Web-Internet

Mây vàng trên đất Việt | Tác giả: Nhạc sỹ Lê Việt Hòa - VOV.vn

26/09/2023   218

Nói đến nhạc sĩ Hoàng Vân người ta nhớ tới “Hò kéo pháo”, nói tới “Hò kéo pháo” là nhớ tới Điện Biên Phủ - một chiến công hiển hách, một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Hò kéo pháo là vũ khí tinh thần, góp một phần khích lệ cho sức mạnh thần kỳ của quân đội ta. Nhưng thính giả yêu âm nhạc nhớ tới Hoàng Vân không chỉ có thế…

Sau Chiến thắng Điện Biên, Hoàng Vân được Đảng và Nhà nước cử đi học ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Tốt nghiệp năm 1960, ông về Đài TNVN - là chỉ huy, kiêm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN. Từ đấy, nhạc sĩ đã có điều kiện vận dụng những tác phẩm của mình vào thực tiễn. Mọi tác phẩm tiêu biểu của ông đều đơm hoa kết trái từ đây.

Bài ca “Tôi là người thợ mỏ” ra đời vào những năm tháng cả vùng mỏ Quảng Ninh đang thi đua thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ. Phải khai thác thật nhiều than cho Tổ quốc, bởi than chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ. Tác giả như đã hóa thân vào người công nhân, trút hết tâm can vào tác phẩm để cùng thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ. Trong bài ca có câu: “Tổ quốc mong than như con thơ cần sữa mẹ…”. Bài ca do nghệ sĩ Trần Khánh diễn xuất khá thành công. Cho tới nay, lớp trẻ vẫn chưa ai vượt tới đỉnh cao. Đã có nhiều bài ca về mỏ. Nhưng những bài ca về thợ mỏ của Hoàng Vân vẫn sừng sững như  “núi Bài Thơ” năm xưa.

Khi đất nước còn chia đôi. Miền Nam thi đua đánh giặc, miền Bắc thi đua sản xuất. Phong trào thi đua 5 tấn đang là ngọn cờ đầu ở Thái Bình. Ông viết bài ca: “Hai chị em”, trong bài ca có đoạn: “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình. Hai chị em trên hai trận tuyến, tinh thần bất khuất trung hậu đảm đang, trang sử vàng chống Mỹ cứu nước. Sáng ngời tên những cô gái Việt Nam”. Ngôn ngữ của bài ca quyện với những âm thanh giai điệu, như gieo vào lòng người những tình cảm yêu thương, gắn bó.

Những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân đều đa dạng, cuốn hút, tùy theo nội dung của bài ca mà ông vận dụng chất liệu vào tác phẩm. Bài “Nổi trống lên rừng núi ơi” tác giả vận dụng chất liệu dân ca Tày; “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” là chất liệu dân ca miền Trung; “Tiếng cồng giải phóng - Tiếng cồng chiến thắng” (Bút danh Y-na) mang chất liệu dân ca Tây Nguyên… Ông như đã nhuần nhuyễn mọi thứ dân ca ba miền Trung - Nam - Bắc.

Bài “Quảng Bình quê ta” viết trong một chuyến đi thực tế của Đài TNVN tới vùng giáp ranh, chịu đựng nhiều bom đạn. Cho tới nay, âm vang của bài ca đi khắp bốn phương. Cả nước đều hát về Quảng Bình. Tiếp đó, nhiều bài ca khác tiếp tục ra đời như mùa trái chín: “Nhớ” (thơ của Nguyễn Đình Thi); “Bài ca người thủy thủ” (thơ Mai Nam tức Hà Nhật); “Người chiến sĩ ấy”; “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Bài ca giao thông vận tải”.

Đất nước sau giải phóng, cuộc sống của người dân cũng như cán bộ còn muôn nỗi khó khăn, đã có những hiện tượng tiêu cực ở một số cán bộ làm chao đảo niềm tin về đường lối chính sách của Nhà nước. Ông đã viết bài ca “Tình yêu của đất và nước”, “Hát cùng cây lúa hôm nay”. Trong bài có đoạn:  “Chiếc cầu treo chênh vênh nhỏ bé, không mang nổi người gánh thóc nặng. Đường mới đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…”. Câu hát tưởng như dung dị nhưng ẩn chứa những triết lý dễ dàng đi vào lòng người. Bởi ngày hôm nay không làm gì, thì ngày mai cũng chẳng có gì. Ngày hôm nay của năm xưa, ông cha ta đổ bao xương máu để ngày hôm nay chúng ta bước vào thời đổi mới, xây dựng gấp mười năm xưa, như lời Bác Hồ đã tiên đoán...

Những ca khúc của ông mang tính chính trị, đã biến thành những ngôn ngữ nghệ thuật dễ dàng chinh phục người nghe. Ngoài ca khúc, ông còn viết nhiều bản hợp xướng lớn như “Chương II Hồi tưởng”, “Vượt núi”, “Vũ kịch”, “Chị Sứ”; Concerto cho piano và dàn nhạc; Giao hưởng Thơ “Thành dòng Tổ quốc”, và các tiểu phẩm khí nhạc Violon, kèn Basson; Nhạc phim: “Nổi gió”, “Con chim vành khuyên”, “Mối tình đầu”; Nhạc cho sân khấu: Tuồng, chèo, cải lương và nhạc cho thiếu nhi như những bài “Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở”…

Ông đam mê với nghề nghiệp, dường như ông lẩn tránh những công việc quản lý để dành nhiều thời gian cho tư duy sáng tạo. Ông quan niệm, đã là nhạc sĩ là phải có tác phẩm, và nhiều tác phẩm hay.

Ông là người có công xây dựng Đoàn ca nhạc Đài TNVN; có công đóng góp tác phẩm và dàn dựng những tác phẩm của bạn bè đồng nghiệp cho làn sóng Đài TNVN với một khối lượng đáng kể. Ông còn là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội, đào tạo nhiều lớp nhạc sỹ tương lai.

Ông có người vợ hiền (là bác sĩ) hiểu được những giá trị của nghệ thuật. Có hôm tôi nghe bà nói: “Bác sĩ như tôi thì nhiều, nhưng như anh Hoàng Vân thì thuộc lớp người hiếm có”. Để có được câu nói ấy của một người vợ, quả là hiếm. Ông có hai người con cùng đi theo âm nhạc và đều thành đạt.

Tên thật của ông là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24/7/1930. Năm nay ông vừa tròn 80 tuổi xuân. Nhưng nom ông vẫn phong độ cả về thể chất lẫn tâm hồn. Được biết ông đang tư duy tìm ra những âm thanh mới cho bản giao hưởng sắp ra đời. Ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng III và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Dịp đón xuân mới 2010, Đài THVN đã truyền hình trực tiếp đêm biểu diễn những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân mang tiêu đề “Mây vàng trên đất Việt”. Vân là mây, mây là Vân và Y-Na (bút danh của ông) cũng là Vân. Nắm bắt và khái quát được những tác phẩm của Hoàng Vân, người đạo diễn tài ba đã tìm ra một tiêu đề độc đáo cho đêm biểu diễn “Mây vàng trên đất Việt”./.

 

Nguồn: Mây vàng trên đất Việt - VOV.vn

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam