Web-Internet

Nhớ chú Hoàng Vân, bởi Phạm Hồng Tuyến

18/07/2020   1929

Phạm Hồng Tuyến là phóng viên chuyên âm nhạc tại Đài Truyền Hình Việt Nam VOV, chị viết ngày nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời. Chị là con gái út nhạc sĩ Phạm Tuyên. Hai nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, cùng năm sinh, cùng chia lửa, cùng làm việc với nhau trong nhiều năm, đứng tên đồng tác giả bản đại hợp xướng Việt Nam Tổ quốc ta anh hùng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Thuận Yến trong buổi ra mắt bài "Đại học Quốc Gia Hà Nội" (Đại học Tổng hợp), khoảng năm 2006, ảnh do một cựu sinh viên trường tặng. 

Trong ký ức tuổi thơ của mình còn đọng lại nhiều kỷ niệm với gia đình chú Hoàng Vân. Chú Hoàng Vân lúc nào cũng lịch lãm sang trọng mà lại thật hiền từ, nhẹ nhàng, một con bé con như mình vẫn luôn được tôn trọng. Bố mình và chú cũng có nhiều điểm tương đồng, cùng sinh năm 1930, nhưng bố sinh đầu năm nên tuổi Tỵ, còn chú thì tuổi Ngọ, cùng thành phần xuất thân, âm nhạc của 2 ông cũng khá nhiều điểm chung. Mình vẫn nhớ 2 ông khi nói chuyện thường hay dùng tiếng Pháp, “toa, moa”, nghe hay hay... Và gia đình 2 nhà cũng lại khá tương đồng: Mẹ mình là nhà tâm lý giáo dục trẻ em thì cô Ngọc Anh, vợ chú Hoàng Vân là một bác sĩ nhi khoa, chuyên về dinh dưỡng rất nổi tiếng. Chị gái mình hồi nuôi con đầu cứ có vấn đề gì là lại tư vấn cô suốt, còn bố mình cho đến bây giờ vẫn cứ một quả chuối mỗi bữa ăn chỉ vì: “Cô Ngọc Anh bảo chỉ cần ăn chuối thôi là đủ chất” ???? Chị Y Linh con đầu chú Hoàng Vân thì kém chị Tuyền mình mấy tuổi, còn anh Fi lại hơn mình 1 tuổi, thành ra con cái 2 ông cũng cùng lứa. Một chuyện vui có tí liên quan đến 2 gia đình mà chưa chắc anh Fi đã biết, đó là ông anh rể mình, thuở chưa lấy vợ, đi học tiếng Anh, thế nào lại cùng lớp với cô Ngọc Anh, ông anh mình thời trẻ đẹp trai, lại cũng đàn hát nên được cô quý lắm, cô nhỏ to rủ rê về làm con rể ???? Của đáng tội, lúc này ông anh đã hẹn hò với bà chị mình, thành ra không làm rể ns Hoàng Vân thì làm rể ns Phạm Tuyên vậy, nghĩ lại thấy thật có duyên ????
Quay trở lại thuở mình còn học mẫu giáo. Có lẽ 2 ông đã chuyện trò, hỏi thăm nhau cho con học đàn ở đâu, nên lúc mình gần 6 tuổi được đưa đến 19 Phan Chu Trinh học đàn piano bà giáo Vượng thì cũng thấy anh Phi học ở đó. Căn nhà thời Pháp với cầu thang gỗ cổ, cánh cổng sắt cũ kỹ là nơi mình không thể quên được, bọn con gái trong lúc chờ đến lượt học, hoặc lúc chờ bố mẹ đón bày đủ trò để chơi: nhảy dây, nhảy ngựa, chơi ù... Anh Phi hồi ấy to cao hơn các bạn cùng tuổi, lúc nào cũng tỏ ra đàn anh so với mấy đứa con gái tụi mình.
Hồi mình học lớp 2 hay lớp 3 gì đó (khoảng năm 1977-1978) tỉnh Hà Tây mời gia đình 2 nhạc sĩ đi hội Chùa Hương. Hồi đó, chị Tuyền đang ở Liên Xô, còn chị Y Linh chắc cũng đi học xa nên mỗi nhà có 3 người là bố mẹ và con út. Mình nhớ hôm ấy trời mưa phùn, nồm ẩm, đường xá rất lép nhép, mọi người trảy hội mà áo mưa, nón lá lích kích. Có rất nhiều người phải trải áo mưa nằm nghỉ la liệt, nhưng do là khách quý của tỉnh nên 2 gia đình được bố trí ở nhà khách, đồ đạc thô sơ, có mùi ẩm mốc, thế vẫn là rất oách so với thời đấy rồi.
Tuổi thơ của mình êm đềm trôi qua với những bài hát thiếu nhi của bố, của chú Hoàng Vân, trong trẻo, tươi sáng và lạc quan. Đối với một đứa học đàn như mình thì không thể nào quên được những bản nhạc viết cho piano của chú Hoàng Vân. Có một kỷ niệm nhắc lại hơi ngượng: lúc mình 12 tuổi, học đàn cô Tố Oanh ở phố Huế, sau một thời gian tập bài Mùa xuân ( trong tổ khúc Bốn mùa cùa chú HV, bài đàn mà rất nhiều đứa học piano đã trải qua) bố mình đưa con gái đến 58 Quán Sứ để thu thanh. Ai dè con bé lười tập đàn hôm đó đánh như gà mắc tóc, vấp lên vấp xuống, thu mãi không được, ông già bực lắm, đành phải hẹn lần khác. Chả có lần nào thu lại nữa vì mình xấu hổ không dám vác mặt lên phòng thu M ấy.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mình tốt nghiệp đại học và đi làm ca nhạc thiếu nhi ở truyền hình, thế là lại có nhiều dịp đưa bài hát của chú lên sóng và gặp gỡ, phỏng vấn chú. Vẫn nhớ như in mỗi lần gọi điện thoại cho chú, lúc nào cũng ân cần: Hồng Tuyến à, bố Phạm Tuyên có khoẻ không?
Ghé thăm chú lúc ở phố cổ Hàng Thùng để hỏi về bài hát, lúc đưa máy quay đến Võng Thị, chú ngồi bên giá vẽ ( thế hệ nhạc sĩ của các ông đều vẽ rất tốt, nếu không làm âm nhạc thì có lẽ đã trở thành những hoạ sĩ nổi tiếng). Lần ấy mình làm chương trình BÀI HÁT CÒN MÃI VỚI TUỔI THƠ, nghe chú tỉ tê kể chuyện nguyên cớ sáng tác mới ồ lên ngạc nhiên sung sướng khi biết bài Con chim vành khuyên được sáng tác khi con trai Fifi đi học ở Mầm non Thợ nhuộm, còn Em yêu trường em thì dành tặng con trai khi là học sinh trường Trưng Vương!!!! (Hoá ra các sáng tác được trẻ con cả nước yêu thích đều vốn là những bài hát mà các ông bố viết riêng cho con mình).
Hôm qua lướt FB sững sờ khi anh Fi báo tin buồn, mình chạy vội từ trên gác xuống nói cho bố, thấy ông thẫn thờ: “Bố cũng vừa nghe điện thoại”. Cả ngày ông có nhiều cuộc gọi, cảm nhận ông cứ bần thần vì sự ra đi ấy. Bữa ăn tối chủ nhật, khi con cháu chắt quây quần, ông khẽ nói làm cả nhà lặng đi: “Hôm nay ông rất buồn vì một người bạn thân thiết của ông không còn nữa....”
Còn có chục ngày nữa là Tết đến, tự nhiên lại nhớ đến giai điệu trong trẻo của ông Hoàng Vân mà các cháu nhỏ vẫn hát trong những ngày này:
Sắp đến Tết rồi
Đến trường rất vui
Sắp đến Tết rồi
Nhà nhà rất vui....
Hà Nội một ngày lạnh giáp Tết nhớ chú Hoàng Vân

Phạm Hồng Tuyến, tháng 2 năm 2018

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam