Web-Internet

Viết lên từ những điều bé nhỏ

05/05/2019   840

Nhạc sĩ Hoàng Vân: Viết lên từ những điều bé nhỏ…

21:15 05/09/2017

Từ đầu ngõ, hỏi ai từ người già đến người trẻ đều biết nhà của nhạc sĩ Hoàng Vân. Có lẽ bởi căn nhà nằm trong ngõ nhỏ phố nhỏ quen thuộc của phố cổ Hà Thành là nơi mà gia đình ông gắn bó nhiều thế hệ.

Từ thời các cụ, cho đến nay, nhạc sĩ Hoàng Vân đã gần 90 tuổi, vẫn cùng người vợ hiền thảo chăm bẵm cho tổ ấm của mình, một tổ ấm đúng nghĩa với sự ấm áp bao bọc, dù trong căn nhà nhỏ ấy, hiện chỉ có hai ông bà sống cùng người giúp việc hằng ngày cơm nước... Xung quanh được bày biện ngăn nắp và sạch sẽ là những kỷ vật nhiều năm của gia đình từ thời ông cha, những kỷ niệm lưu giữ từ thời thơ ấu của các con, những kỷ vật từ phương xa của các cháu mà ông bà nâng niu, trân trọng...

Khi tôi bước vào, hai ông bà đang ngồi đọc báo ở bàn. Chiếc bàn nhìn ra cửa sổ đầy khoáng đạt, có một không gian nhỏ vài cái cây trồng trong chậu đang rung rinh nhẹ nhàng trong khung cảnh yên tĩnh lạ lùng của ngôi nhà, tách bạch hẳn sự ồn ã ngoài kia của phố phường Hà Nội.

Vợ của nhạc sĩ, bác sĩ Ngọc Anh, người phụ nữ đẹp gắn bó cả cuộc đời với nhạc sĩ Hoàng Vân, theo nếp người xưa, đã đi lấy một chiếc áo dài tay khoác vào bên ngoài chiếc áo phông ông đang mặc lúc đón khách. Bà đón bó hoa ly tôi mang đến tặng ông bà đặt vào chiếc bình đẹp trong phòng khách. Bà cẩn thận rót nước mời khách rồi lặng lẽ vào nhà để nhạc sĩ Hoàng Vân ngồi trò chuyện cùng tôi. Cử chỉ của bà nhẹ nhàng và kín đáo, khiến một người hậu sinh như tôi thực sự nể trọng và cần học hỏi.

Ở tuổi gần 90, trải qua một vài trận ốm nặng, sức khỏe của nhạc sĩ Hoàng Vân yếu đi rõ rệt. Dù trong trí nhớ minh mẫn của ông, vẫn đủ đầy ký ức không nguôi của những năm tháng đã xa. Giờ hỏi ông về chuyện sáng tác, chuyện cuộc đời, ông vẫn nhớ những chuyện cách đây nhiều năm. Thực tại với ông, đan xen ký ức của quá khứ.

Ông kể nhiều chuyện, nhưng những câu chuyện ấy hầu hết là chuyện thời đang học trường Tây cùng người vợ hiền xinh đẹp; là thời ông đi sáng tác ở Quảng Bình để viết nên ca khúc bất hủ được coi là "tỉnh ca" của Quảng Bình: "Quảng Bình quê ta ơi!"; là thời của chị con gái Y Linh xây lại ngôi nhà phố cổ để cha mẹ ở "mới đẹp được bây giờ"; là ký ức về người con trai yêu quý Lê Phi Phi những tháng ngày được ông dạy học bên cây đàn piano cũ bây giờ vẫn còn nguyên vẹn trong căn phòng với sự chăm chút tỉ mẩn của ông bà.

Quan sát căn phòng, tôi thấy ông bà lưu giữ rất nhiều bình gốm cổ quý và những bức tượng phật trang nghiêm. Có vài bức tượng phật cao hơn 1m nhưng cũng có những bức bé xíu lẫn trong các đồ trang trí.

Dường như đoán biết được ý nghĩ khi thấy tôi quan sát các bức tượng đã in hằn dấu vết tháng năm, ông bảo: "Các cụ tôi ngày xưa thờ phật tại gia nên gia đình tôi vẫn giữ được các bức tượng từ thuở ấy đến giờ. Có bức bằng đá, có bức bằng gỗ, có bức bằng thạch cao... nhưng hầu hết tuổi đời của những bức tượng này đã cả trăm năm rồi đấy! Cả những chiếc bình gốm cổ cũng là những kỷ vật đã theo gia đình rất nhiều tháng năm".

Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh ra trong một gia đình Nho học. Ông được học chữ thánh hiền từ thuở còn thơ bé. Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng thừa nhận rằng, tính cách nhà Nho cũng ảnh hưởng nhiều đến cốt cách của ông sau này, dù âm nhạc ông luôn hào sảng, khỏe khoắn. Nhiều bài mang đậm dấu ấn anh hùng ca, nhưng con người ông, tính cách của ông, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn điềm đạm, nhỏ nhẹ, ôn hòa. Dường như  không điều gì làm cho ông có thể nổi nóng, to tiếng hay bất đồng, cãi vã... Ông cũng là người trọng chữ tín và luôn luôn đúng hẹn. Bởi vậy mà nhiều người vẫn cho rằng, ông là một nhạc sĩ kỹ tính và... khó tính!

Là trai Hà Nội gốc, nhưng tuổi trẻ của nhạc sĩ Hoàng Vân lại gắn bó nhiều với chiến trường, với súng đạn hơn là mảnh đất ngàn năm văn hiến. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.

Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc, như "Chiến thắng Hòa Bình"; "Tin chiến thắng"; "Chiến thắng Tây Bắc". Tuy nhiên, phải đến năm 1954, khi ông sáng tác ca khúc "Hò kéo pháo" thì tên tuổi của Hoàng Vân mới thực sự neo lại trong lòng người. Hồi ấy, cả một thế hệ những người lính ra trận đều ngân vang câu hát "Hò dô ta nào" của ông. Nó đã là một liều thuốc tinh thần cổ vũ lòng người vượt qua những gian khó.

Kể về những kỷ niệm hồi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định rằng, bước ngoặt cuộc đời của ông gắn liền với hai chữ Điện Biên. Hồi ấy, chàng trai Hà Nội Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Vân) hăm hở tham gia chiến dịch Điện Biên, viết bài cho bản tin của trung đoàn, sư đoàn, dẫn các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác... Cuộc sống chiến đấu gian khổ mà hào hùng của những ngày "mưa dầm cơm vắt", đặc biệt là sự dũng cảm của các chiến sĩ pháo binh đã khiến Hoàng Vân - dù mới biết qua nhạc lý cơ bản - đã không ngăn được cảm xúc trào dâng, ông đã viết một mạch bài "Hò kéo pháo".

Viết xong, Hoàng Vân lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường, không ngờ người này đọc được bảo người kia, nó đã lan nhanh khắp mặt trận. Sau chiến dịch Điện Biên, "Hò kéo pháo" được trao giải nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Bất ngờ lớn nhất là với ca khúc này, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã khen ngợi ca khúc "Hò kéo pháo" và giới thiệu Hoàng Vân với Tổng cục Chính trị. Ngay sau đó, Tổng cục đã cử Hoàng Vân đi học tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc.

 

Trở về nước sau 6 năm "dùi mài kinh sử", anh lính Điện Biên ngày nào trở thành nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Để nhớ ơn vùng đất đã sinh ra mình lần thứ hai, sau này ông đã sáng tác "Đại hợp xướng Điện Biên Phủ", một tác phẩm khí nhạc đồ sộ dài 4 chương viết cho hợp xướng và dàn nhạc, mà mất tới hơn 10 năm ông mới hoàn thành trọn vẹn.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự: "Đây là tác phẩm tôi dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Nhưng phải nói là rất khó sáng tác, bởi vì bây giờ là thời bình rồi, phải làm sao toát lên được âm hưởng hào hùng, vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, lại phải phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng là điều không hề đơn giản".

Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn Sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho đến năm 1989. Ông cũng là Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội Nhạc sĩ cho đến khi nghỉ hưu.

Nhạc sĩ Hoàng Vân "bị" nhiều người nhận là đồng hương vì ông sáng tác những bài "tỉnh ca" hay "ngành ca" nổi tiếng như "Quảng Bình quê ta ơi!"; "Tôi là người thợ lò"; "Bài ca xây dựng"; "Bài ca giao thông vận tải". Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều hợp xướng và khí nhạc. Một số hợp xướng viết với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam như: "Hồi tưởng"; "Việt Nam muôn năm"; "Vượt núi"; "Hát dưới cờ búa liềm"... Ông cũng in nhiều tuyển tập sách nhạc được khán thính giả đón nhận. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Nhạc sĩ Hoàng Vân có lẽ là một trong số các nhạc sĩ hiếm hoi thành công trên nhiều phương diện sáng tác, từ khí nhạc đến ca khúc cho người lớn, ca khúc thiếu nhi, ca khúc cho các ngành, ca khúc cho phim...

Ông là tác giả của những ca khúc cho phim đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh như: "Nổi gió"; "Con chim vành khuyên"; "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"; "Em bé Hà Nội"; "Mối tình đầu". Tuy viết theo đơn đặt hàng, những ca khúc tưởng chỉ viết cho một ngành nghề cụ thể đều được ông thổi vào hơi thở của đời sống, của cảm xúc. Chính vì thế, một số ca khúc khi công bố rộng rãi trong công chúng đã trở thành những giai điệu độc lập và quen thuộc. Hoặc những ca khúc cho các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam như: "Bảy sắc cầu vồng"; "Người xây tổ ấm"; "Ở nhà Chủ nhật".

Ông chia sẻ rằng, âm nhạc hay bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng luôn có điểm tựa là kinh nghiệm và đời sống của chính bản thân tác giả. Ông mỗi khi viết đều đặt mình trong từng hoàn cảnh cụ thể nào đó, câu chuyện cụ thể nào đó thân thương nhất để có thể viết được những ca khúc gần gũi nhất cho người nghe.

Chẳng hạn như khi ông viết về thiếu nhi, những bài hát đã trở thành "kim chỉ nam" mà ngành giáo dục lấy in vào bìa 4 của quyển vở học trò, kỳ thực là ông viết để động viên con trai mình, Lê Phi Phi, chăm chỉ đến trường.

Hồi đó, để động viên con đi nhà trẻ, ông đã nhẩm hát cho con nghe giai điệu bài hát "Em yêu trường em" trên đường đưa con đến lớp. Khi con lên mẫu giáo, ông lại dạy con biết chào hỏi bằng bài hát: "Con chim vành khuyên". Giờ đây, con trai ông, anh Lê Phi Phi đã trở thành nhạc trưởng của dàn nhạc danh giá tại nước ngoài, anh thường xuyên đi biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới nhưng mỗi lần nhắc về cha mình, anh luôn dành cho ông những tình cảm trân trọng và thân yêu nhất. Đối với anh, sự ảnh hưởng của gia đình, của ông bà, cha mẹ là một định hướng tuyệt vời để anh và chị gái anh được sống thật sự là chính mình. Chẳng ai khác, chính cha mẹ anh là tấm gương để anh và các thế hệ sau noi theo trên con đường âm nhạc cũng như nhân cách sống!

Điều hạnh phúc nhất đối với ông, như ngay lúc này đây tôi cảm nhận được, là ông đã tìm thấy người đàn bà tuyệt vời bên cạnh cuộc đời mình. Người con gái ông gặp từ những ngày đầu tiên biết rung động, cũng là người con gái có cái tên rất đẹp để sau đó chính nhạc sĩ Hoàng Vân lấy làm bút danh cho mình là Y-na (tức: Yêu Ngọc Anh) và tên con gái ông sau này (Y Linh).

Nhà bà ở phố Trần Quốc Toản, lại biết bà thích chơi đàn nên khi tiếng lòng rung động, chàng nhạc sĩ Hoàng Vân đã phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết tặng nữ nhà báo Pháp Madeleine Rifaud: "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây...", gửi đến tặng cô Ngọc Anh thuở ấy với bút danh Y-na ký dưới bản nhạc.

Tết năm ấy, cô Ngọc Anh đã đến nhà nhạc sĩ Hoàng Vân ở phố Hàng Thùng, chúc tết gia đình nhạc sĩ và gửi lại cho ông một món quà mà đến bây giờ ông vẫn giữ gìn như một báu vật: Một chiếc hộp sơn mài chạm khảm kỹ lưỡng, bên trong là một chiếc khăn choàng lụa tơ tằm rất dài, giản dị nhưng lộng lẫy, thêu tay đầy đủ cả bản nhạc mà nhạc sĩ đã gửi tặng. Bà là người phụ nữ tảo tần và là một bác sĩ y đức đã nâng giấc cuộc đời ông, chăm sóc cho ông từng li từng tí kể từ ngày trẻ cho đến bây giờ. Suốt những tháng năm tuổi trẻ, ông bôn ba khắp nơi, bà một mình gánh vác gia đình, chăm lo cho các con.

Gần như cả cuộc đời, chẳng mấy khi ông bà to tiếng với nhau, đôi khi chỉ cần ánh mắt, cử chỉ thôi là đã đủ hiểu nhau, đủ để yêu chiều nhau cho đến ngày đầu bạc răng long. Bà là một người phụ nữ điềm đạm và chi chút, chăm sóc ông từ bữa ăn, giấc ngủ đến những bài tập thể dục và những bài thuốc để giúp ông có đủ năng lượng sáng tác. Tôi hỏi bà, bà yêu ông nhất ở điều gì, bà cười nhẹ nhàng bảo, cái gì của ông bà cũng yêu, kể cả cái khó tính và kỹ tính cố hữu của ông trong suốt cả cuộc đời...

Trần Hoàng Thiên Kim

Bài báo nguyên bản tại đây: http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Nhac-si-Hoang-Van-Viet-len-tu-nhung-dieu-be-nho-456792/

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam