Web-Internet

Thử giải mã một Hoàng Vân thư pháp

05/05/2019   1181

Th gii mã mt Hoàng Vân thư pháp

TP - Ông đang trầm ngâm bên vuông giấy trên chiếc bàn độc cẩn đá mặt nguyệt. Ngọn bút lông trong tay ông lão quá bát tuần thoắt nhanh vẻ sinh khí, trẻ trai… Căn buồng hẹp. Thời gian như ngưng đọng với ô cửa sổ phố Hàng Thùng trổ ra phía sông Hồng.

Phố Hàng Thùng thuở ấy chuyên chế thứ thùng đựng nước mắm, rượu từ những thanh gỗ chắc khừ bện lại bằng thứ mộng tinh xảo cùng với những khôn khéo giằng rịt song mây. Công đoạn cần lao ấy cứ na ná như một thứ logic của… thư pháp?

Có vẻ như chủ nhân không cầu kỳ luôn sẵn sàng bày biện bên mình kè kè với những lỉnh kỉnh nhiêu khê văn phòng tứ bảo bút nghiên giấy mực. Thứ mực nho ông dùng có bán ối ở các cửa hàng văn phòng phẩm. Bút cũng dạng tầm tầm chẳng nhọc công tầm nã những thứ cực phẩm như Tuyên bút(bút đất Tuyên đời nhà Nguyên làm bằng lông thỏ) Hồ bút (bút đất Hồ chế bằng lông sói) Tân Trácbút của Đường Tống làm bằng lông dê.  Dân thư pháp đang kháo nhau có thứ bút lông được chế được túm bằng những sợi tóc tơ trẻ sơ sinh viết hoạt lắm? Giấy chả cứ gì Tuyên chỉ của Tàu mà thứ dó thứ mầu bán ở quanh chợ Đồng Xuân. Triện cũng vậy,  không cứ đá ngọc mà do thợ Hàng Khay khắc gỗ. Còn nghiên thì chả nhọc công tầm nã bởi nghiên đá giá cũng rẻ ở các hàng văn phòng phẩm.

Cũng như nghề nhạc, việc chế nhạc, phải là có tài. Cái tài thư pháp khó tri hô lên thành lời. Hình như chỉ tóm lại ở 2 từ thần khí. Mà giải mà diễn 2 từ ấy dùng lời tất bất lực? Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lần ấy ngồi rượu cứ khư khư một cuộn. Hỏi ra là mấy chữ của nhạc sĩ Hoàng Vân thủ bút tặng. Nhiều bạn văn, bạn nhạc được ông cho, tặng chữ tùy vào tính tình, nghề nghiệp gia cảnh. Chữ ấy, liễn đối ấy mà giăng và đặt ở nhà khác là chuế ngay. Tóm lại ông làm hàng nhà, tuyệt không có kiểu bán ngoài chợ chữ vẫn họp ở mạn Miếu Văn cữ áp Tết. Và cả sau Tết nữa. Nhẩm các thư pháp gia Hà thành kiểu hàng nhà, chả còn mấy người. Cụ Lê Xuân Hòa đã về cõi. Còn cụ lang Bách ngõ Tràng Tiền cũng đã yếu.

Không làm cái việc so chữ với cụ Bách cụ Hòa… Cũng như xét xem cụ nào thần khí hơn ông nào. Hình như mỗi cụ có một kiểu riêng mà đều bắt mắt.  Còn nhạc sĩ Hoàng Vân đây, viết thư pháp như một sự tiêu dao? Như chặng nghỉ xen giữa cái nhịp độ khổ sai của việc làm nhạc?

Chiêm ngắm thư pháp Hoàng Vân, chẳng biết gọi ông là thư pháp chuyên nghiệp hay nghiệp dư? Khoảng độ hơn hai chục năm nay, ngoài nhạc ra ông lại bện quyện với duyên bút mực của thư pháp. Bện quyện không phải là mê mải miệt mài của việc tô và vỡ vạc những nét đầu tiên tạm gọi là vỡ lòng thư pháp. Mà là công đoạn  tiếp nối của gần nửa thế kỷ trước của cậu bé Lê Văn Ngọ được cha là một Đốc học văn hay chữ tốt ( cả Hán, Pháp) của đất Hà Thành. Cụ thân vốn là bạn học với những Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… từng làm đến chức thanh tra giáo dục ngạch Trung học xứ Đông Dương. Chữ cụ tốt lắm. Nhà văn Nguyễn Tuân sinh thời đùng cái lại ghé Hàng Thùng. Ghé không phải để nhắc và cảm thêm của những Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơiBài ca xây dựng… mà để chống can, mà nối nhau lắm cái thở dài rằng thời buổi này tự dưng bặt đi những anh chữ tốt. Thở dài để nhớ thêm cái thời cụ thân nhà văn Nguyễn Tuân, cụ Tú Hải Văn chơi với cụ Đốc thân sinh Lê Văn Ngọ bao bận cùng nhau bầy mực tàu giấy đỏ… Mà cậu bé Lê Văn Ngọ mặt mũi tay chân luôn lem nhem vết mực mài chứ không dùng thứ mực lười bán sẵn như bây giờ. Nhạc sĩ Hoàng Vân hồi tưởng lại thời quá vãng rằng mài mực là công đoạn nặng nhọc nhất.  Một thứ cực hình hơn là mài son còn vất hơn việc được ông thân rèn cặp những tiểu xảo của thư pháp. Chả thế mà các cụ có câu mài mực ru con/ mài son đánh giặc. Mài mực cũng nhọc nhưng đỡ hơn. Nhưng phải khéo léo. Nhẹ nhàng như ru con vậy. Còn mài  cho ra thứ son cứng như đá (son để khuyên để dùng cho triện, chứ không phải loại son của các bà các cô bây giờ) phải gồng cả người dồn nội lực vào bàn tay là thứ khổ ải với đám học trò vốn chân yếu tay mềm.

Lần ấy, tôi mạo muội hỏi ông là có gì liên quan giữa thư pháp và âm nhạc? Ông ngạc nhiên ngó tôi lom lom… Rồi ngay đó  cười lành cùng cái lắc đầu nhè nhẹ kèm động thái áp tay lên vùng tim như một thứ cảnh báo rằng chớ nên gạn thêm câu hỏi nào nữa. Động thái ấy trở nên quen thuộc vì thể nào ông cũng kèm câu tớ đang mệt!

Mệt vì cái tuổi 85, nay ở trong tim đang có… thép. Thép là hai ống steen đặt trong đó lâu nay giúp cho sự tuần vận tự nhiên của tim mạch giúp nhạc sĩ Hoàng Vân chẳng những sống thêm mà sống khỏe? Như một bằng chứng hơi bị thành công của con người của y học hiện đại chống lại sự lệch lạc và phũ phàng của Con Tạo? Nhưng phác đồ điều trị ấy luôn cấm ngặt các xúc động, những suy sâu đào rộng những suy tư. Như thể một thứ robot? Nhưng nhạc sĩ Hoàng Vân chẳng thể là người máy. Tôi biết ông nói vậy cho vui như một cách từ chối khéo? Bởi ông chẳng thể đình chỉ cái mạch cảm xúc sáng tạo hằng bao năm nay ăn và lặn vào ông như một thứ phản xạ. Bằng cớ là ông đang tiếp tục viết những tổng phổ hoành tráng của mình và  huy động khả năng giời cho để xét nét những tổng phổ giao hưởng phức tạp của GS Lê Phi Phi con trai ông đang là nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia. Rồi cả việc đơn giản hơn như ông đang hoàn thiện tiếp tiếng Tây Ban Nha để nghe những vở nhạc kịch viết bằng tiếng Y Pha Nho. Để chuyển ngữ những kiến thức sư phạm âm nhạc thế giới ra tiếng Việt. Như lâu nay ông vẫn dùng tiếng Pháp để làm việc ấy.

Ngày rét cuối năm Dương lịch ghé qua Hàng Thùng thấy mình như có lỗi vì trót  khấu của ông đi ít thời giờ vì nhạc sĩ Hoàng Vân đang hối hả lẫn miệt mài cho chuyến công du Paris sắp tới…

Mỗi ca khúc có sức sống lâu bền của nhạc sĩ Hoàng Vân, cái lý bền lâu ấy gần như hội đủ nguyên lý cơ bản của thư pháp. Nói thần khí, thần là ở đó chăng?

Trở lại với câu hỏi chưa được trả lời  giữa thư pháp và âm nhạc có dây mơ rễ má chi với nhau. Thử… liều mạo muội mà lẩn thẩn những suy ngẫm xét đoán, như một kiểu giải mã  bỗng bừng ra những thứ chẳng phải là không có lý? Rằng  giữa hai loại hình nghệ thuật tưởng như biệt hẳn không gì dính dáng đến nhau ấy lại có sự qua lại thậm chí khăng khít?

Tiêu chí của thư pháp kiểu chữ gì thì kiểu và trên bất cứ loại chất liệu gì nhưng vẫn phải đạt được bốn cái.  (tạm hiểu) là khoan thai vuông vức; Mỵ: uyển chuyển nền nã; Kính là trang trọng; Kiện: khoát đạt mạnh mẽ.

Thư pháp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một thứ tiêu dao, như dấu lặng trong bản nhạc. Mạo muội nghĩ thêm, khúc thức giai điệu cùng ca từ cộng với tài năng thăng hoa lên thành bài hát, thành ca khúc. Những thứ ấy đã bầu nên một Hoàng Vân đồ sộ ám vào bao thế hệ. Những ca khúc xuyên năm tháng của Hoàng Vân ấy làm sao mà không phảng phất mà không mang cái hơi hướng, không bện quện  của những tù, mỵ, kính, kiện những nguyên lý cơ bản của thư pháp? Chẳng phải là không có lý khi gẫm đến mỗi ca khúc có sức sống lâu bền của nhạc sĩ Hoàng Vân, cái lý bền lâu ấy gần như hội đủ nguyên lý cơ bản của thư pháp. Nói thần khí, thần là ở đó chăng?

Và khi dựng lên những thần khí của những triện lệ khải thảo trong thư pháp, nhạc sĩ Hoàng Vân lại vận khí vào lãnh địa đó y như khi viết nhạc?

Còn khí? Là thứ vô hình. Nhưng khi nói nguyên khí đều suy (chỉ sức khỏe hỏng đến nơi) nước mạnh ( hiền tài là nguyên khí của quốc gia) thì ai ai cũng hiểu, cũng tường?  

Triện của ông trên các bức thư pháp: Họ Lê, phường Thọ Xương, Hà Nội...

Nhạc sĩ Hoàng Vân, ngoài ca khúc, từng góp công lớn trong thể loại trường ca, giao hưởng ắt phải nhắc đến phần khí vô hình mà lại hữu hình? Phải chăng là cái khí mạch có lý của nhạc là anh em sinh đôi của hình thức nhất khí liên miên thảo trong thư pháp?

Nhạc sĩ Hoàng Vân viết thư pháp na ná như nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vẽ tranh vậy.  Làng tranh Việt thêm một ông nhạc sĩ cầm cọ từng có phòng tranh nổi tiếng. Na ná như dấu lặng trong bản nhạc như chặng nghỉ để tiếp tục việc nhạc,  ông không chơi thư pháp nhưng hình như, hội họa của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, đã chuyển dịch có lý của những tù, mỵ, kính, kiện từ nhạc sang hội họa vậy? Xét qua Quê em miền trung du… Rồi Tình em biển cả, Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay… người ta không thể không liên tưởng đến những nguyên tắc đến tiêu chí cơ bản thẩm mỹ của thư pháp?

Thử mon men bên hai đấng của làng âm nhạc xứ mình, có mà khối chuyện?

Bài báo nguyên bản xem tại đây: https://www.tienphong.vn/van-hoa/thu-giai-ma-mot-hoang-van-thu-phap-823364.tpo

Và ở đây: http://danviet.vn/van-hoa-giai-tri/chiem-nguong-thu-phap-cua-nhac-si-hoang-van-550491.html

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam