Tạp chí

Thầy Và Trò, Người Và Nghề

06/05/2018   3527

« Trên những nẻo đường của tổ quốc xanh tươi

Có những loài hoa thơm ngọt ngào sắc hương

Có những bài ca nghe rạo rực lòng người

Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân »

 

Cũng chỉ như muôn ngàn lời ngành ca khác do bố tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân, sáng tác. Nhưng ai đâu có ngờ những lời này là lời tâm huyết của một gia đình mà sự say mê truyền dậy hiểu biết của mình đi từ thế hệ này sang thế hệ sau… Ông nội tôi, một nhà nho uyên bác, sinh thời là giáo sư Hán văn ở trường Bưởi. Khó có thể không nói tới thầy Hoàng Vân trong số gương mặt các thầy trong khoa Lý – Sáng – Chỉ ở Nhạc viện Ô chợ Dừa từ những năm bảy mươi đến những năm chín mươi.

Thế nhưng ngày là sinh viên nhạc viện, tôi chưa bao giờ học lớp của bố dậy, vì mình học lý luận, mà bố lại dậy sáng tác, phối khí và chỉ huy dàn nhạc. Nhưng lúc nào làm nũng thì bắt bố đọc lại tiểu luận hoặc « gà » cho tìm chủ đề để viết tiểu luận. Rồi đến cả đề tài luận án tiến sĩ cũng do được lấy nguồn cảm hứng từ những buổi đàm đạo âm nhạc với bố.

 

Em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi, và tôi, chúng tôi không được biết đến ông bà nội ngoại từ bé đến lớn. Ở nhà chỉ có bố mẹ và bà cụ già giúp việc. Bố mẹ chúng tôi rất chiều chúng tôi, mẹ nghiêm khắc hơn, trong nhà chúng tôi được phép có ý kiến một cách rất bình đẳng và dân chủ. Tôi vẫn còn nhớ lúc đã đi học ở Nhạc Viện, về nhà vẫn gọi bố là « Anh Hoàng Vân »… Cả hai bố mẹ tôi cùng là người rất năng động. Tôi nhớ lúc hai chị em còn bé, chúng tôi tương đối được tự do vì bố đi công tác và thực tế thường xuyên, còn mẹ thì đi làm và đi trực suốt.

 

Vậy nên nếu nghĩ về sự giáo dục và dậy con của bố mẹ thì không nhớ những điều sắc nét, chỉ còn vài kỷ niệm không bao giờ quên được. Chẳng hạn như lúc học cấp hai, mới độ mười tuổi, bố tôi bảo « Bác Thìn (anh của bố tôi, mất trong chiến tranh) ngày xưa học giỏi lắm, đọc kinh Cựu ước,  từ A đến Z, rồi lại từ Z đến A. Truyện Kiều là cuốn truyện kinh điển của nền văn học cổ điển Việt nam, nếu con học thuộc lòng được, thì bố sẽ thưởng cho con ….. (số tiền này bí mật) ». Sau này ngẫm nghĩ lại mới thấy đó là phương châm « lúc nào cũng phải đặt mục tiêu cao hơn nữa khi đã đạt được một đích ». Một bí quyết để thành công trong đời.

 

Bố tôi luôn tập cho chúng tôi tính tự lập. Còn nhớ vào đầu những năm bảy mươi, còn trong chiến tranh, lúc tôi mới có 9 tuổi, đi công tác Hải phòng với bố, bố mua cho tôi một chiếc xe đạp mini. Bố phải tiếp tục đi và không thể mang theo con cùng xe được. Thế là bố mang tôi ra ga, mua cho một vé tàu đêm để về Hà nội cùng xe đạp quý. Tôi ngồi cả đêm bên xe, đi qua cầu Long Biên vào tháng tám, nước ngấp nghé mạn cầu. Về đến ga Long Biên, xuống tàu dắt xe thẳng về nhà vì chưa biết đi. Mẹ tôi lo thắt ruột, trách bố tôi mãi, còn tôi chả sợ gì (mẹ bảo thế), cứ trơ thổ địa ra.

 

Bố tôi thích cho chúng tôi đi công tác cùng, Mẹ tôi không đi được, nhưng không bao giờ cản bố cho các con đi. Nhờ bố mà cả hai chị em tôi đều được truyền cho niềm ham mê lãng du, cứ lúc lên đường là vui rồi bất kể đi đâu. « Đi một ngày đàng, học một sàng khôn », sở thích đó còn đến bây giờ và thành nghiệp chướng của tôi bên cạnh nghiên cứu âm nhạc, đi nhiều hơn ở và vẫn mê đi, lúc nào va-li cũng đã làm sẵn. Bố tôi đi thực tế không ngừng nghỉ, lấy hồn của từng nơi từng chốn đi qua, như con tằm ăn lá dâu, rút ruột nhả thành tơ, làm thành nhạc của ông.

 

Tuổi thơ của chúng tôi chìm trong hoạt động nghệ thuật hàng tháng hàng ngày. Từ hồi đi học cấp 1, cả năm hát với các bạn bài Em yêu trường em, đến lúc cấp hai những buổi tập văn nghệ với tổ khúc Bốn mùa ở quê hương: « Gió bấc thổi, cây trơ cành, cơm nước xong, trời vừa tối… » và « Mùa xuân sang em lớn thêm một tuổi ». Năm ngoái em tôi dựng lại hợp xướng Hồi tưởng: « Mùa xuân đã đến mang cho chúng em bao hy vọng ». Thế rồi lúc sinh viên « Trường thân yêu, ta ra đi nhé, tới nơi chân trời sáng ngời », và sau đó « Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh »… Chúng tôi lớn lên trong âm nhạc, trong lạc quan với những câu ca lấp lánh trong đời thường. 

Bố tôi yêu thiên nhiên của quê hương và thiên nhiên rộn rã hát trong tất cả các bài ca của ông « mùa xuân sang bay theo cánh én, gió ơi hãy mang lời ca », « trời cao trong xanh sương sớm long lanh mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh, bầy chim non hót ca vang đàn bướm lượn bướm tung tăng lượn theo bước chân em đi đến trường… » « Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh, Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh…. » « sớm mù sương trên sông Hương màu tím, chuông chiều buông trên sông Hương màu tím, dáng con đò như bay đi trong mây »

Trong âm nhạc của ông, tôi học được nhiều chân lý thật là bình dị mà thấm thía: Tính lạc quan « cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau ». Tính cẩn trọng « ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay ». Tinh thần vượt khó « nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió, chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian nan, có lẽ nào xứng với tình em », « in dấu chân đầu tiên trên vách núi »… Tính quyết tâm « một lần chúng phá, ngàn lần ta qua ». Niềm vui trong công việc vì điều đó mang hạnh phúc cho người khác « Bạn đời ơi bạn có biết chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng ta vừa xây xong ». Điều nhắn nhủ lớn nhất trong rất nhiều ca từ là sự uống nước nhớ nguồn « được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai, ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng », « tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước », « xe anh đã vượt được bao sông bao núi, chỉ những con đường mới biết mà thôi », « qua mỗi một mùa mưa lũ, tay ai đã giữ vững tuyến thông đường ? », « màu sơn kia tuy đẹp lộng lẫy xin đừng quên người xây móng đắp nền »

Mỗi bài ca là một bài thơ, mỗi lời ca là một lời nhắn nhủ, bố tôi sáng tác cả nhạc lẫn lời, ít khi phổ thơ của người khác. Ông viết giao hưởng, phim, vũ kịch ballet, concerto để thỏa chí sáng tạo và bác học, nhưng  cái mà tôi phục nhất là ông xuất khẩu thành ca khúc… Cũng như có lần ông bảo tôi: « con học lý luận là phải luyện kỹ năng viết, chỉ nhìn một cái chén trước mặt nếu người ta đòi hỏi 4 trang là con phải viết được 4 trang trên chủ đề cái chén mà để người ta đọc có lý có lẽ, thì lúc ấy hãy làm lý luận ». Cảm hứng sáng tác của ông luôn tuôn trào và không hề cạn sau hàng chục năm, trong ngôi nhà cổ trên gác hai phố Hàng Thùng, gần đây dọn nhà em tôi và tôi tìm được hàng thùng tổng phổ chép tay trong đó có rất nhiều tác phẩm chưa từng được công bố. Cảm hứng ca khúc dâng trào, ông viết trường ca, hợp xướng.

Thời gian trôi qua, giờ đây ngồi nghĩ lại, tôi nghĩ rằng em tôi và tôi học nên người được rất nhiều bởi âm nhạc của bố và bởi ca dao tục ngữ. Kiến thức đã có trường, thầy và thư viện, còn học nên người thì tự mình quan sát và xử trí, « mỗi lần ngã là một lần bớt dại », thành người. « Ý tại ngôn ngoại » cũng là một câu mà bố tôi hay dẫn, chả lấy roi mắng phạt bao giờ, chỉ nêu ví dụ đẹp để chúng tôi lấy gương học theo.

 

« Việc hôm nay chớ để ngày mai » là một câu ngạn ngữ yêu thích mà bố tôi dậy con và áp dụng trước hết cho chính mình. Câu đó giúp ông làm nhiều việc khác ngoài sáng tác như vẽ, sưu tầm cổ vật, làm thơ... Và độ hai chục năm gần đây, ông tìm lại một sở thích tao nhã và không kém tính bác học tiếp nối truyền thống gia đình, thư pháp. Ông cho chữ cho bạn bè, học trò, đồng nghiệp hoặc những người mến mộ. Chữ của ông vận vào người được tặng chứ không chung chung hiếu hỉ. Ông viết chữ cần có hứng như lúc sáng tác nhạc. Cả một đời tích tụ, bao nhiêu triết lý, tinh hoa và thẩm mỹ thoát ra trên những nét lúc thì mạnh mẽ lúc thì rộn rã như một bức tranh. « Thi nhạc giao duyên » nói về nghiệp chướng của ông và cho hai con như một truyền thống gia đình. Một truyền thống mà chúng tôi duy trì mỗi người theo cách của mình. Ông rất vui biết khi con trai tôi bỏ trường chuyên toán và đã thi đậu làm giáo sư dậy Pháp văn ở Paris. Ông bảo « cháu biết không, thế là nhà mình đã bốn đời làm nhà giáo. Cụ của cháu ngày xưa là inspecteur général de l’éducation nationale, thanh tra của bộ giáo dục, ông cháu dậy học bao nhiêu năm ở nhạc viện, cậu Phi của cháu dậy chỉ huy dàn nhạc, và bây giờ là cháu ».

 

Giờ bố tôi đã tuổi gần chín mươi, ít sáng tác nhạc, ít vẽ thư pháp, nhưng bây giờ mỗi lúc cháu ngoại về thăm mang biếu ông những cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học Pháp, ông đọc và chép lại hàng ngày để duy trì bút pháp. Thay vì nghỉ ngơi hoặc xem vô tuyến, ông chọn việc tiếp tục đọc và viết mặc dù tuổi cao sức yếu, như câu mà ông vẫn dậy tôi và tôi vẫn áp dụng hàng ngày sau hơn bốn mươi năm « Khi có hai con đường trước mặt, con hãy chọn con đường khó hơn »… Bí quyết quan trọng nhất của sự thành công?

 

Lê Y Linh, Paris, 24 tháng 7 năm 2016, sinh nhật bố 86 tuổi.

 

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam