Tết. Hà Nội mưa xuân lất phất. Trong căn gác nhỏ trên phố cổ, nhạc sĩ Hoàng Vân ngồi trước cành đào phai cánh mỏng kiều diễm và ông khai xuân bằng những nét bút tuyệt diệu trên trang giấy gió.
...
Tết. Hà Nội mưa xuân lất phất. Trong căn gác nhỏ trên phố cổ, nhạc sĩ Hoàng Vân ngồi trước cành đào phai cánh mỏng kiều diễm và ông khai xuân bằng những nét bút tuyệt diệu trên trang giấy gió.
Hà Nội cận Tết. Trời bỗng dưng đổ mưa. Sương giăng mù mịt những con phố cũ. Ngôi nhà hơn 100 tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân ở phố Hàng Thùng. Trong làn sương khói mờ dọc lối ấy, những cánh đào phai, mai trắng khoe sắc phảng phất một không gian Tết Hà Nội thủa nào.
Người ta biết đến Hoàng Vân với tư cách là một nhạc sĩ hơn là một thư pháp gia có biệt tài bởi ông là người ” biết tự giấu mình đi rất nhiều”.
Có lẽ nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những người Việt cuối cùng biết và viết được chữ Nho. Ông viết thư pháp tài đến nỗi nhiều người còn lầm tưởng ông là người Hoa trong khi vị nhạc sĩ 78 tuổi ấy là dân Hà Nội chính gốc và chỉ đi học nhạc tại Bắc Kinh 7 năm.Sinh ra trong một gia đình nho học, ông nội và cha đều là những nhà nho, ông bắt đầu viết thư pháp khi bước sang tuổi 60 như một lẽ tự nhiên. 18 năm qua ông kết thân với bút lông, giấy và mực. Là một thư pháp gia có tài nhưng với ông: “viết là để giữ nếp nhà, gia phong”.
“Thư pháp gia là những người chơi chữ, viết chữ một cách đầy sáng tạo và đầy cá tính”. Quan trọng hơn, nghệ thuật thư pháp với ông còn là “một lối chơi chữ, một phong cách độc đáo”. Có lẽ vì thế mà chữ Hán cổ ông viết ngay cả những người học chuyên văn cũng không đọc nổi. Để trở thành một thư pháp gia, người ta không chỉ cần cá tính mà còn cần đến năng khiếu hội hoạ. Nhạc sĩ Hoàng Vân từng học hội hoạ nên cũng dễ hiểu khi những bức thư pháp của ông đều có tính tạo hình, đẹp tựa như một bức tranh, viết chữ mà tựa như vẽ.
Được dân chơi thư pháp ngả mũ kính nể nhưng ông lại không tự nhận xét về mình. Chỉ biết những cụ lão ngoài 80 hiểu về chữ Nho, chữ Hán và nghệ thuật thư pháp xem chữ ông đều gật gù khen rồi xin bút tích của ông nên ở Hà Nội bây giờ có rất nhiều nhà treo chữ của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tết này ông cũng đã viết hàng chục bức thư pháp đề tặng cho bạn bè.
Ông thảo hàng chục bức thư pháp đã có lời đề tựa sẵn cho từng người từ ông bạn già Lê Huy Ngọ đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Tô Vũ… Mỗi bức thư pháp không chỉ gửi gắm cái tình của người viết mà còn phải phù hợp với cá tính của mỗi người được tặng, để họ nhận ra mình sau mỗi nét vẽ. Nhờ cái tài trời phú ấy mà giữa hàng triệu bức thư pháp người ta vẫn dễ dàng nhận ra nét bút của Hoàng Vân.
Sang Paris, ông viết thư pháp cho con cháu xem và chính họ cũng kinh ngạc vì khả năng ấy bởi ông vốn không phải người hay khoe. Chữ của ông có cá tính, đẹp lạ lùng. Ngay cả với người mù tịt về chữ Hán, chữ Nho và nghệ thuật thư pháp như tôi cũng bị hút vào những nét chữ tuyệt mỹ trên giấy. Nhiều người nghe tiếng thường đến xin ông chữ. Thậm chí có người khuyên ông đi bán chữ nhưng ông chỉ quan niệm thư pháp là thú chơi, cho chữ thì được chứ bán thì không bao giờ. Ông bảo với những thư pháp gia ngoài hiểu về chữ Nho còn cần phải có cá tính nên ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một người chơi thư pháp mà thôi.
Ông chỉ cầm bút mỗi khi có hứng nhưng giao thừa lại là một ngoại lệ. Gần 20 cái tết qua, vào thời khắc đầu tiên của năm mới ông lại mang giấy bút ra viết như một cái thú, không thể thiếu. “Viết là một cái thú nhưng làm gì cũng phải có hứng vì đó là công việc sáng tạo chứ không phải chơi. Tôi coi viết thư pháp như một sự thư giãn”, vị nhạc sĩ già nheo mắt nói.
Với những bức thư pháp đơn giản, chỉ có một chữ ông viết 5 giây là xong với nét vẽ dứt khoát, phóng khoáng, mạnh mẽ. “Chữ này phải viết ngoáy mới đẹp. Vì đó là chữ tượng hình, đầy cảm xúc”. Ông bảo thư pháp có thể làm cho nhân cách người ta đẹp hơn, giàu có hơn. Với ông, viết thư pháp với ông là một phần máu thịt, tựa như những nốt nhạc, không cách nào từ bỏ.
Bây giờ người ta thấy những ông đồ hiện đại, những bức thư pháp giấy trắng giấy đỏ xuất hiện ngày càng nhiều trên những góc phố ngày xuân. Người ta cũng đua nhau đi mua chữ về nhà treo như một cái mốt dù không cảm, không hiểu gì về nó. Vô tình nghệ thuật thư pháp lại bị cái sự mua bán hối hả làm giảm đi giá trị.
Thế nhưng, trong dòng người hối hả mua bán chữ ấy ít nhất vẫn còn một ông nhạc sĩ lọ mọ viết chữ, cho chữ và lưu giữ những giá trị tuyệt đẹp của dòng thư pháp chủ lưu. Giao thừa, ông lại mang giấy mực ra viết, ở cái tuổi xưa nay hiếm, 79.
Bích Hạnh
(Báo VietNamNet)