-->
08-02-2022 3:08 PM | Văn hóa – Giải trí
"Năm 2015, lúc bố tôi ốm nặng nằm ở bệnh viện Hữu nghị, nhạc sĩ Phú Quang vào thăm và khóc rất lâu khi thấy bố tôi đang thập tử nhất sinh, thế rồi ông lại bình phục... Bây giờ thì hai thầy trò đang đàm đạo về âm nhạc ở trên đó rồi…"- Nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân nhớ lại.
Nhạc sĩ Phú Quang đã dành rất nhiều khoảng lặng trong cuộc đời gập ghềnh thăng giáng của mình để đắm chìm trong thế giới âm nhạc. Ông nghe nhiều nhạc nước ngoài, đặc biệt là những ông hoàng nhạc cổ điển như Chopin, Mozart, Tchaikovsky... rồi từ đó học hỏi cái hay, cái đẹp của họ. Phải chăng vì mê đắm cái đẹp sang trọng của nhạc cổ điển mà mong muốn lớn nhất của Phú Quang chính là làm một chương trình hòa nhạc tầm cỡ về phố Khâm Thiên - nơi bị dội bom nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, năm 1972. Tôi rất nhớ hình ảnh Phú Quang cuối 2018, khi ấy nhạc sĩ không thật khỏe nhưng nét mặt, giọng nói hào sảng hẳn lên khi nói về ước mơ lộng lẫy này. Trong hình dung của ông, đó là một liveshow hoành tráng với 160 diễn viên, tái hiện lịch sử hào hùng của địa danh này. Ðó là nơi nhạc sĩ gắn bó cả tuổi thơ.
Soi chiếu vào cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Vân, sẽ hiểu vì sao Phú Quang nhất mực tôn vinh ông như người thầy của mình.
Phú Quang, yêu người bởi yêu nghề
Nhạc sĩ Hoàng Vân từng nói về nguyện ước của ông đối với nền âm nhạc Việt Nam đương đại: Tôi mong nền âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc với tinh thần và sắc thái của ngày hôm nay. Âm nhạc có nghệ thuật cao chứ không đơn thuần là để giải trí và phải đi sâu vào lòng người.
Hoàng Vân "chạm tay" vào đề tài nào thì ở đó là sự tươi mới, được đón nhận nồng nhiệt từ cả hai giới chuyên môn và công chúng. Ðó là điều rất hiếm người chinh phục được. Ông chính là một "chiến mã" của nền âm nhạc Việt Nam.
Bất kể những năm tháng rực lửa chiến tranh hay thời điểm đất nước thanh bình, Hoàng Vân đều có những ca khúc đi vào lòng người, như Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Trên đường tiếp vận, Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng, Chào mùa Xuân đại thắng - Chào anh giải phóng quân... Ðến những ca khúc thiếu nhi thật trong trẻo như Mùa hoa phượng đỏ, Con chim vành khuyên... Ngay trong ngày đạn bom ác liệt, âm nhạc Hoàng Vân vẫn vượt lên hòa nhập thế giới bằng những tư duy rất "rock" trong Bài ca trên đường xa, hay rất hùng tráng trong Người chiến sĩ ấy. Rồi một Hoàng Vân hành trình không nghỉ qua những sáng tạo trong thanh bình như Bài ca xây dựng, Tình ca Tây Nguyên... tràn đầy hơi thở nhạc nhẹ như Tuổi trẻ đi xa...
Trong giới âm nhạc, Hoàng Vân như là hiện thân phép cộng của truyền thống và hiện đại, của dân gian và bác học, của cảm xúc được thăng hoa ở mức tối đa và trí tuệ trác việt. Hoàng Vân không chỉ đơn thuần là nhạc sĩ, ông còn là nhà thơ, nhà văn, nhà dân tộc học. Trong nhiều các tác phẩm của ông, phần âm nhạc thường mang âm hưởng âm nhạc dân tộc của các vùng miền khắp đất nước từ Bắc - Trung - Nam - Cao nguyên... Phần ca từ thì phong phú, bình dị, đặc biệt ông rất hay vận dụng các câu cao dao, tục ngữ, đồng dao, điệu hò, lời ru... Trong ca khúc của mình, Phú Quang cực tinh tế khi thẩm thơ và cực giỏi khi nhặt ra những câu xa cách nhau rất nhiều cả về ý tứ và câu chữ, thổi hồn mình qua nốt nhạc và làm cho những câu thơ ấy sống dậy, lung linh, mê hoặc. Yêu và làm cho từng con chữ đẹp lên bằng giai điệu, câu này đúng với cả hai nhạc sĩ.
Và đây là những hồi ức mà Phú Quang chia sẻ về người thầy đáng kính nhất trong thế giới âm nhạc mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời mình: "Hồi đó, ông mới học ở Trung Quốc về và trong số những nhạc sĩ từng học ở Trung Quốc, tôi thích nhất ông, bởi ông luôn luôn bộc lộ trong các tác phẩm của mình những sáng tạo độc đáo và luôn có sự tìm tòi sâu sắc. Ông có rất nhiều tác phẩm và dựng ở khắp nơi. Với Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam, nơi tôi đang là nghệ sĩ biểu diễn thì tôi cũng được tham gia biểu diễn rất nhiều tác phẩm của ông, từ các bài ca đến các vở vũ kịch. Còn ở Trường Âm nhạc Việt Nam khi là một học sinh Khoa Kèn, tôi đã được nghe rất nhiều tác phẩm của ông viết cho các loại kèn với màu sắc âm nhạc dân tộc. Tôi đã từng chuyển thể tác phẩm Voi kéo gỗ trên lâm trường của ông viết cho kèn fagotte thành tác phẩm cho kèn corno để thi tốt nghiệp và đấy cũng là một bài thi xuất sắc của tôi. Nhưng ngoài tài sáng tác ra, ông còn là người tự chỉ huy dàn nhạc cho tác phẩm của mình rất giỏi. Tôi bắt đầu khâm phục cách chỉ huy của ông từ tác phẩm vũ kịch Chị Sứ mà ông viết cho nhà hát của tôi. Tất cả các nhạc công được chơi dưới tay chỉ huy của ông đều thích vì ông là một người chỉ huy rất nhạy cảm, bởi thế cứ nhạc công nào chơi hay đều đọc trên mặt ông một nét đồng cảm mà ông không cần nói ra. Trong các nhạc sĩ miền Bắc, tôi còn khâm phục ông về cách đặt lời cho ca khúc. Các bài hát của ông dù mang đầy tính thời sự nhưng bao giờ cũng hấp dẫn và đầy khúc chiết, như các bài Quảng Bình quê ta ơi hoặc Bài ca năm tấn. Ðặc biệt là ông sử dụng chất liệu dân ca để đẩy lên thành tác phẩm hiện đại dành cho thiếu nhi Mùa hoa phượng nở... Sau này, khi sáng tác nhiều, tôi đã học được những thủ pháp của ông đối với âm nhạc dân gian. Năm 1976, tôi có viết bài Khát vọng dành cho sáo và bài Tình yêu của biển cho flute, tôi có nói với ông Hoàng Vân: "Em viết hai bài này vì em thích cách sáng tạo của thầy". Ông cười nhã nhặn: "Không, Quang viết cũng tốt đấy".
Nhạc trưởng Lê Phi Phi nhận xét: "Nhìn trên phương diện chỉ huy, ông Hoàng Vân được Phú Quang kính trọng vì chính nhạc sĩ Phú Quang cũng là nhạc công chơi kèn cor và ông đã từng chơi trong dàn nhạc giao hưởng nên ông rất hiểu vai trò của nhạc trưởng khi dàn dựng một tác phẩm như thế nào. Bàn về sự "nhạy cảm", có thể là Hoàng Vân đã đích thân dàn dựng những tác phẩm - những đứa con đẻ của mình nên ông hiểu chúng hơn ai hết là cần phải vang lên như thế nào. Chữ "nhạy cảm" có thể hiểu đồng nghĩa bằng chữ "tình cảm".
Nhạc sĩ Phú Quang luôn coi nhạc sĩ Hoàng Vân là người thầy đáng kính của mình.
Phải ở tầm vóc nào thì con người tinh sành thành thương hiệu như Phú Quang mới thực sự tâm phục khẩu phục như vậy. Qua đó chúng ta cũng hiểu thêm về tính cách Phú Quang. Yêu thì yêu đến tận cùng. Ngược lại, cũng phũ... khó đỡ. Ca sĩ Thùy Dung từng kể rằng, có một lần chị đi duyệt chương trình ở Nhà hát Lớn, khi đó có hai ca sĩ nổi tiếng đến muộn. Nhạc sĩ Phú Quang đã đứng trên sân khấu và cầm mic nói: Các ngôi sao chỉ lung linh khi có ánh đèn sân khấu chiếu vào, còn không có ánh đèn sân khấu chiếu thì cũng là giấy vụn cho vào sọt rác thôi.
Ðể có một chỗ ngồi đường hoàng trong đêm nhạc Phú Quang, người ta phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Vài triệu đồng, ấy là nỗi đắn đo ngay cả với dân nhiều tiền lắm bạc. Thế nhưng nhạc sĩ quyết không bao giờ hạ giá, chỉ là: Nếu làm chương trình cho sinh viên, tôi sẵn lòng làm miễn phí. Ông muốn nâng tầm nghệ thuật lên đúng với giá trị của nó. Theo Phú Quang, tiền triệu người ta ăn nhậu hay đi chơi một buổi cũng hết, cớ sao lại hà tiện với nghệ thuật? Chủ đích này đã sàng lọc khán giả của nhạc Phú Quang. Họ hiển nhiên là những người khá giả nhưng hơn cả là tâm thế bước vào những đêm nhạc sang trọng ấy như thể đặt chân vào thánh đường - nơi họ biết chắc mình sẽ được trải qua những rung động lộng lẫy. Phú Quang thành công không chỉ vì những đêm nhạc chất lượng cao mà còn vì đã xác lập được đẳng cấp của khán giả. Có mặt trong những đêm nhạc đó chắc chắn là sự hãnh diện. Xúc cảm ấy hình như khó mua được chỉ bằng tiền.
Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân kể rằng, hồi chị mới về nước, bố chị có nói, vẻ rất khâm phục: "Ối chà, Phú Quang bây giờ hay lắm, tổ chức live-show, viết nhạc hay mà quản lý nhạc cũng rất giỏi".
Ðược sự đánh giá của "thần tượng" như thế, chắc chắn là niềm tự hào không nhỏ của "chung cư" Phú Quang - nhiều nhà trong một nhà. Nhạc sĩ/đạo diễn show nhạc/nhà sản xuất/nhà tổ chức. Vai nào cũng tròn vẹn.
Bài báo nguyên bản xin đọc ở đây: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-thay-dac-biet-cua-nhac-si-phu-quang-169220208150539588.htm?fbclid=IwAR0F1r-R6lChwt4KzNWlPQ-dBJgXfgijQw2avDvjy5TbJNhVHrIpKdEK2z4