Web-Internet

Nhớ bài thơ tình của người thủy thủ | Tác giả: Ngô Minh - CADN Online

01/10/2023   89

Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước đến nay, tuổi trẻ cả nước đều thích và thuộc bài hát “Tình ca người thủy thủ” của nhạc sĩ Hoàng Vân phổ thơ Mai Liên. Mai Liên là nhà thơ Hà Nhật, tức thầy Lương Duy Cán dạy Văn nổi tiếng một thời ở Đồng Hới -  Quảng Bình. Nhổ nheo ra khơi/ Đêm nay khi trăng mọc/ Tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi/ Tạm biệt em yêu/ Vẫy chào thành phố cảng thân yêu... Bây  giờ thỉnh thoảng VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát lại bản tình ca này. Thầy Hà Nhật là thầy giáo dạy Văn của nhiều nhà thơ hiện nay như Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Ngô Minh, Lê  Đình Ty... ở Trường cấp 3 Lệ Thủy năm 1965.

Khác với các nhà thơ thời đó, thường làm thơ về chiến đấu, thầy Hà Nhật thiên về làm thơ tình. Thơ thầy làm xong đọc cho mọi người nghe rồi ai nhớ thì nhớ, vì ít in được. Thơ Hà Nhật bị thất tán nhiều cũng do thi sĩ rất thích xê dịch, tính lãng tử. Ai rủ đi chơi đâu là đi ngay. Đi thâm đêm thâm ngày. Có chén rượu vào, có người đẹp thì đọc thơ suốt đêm. Nhờ sự lãng tử đó mà thầy Hà Nhật trong một chuyến đi biển đã có hai bài thơ tình rất hay, trong đó có Bài thơ tình của người thủy thủ. Tôi xin kể sự tích bài thơ nổi tiếng ấy để bạn đọc hiểu thêm về một hồn thơ đa cảm.

Thầy kể rằng, hồi năm 1962, đang dạy học ở Nghệ An, nhân mấy ngày nghỉ, có mấy người ngư dân đi vận chuyển hàng hóa trên biển, rủ thầy đi về quê Đồng Hới bằng thuyền với họ. Thế là thầy lênh đênh trên biển với ngư dân 3 ngày đêm ròng. Say sóng ngất ngưởng, nhưng đổi lại thầy làm được hai bài thơ “Bài thơ tình của người thủy thủ” rất hay. Bài thơ tình thứ nhất có tứ rất “độc”: 

Em hỏi tôi nước biển màu gì?/ Tôi người thủy thủ từng lênh đênh năm tháng/ Tôi sẽ nói cùng em/ Nước biển dịu dàng, bí mật và cuồng nộ/ Cũng như màu đôi mắt của em/ Song dẫu thế nào tôi cũng sẽ đến bên em/ Và tôi sẽ làm cho đôi mắt em xao động/ Như gió ngày ngày đưa sóng về trên biển lặng. Và bài thứ hai đã được phổ nhạc “Tình ca của người thủy thủ” nổi tiếng. Nghe nói bài thơ và bản nhạc phổ thơ cũng bị phiền lụy vì cách đánh giá thơ của một thời. Nhưng tuổi trẻ Đồng Hới thì chuyền tay nhau bài thơ, chép vào sổ tay và say mê hát.

 

Thi sĩ Hà Nhật. 

Tôi còn nhớ như in cái phòng học được đào sâu xuống đất để tránh bom đạn, mái lợp tranh, phên đất, xung quanh chằng chịt giao thông hào ở thôn Cổ Liễu, xã Liên Thủy. Mùa mưa, đường trơn như mỡ, giao thông hào ngập nước, ai không chú ý rơi tõm xuống thì khốn khổ, mất cả buổi học. Thầy Hà Nhật trọ trong một nhà dân ngay cạnh lớp học.

Bàn làm việc của thầy chất đầy tiểu thuyết và thơ tiếng Pháp. Lúc nhỏ, thầy được gia đình gửi vào học Trường Quốc học Huế, nên thầy đọc văn học Pháp qua nguyên bản. Ở lớp, sau mỗi tiết giảng, bao giờ thầy cũng dành chục phút để kể chuyện, đọc thơ tình cho chúng tôi nghe. Dạo ấy, chúng tôi được thầy dạy cho bài hát phổ bài thơ “Tình ca người thủy thủ” của thầy. Từ đó, đến buổi sinh hoạt lớp, chúng tôi lại hát Đêm nay khi trăng mọc. Tàu anh sẽ nhổ neo...

Một điều làm cho tôi rất tâm đắc là “Bài thơ tình của người thủy thủ” dù đọc dưới con mắt của độc giả hôm nay vẫn là một bài thơ tình hay và rất hiện đại. Đó là một loại thơ tình mới, đắm say mà gân guốc, trẻ trung, biểu lộ mạnh bạo, cứng cỏi, khác về chất so với thơ tình “tiền chiến” buồn đẫm lệ: Em đừng hỏi/ Vì sao anh ra đi/ Cũng đừng hỏi/ Chân trời xa có gì kêu gọi. Sự dấn thân của chàng trai trẻ giữa trùng khơi để chứng minh sức mạnh của tình yêu thật cao cả và hết mình:  Xin em đừng hỏi anh nhiều/ Vì anh biết dù cuối trời có đảo Trân-Châu/ Hay ở biển xa có nụ hoa thần tìm ra hạnh phúc/Hay có người con gái đẹp môi hồng như san hô/ Cũng không thể/ khiến anh xa được em yêu. Yêu em như thế, nhưng anh phải ra đi vượt biển khơi, vì nếu chàng trai chưa từng qua bão tố/Chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao/ Lẽ nào xứng với tình em?

Không so sánh mà so sánh. Tình yêu của người thủy thủ cao hơn sóng gió đại dương. Bài thơ cấu trúc chặt chẽ, tình cảm phát triển từng bước để đạt tới cao trào, tạo ra sự hứng thú đột ngột. Bài thơ đặc biệt không vần, nhưng người đọc dễ dàng nhận ra nhịp điệu của biển, của tình yêu thúc hối.

Những năm 60 của thế kỷ trước, thơ không vần ở nước ta, cả ở miền Nam, miền Bắc mới chỉ là những sáng tác thể nghiệm của một vài tác giả ở chốn thị thành thường xuyên tiếp xúc với trường phái thơ phương Tây. Ngay ở Hà Nội, Nguyễn Đình Thi làm thơ không vần bị phản đối quyết liệt. Còn ở các tỉnh lẻ được xem là vương quốc của bảo thủ trong thơ. Ấy thế mà bài thơ không vần của Hà Nhật viết ở Đồng Hới, nơi “tỉnh lẻ của tỉnh lẻ”, lại nhuần nhuyễn, lung linh như một viên ngọc toàn bích.

Ngẫm ra, thơ có số phận của nó, có sức trường tồn của nó, nếu là thơ đích thực. Trong lúc hàng vạn bài thơ mượn tình yêu để nói những điều không thơ, cứ chết dần, thì “Bài thơ tình của người thủy thủ”, loại thơ viết cho mình, viết để sẻ chia, để giãi bày, luôn sống với thời gian, với con người.

 

Nguồn: Nhớ bài thơ tình của người thủy thủ - CADN Online

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam