Web-Internet

Nhạc sĩ, nhà thư pháp

05/05/2019   981

 

Hoàng Vân nhạc sĩ, nhà thư pháp

Nhạc sĩ Thế Bảo | Thứ Hai, 07/03/2016 22:33 GMT +7

Hoàng Vân, tác giả của Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi, Người chiến sĩ ấy, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca xây dựng... thì ai cũng biết nhưng Hoàng Vân nhà thư pháp thì thật đáng ngạc nhiên.

Ông tên thật là Lê Văn Ngọ, tuổi Canh Ngọ (1930), quê Hà Nội. Lê Văn Ngọ là “Lo Văn Nghệ” từ thuở thiếu niên tuyên truyền rồi trưởng đoàn văn công sư đoàn 312 trong Kháng chiến chống Pháp với bút danh Hoàng Vân cho đến ngày nay.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ nổi tiếng với ca khúc Hò kéo pháo, Hoàng Vân được cử đi học ở nhạc viện Bắc Kinh - Trung Quốc. Ông cũng từng tu nghiệp ở nhạc viện Sofia, Bulgaria. Ngoài những ca khúc được nhiều người ưa thích, Hoàng Vân còn sáng tác giao hưởng thơ, giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc phim và nhiều hợp xướng...
Trong số các nhạc sĩ tốt nghiệp ở Nhạc viện Bắc Kinh, Thượng Hải về Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước, Hoàng Vân và Hoàng Đạm là hai gương mặt thâm Nho nhất.

Nếu Hoàng Đạm (1931-2009) ngoài giảng dạy âm nhạc ở Nhạc viện TP.HCM còn dạy Hoa ngữ ở khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì Hoàng Vân ở Hà Nội chỉ chí thú với âm nhạc và thư pháp.

Có năng khiếu hội họa, yêu thích văn học Trung Quốc, Hoàng Vân đã tung bút lông tạo nên những bức tranh mực tàu hàm chứa nhiều cảm xúc, nhiều tầng ngữ nghĩa.
Ra Hà Nội công tác, thỉnh thoảng tôi ghé thăm ông ở số nhà 14 phố Hàng Thùng, quận Hoàn Kiếm. Ông đem khoe những bức thư pháp rồi hí hoáy phóng bút tặng tôi bốn chữ “Hạp trung bảo kiếm”.

Hoàng Vân nói: “Mình chỉ để một chữ Bảo, còn những chữ kia có ý cậu như một thanh bảo kiếm còn nằm trong vỏ”. Tôi bối rối: “Cám ơn huynh đã quá đề cao đệ!”.

Lần sau tôi đến thăm Hoàng Vân vào dịp cuối tháng chạp. Hà Nội nhộn nhịp sắm tết. Phố Hàng Thùng cổ kính bỗng trở nên rực rỡ sắc xuân.

Hoàng Vân đón tôi vào nhà:

- Năm nay Hà Nội rét đậm, cậu ra đây có lạnh lắm không?

- Dạ, em đã chú ý mặc đủ ấm rồi!

- Thế Bảo ơi, mình đã dành sẵn bức thư pháp “Thi nhạc giao duyên” làm món quà đặc biệt tặng gia đình anh Tế Hanh và Thế Bảo đây!

Tôi cảm động quá:

- Hôm trước bức chữ thảo của anh ai cũng khen đẹp lắm. Còn bức chữ triện này vừa cổ kính vừa bay bổng lung linh và hồn nhiên nữa.

Hoàng Vân nhấp ngụm trà tủm tỉm cười:

- Chữ thảo thì nhiều người viết đẹp lắm nhưng chữ triện thì không nhiều đâu!

Tôi nhìn Hoàng Vân - ông già Tràng An như ông tự nhận - toát lên nét cung cách đĩnh đạc của người nghệ sĩ Hà Nội cổ kính như từ thuở Thăng Long xưa hiển hiện. Từng con chữ của ông tặng bạn bè đồng nghiệp đẹp đẽ hào hoa, gửi vào đấy biết bao điều thầm kín thâm sâu.

Cuối đông Ất Mùi, sắp đón xuân Bính Thân, nhạc sĩ Hoàng Vân yếu đi rất nhiều nhưng ông vẫn toát lên nét thâm trầm dí dỏm khoai thai của một hiền nhân.

Bài báo nguyên bản đọc ở đây : http://vanhien.vn/news/hoang-van-nhac-si-nha-thu-phap-41809

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5152-hv100-hong-vn-nhc-s-nh-th-php.aspx

 

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam