Web-Internet

Ra mắt 'thư viện số' về cố nhạc sĩ Hoàng Vân: 'Cha chúng tôi có một cuộc đời...' | Tác giả: Dương Trung Quốc - Thể thao & Văn hóa

01/10/2023   330

Nếu không có vụ tai nạn  định mệnh ngày 15/6/1981 thì năm nay  Ông tròn 90 tuổi.


Ông là ca sĩ, nhạc sĩ Trần Khánh (1931-1981). Sau năm 1954, ngoài những giọng ca quen thuộc của các ca sĩ như Thanh Hiếu, Minh Đỗ, Ngọc Bảo ... người Hà Nội bắt đầu biết tới giọng hát của các ca sĩ Trần Khánh, Mai Khanh, Quốc Hương... Mặc dù không được đào tạo về âm nhạc, Trần Khánh với giọng Tenor được trời phú, là một ca sĩ được nhiều người yêu thích những năm 1950-1970 với nhiều ca khúc, hợp xướng, trường ca như: Tôi là người thợ lò, Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc Lương Vinh - thơ Hải Như), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Tình ca (Hoàng Việt), hợp xướng Hồi tưởng (Hoàng Vân), Hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc) và nhiều bài hát song ca với Trần Thụ như Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Lỳ và Sáo (Văn Chung)... Ngoài ca hát, Trần Khánh còn sáng tác một số ca khúc như: Nắng ấm về trên Tổ quốc, Lời ru trên sóng, Tiếng sáo anh địa chất...


Tôi có một kỷ niệm nhỏ với Ông. Năm 1966, tôi đệm đàn Accordéon cho các ca sĩ nghiệp dư của Câu lạc bộ Đơn ca Hà Nội (thuộc Thành đoàn Hà Nội). Trong một buổi biểu diễn tại Văn Miếu, Ông cũng đến và nói với tôi: “Em đệm cho Anh bài Tôi là Người thợ lò nhé. Anh có thế hát giọng La trưởng, nhưng đệm cho Anh giọng Son trưởng cho dễ”. Và trước khi lên sân khấu, Ông rít một điếu thuốc lào và rồi giọng Ông lại vang lên trên cả khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Và đầu năm 1973, tại Trận địa pháo đơn vị chúng tôi tại Sân bay Tà Cơn, chúng tôi được Đội chiếu bóng của Sư đoàn Phòng không 673 chiếu một bộ phim về cuộc chiến chống B52 tại Hà Nội tháng 12/1972, trong phim có bài hát Hà Nội niềm tin hy vọng  của Phan Nhân, do Ông trình bày: “Mặt Hồ gươm vẫn lung linh mây trời” đã vang vọng cả vùng từ Khe Sanh đến đồi Động Tri tới con suối LaLa dưới chân đồi.


Tài năng và nhiệt tình như vậy, nhưng cuộc đời của Ông đầy rẫy oan khuất. Sinh tại Hải Phòng, mới 14 tuổi Ông đã theo cách mạng tại Hải Phòng, Quảng Ninh rồi cùng đội quân Nam Tiến vào vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ cho đến khi bị thương mới trở lại Hải Phòng. Rồi lại tiếp tục hoạt động ở Hải Phòng, Hà Nội. Và từng bị Pháp bắt và … bị ta bắt. Năm 1957, ông về Hà Nội và xin làm việc tại Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng do vụ án trên mà Trần Khánh không được biên chế cho đến tận năm 1979, sau hơn hai mươi năm cống hiến ở Đài. Những bạn nào đã từng sống những năm 1960-1970 mới có thể thấu hiểu cuộc sống của kẻ không biên chế như thế nào: được hưởng một chế độ phân phối mạt hạng. Và cũng chỉ được hưởng ân huệ đó gần hai năm, Ông đã qua đời sau một vụ tai nạn định mệnh năm 1981 ở tuổi 50. Và cũng phải 26 năm sau, Ông được truy tặng là Nghệ sĩ Nhân dân năm 2007.
Xin mời các bạn đọc bài viết về Ông của Dương Trung Quốc trên trang Vietnamnet: 
Chuyện ca sỹ Trần Khánh - chiến sỹ Nam tiến trẻ nhất


Những ngày này cách đây tròn 60 năm, trong đoàn quân Nam tiến hướng về miền Nam khói lửa có một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, Trần Khánh, người sau này đã trở thành ca sĩ cách mạng nổi tiếng gắn tên mình với những ca khúc hùng tráng như Bình Trị Thiên khói lửa, Người chiến sĩ ấy... Tuy nhiên, việc ca sĩ cách mạng Trần Khánh "hàm oan" từ năm 1951 đến nay vẫn chưa được minh định khiến cho ngay cả sau khi ông mất, đồng đội và những người yêu quý tài năng của ông luôn trăn trở, day dứt...


Kỷ niệm 60 năm Ngày Nam bộ kháng chiến, tôi muốn nhắc lại tên tuổi một cựu chiến sĩ trẻ tuổi nhất của Chiến khu Đông Triều, cũng là chiến sĩ Nam tiến trẻ tuổi nhất. Cậu bé mới 15 tuổi có tên Trần Khánh ấy sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng bởi chất giọng “ténor thép”. Nhắc Trần Khánh cũng là nhắc lại những oan khuất mà người chiến sĩ - ca sĩ ấy đã nếm trải, để các đồng đội cũ của anh, các đồng nghiệp cũ của anh ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam hãy làm một điều gì đó để tôn vinh “Người chiến sĩ ấy”. Sắp có đợt phong tặng vinh danh cho các nghệ sĩ có cống hiến trong các ngành nghệ thuật, liệu Trần Khánh có xứng đáng được truy tặng một hình thức tôn vinh nào cho những công hiến và để bù đắp những nỗi đau oan khuất hay không?


Sinh ra và lớn lên tại thành phố cảng Hải Phòng, năm 14 tuổi, Trần Khánh đã theo các bậc đàn anh hoạt động Cách mạng. Nhạc sĩ Văn Cao đã từng xác nhận bằng văn bản (ngày 23/6/1966) rằng: ”Cuối năm 1944 đến tháng 4/1945, anh Trần Khánh lúc ấy còn nhỏ tuổi đã được phân công làm nhiệm vụ mang sách báo tới các tổ trong nội thành Hải Phòng. Ngoài ra, anh còn biểu diễn tuyên truyền các bài hát cách mạng trong học sinh”.


Tháng 6/1945, Trần Khánh rời thành phố cảng vào Chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) - nơi có người thủ lĩnh cách mạng lừng danh Nguyễn Bình - đầu quân. Đến tháng 8, Trần Khánh trở về Hải Phòng tham gia giành chính quyền và tháng 12/1945, anh lên đường theo đội quân Nam tiến, cùng Tiểu đoàn 51 vào chiến trường Đông Nam Bộ, rồi vùng cực nam Trung Bộ. Trong trận phá vây tại cây số 34 trên đường đi Ban Mê Thuột và tiếp đó là trận Đèo Cả, suốt 7 ngày cùng đơn vị quần nhau với địch để rút về Tuy Hoà, Trần Khánh bị thương và được đưa về Thành phố Cảng.

 

 

Tháng 6/1947, chàng trai 16 tuổi bắt đầu tham gia các hoạt động trong vùng bị tạm chiếm tại Hải Phòng. Đến tháng 1/1949 anh được đưa về Ty điệp báo thuộc Nha công an Trung ương, sau đó được sáp nhập vào Ty Công an Hà Nội làm công tác phản gián. Trong thời gian hoạt động tại đây, có lần Trần Khánh đã bị địch bắt, đã vượt qua mọi thử thách trong lao tù thực dân rồi được tổ chức thuê luật sư bảo vệ giúp rakhỏi tù, tiếp tục hoạt động, tham gia trận đánh tại vũ trường Paramounth. Sau trận dùng mìn phá Đài phát thanh của địch tại phố Quán Sứ không thành, anh bị địch truy lùng ráo riết. Chính vì thế, người đội trưởng chỉ huy trực tiếp đã trao cho anh một tấm giấy của Phòng Nhì Pháp (2è Bureau) để phòng thân một khi lâm sự. Không ngờ tấm giấy đó lại là tai họa cho Trần Khánh.


Sau khi điều tra được kế hoạch của địch trong trận đánh ra Hoà Bình và điều quân lên Tây Bắc, Trần Khánh bị mất liên lạc với cơ sở nội thành. Giao tài liệu cho đồng đội, anh lặn lội lên Bắc Giang, nơi giáp ranh với vùng tự do để tìm cách chắp mối lại với tổ chức và đánh lạc huớng của địch. Theo những nhân chứng biết rõ sự việc thuật lại, hành trang của anh khi lên Bắc Giang là một cây guitare và... tấm thẻ mà người chỉ huy đã trao cho anh để phòng thân. Ngày 20/11/1951, Trần Khánh tiếp cận với Ty Công an Bắc Giang, và chính tấm thẻ phòng thân ấy đã hại người chiến sĩ biệt động. Bất chấp mọi giải thích, Trần Khánh bị quy làm gián điệp, bị tống giam và hai năm sau, tháng 11/1953, anh bị kết án 6 năm tù với tội danh “làm gián điệp cho Pháp”. Đến cuối năm 1954, thực hiện điều khoản của Hiệp định Geneve, Trần Khánh mới được ra khỏi tù và được đưa về sinh sống tại xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang).


Hơn 2 năm sau, tháng 6/1957, Trần Khánh mới có điều kiện tìm về Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều bạn bè quen biết và nhất là nhờ giọng hát của mình, anh bắt đầu cộng tác rồi công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam .


Kể từ đó, qua làn sóng điện hay trên sân khấu, giọng hát của ca sĩ Trần Khánh đã chinh phục lòng bao người. Có thể nói rằng, cho đến ngày hôm nay, chưa có giọng hát nào sánh nổi với Trần Khánh khi thể hiện những bài hát vừa hùng tráng lại bay bổng và đằm thắm như “Nắng Ba Đình” của Bùi Công Kỳ, “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương... và đặc biệt là những ca khúc hoành tráng của Hoàng Vân như “Tôi là người thợ lò",  “Người chiến sĩ ấy” v.v...


Giọng hát của Trần Khánh chinh phục được lòng người, nhưng không vượt nổi những rào cản về tổ chức. Nhiều người biết đến tiếng hát của Trần Khánh - tiếng hát mang lại cho mọi người sức mạnh lạc quan cách mạng - nhưng không biết được nỗi lòng của anh. Gần như trọn đời, anh chỉ là một cán bộ ngoài biên chế của Đài.


Đảng Đoàn của Toà án Tối cao khi xem xét lại vụ án cũ đã xác nhận “khả năng Trần Khánh bị bắt oan tương đối rõ” ngay trong một văn bản ký ngày 4/12/1963. Nhưng phải 15 năm sau văn bản đó, ngày 26/12/1979, khi Thanh tra Nhà nước có văn bản thì Trần Khánh mới bắt đầu được xét... vào biên chế. Đáng buồn thay, chỉ vài năm sau, anh gặp tai nạn trên chuyến đi biểu diễn và qua đời trong niềm thương cảm của người thân và sự tiếc nuối của những người vốn mến mộ một giọng ca bạc mệnh.
Tôi viết những điều này dựa vào những hồ sơ mà người bạn đồng nghiệp của tôi ở Viện Sử học sưu tập được khi tham gia viết sử cho cơ quan Thanh tra Nhà nước. Trong tập hồ sơ này có nhiều văn bản xác nhận về những đóng góp của chiến sĩ Nam tiến và biệt động Trần Khánh, kể cả giấy xác nhận của người chỉ huy đã trao tấm thẻ “định mệnh” (thẻ của Phòng Nhì Pháp) và những bức thư trần tình với lời lẽ thống thiết của anh gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ...


Tôi đã viết một bài báo về Anh lấy tựa đề là “Người chiến sĩ ấy” đăng trên tờ “Xưa&Nay” của mình (Nhà sử học Dương Trung Quốc là TBT tạp chí Xưa&Nay - TS) nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1995); rồi tôi đã chuyển tập hồ sơ ấy cho một đồng nghiệp bên báo Lao Động để viết bài về anh, những mong làm dịu nỗi đau của vợ con anh Trần Khánh.


Xin nói thêm, những hồ sơ gốc liên quan đến nỗi oan của Trần Khánh vẫn còn đầy đủ trong hồ sơ lưu trữ của Thanh tra Nhà nước. Hãy kỷ niệm một ngày lễ trọng bằng một việc làm thiết thực đối với người chiến sĩ trẻ nhất trong đội quân Nam tiến!...

 

Nguồn: Ra mắt 'thư viện số' về cố nhạc sĩ Hoàng Vân: 'Cha chúng tôi có một cuộc đời...' - Thể thao & Văn hóa

 

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam