Từng chứng kiến nhiều sự ra đi trong giới nhưng ngay khi nhận được tin nhạc sĩ Hoàng Vân ra đi, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã gọi cho chúng tôi bày tỏ niềm tiếc thương và ông gọi đó là sự mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Bởi “có lẽ nhiều năm sau nữa chúng ta cũng chưa chắc đã có được những tuyệt phẩm xuất chúng như Hò kéo pháo, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Quảng Bình quê ta ơi…
Cố nhạc sĩ Hoàng Vân
Hò kéo pháo- Tuyệt phẩm về chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có những chia sẻ về những cảm nhận của ông với sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân, người mà từ thời trẻ cho đến bây giờ, ông vẫn coi đó là một tượng đài, một người thầy lớn, dù ông chưa học với nhạc sĩ ngày nào.
Một nhạc sĩ tài năng thông thường được hiểu là có năng khiếu âm nhạc, được học hành bài bản, sự khổ luyện cùng với việc có một đời sống thực tế phong phú, sinh động… Hoàng Vân có tất cả những cái đó, nhưng để lại một gia sản âm nhạc đồ sộ như vậy, dường như còn bởi yếu tố đặc biệt khác- mà chúng tôi hay dùng để lý giải về các tượng đài âm nhạc- đó là những người được lịch sử lựa chọn. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân là trong số những người như vậy. Bởi các sáng tác của họ vượt lên khỏi những “công thức” mà một nhạc sĩ thường có để nổi tiếng.
21 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã có những sáng tác đầu tiên với các ca khúc viết về miền núi Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng hòa bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc. 24 tuổi đã vụt sáng với tuyệt phẩm Hò kéo pháo. Với nhạc phẩm này, một nghìn năm nữa người ta vẫn kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thì Hò kéo pháo vẫn còn được nhớ tới. Cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận (Giải phóng Điện Biên) thì nhạc sĩ Hoàng Vân là người tôn vinh được chiến thắng Điện Biên Phủ một cách hào hùng và độc đáo nhất. Đó không chỉ là miêu tả chiến thắng đơn thuần mà ở đó còn là sự biểu hiện của một sáng tạo mới mẻ về âm nhạc cho đến tận bây giờ. Nó cũng như những nhạc phẩm của Beethoven vậy. Những bản nhạc viết 300 năm sau vẫn cứ mới. Nó chỉ xưa đi chứ không bao giờ bị cũ.
Từ Hò kéo pháo thì sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng bắt đầu nở hoa. Tài năng của ông như được “chắp cánh” thêm khi ông được đi tu nghiệp ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Trở về nước, hầu như Hoàng Vân “chạm tay” vào đề tài nào thì ở đó là sự tươi mới, được đón nhận rất lớn từ cả hai giới chuyên môn và công chúng. Đó là điều rất hiếm người chinh phục được.
Hội hoạ chia ra 2 thể loại rất rõ là: tranh cổ động và tranh nghệ thuật. Âm nhạc không phân chia rõ ràng như thế nhưng nghe thì hiểu ngay đâu là nhạc cổ động, đâu là nhạc" tạo hình" . Nhưng nhạc Hoàng Vân tài tình ở chỗ, nghe thì cứ nghĩ là cổ động nhưng lại rất tạo hình, vì ông bao được cả hai cái. Các ca khúc của ông hay vì những vấn đề được ông đặt ra, rất kịp thời nhưng cũng rất sâu sắc về sự tìm tòi ngôn ngữ âm nhạc. Ví dụ như bài “Hai chị em”: “Cô ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị hai Năm tấn quê ở Thái Bình…” là sự tìm tòi rất lớn về pha trộn điệu thức. Phải tài năng lắm, độc đáo lắm mới viết được như vậy.
Những ca khúc còn mãi với thời gian
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Hoàng Vân còn có tài nữa là tạo ra lối viết trường ca. Điển hình như "Bài ca người thợ mỏ", "Nổi trống lên, rừng núi ơi". Với các đề tài ngợi ca về ngành, dường như ông “đụng” đến chủ đề nào là trở thành bài ca truyền thống của ngành đó. Như “Bài ca xây dựng” chẳng hạn: “Cho ngày nay, cho ngày mai cho muôn đời sau…”. Nó vừa là nghệ thuật, vừa là tinh thần cổ động tài tình. Cho đến nay, chưa có ai viết bài nào về xây dựng mà vượt lên được ca khúc này. Hay như “Bài ca giao thông vận tải” cũng vậy, nghe tên rất khô khan và rất khó để viết cho hay nhưng ông đã “phả” cái tình và tài năng của mình vào và biến nó thành một ca khúc sống động. “Trên những nẻo đường ta đi, sau tay lái, đã mấy năm rồi, xe anh đã vượt được bao sông bao núi chỉ những con đường mới biết mà thôi…”. “Chỉ những con đường mới biết mà thôi” là câu xuất thần. Tôi đã chấm hàng nghìn bài hát viết về ngành giao thông vận tải nhưng cho đến nay vẫn chưa có bài nào đứng cạnh được ca khúc này. Nếu bài này là bài số 1 thì các ca khúc khác nếu ứng cử thì từ số 10 trở đi chứ đừng dám số 2, số 3.
Ngoài tài năng viết nhạc thì ông còn là người viết khí nhạc. Có thể kể đến Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboe và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, “Hành khúc con voi”; Độc tấu flute “Vui được mùa”; “Hoa thơm bướm lượn”; Nhạc cho vũ kịch “Chị Sứ”, Concerto cho piano và dàn nhạc, Thơ giao hưởng số 1 “Thành đồng Tổ quốc”, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ, Hợp xướng "Bài thơ gửi Thái Nguyên" mà thế hệ chúng tôi luôn cho đó là tác phẩm này là mẫu mưc về hợp xướng của Việt Nam. Với sự nghiệp đồ sộ, trải dài từ nhiều thể loại khác nhau (trong đó có cả nhạc thiếu nhi đến nay vẫn rất nổi tiếng như Con chim vành khuyên, Em yêu trường em), nhạc sĩ Hoàng Vân xây dựng cho mình một hình tượng âm nhạc chứ không phải kiểu “được chăng hay chớ”, vịn vào lời mà ra nốt nhac.
Lịch sử mỗi thời kỳ đều có những cá nhân kiệt suất, được lịch sử trao trọng trách gánh trên vai “sứ mệnh” với thời cuộc. Những ca khúc như “Quảng Bình quê ta ơi” làm sao có được nữa, nên chỉ có thể lý giải là do “lịch sử chọn”. Đỗ Nhuận, Hoàng Vân thuộc thế hệ vàng của Âm nhạc Việt Nam có lẽ một phần vì sống trong thời khắc lịch sử nhiều biến động. Nhưng Hoàng Vân được “trao” quá nhiều. Có những người chỉ được “lịch sử chọn” một hai bài thôi nhưng Hoàng Vân được “chọn” nhiều quá. Trở thành một phong cách Hoàng Vân với những tài tình trong việc khai thác chất liệu âm nhạc dân tộc. Ở những năm đầu sáng tác, bản thân tôi cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ông, nhất là về tuyến giai điệu, như bài “Lời chào mùa hạ” viết năm 1970: “Tháng tư qua, tháng tư qua, phượng cháy lên rồi nắng xôn xao, bừng tươi lên màu lá cây xanh”. Và dù chưa từng học với ông một ngày nào nhưng với tôi, đó vẫn là người thầy lớn, không chỉ vì đã từng học hỏi mà còn bởi ông là niềm tự hào và ngưỡng mộ với cả nền âm nhạc Việt Nam.
Minh Nhật ghi
Bài báo nguyên bản được tra cứu qua đường dẫn: https://giadinh.net.vn/giai-tri/nhac-si-hoang-van-nguoi-duoc-lich-su-lua-chon-20180206083335663.htm