Web-Internet

Nhạc sĩ Hoàng Vân - Người thầy ấm áp trong trái tim học trò

05/05/2018   4990

Tôi yêu những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân từ những câu chuyện bố tôi kể. Sau này đi làm, tôi may mắn được diện kiến ông tại tư gia, căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường trong ngõ phố Hàng Thùng. Ngoài phố tấp nập là vậy, nhưng bước qua con ngõ nhỏ lên tới tầng 2 thì dường như ở đó là một không gian riêng, tĩnh tại, khiêm nhường như chính chủ nhân của ngôi nhà,  giản dị, khiêm cung, độ lượng...

nhac si hoang van- nguoi thay am ap trong trai tim hoc tro hinh anh 1


Nhạc sĩ Hoàng Vân được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.


Người thầy ấm áp

Mỗi lần trả lời phỏng vấn chúng tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân kể chậm rãi bằng giọng nói trầm ấm, và dường như đã nhiều chục năm qua đi, nhưng chuyện về xuất phát điểm của mỗi tác phẩm vẫn hằn in trong ông. Ông kể như không  sót một chi tiết nào dù nhỏ, điều đó cho thấy ông có một trí nhớ thật tuyệt vời.


Điều đặc biệt ở nhạc sĩ Hoàng Vân mà không phải ai cũng có được, đó chính là nhiều thế hệ nhạc sĩ gọi ông bằng Thầy với tất cả sự kính trọng và rất đỗi tự hào. Có người may mắn được ông trực tiếp giảng dạy, có người học gián tiếp, hoặc thậm chí không được học nhưng khi được nhận từ ông một câu nhắc nhở, chỉ dẫn thì ai cũng muốn được gọi ông là Thầy bằng cả tấm lòng biết ơn.

nhac si hoang van- nguoi thay am ap trong trai tim hoc tro hinh anh 2


Nhạc sĩ Hoàng Vân (áo trắng) chụp ảnh cùng bạn bè, học trò trước trụ sở Hội Nhạc sĩ .


Nhạc sĩ Nguyễn Sỹ Vinh nhớ lại: "Khoảng năm 2004, tôi mời thầy về Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ sáng tác cho các nhạc sỹ. Thời gian không dài, nhưng đủ có những tình cảm và kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Thầy vô cùng giản dị, lúc nào cũng nhẹ nhàng, không áp đặt. Đặc biệt, khi nhận xét bài của trò, thầy chỉ nhẹ nhàng nói: theo thầy nên thế này, và luôn khen trò mỗi khi bắt gặp những tác phẩm có cảm xúc tốt. Thầy lúc nào cũng coi trò như những ngươi bạn. Thời gian ở Hải Phòng, tôi đưa thầy đi Đồ Sơn nghỉ dưỡng nhưng cứ rảnh là thầy ngồi vào bàn sáng tác, thầy nói ngày nào cũng phải viết, viết để tạo thói quen như sáng ra phải đánh răng rửa mặt vậy… Ông đúng là bậc thày trong chuyên môn cũng như phong cách sống, một tấm gương sáng cho tất cả những ai đã từng học và gặp thầy”.

Dù vẫn biết, đời người: Sinh - Lão - Bệnh - Tử, song trước sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Nghệ sĩ Nguyễn Huỳnh Tú không giấu nổi xúc động nhớ lại: “Tôi vinh dự đi biểu diễn tại Trung Quốc cùng với thầy Hoàng Vân và cố nhạc sỹ Trần Hoàn vào năm 1985. Ngày ấy tôi mới tốt nghiệp Nhạc Viện được 2 năm. Duyên số cho tôi gặp Thầy và tôi xin Thầy nhận tôi là học trò - Thầy đã nhận lời... Thầy dạy tôi kỹ năng sống, kỹ năng tư duy, sáng tác, nghĩa đạo, đời... nhiều lắm. Thầy gọi tôi là “Tú vịt” vì tôi “ngu ngơ lắm”, nhưng tôi lớn lên được nhờ những buổi lên lớp không chính thức và cả những câu chuyện thầy kể, những thứ tưởng như nhàm chán, nhưng mãi mãi vĩnh hằng.

nhac si hoang van- nguoi thay am ap trong trai tim hoc tro hinh anh 3

                     
Nhạc sĩ Hoàng Vân (áo kẻ) cùng vợ xem chương trình hòa nhạc Điều còn mãi do con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy. 

Không phải là học trò, cũng chẳng phải là bạn, nhưng nghệ sĩ piano Trần Trung Cường lại rất ngưỡng mộ tay piano của nhạc sĩ Hoàng Vân, ông bảo: “Nghe nhạc sĩ Hoàng Vân chơi piano không thua pianist chuyên nghiệp”. Trong nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và làm việc cùng nhạc sĩ Hoàng Vân, song có một chi tiết mà đến giờ, nghĩ lại, nghệ sĩ Trần Trung Cường vẫn có chút ân hận.  Ông kể: “Đó là vào khoảng năm 1974 hay 1976 gì đó, tôi được mời đệm piano cho Tổ khúc Hợp xướng Bốn Mùa của CLB Thiếu niên Hà Nội để biểu diễn và thu âm tại Đài TNVN. Phải tập nhiều tháng trời mới xong và tác phẩm này trở thành tiết mục “đinh” trong mỗi buổi biểu diễn. Phần đệm ấy chơi sướng tai lắm, nghe như âm nhạc của nhà soạn nhạc Mendelssohn. Tập, thu thanh, biểu diễn xong thì tôi cũng không để ý và không biết ai giữ bản tổng phổ ấy. Sau đó nhạc sỹ Hoàng Vân có đến nhà tôi hỏi xem có giữ không, nhưng rất tiếc tôi không giữ. Lúc ấy tôi mới ngã ngửa đó là bản tổng phổ duy nhất. Thường thì bản viết cho piano giống như phác thảo cho dàn nhạc. Mà tác phẩm Bốn Mùa đã chuyển thể sang cho dàn nhạc, nên nhiều người trong đó có tôi nghĩ rằng bản viết tay không cần nữa. Lúc đó, tôi thương nhạc sỹ lắm và rất ân hận. Nếu biết đó là bản chép duy nhất thì tôi đã cẩn thận hơn”.

Vì sao nhạc sĩ Hoàng Vân chọn bí danh YNA?


Với những phóng viên, biên tập viên âm nhạc của Đài TNVN thì dường như ai cũng ít nhiều được học, được trò chuyện cùng nhạc sĩ Hoàng Vân lúc sinh thời. Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng kể: "Tôi may mắn được học thầy môn Phối khí dàn nhạc giao hưởng từ năm 1983. Ngoài tình thầy trò, tôi cũng có nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Hoàng Vân, nhất là lần cùng thầy và một vài nhạc sĩ khác làm giám khảo cuộc thi sáng tác ca khúc về tỉnh Hải Dương. Năm 2005, tôi lại may mắn cùng đoàn nhạc sĩ trong đó có thầy đi thực tế sáng tác xuyên Việt cho Tổng công ty xăng dầu Việt Nam. Trong chuyến đi ấy, thầy tặng chữ những người mà ông yêu mến. Chữ thầy tặng tôi là hai từ: "Lịch lãm". Tuy nhiên, câu chuyện thầy kể khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào thời điểm ác liệt, các nhạc sĩ vào Nam đều phải có một bí danh. Nếu nhạc sĩ Trần Hoàn có bí danh là Hồ Thuận An, nhạc sĩ Huy Thục là Lê Anh Chiến, Hoàng Hà là Cẩm La…thì Hoàng Vân chọn là YNA. YNA - nghe như tên của đồng bào Tây Nguyên, nhưng không, Thầy hóm hỉnh nói nhỏ với tôi: YNA nghĩa là Yêu Ngọc Anh (vợ thầy), cậu hiểu chưa? Đó là những kỷ niệm mà tôi mãi không quên về thầy".

nhac si hoang van- nguoi thay am ap trong trai tim hoc tro hinh anh 4


Nhạc sĩ Hoàng Vân (bên phải) trao đổi cùng các nhạc sĩ trong chuyến thực tế sáng tác


Là nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Hoàng Vân cũng được biết đến là người yêu chữ Hán Nôm và viết chữ thảo rất đẹp, nên ông có thú chơi chữ và viết chữ tặng bạn bè mà ông yêu mến.


Giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo cho biết: “Nhạc sĩ Hoàng Vân thường tặng bạn bè những bức thư pháp và tôi cũng là một trong những người được ông ưu ái tặng tới 2 bức. Bức chữ thảo, Hoàng Vân tặng Thế Bảo có chữ Bảo - hạp trung bảo kiếm - có nghĩa là trong bao kiếm có lưỡi kiếm qúy. Bức thư pháp thứ 2 theo thể chữ triện, dành tặng anh em Tế Hanh và Thế Bảo là “Thi nhạc giao hòa”, có nghĩa là Thơ và Nhạc cùng hòa với nhau. Hai bức này tôi vẫn treo trang trọng ở phòng khách. Có thể nói, ngoài tài âm nhạc Hoàng Vân là nhà nho uyên thâm nhà thư pháp tài hoa. Ông thường nói âm nhạc gắn kết ông với mọi người nhưng hội hòa và thư pháp là phút riêng tư của ông”.

Hai bức thư pháp nhạc sĩ Hoàng Vân tặng Giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo 


Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân có hai người con đều là nghệ sĩ. Y Linh - con gái đầu lòng của ông theo học chuyên ngành Lý luận Phê bình Âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, chị sang học Tiến sĩ tại Cộng hòa Pháp và hiện đang sống tại Paris. Người con thứ hai là nhạc trưởng Lê Phi Phi. Tốt nghiệp ở Nhạc viện Hà Nội, anh sang Nga học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Ra trường, anh về làm nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia. Anh lập gia đình với người vợ quốc tịch Macedonia. Sau đó anh chuyển sang Nhà hát nhạc vũ kịch, đồng thời giảng dạy ở Học viện âm nhạc quốc gia Macedonia. Anh được phong hàm Giáo sư khi tuổi đời mới ngoài 30 và được nhiều Nhạc viện trên thế giới mời anh giảng dạy và tham gia chỉ huy nhiều dàn nhạc trên thế giới.


Lớn lên từ những ca khúc của cha

Chị Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự: "Chúng tôi lớn lên trong âm nhạc, trong lạc quan với những câu ca lấp lánh trong đời thường. Tôi học được nhiều chân lý thật là bình dị mà thấm thía: Tính lạc quan «cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau». Tính cẩn trọng «ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay». Tinh thần vượt khó «nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió, chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian nan, có lẽ nào xứng với tình em», «in dấu chân đầu tiên trên vách núi»… Tính quyết tâm «một lần chúng phá, ngàn lần ta qua». Niềm vui trong công việc vì điều đó mang hạnh phúc cho người khác «Bạn đời ơi bạn có hay chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong». Điều nhắn nhủ lớn nhất trong rất nhiều ca từ là sự uống nước nhớ nguồn «được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai, ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng», «tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước», «xe anh đã vượt được bao sông bao núi, chỉ những con đường mới biết mà thôi», «qua mỗi một mùa mưa lũ, tay ai đã giữ vững tuyến thông đường?», «màu sơn kia tuy đẹp lộng lẫy xin đừng quên người xây móng đắp nền». Mỗi bài ca là một bài thơ, mỗi lời ca là một lời nhắn nhủ. Ông viết giao hưởng, phim, vũ kịch ballet, concerto để thỏa chí sáng tạo và bác học, nhưng  cái mà tôi phục nhất là ông xuất khẩu thành ca khúc. Cảm hứng sáng tác của ông tuôn trào không hề cạn. Gần đây, chị em tôi tìm được hàng thùng tổng phổ chép tay, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng được công bố.

nhac si hoang van- nguoi thay am ap trong trai tim hoc tro hinh anh 5


Giây phút hiếm hoi của nhạc trưởng Lê Phi Phi với bố.

«Việc hôm nay chớ để ngày mai» là một câu ngạn ngữ yêu thích mà bố tôi dậy con và áp dụng trước hết cho chính mình. Câu đó giúp ông làm nhiều việc khác ngoài sáng tác như vẽ, sưu tầm cổ vật, làm thơ... Thay vì nghỉ ngơi hoặc xem vô tuyến, ông chọn việc đọc và viết. Ông luôn dăn dạy chúng tôi «Khi có hai con đường trước mặt, con hãy chọn con đường khó hơn»… Bí quyết quan trọng nhất của sự thành công.

Thời gian trôi qua, giờ đây ngồi nghĩ lại, chị em tôi học nên người được rất nhiều bởi âm nhạc của bố và bởi ca dao tục ngữ: «mỗi lần ngã là một lần bớt dại», thành người. «Ý tại ngôn ngoại» cũng là một câu mà bố tôi hay dẫn, chả lấy roi mắng phạt bao giờ, chỉ nêu ví dụ đẹp để chúng tôi lấy gương học theo".

Viết đến đây, bỗng trong đầu tôi giai điệu vút cao, hùng tráng của bài “Người chiến sĩ ấy “vang lên, ngân vọng…

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam