Tâm tình người thủy thủ

01/10/2023   208

 

Kể tiếp Tâm tình người thủy thủ...

Hà Nhật, Lương Duy Cán, Mai Liêm.

Ngọn nguồn tên tác giả lời thơ của một bài hát

Tâm tình người thủy thủ - ca sĩ Quý Dương, thơ Mai Liêm

Tôi kể lại đây, như kể một câu chuyện cổ.

Năm ấy, tôi đang chuẩn bị thi tú tài. Tình cờ, một anh bạn cùng lớp rủ:

- Dạo này nóng lắm, chỗ tao ở nhờ thì rất mát, có vườn cây, có giàn hoa Móng rồng thơm nức, mày xuống học chung với tao cho vui. Có hai đứa, đỡ buồn ngủ.

Nghe lời, tôi xuống chỗ nó. Quả như lời nó, tôi bị hấp dẫn bởi cái chỗ nó ngồi học, dịu mát bóng cây, và thơm ngọt mùi hoa móng rồng, cứ như mùi chuối tiêu vừa chín tới.

Học với đứa bạn độ một tuần thì tôi bỗng phát hiện ra ngôi nhà này còn có một nguồn sức mạnh khác đang dành cho tôi.

Một cô gái đẹp tuyệt trần.

Sau này, cho đến lúc gặp vợ tôi ở cái tuổi ngoài bốn mươi, nghĩa là trong hơn hai mươi năm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến một thứ nhan sắc có thể vượt qua cô gái này.

Phía sau ngôi nhà, sát bên cổng vào là cái giếng nước, đúng kiểu nhà một vị quan thanh liêm ngày xưa chọn làm nơi nghỉ hưu.

Thỉnh thoảng, đến hay đi qua cổng, tôi nhìn thấy cô bé nhà chủ ra giếng lấy nước. Mỗi lần như vậy tôi đều hoảng hốt, không dám nhìn, chỉ cúi đầu đi thẳng, rồi leo lên tầng trên để học với thằng bạn.

Qua mấy lần thì bạn tôi biết tỏng!

Một hôm nó bảo:

- Thì mày cứ chào thử cô ấy một cái đi, chết chóc gì mà sợ!

Nó nói có lý, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ đủ dũng khí để làm cái việc cỏn con ấy.

Cuối cùng thì cái giây phút định mệnh ấy cũng đến.

Chiều hôm ấy, vừa dắt xe đạp qua cổng, thì đúng cô gái đang đứng bên giếng nước. Nhớ lời khích lệ của bạn, tôi nhìn cô gái rồi cúi mặt xuống ngay, chỉ kịp phát ra mấy tiếng:

- Chào chị ạ!

Tưởng như tôi đang sắp ngất đi. May mà tôi cũng vào đến chỗ thằng bạn, cứ thế mà leo thẳng cầu thang lên gác!

Vậy mà hôm sau tôi thằng bạn trêu tôi:

- Tớ thật không hiểu cậu ra sao. Sáng nay cô bé kể với tớ rằng không hiểu sao mà “Anh ấy chào em như là chào cô giáo vậy?”.

Biết sao được!

Tôi là thế mà. Trời có sập thì tôi cũng chỉ là thế.

Vậy mà như có Trời xếp đặt.

Cách đó mấy hôm, tôi vừa đến với cậu bạn thì loa phóng thanh bỗng truyền tin báo bão khẩn cấp đang đi vào Hà Nội. Tôi làm ra vẻ hoảng sợ, chạy tới chạy lui:

- Chết cha rồi, làm sao mà về đây?

Tuy nhiên, trong lòng tôi đang rất mong cơn bão đến.

Rồi cơn bão đến thật. Gió ào ào thổi trong vườn. Đèn điện phụt tắt. Cả thành phố tối om.

Cuối cùng thì cơn bão cũng qua đi. Tuy nhiên, thành phố vẫn tối om vì mất điện.

Đợi mãi, tôi nói với cậu bạn:

- Thế này thì làm sao mà về được đây?

- Thì cậu ngủ lại đây với tớ, sáng mai về sớm, chứ bây giờ thì thấy đường đâu mà về!

Đành vậy chứ sao. Rồi chúng tôi thắp lên một ngọn đèn dầu, và ngồi nhìn nhau.

Được một lát thì nó bảo:

- Chúng mình thử xuống dưới nhà xem có chuyện gì không?

Tôi đi xuống. Khi đi ngang qua cửa phòng của hai cô gái, thấy hai chị em cũng đang ngồi đối diện một ngọn đèn dầu. Nhìn thấy tôi, cô em bước ra:

- Chị em bảo mời anh vào chơi.

