Đón đầu xu hướng

Từ khi gia đình tác giả nhạc phẩm "Hò kéo pháo" công bố về kế hoạch này, giới sáng tác âm nhạc và nghệ sĩ các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã quan tâm đến thư viện âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Toàn bộ tác phẩm mà gia đình tìm kiếm, lưu trữ đến ngày nay, đã được công bố trên trang web riêng của nhạc sĩ.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chia sẻ vào những năm 2000, anh nghĩ phải tập hợp và thu vào CD lưu trữ tất cả sáng tác, kể cả tổng phổ của cha mình, đặt trong thư viện của gia đình. Tuy nhiên, nhạc phải được chơi, ca khúc phải được hát lên thì mới sống. Vì vậy, gia đình đã thực hiện trang web và số hóa tất cả các sáng tác, lưu trữ vào trang web để thư viện âm nhạc thật sự sống động.

"Người nghe nhạc có thể tìm thấy các tác phẩm đã được sắp xếp theo chủ đề, dễ dàng tra cứu lời. Trang web cũng công bố rất nhiều tổng phổ là bút tích của ông. Chúng tôi tham vọng sẽ thống kê được tất cả những gì có liên quan đến nhạc sĩ Hoàng Vân trong từng tác phẩm, cuộc đời nghệ thuật, vậy nên thư viện này sẽ là một kho tư liệu cho những người muốn tìm kiếm tất cả những gì liên quan đến cha tôi" - TS Lê Ly Linh bộc bạch.

Thư viện âm nhạc: Hướng đi mới của nghệ sĩ - Ảnh 1.

Cố nhạc sĩ Hoàng Vân nổi tiếng với ca khúc "Hò kéo pháo" Ảnh: Y LINH

 

Theo TS Lê Ly Linh, đây cũng là nơi gia đình liên hệ với các ca sĩ, nhạc sĩ, đơn vị biểu diễn âm nhạc nhằm làm sống lại những tác phẩm của cha mình trên sân khấu, trong trường học và khắp mọi miền đất nước.

"Cha tôi đã có một cuộc đời thật tươi đẹp vì được triệu người yêu quý, hâm mộ sáng tác của ông. Chúng tôi mong thu thập lại và công bố để công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời và tác phẩm của ông" - TS Lê Ly Linh nói.

Nhân dịp ra mắt, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cũng muốn giới thiệu "Quỹ âm nhạc Hoàng Vân", kêu gọi sự hỗ trợ của công chúng để tập hợp, bảo tồn, lưu giữ và quảng bá âm nhạc của cố nhạc sĩ. Công chúng quan tâm có thể ủng hộ quỹ theo nhiều phương thức: đóng góp thông tin, tư liệu, ý tưởng hoặc tài chính.

 
 

NSND Kim Cương đang gần hoàn thiện quyển hồi ký "Sống cho người, sống cho mình". Bà đã học theo cách làm này để triển khai dự án thư viện lưu trữ hình ảnh, các clip về tác phẩm của đoàn kịch nói Kim Cương và một thư viện về kịch nghệ để vinh danh mẹ bà - cố NSND Bảy Nam.

Ban Lý luận Phê bình và CLB Phóng viên sân khấu thuộc Hội Sân khấu TP HCM đã đồng hành với NSND Kim Cương trong dự án thực hiện trang web thư viện về kịch nghệ của gia đình. Còn ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF đã tài trợ mọi chi phí cho việc lưu trữ hình ảnh. Sau cuộc triển lãm "NSND Bảy Nam - người mẹ trên sân khấu kịch nói Nam Bộ", ông Huỳnh Anh Tuấn đã mua lại tất cả bức ảnh quý để tặng cho dự án này.

Gia đình cố soạn giả NSND Viễn Châu cho biết sẽ lưu trữ hơn 2.000 bài ca cổ và hơn 70 kịch bản cải lương theo công trình thư viện âm nhạc để gìn giữ, bảo lưu bản gốc.

"Lúc ba tôi còn sống, ông rất phiền lòng khi nghe các thí sinh hoặc diễn viên trẻ ca sai lời những bài vọng cổ do ông sáng tác. Do đó, thư viện này trước hết đáp ứng nhu cầu lưu trữ bản thảo gốc, cung cấp cho các cuộc thi. Đồng thời, qua thư viện này, chúng tôi cũng sẽ đặt hàng dàn dựng các kịch bản của ba tôi nhằm giữ cho đúng chuẩn mực của tác phẩm. Gia đình rất đau lòng khi một số sân khấu, đài truyền hình lấy kịch bản của ba tôi dàn dựng, tự ý thêm thắt, chỉnh sửa khiến giá trị tư tưởng của vở bị lệch hướng" - nhạc sĩ Trương Minh Châu, con của cố soạn giả Viễn Châu, nói.

Xu hướng thực hiện bảo tàng số hoặc thư viện số là một hướng đi tích cực nhằm lưu giữ những tài sản vô giá của người làm nghệ thuật. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ còn có trang Fanpage chính thức để giao lưu thường xuyên với người hâm mộ và xây dựng kênh YouTube để tạo thêm không gian sinh động của công trình ý nghĩa này.

TS âm nhạc Lê Ly Linh cho rằng công việc thiết kế thư viện số mất nhiều thời gian nhưng khi đã xây dựng được kho dữ liệu, ứng dụng công nghệ hiện đại để gìn giữ và lan tỏa thì sẽ thấy công lao không uổng phí. Nhờ đó, khán thính giả yêu mến âm nhạc, sân khấu vẫn có thể tìm kiếm dữ liệu để bình luận, viết, nghiên cứu, thưởng thức hay giao lưu. Còn NSND Kim Cương cho biết khi đã đi vào vận hành, mỗi thư viện cần ban quản trị sẵn sàng cung cấp tư liệu, bản thảo, bản thu, bài báo, hình ảnh và tất cả những gì liên quan tới bà và mẹ của bà cho giới báo chí và giới học thuật. 

 

Kho tàng bản thảo của nhạc sĩ Hoàng Vân gồm khoảng 650 tác phẩm đã tìm hoặc đã định vị. Hiện mới chỉ tìm được bản thu thanh của khoảng 150 bản và khoảng 200 bản in. Như vậy, còn ít nhất một nửa số tác phẩm chưa từng được in và được hòa âm, phối khí; trong đó có gần 100 bản tình ca chưa công bố.