Nhạc sĩ Hoàng Vân. (Ảnh: Nguồn baoquangbinh.vn) |
Ngay từ khi đặt chân vào Quảng Bình, chứng kiến cuộc sống trên mảnh đất này, rồi cho ra đời tuyệt tác “Quảng Bình quê ta ơi”, ông đã thốt lên: Dưới làn bom đạn, người dân Quảng Bình vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng say lao động sản xuất mà vẫn lạc quan, yêu đời. Chính điều đó đã gây cảm xúc mạnh trong ông và những lời ca, nốt nhạc cứ thế bật nẩy, tuôn trào một cách tự nhiên, đầy xúc cảm.
Ông cho rằng, “Quảng Bình quê ta ơi” có ảnh hưởng bởi chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, nhưng nhạc sĩ hoàn toàn sử dụng một cách rất chủ động và biến hoá theo phong cách của mình. Đó không phải là sự copy một làn điệu dân ca và đặt lời mới như một số nhạc sĩ khác từng làm. Chính vì bài hát không mang một âm hưởng vùng miền nào rõ rệt nên đi đến đâu nó cũng được yêu thích. Khi mượt mà, êm dịu như lời ru, khi tươi vui, khỏe khoắn, khi trĩu nặng hồi tưởng và suy tưởng, khi lại thân thiết mộc mạc như lời trò chuyện, dặn dò nhau, ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” đã thấm vào lòng người với nhiều cung bậc cảm xúc.
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã tạo cho người nghe những cảm xúc sâu lắng, thiết tha, gợi lên hình ảnh về một miền quê đầy truyền thống anh hùng, đang từng ngày đổi mới. Cái độc đáo là bài hát 3 lời dài, có những chỗ đả phách rất khó và gần như từ nào cũng phải luyến láy, nhưng rất nhiều người trong nước đều hát thuộc, chưa nghe ai hát sai giai điệu ca khúc. Thật không lí giải nổi. Chỉ có thể là bởi bài hát quá hay, đã trở thành máu thịt trong tâm hồn người Quảng Bình. Từ cụ già cho tới các em nhỏ, từ những người công nhân trong nhà máy, xí nghiệp tới các bác nông dân sớm hôm trên đồng ruộng... ở đâu cũng vang lên những ca từ quen thuộc: “ Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới...”.
Bằng sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và lời ca, cũng như nét sáng tạo trong khai thác và sử dụng các thang 5 âm của âm nhạc dân gian Việt Nam và cách vận dụng nét đặc trưng của ngữ điệu miền Trung, nhạc sĩ Hoàng Vân đã tạo cho người nghe những cảm xúc sâu lắng, thiết tha, gợi lên hình ảnh về một miền quê đầy truyền thống anh hùng, đang từng ngày đổi mới. “Quảng Bình quê ta ơi” đã được nhiều ca sĩ chọn để hát trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên với những cách thể hiện khác nhau. Điều này chính là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của ca khúc, cũng như những đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Vân trong lòng công chúng yêu nhạc khắp cả nước.
Ông đã dành cả tấm lòng đối với người Quảng Bình. Từ những ca từ và giai điệu trong “Quảng Bình quê ta ơi” của ông đã nâng thêm lòng tự hào, nâng thêm niềm tin vững chắc cho người Quảng Bình, ngày ngày động viên cổ vũ người Quảng Bình phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao ý chí tiến công, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước đi lên, lập nhiều kỳ tích huyền thoại, giữ vững danh hiệu quê hương “Hai giỏi” mà Bác Hồ đã tặng hơn nửa thế kỷ đã qua. Chừng ấy cũng quý, cũng đủ lắm rồi, vậy mà ông vẫn luôn thương yêu Quảng Bình, hướng về Quảng Bình.
Những dòng chia sẻ của nhạc sĩ Hoàng Vân gửi tới Quảng Bình vào đợt lũ năm 2010. (Ảnh: Nguồn baoquangbinh.vn)
Nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân đã chia sẻ trên mạng xã hội bức ảnh chụp những dòng chữ của cha mình gửi tới Quảng Bình vào đợt lũ năm 2010: “Xin hãy cho tôi được bày tỏ lòng cảm thông và chia sẻ chân thành nhất đến Quảng Bình vô cùng yêu dấu của tôi”. Hoàng Vân - tác giả ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” là như vậy. 34 tuổi đã có ca khúc nổi tiếng “Quảng Bình quê ta ơi”. Đến tuổi 80 mà vẫn luôn nghĩ về Quảng Bình, lo cho Quảng Bình khi có bão lũ, chẳng khác nào người mẹ lo cho con khi trở trời! Quả là chẳng có tình yêu thương nào bằng.
Nhớ hồi mới chia tỉnh từ Bình Trị Thiên ra, biết Quảng Bình còn mang nặng hậu quả chiến tranh, còn quá nghèo khổ, bộ khung và các ngành của tỉnh mới kéo nhau ra được vài ngày, thì ông đã cùng nhạc sĩ Nguyên Nhung là con em Quảng Bình vào. Quá ngưỡng mộ và quý trọng ông, anh em thường chơi thân với nhau như: Tổng biên tập Báo Quảng Bình Đỗ Quý Doãn, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trương Tấn Viên, hai phóng viên Báo Quảng Bình là Nguyễn Thế Thịnh và Nguyễn Thế Tường, hai phóng viên Đài Truyền hình Quảng Bình là Trần Tuấn và Bùi Dũng, tôi và vợ tôi cùng một số bạn bè khác đã tìm và mời ông cùng nhạc sĩ Nguyên Nhung ra quán Gió bên bờ sông Nhật Lệ.
Có lẽ trong số anh em chúng tôi có mặt hôm đó, đây là lần đầu tiên được gặp mặt hai nhạc sĩ nổi tiếng này. Người không chỉ đã trở thành thần tượng, đáng kính, đáng mến và đáng trân trọng của Quảng Bình, mà còn là người đáng kính nể của những người yêu thích âm nhạc trong cả nước, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân, nổi tiếng với hàng loạt ca khúc như “Bài ca xây dựng”, “Hò kéo pháo”, “Người chiến sĩ ấy”, “Tôi là người thợ lò”, mà theo tôi hay hơn cả là bài “Quảng Bình quê ta ơi”...
Đã từ lâu, “Quảng Bình quê ta ơi” được coi là “Tỉnh ca”, là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Đối với người Quảng Bình xa quê, phiêu bạt nơi đất khách quê người, “Quảng Bình quê ta ơi” càng gợi niềm tự hào, nỗi xúc động rưng rưng.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu thích bài hát này. Có lần giao lưu với lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình, Đại tướng động viên: “Khó khăn nhiều nhưng các cháu luôn phải học tập, luôn cố gắng, khi nào khó khăn quá thì cùng nhau hát bài “Quảng Bình quê ta ơi” để phấn chấn mà phấn đấu”. Trong 1.559 ngày Đại tướng điều trị tại Bệnh viện 108, chị em điều dưỡng viên vẫn thường lấy điện thoại mở bài “Quảng Bình quê ta ơi” cho Người nghe.
Ông và nhạc sĩ Nguyên Nhung nằm trên hai chiếc võng. Chúng tôi thay nhau vừa rót bia và đưa mồi mời hai vị khách quý nhậu lai rai, vừa uống, vừa hát vang bài “Quảng Bình quê ta ơi” và “Bài ca bên cánh võng” rộn cả khúc sông - nơi ngày xưa Mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội và cán bộ qua sông. Hát say sưa, hát khản cả cổ họng từ hai giờ chiều đến hơn hai giờ sáng mới chịu chia tay nhau...
Để rồi, hôm nay “Quảng Bình quê ta ơi” vẫn vang cao, vang xa với độc thoại “Nếu ai hỏi vì sao...?” nhưng lại đau đớn với câu hỏi: Vì sao ông vội đi xa?... Cả Quảng Bình, tất cả những người yêu âm nhạc trên Tổ quốc này ai cũng đều thương tiếc đưa tiễn ông về với tổ tiên, với Bác Hồ, Bác Giáp và thế giới người hiền!...