Tất nhiên là tôi vào. Thế là mối quan hệ thân thiết của chúng tôi đã bắt đầu từ ngày ấy. Và cũng từ ngày ấy tôi biết thế nào là vẻ đẹp của một cô gái Hà Nội: trong sáng, quý phái, dịu dàng, chân thật, nền nã…

Nhiều lần tôi ngồi nói chuyện với em trong phòng học của em. Có lúc tôi ngồi rất gần em, chỉ cách em chừng… một mét. Thường thì chúng tôi ngồi đối diện nhau hai bên cái bàn học.

Tôi còn nhớ có một lần, khi nhìn thấy có vết bẩn trên vai áo em, tôi đã cầm lấy cái kim đan trên bàn, chỉ vào vết bẩn mà báo cho em biết.

Hai bàn tay em đẹp và trắng ngần, tôi ước ao mà chưa bao giờ dám chạm đến.

Rồi tôi thi và đậu tú tài. Mùa hè đã đến. Cậu bạn tôi về quê. Rồi tôi cũng về quê.

Ai ngờ cuộc chia ly dằng dặc đã bắt đầu từ đó.

Tôi học đại học rồi đi dạy cấp 2 ở huyện Diễn Châu, dạy cấp 3 ở trường Huỳnh Thúc Kháng.

Thế rồi chuyện bất ngờ như run rủi của số phận. Đầu kỳ nghỉ hè năm 1961 ấy, không mua được vé xe để về quê, tôi gặp rồi theo ông hàng xóm xuống bờ sông Lam, rồi lên một chiếc thuyền buồm ra biển.

Thật lãng mạn! Nhưng tôi đã trả giá cho cái lãng mạn ấy bằng gần ba ngày đêm say sóng gần chết. (Lâu nay tôi vẫn theo thuyền đánh cá ra biển, có bao giờ thế này đâu!)

Không thể nằm trong thuyền vì nôn nao quá, tôi đành lên mui thuyền, nằm ôm quanh cột buồm cho đỡ nắng. Mệt quá, nhưng trong trạng thái lơ mơ, tôi chợt có cảm giác rằng mình đang giống như một gã thủy thủ được vớt lên từ một con tàu đắm, đang trên đường về quê hương.

Cũng trong trạng thái lơ mơ, tôi lại lẩm nhẩm được những hai bài thơ.

Rồi đến chiều hôm ấy, tôi cũng về đến nhà.

Trước khi lên giường nằm sóng soài, tôi còn kịp lấy giấy và bút chì, ghi loằng ngoằng hai bài thơ. May quá, không mất hai bài thơ quý giá.

Rồi tôi nghĩ đến chuyện gửi thơ đăng báo. Báo nào đây? Tốt nhất là báo “Văn Đội Quân Nghệ” – tên hồi đó chúng tôi hay gọi đùa tờ Văn nghệ Quân đội vì tờ này có nhiều dân Nghệ An. Bởi lúc này đang có đợt cổ vũ người lính biên phòng đến các hải đảo.

Nhưng tên tôi đang bị treo ở các báo. Phải ký một tên lạ thôi. Còn địa chỉ liên lạc thì tôi đã nhờ một bà chị họ ở Quảng Bình rồi. Yên trí!

Thời ấy tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mỗi tháng một kỳ, có bài thơ được đăng là khó lắm. Thế mà thơ tôi được đăng ngay! Chỉ có điều là tôi gửi cho họ “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” lại chỉ còn “Một bài thơ tình của người thủy thủ”.

Rồi bất ngờ bài thơ trở thành một bài hát được yêu thích đến nỗi, cả miền Bắc lúc ấy, ở đâu người ta cũng hát. (Đang đói tình ca mà!)

Chắc chắn hai chị em cô gái thân yêu của tôi cũng hát. Và chắc chắn cả hai chị em đều không thể biết rằng tên của người viết ra bài thơ cho Hoàng Vân phổ nhạc ấy chính là tên của hai người. Bởi họ đâu biết rằng đó là bài thơ của tôi.

Hình như người con gái khiến tôi mê say ngày nào đã về nhà chồng trước đó một năm. Phải thế thôi!

Dẫu sao thì tôi mãi biết ơn hai chị em. Bởi sau đó, các báo đều biết cái bút danh ấy, và loại bỏ ngay từ đầu những gì mà tôi gửi đến cho họ.

Thật ra thì sau cái mùa hè xao xuyến ấy, tôi đã viết một bài thơ, đưa đăng báo rồi sau đó in trong một tập thơ mỏng cùng chung với Nguyễn Bùi Vợi. Có lẽ em có đọc và biết là tôi viết về em. Bởi lẽ cuối bài, tôi ghi: Ngõ Tô Hoàng mùa hè 1956.

 

BÀI THƠ MÙA HÈ

Mười tháng không thương nhau

Sao quá nặng nề một giây tiễn biệt

Sao thời gian thêm chi nghìn mã lực

Vội vàng chi một phút cuối cùng

Còi tàu rộn bên kia sông

Xe vạn dặm chực nuốt đường thiên lí

Nao nao rụng đỏ màu hoa phượng vĩ

Nắng ngập ngừng không muốn lên cao

Muộn rồi

Bốn mắt nhìn nhau

Sao không nói những ngày xưa cũ

Mười tháng bên nhau

Sao không hỏi thử

Sao không trả lời nhau từ buổi ban đầu

Cho đau lòng giữa lúc xa nhau

Tô Hoàng, mùa hè 1956

Tôi không biết hiện giờ hai chị em ấy đang ở đâu, nhưng tôi biết chắc chắn họ đang sống hạnh phúc. Bởi họ rất xứng đáng.

Cũng nói thêm một chút về số phận của bài hát “Tâm tình người thủy thủ” ngày đó.

Sau tròn một năm bài hát như đã trở thành cửa miệng của mọi người trẻ khắp miền Bắc, thì bỗng xuất hiện trên một trang của tờ báo đứng đầu của báo lúc bấy giờ, một bài viết đánh tới tấp, coi nó như một thứ “nhạc vàng”, lại còn bảo: đây là tâm tình của một tên cướp biển!

Gió lớn đã xoay chiều.

Từ năm 1965, không có lệnh nào rõ ràng, nhưng bài hát của Hoàng Vân phỏng thơ Mai Liêm đã trở thành một thứ hàng quốc cấm!

Tất nhiên những kẻ sinh ra nó cũng không yên!

 

"Một kỷ niệm buồn mà rất vui về bài hát Tâm tình người thủy thủ

Sau mùa hè 1962, tôi giã từ miền núi Tây Nghệ An, về Quảng Bình, rồi nhận luôn quyết định trình diện nhận việc tại Ty Giáo dục Quảng Bình.

Hay quá, tôi được ở gần nhà, gần mẹ và em.

Hoá ra lại chẳng hay chút nào.

Từ một giáo viên Văn cấp ba, tôi trở thành một giáo viên “toàn cấp”, nghĩa là dạy đủ thứ lớp. Trước hết, tôi dạy cho các anh chị xã viên từ các xã, rồi các anh chị công nhân từ các nông lâm trường. Gọi học trò lên hỏi bài, tôi toàn phải gọi là đồng chí. Vui nhất là thỉnh thoảng dạy thay tại các lớp của anh chị em người dân tộc. Có phải vất vả dạy dỗ gì đâu. Chỉ phải dạy họ cầm sách đọc sao cho đúng: Đàn lợn của cụ Hoàng Hanh. Thế mà họ dứt khoát chỉ đọc: Đan lơn cùa cu hoang hành!

Rồi một bài khác thì họ đọc: đật nược ta cọ nhiêu dận tóc, dận tóc Kinh, dận tọc Nung…

Nhưng họ rất khoái khi nghe tôi giảng bài:

Ba mươi tết có thịt treo trong nhà nghĩa là gì?

Nghĩa là: pay chịt tết bưn xách tờ leo tăng đông.

Nhìn thấy họ mặt tươi cười, tôi cũng khoái chí.

Vui nhất là lúc đi lại trong khuôn viên trường, có em chào tôi:

- Thây chà đôi doa? (Thầy ăn cơm chưa)

Tôi đáp ngay:

- Chà mâm (ăn rồi)

Thỉnh thoảng họ còn rủ:

- Thây pờ nhing phim (đi xem phim)

Tôi dạy đủ thứ lớp, riêng cái lớp bổ túc cán bộ thì, dù có lúc thiếu người, tôi không bao giờ được gọi lên lớp. Bởi một anh không có lập trường như tôi, làm sao dạy họ được. Càng khỏe!

Sở dĩ tôi kể cà kê thế này là để nói lên rằng, cái mà người ta gọi là vị thế của tôi ở Quảng Bình ngày ấy nó thảm hại đến mức nào!

Vậy là có một lần một đoàn gọi là “văn công trung ương” vào biểu diễn tại Quảng Bình. Nơi diễn chính là cái gọi là Hội trường tỉnh ủy. Chỉ những ai có giấy mời của tổ chức mới được vào xem. Tất nhiên tôi không thể có được cái giấy mời ấy.

Tuy vậy, tối ấy tôi cũng lóc cóc đi bộ từ đồi Thuận Lý xuống, biết đâu gặp may một người gác cửa là người quen, cho tôi lỏn vào? Không có vận may nào. Tôi lững thững qua lại, rồi ghé xem tờ giấy to tướng ghi chương trình đêm diễn. Lướt nhanh các hàng chữ, tôi đọc thầy một hàng ghi rõ:

- Bài ca tâm tình người thủy thủ, nhạc Hoàng Vân, lời phỏng thơ Mai Liêm, Đơn ca: Kiều Hưng.

Người tôi lúc ấy như nóng bừng lên. Chua chát thế!

Thật ra thì thời gian ấy, bài hát này ra đời chỉ mới mấy tháng. Một đứa bạn gửi thư cho tôi cho biết “tối qua tao vừa nghe trên Đài phát bài hát phổ bài thơ của mày, người hát là Quý Dương”. Tôi biết vậy, nhưng làm sao có “đài” để nghe!

Cho đến lúc này tôi chưa hề biết mặt ngang mũi dọc của cái bài hát ấythế nào. Đây đúng là dịp may hiếm có.

Nhưng làm thế nào bây giờ? Cửa hội trường đã đóng kín. Đêm diễn đã bắt đầu.

Rồi trong cái khó cũng ló cái khôn. Đợi đến lúc mọi người đã về hết, tôi nhẹ nhàng đi ra phía sau ngôi nhà. Tôi đoán không sai, phía ấy có hàng rào, nhưng tôi dễ dàng lách qua, cho đến lúc tiếp cận được cánh cửa mở hé phía sau sân khấu. Tôi đứng một lúc rồi có người đi đến. Tôi nói nhỏ:

- Làm ơn nói với anh Kiều Hưng tôi muốn gặp.

Nói xong câu đó, tôi hơi run. Nhưng rồi ông Kiều Hưng bước ra, hỏi với một vẻ rất ngạc nhiên:

- Tôi là Kiều Hưng. Có gì không đồng chí.

- Nói thật, tôi là Mai Liêm, tác giả lời bài hát Tâm tình người thủy thủ. Tôi không có giấy mời vào xem biểu diễn.

Kiều Hưng à lên, rồi rủ:

Thôi, anh cứ tạm vào đây đứng chơi với anh chị em diễn viên, vừa xem cũng được. Tôi xúc động quá.

Tuy nhiên, đứng một lúc, tôi lại nghĩ rằng đứng ở chỗ này thì làm sao xem được biểu diễn, nhất là sắp đến lúc Kiều Hưng sẽ hát “bài hát của tôi “.

Thế là tôi nhẹ nhàng men ra phía trước sân khấu, nhẹ nhàng bước xuống, đi đến khoảng lối đi giữa hai hàng ghế ngay sát sân khấu. Biết chắc đây là chỗ ngồi của các đại biểu quan trọng, tôi không thể sơ suất. Tôi nhẹ nhàng tụt đôi dép lốp của mình ra, lấy nó làm ghế cho riêng mình và lẳng lặng ngồi xuống.

Ai ngờ, một lát sau, từ trên sân khấu, một cô gái bước xuống, hai tay bưng đến một chiếc ghế và mời tôi ngồi.

Những năm sau này, tôi từng nghe bài hát của mình rất nhiều lần, nhưng chưa có lần nào tôi cảm thấy bài hát ấy hay và đầy hồn như lần đó!

Tôi cũng nhớ mãi và biết ơn ca sĩ Kiều Hưng!

Không ngờ tôi còn có thêm một kỷ niệm này nữa vào 15 năm sau.

Lúc ấy tôi đang dạy ở Phan Thiết. Một cậu bạn tôi làm việc ở Ty Văn Hoá, một hôm rủ tôi về nhà nó ăn cơm. Vợ nó là diễn viên múa, nhà nó là một căn phòng trong khu nhà ở của Đoàn Văn công Tỉnh. Trong khi chờ vợ nó chuẩn bị bữa ăn, nó dắt tôi đi qua mấy nhà hàng xóm. Ngay cạnh nhà nó là nhà nghệ sĩ biên đạo múa Đặng Hùng (sau này là NSND, vừa mất cách đây không lâu ở Sài Gòn). Cạnh nhà ông này là chỗ ở của một diễn viên múa. Khi tôi được giới thiệu, cô ta ồ lên ngay:

- Anh không nhận ra em à? Em chính là cái con bé ngày ấy đã vác cái ghế cho anh ngồi đó.

Chao ôi, biết bao nhiêu là nghĩa tình.

Đời tôi là thế, giữa những cái buồn, vẫn có cái vui. Dẫu sao, cuộc đời cũng cho tôi nhiều lắm! 

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam