - như các chiến sĩ năm nào trên chiến trường xưa.

“Việt Nam! Việt Nam!”

Điện Biên! Điện Biên!”

Đó cũng là những từ luôn khơi dậy trong ông tình yêu quê hương tha thiết và lòng tự hào dân tộc mà nhạc sĩ thể hiện ở nhiều tác phẩm lớn, đồng thời khắc họa đậm nét trong chương cuối của bản Giao hưởng - Hợp xướng hoành tráng Điện Biên Phủ, và tạo nên kết thúc huy hoàng cho toàn bộ tác phẩm ở phần Coda trong âm vang hào sảng của cả dàn hợp xướng (nhịp 112 - 126 và ngân tiếp cho tới cuối tác phẩm) trên nền nhạc mang chất quân hành hùng tráng, phấn chấn của dàn nhạc với dư âm ngân dài, ngân dài… như bất tận[14]:

 “Việt Nam! Điện Biên!,  

Điện Biên!

Đất nước đời đời ghi nhớ. Thế giới đời đời ngợi ca! …

Đó là tất cả những gì đọng mãi suốt hơn nửa thế kỷ trong trái tim người chiến sĩ Điện Biên 23 tuổi năm xưa và được tụ lại trong bản “tập đại thành” Điện Biên Phủ của người nhạc sĩ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”[15].

Nay, dẫu nhạc sĩ đã đi xa, nhưng vào Tháng Năm lịch sử này, các con của nhạc sĩ - TS. Dân tộc nhạc học Lê Y Linh và Nhạc trưởng Lê Phi Phi, vẫn đang thay cha, và tiếp nối cha, trả mối ân tình sâu nặng với Điện Biên tại Nhà hát Hồ Gươm - không gian nghệ thuật mang tầm vóc quốc tế, để ôn lại những trang sử hào hùng và vinh danh muôn thưở chiến thắng vĩ đại - như Bạch Đằng Giang trong kháng chiến chống Nguyên Mông, như Đống Đa đuổi sạch bóng thù ra khỏi bờ cõi năm nào…, để mãi nuôi dưỡng niềm tự hào của con dân một đất nước nhỏ bé nhưng mang trong mình dòng máu anh dũng bất khuất tuyệt vời đã giáng đòn thất bại ê chề cho những đế quốc siêu cường ở thế kỷ XX.

70 năm chiến thắng Điện Biên… Tại sao không là Điện Biên - Lừng lẫy năm châu, Chấn động địa cầu, hoặc Điện Biên - Nên vành hoa đỏ, nên trang sử vàng, mà khi thiết kế dự án hòa nhạc về Điện Biên, con gái ông lại chọn tiêu đề Điện Biên Phủ - không bao giờ quên? Phải chăng bởi đó là tâm nguyện trả nghĩa của cha đối với chiến trường không chỉ làm nên sự nghiệp của ông, mà còn làm nên bản hùng ca bất hủ, trang sử vàng chói lọi của dân tộc, mở ra chặng đường mới cho đất nước, cho âm nhạc nước nhà, và, dãi bày tấm lòng của nhạc sĩ - như mười một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông từng bộc lộ trong bản hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam muôn năm[16] (1965) nhân kỷ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

 “Lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc bị áp bức

Vang lên tiếng xích xiềng nô lệ bị đập tan.

Những ngai vàng sụp đổ, Những nhà tù sụp đổ.

Trong tiếng trống và trong tiếng mõ, Người đi lên theo ánh sao ngời.

Trong tiếng súng và trong tiếng hát, Người đi lên mở những chân trời.

 (…)

Người Việt Nam đứng lên!

Áo còn vá vai. Chân còn giẫm đất.

Nhưng trên vầng trán hiên ngang Lấp lánh hai chữ Điện Biên sáng ngời!

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

Tâm hồn ta vỗ cánh bay cao khi hát về hai tiếng ấy.

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

Sức ta mạnh lay thành chuyển núi! Khi hát lên hai tiếng tự hào:

Việt Nam! Việt Nam!

Cám ơn mẹ đã cho ta một giòng máu thắm

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

Cám ơn Đảng đã mang lại khí trời và ánh sáng.

Soi rọi cho máu ta muôn lần tươi thắm! (…)”[17]

 Hà Nội, I/5/2024

(Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ)

 NTL

 

[1] Tố Hữu Ba mươi năm đời ta có Đảng (1960).

[2] Ý kiến tác giả G.Bu-đa-ren viết trên tờ Người quan sát. (Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, 1994, tr.8). Trích lại theo TS. Nguyễn Danh Tiên, ThS. Lê Văn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, https://www.tapchicongsan.org.vn/ky-niem-60-nam-chien-thang-ien-bien-phu/-/2018/26521/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-chien-thang-dien-bien-phu-”lung-lay-nam-chau%2C-chan-dong-dia-cau”.aspx, 15:06, ngày 28-03-2014.

[3] Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H. 1970, tr. 50. Trích theo Đại tá, TS. Trương Mai Hương - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ qua đánh giá của học giả nước ngoài, http://tapchiqptd.vn/vi/50-nam-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong/tam-voc-y-nghia-cua-chien-thang-dien-bien-phu-qua-danh-gia-cua-hoc-gia-nuoc-ngoai/13668.html, Thứ Hai, 06/05/2019, 07:56 (GMT+7).

[4] Đêm hòa nhạc nhạc sĩ Hoàng Vân với Điện Biên Phủ, Theo Thể thao và Văn hóa, https://tuoitre.vn/dem-hoa-nhac-nhac-si-hoang-van-voi-dien-bien-phu-82600.htm, 10/06/2005, 17:57 GMT+7.

[5] Dẫn theo Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Trước đó, bài đã

đăng tại sách Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004. (Trích lại theo bài Pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ - https://special.nhandan.vn/phao-binh-trong-chien-dich-Dien-Bien-Phu/index.html),

[6] Nhận đinh của Thiếu tướng Hoàng Quang Thuận trong bài Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học quý của bộ đội pháo binh, Tiến Đạt thực hiện, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chien-dich-dien-bien-phu-va-bai-hoc-quy-cua-bo-doi-phao-binh-659658, Thứ bảy, 15/05/2021, 21:35.

[7] Đáng ngưỡng mộ là, chỉ trong khoảng thời gian không lâu thâm nhập vùng Tây Bắc, nhạc sĩ đã nắm bắt ngay được một trong những âm điệu đặc trưng quan trọng của dân ca Thái - khả năng không phải ai cũng có.

[8] Đêm hòa nhạc nhạc sĩ Hoàng Vân… đd.

[9] Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

[10] Số liệu do TS. Lê Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân cung cấp ngày 27/4/2024 qua thông tin của một sinh viên cũ của nhạc sĩ tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

[11] Cụm từ trong tiêu đề Chương I, Giao hưởng - Hợp xướng Điện Biên Phủ.

[12] Thông tin khai thác từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, mục từ “Đường Trường Sơn”, https://vi.wikipedia.org/wiki Đường_Trường_Sơn, Trang sửa đổi lần cuối vào ngày 1 tháng 1 năm 2022 lúc 06:39.

[13]  Năm sáng tác của các tác phẩm dẫn trong mục này được căn cứ vào thông tin trong bản Danh sách tác phẩm do con gái nhạc sĩ cnng cấp qua email ngày 7/7/2021.

Riêng về Vượt núi, căn cứ vào nội dung lời ca, có thể thấy - ở tác phẩm này, nhạc sĩ muốn khái quát hóa những lần vượt núi của người Việt Nam, nhưng trọng tâm là việc vượt đường Trường Sơn thời chống Mỹ (tỉ lệ những chi tiết liên quan tới con đường này nhiều nhất). Vì vậy, khó có thể nghĩ rằng tác phẩm này được sáng tác vào đầu những năm 60 khi “làm con đường Mã Pì Lèng”, mà khả năng thiên về 1967 như đã được nhấn mạnh trong Danh sách tác phẩm nêu trên.

[14] Từ “ca” ở câu cuối cùng dưới đây được dàn hợp xướng ngân dài 4 nhịp 4/4 với dấu ngân tự do ở cuối, trong khi dàn nhạc vẫn tiếp tục diễn tấu 3 nhịp nữa và trong tổng phổ chép tay của nhạc sĩ, vẫn còn dòng chữ ông viết: “Nếu HX [Hợp xướng. NTL], có thể ngân tới nhịp cuối cùng, càng tốt!”.

[15] Như đã nêu ở phía trên, bản Giao hưởng - Hợp xướng Điện Biên Phủ được khởi thảo sau năm 1990 khi nhạc sĩ bước sang tuổi 60 và hoàn thành vào năm 2004, công diễn năm 2005. Ra đời đúng vào năm Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1930), cho nên, năm 2004 - 2005 nhạc sĩ đã 74-75 tuổi.

[16] Nhạc Hoàng Vân, trích và phỏng thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi và Bùi Minh Quốc.

[17] Lời ca trong nhạc phổ chép tay do con gái nhạc sĩ cung cấp.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam