Chia sẻ với Lao Động, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, đó là một tin buồn đối với âm nhạc Việt Nam.
“Sáng nay, chúng tôi đã được người nhà nhạc sĩ Hoàng Vân báo tin. Ông mất lúc 4h sáng, tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi", Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân được biết đến như một cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà. Ông không chỉ là nhạc sĩ mà còn là chiến sĩ bởi cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhạc sĩ Hoàng Vân còn là tấm gương về lao động nghệ thuật.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận như Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng đã để lại tuyệt phẩm Hò kéo pháo, cho đến bây giờ vẫn là tượng đài của âm nhạc quân đội Việt Nam.
"Ngoài các thể loại hợp xướng giao hưởng, nhạc sĩ Hoàng Vân còn có các ca khúc phản ánh đời sống xã hội mang đầy tính hiện thực như Quảng Bình quê ta ơi hay Bài ca xây dựng. Từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh, ông ấy đã có cái nhìn lạc quan về tương lai thể hiện trong Bài ca xây dựng. Mới đây, trong sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, những giai điệu này đã được vang lên", NS Đỗ Hồng Quân cho biết.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông sinh năm 1930 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Vốn được học nhạc lý từ khi còn rất nhỏ, năm 15 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã có những sáng tác đầu tiên và nhận được sự đánh giá cao về chuyên môn.
Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Sau đó 12 năm, ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Nhạc sĩ Hoàng Vân có con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi hiện đang sinh sống làm việc ở Macedonia. Con gái là chị Lê Y Linh, tiến sĩ âm nhạc tại Pháp.