Web-Internet

Nhạc sĩ Hoàng Vân và những góc nhỏ đời thường | Tác giả: Thành Nam - Gia đình & Xã hội

30/09/2023   211

Cố Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai. Ảnh: TL

Cố Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai. Ảnh: TL

“Bố tôi ra đi trong thanh thản”

Năm 2015, nhạc sĩ Hoàng Vân bị viêm phổi cùng một số bệnh tuổi già phải điều trị gần một tháng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Thời gian ấy, con trai ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi luôn bên cạnh chăm sóc bố. Sau trận ốm nặng, ông bình phục trở lại, khỏe mạnh cho đến lúc mất. Trao đổi cùng chúng tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi cho biết, anh nghe tin bố mình qua đời lúc đang ở nước CH Macedonia. Nhạc sĩ Hoàng Vân mất trong lúc ngủ và con trai ông sẽ về đến Hà Nội vào ngày 6/2 để chịu tang. Kỷ niệm mà nhạc trưởng Lê Phi Phi nhớ nhất về cha mình chính là dịp 2/9/2017, ông hội ngộ khi con trai chỉ huy đêm hòa nhạc “Điều còn mãi” tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tại chương trình, bản nhạc “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân được biểu diễn làm màn khép lại với giai điệu của “một thời đạn bom một thời hòa bình”. Đôi mắt nhạc sĩ Hoàng Vân rưng rưng khi cung bậc cảm xúc ngân rung đầy xúc cảm bên con trai mình. “Bố tôi ra đi trong thanh thản”, đó là chia sẻ ngắn gọn của nhạc trưởng Lê Phi Phi về cha mình.

Trước tin nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời, nhiều nghệ sĩ bày tỏ niềm bàng hoàng, tiếc thương. Ca sĩ Tùng Dương – một trong số những nghệ sĩ thường có mặt bên nhạc sĩ Hoàng Vân khi ông nằm trên giường bệnh - tâm sự: “Nghe tin ông trút hơi thở cuối cùng, tôi rất buồn và nuối tiếc, nhưng cũng nghĩ rằng đến nay nhạc sĩ có thể ra đi thanh thản vì đã làm tròn vai trò của một nhạc sĩ với âm nhạc, của một người cha, người chồng”. Ca sĩ Tùng Dương cho hay, khi nghe tin nhạc sĩ “Hò kéo pháo” qua đời, trong anh văng vẳng đoạn ca từ “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay” của Bài ca xây dựng. “Đó là những lời ca dung dị về cuộc sống, có nhiều ý nghĩa với thế hệ ca sĩ trẻ như chúng tôi. Lời ca của nhạc sĩ Hoàng Vân khiến tôi thấy quý trọng hơn những gì được tạo nên từ mồ hôi, công sức và nỗ lực không mệt mỏi, như những gì bác đã đóng góp cho cuộc đời, không chỉ về thanh nhạc mà còn là gia tài khá đồ sộ về khí nhạc”, ca sĩ Tùng Dương nói. Bên cạnh cống hiến âm nhạc, điều khiến ca sĩ Tùng Dương ấn tượng về nhạc sĩ Hoàng Vân là tình cảm vợ chồng ông từ ngày trẻ đến thuở bạc đầu. Anh kể, mỗi lần đến thăm nhạc sĩ Hoàng Vân, anh đều gặp cảnh vợ ông tận tụy chăm sóc chồng khi con cái ở xa, những hình ảnh đó đã truyền cảm hứng cho anh về cuộc sống, hạnh phúc.

 

Một chân dung tài hoa

Là người gốc Hà Nội nhưng suốt những năm tháng tuổi trẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân gắn bó nhiều với chiến trường. Mười sáu tuổi, ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312. Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ như: “Chiến thắng Hòa Bình”, “Chiến thắng Tây Bắc” và đến năm 1954, tên tuổi ông được cả nước biết đến qua ca khúc “Hò kéo pháo”. Ngoài ca khúc này, Hoàng Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng. Sau 1975, ông sáng tác Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên. Bên cạnh gia tài nhạc cách mạng, nhạc sĩ Hoàng Vân còn “đắt hàng” vì thường xuyên được các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam như: “Bảy sắc cầu vồng”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Người xây tổ ấm”, “Ở nhà chủ nhật”… đặt hàng.

Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Vân có những đam mê khác là vẽ tranh, viết thư pháp bằng chữ Hán cổ. Càng về già, chơi chữ với ông lại càng trở thành một thú vui không thể thiếu. Thư pháp như liều thuốc tinh thần giúp ông uyển chuyển, tinh tế và rèn chữ “nhẫn”. Dù mắc bệnh tim nhưng tác giả “Hò kéo pháo” vẫn duy trì khả năng làm việc nhờ những môn thể thao nhẹ nhàng là quần vợt, đi bộ và bơi. Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân là một gia đình mẫu mực với người vợ thảo hiền, tiến sĩ y khoa và hai người con đều thành đạt trong lĩnh vực âm nhạc trong, ngoài nước, các cháu có ý thức học tập, trong đó cháu ngoại đã viết được 3 cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp, hiện giảng dạy văn học Pháp tại Thủ đô Paris.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Sau năm 1954, ông tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang... Ngoài nhạc cách mạng, ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương, ca khúc thiếu nhi… Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

 

Nguồn: Nhạc sĩ Hoàng Vân và những góc nhỏ đời thường - Gia đình & Xã hội

 

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam