Nhạc sĩ Hoàng Vân. |
Tôi không biết nói gì với ông nữa và chỉ còn biết thầm ngâm nga những ca từ mà ông đã viết hơn nửa thế kỷ qua về những người thợ mỏ đầy hào sảng và là niềm tự hào của những người thợ mỏ nói riêng, của người Quảng Ninh nói chung. Bài hát “Tôi là người thợ mỏ” (có chỗ vẫn gọi “Tôi là người thợ lò”) ra đời khi nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế Vùng mỏ năm 1964 của thế kỷ 20. Theo NSND Quang Thọ, khi đó, nhạc sĩ Hoàng Vân được bố trí đi thực tế ở các công trường thuộc Công ty Than Cọc Sáu và Đèo Nai.
Giai điệu “… Mỗi khi lò thủng đón cơn gió nồm nam mát rượi…” chắc chắn viết ở công trường lò thoát nước moong Cọc Sáu khi ấy. Tinh thần, đặc tính công việc của người thợ mỏ, đặc biệt là thợ hầm lò, được nhạc sĩ tài hoa tái hiện một cách tinh tế và như “gọi tên” được những người thợ lò thẳm sâu trong lòng đất. Họ hứng thú khi nhìn thấy công sức lao động của mình trong mỗi ca làm việc âm thầm, bền bỉ và vô cùng khó khăn ấy được thảnh thơi hít thở khí trời, được nhìn thấy một bầu trời dù nhỏ xíu qua cái “lò thủng” ấy, đó là niềm vui vô bờ bến.
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã thi vị hóa cái công việc nặng nhọc, vất vả ấy bằng âm nhạc, phủ lên đó là một hình ảnh êm dịu, trở thành một khúc tráng ca về những người thợ mỏ mà chưa mấy ai biết về họ. Hình ảnh người thợ mỏ hiện ra thật hào sảng, thật góc cạnh và rất lãng mạn, chỉ cần từng đó thôi đã "gọi tên" Quảng Ninh được rồi. Có thể nói, đây là một trong các ca khúc viết về người thợ mỏ, về vùng đất con người Quảng Ninh đầu tiên, là nền tảng cho các sáng tác sau này. Cả hai ca khúc của Hoàng Vân viết về thợ mỏ, nhưng là viết về Quảng Ninh, ông đã lấy âm hưởng từ tiếng than rơi, từ cách sống của người thợ mỏ để … định danh người Quảng Ninh một cách rất âm nhạc.
Khi ca khúc “Tôi là người thợ mỏ” ra đời, ca sĩ Trần Khánh là người thể hiện ca khúc này đầu tiên trên sóng phát thanh đã làm nức lòng những người yêu ca hát nói riêng và những người dân Quảng Ninh nói chung. Khi các mùa hội diễn khắp nơi có bài hát “Tôi là người thợ mỏ” cất lên. Mỗi lần như thế là một lần người yêu ca hát lại thêm yêu mảnh đất quê hương Quảng Ninh bội phần.
Cả cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân đã đi cùng sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng, các ca khúc mà sau này người ta quen gọi là “địa phương ca", "ngành ca”, nhưng thực sự, ông đã để lại một giá trị di sản phi vật thể bằng âm nhạc hàn lâm. Chỉ hai ca khúc với thợ mỏ, với Quảng Ninh, ông thực sự là người đã định danh bằng âm nhạc cho người Quảng Ninh nói chung, cho người thợ mỏ nói riêng.
Ca khúc Tình ca thợ mỏ, ông sáng tác vào dịp đầu năm 1980 khi về thực tế sáng tác lại làm dầy thêm gia tài âm nhạc về vùng đất và con người Quảng Ninh. Những ca từ trong ca khúc “Tình ca thợ mỏ” làm xốn xang biết bao trái tim người Quảng Ninh. Người nhạc sĩ tài hoa này bằng cảm xúc trào dâng đã thổi hồn vào hình ảnh những người thợ mỏ đã từng tay búa, tay súng trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc đầu thập niên 70 thế kỷ 20, thì đến đầu thập niên 80 cùng thế kỷ ấy, họ vẫn là những người chiến sĩ vai mang súng, tay cầm choòng, cuốc với những chiến công ở chiến hào hay trên công trường khai thác than.
Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Ca khúc “Tôi là người thợ mỏ” là một trang lịch sử khởi nguyên của những người thợ mỏ than khi bắt đầu với sự nghiệp được làm chủ công trường, xưởng máy, mỏ than sau cuộc kháng chiến chống Pháp còn đầy chất bi tráng của cuộc chiến khốc liệt. Đến “Tình ca thợ mỏ”, nhạc sĩ Hoàng Vân như viết tiếp trang sử vàng chói lọi của người và đất vùng than trong một giai đoạn lịch sử mới. Ở "Tôi là người thợ mỏ" có chất bi tráng thì "Tình ca thợ mỏ" lấp lánh những niềm vui của lao động sản xuất, của tình yêu đôi lứa, những bộn bề thao thức của những người thợ mỏ vốn rất vất vả nhưng vô cùng lạc quan và sống, chiến đấu hết mình vì mảnh đất yêu dấu.
Các ca khúc ấy đã vang vọng, đã lắng sâu không chỉ riêng của người Quảng Ninh mà còn ở lại với nhiều bạn bè khắp nơi. Và vì thế, ca khúc của Hoàng Vân đã thuộc về Quảng Ninh mãi mãi. Dù chỉ là một thoáng chốc, dù chỉ là chạm vào miền đất ấy, để rồi ông đã dành cho miền than, biển Quảng Ninh hai tác phẩm âm nhạc vô giá, thật sự đã định danh về đất và người Quảng Ninh. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã vĩnh biệt chúng ta khi tròn 88 tuổi vào mùa xuân 2018 nhưng ông còn ở lại với người và đất Quảng Ninh mãi mãi bằng gia tài âm nhạc.
Nguồn: Nhạc sĩ Hoàng Vân - Người định danh Quảng Ninh bằng âm nhạc - Báo Quảng Ninh Điện tử