Nhạc sĩ Hoàng Vân đã khỏe lại...
Bên khung cửa sổ, nhạc sĩ Hoàng Vân ngồi trên xe lăn tập từng động tác phục hồi với quyết tâm cao độ 10 ngày có thể đi lại được. Bên cạnh ông là cô con gái Y Linh – tiến sĩ âm nhạc mới trở về từ Pháp. Vừa tập, hai bố con nhạc sĩ vui vẻ nhẩm theo từng nốt nhạc trong ca khúc cách mạng Hò kéo pháo: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi…”.
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã khỏe lại, ông quyết tâm tập phục hồi để sớm có thể đi lại được.
Ở tuổi 85, mỗi khi ông cười những nếp nhăn xô nghiêng minh chứng cho một con người trải qua nhiều biến cố thắng trầm lịch sử của đất nước. Nhưng, trong đôi mắt của vị nhạc sĩ tài hoa ấy luôn ánh lên sự khát khao cống hiến cho âm nhạc và niềm lạc quan với cuộc đời.
Trước khi ăn bữa trưa, nhạc sĩ cùng cô con gái Y Linh và cháu ngoại lên thăm người bạn đời của ông, bà Ngọc Anh, cũng đang nằm điều trị bệnh gan trong viện. Con trai của ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi sau thời gian chăm sóc hiện đang ở TP.Hồ Chí Minh biểu diễn.
Nhạc sĩ của ca khúc cách mạng “Hò kéo pháo” tâm sự, quãng thời gian vừa qua ông giống như từ cõi chết trở về khi rơi vào trang thái hôn mê và viêm phổi nặng. Hiện tại, dù vẫn phải di chuyển bằng xe lăn nhưng đã khỏe lên rất nhiều.
Nhạc sĩ Hoàng Vân vui vầy cùng con cháu.
Vị nhạc sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam hóm hỉnh bảo: “Trong thế hệ các nhạc sĩ cùng tuổi thì Hoàng Vân là nhất vì chưa mất một cái răng nào và vẫn còn tóc đen…”. Ông cũng chuẩn bị được trở về ngôi nhà yêu dấu ở số 14 Hàng Thùng để tiếp tục sáng tác nhạc và theo đuổi niềm đam mê thư pháp.
Âm nhạc phải có nghệ thuật cao chứ không đơn thuần là để giải trí…
Tôi hỏi nhạc sĩ về ước nguyện âm nhạc của mình, ông chỉ nói: “Tôi mong nền âm nhạc Việt Nam với những bản nhạc có tinh thần và sắc thái của ngày hôm nay. Âm nhạc phải có nghệ thuật cao chứ không đơn thuần là để giải trí, phải đi sâu vào lòng người”.
Cha đẻ của ca khúc trữ tình “Quảng Bình quê ta ơi” vẫn như con tằm suốt đời rút ruột nhả tơ, khi nói ra những câu chữ gan ruột: “Muốn có những bản nhạc có nghệ thuật cao thì người nhạc sĩ cần phải có cảm xúc âm nhạc và văn học. Muốn có như vậy thì cần phải học, học nhiều, phải rèn luyện rất ghê”.
Ông cho rằng các anh em nhạc sĩ phải chịu khó tìm tòi những nhạc cảm (cảm xúc âm nhạc) đi chói vào trong tim mình trước. Lời ca đó khiến người nghe mãi mãi không thể quên được những cảm xúc về sự kiện, nhân vật đó. Và sở dĩ người ta thích “Hò kéo pháo” vì nó được sáng tác trong nền cảm xúc hoành tráng.
Nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định: “Nghe thì có vẻ công thức nhưng phải học, không học thì không thể hay được, mà phải là học thực chất, có 9 lớp thì ngay bây giờ phải học 7,8. Bất cứ một cái tài năng âm nhạc nào cũng phải được tô điểm, củng cố trên những cảm xúc rất sâu sắc. Nhiều người ít học và không học nên có sự bắt chiếc người này người kia. Mỗi từ ngữ, mỗi nốt nhạc là phải được trau dồi, trao đổi khách quan, chọn lọc lâu năm, nhưng bây giờ nhạc được phát ra dễ dàng và ít cảm xúc”.
Là bậc thầy trong sáng tác âm nhạc ông khẳng định: “Âm nhạc Việt Nam cần xây dựng trên nền học thuật thực sự. Nhạc cảm phải giàu. Trong thời kỳ hòa bình thì cảm xúc âm nhạc và cảm xúc văn chương cần phải kết hợp nhuần nhuyễn thì những bản nhạc nó mới sống được”.
Cha đẻ của “Bài ca xây dựng” cho biết, thế hệ của ông, âm nhạc được dạy trong các trường phổ thông trung học có hệ thống và trình độ cao. Chương trình chủ yếu học theo cái cổ điển của Âu châu. Học ra học và những thầy dạy rất tài năng về âm nhạc. Sau đó, ông học sáng tác ở trường Trung ương âm nhạc học viện. Thuở ấy, học nhạc một cách trực tiếp để làm cho mình rung động và tạo ra tác phẩm thực sự hay.
Nhạc sĩ Hoàng Vân: "Âm nhạc Việt Nam cần xây dựng trên nền học thuật thực sự".
Cha đẻ của “Bài ca xây dựng” cho biết, thế hệ của ông, âm nhạc được dạy trong các trường phổ thông trung học có hệ thống và trình độ cao. Chương trình chủ yếu học theo cái cổ điển của Âu châu. Học ra học và những thầy dạy rất tài năng về âm nhạc. Sau đó, ông học sáng tác ở trường Trung ương âm nhạc học viện. Thuở ấy, học nhạc một cách trực tiếp để làm cho mình rung động và tạo ra tác phẩm thực sự hay.
Theonhạc sĩ Hoàng Vân, ca khúc hay phải là lời của trái tim, phải là nghệ thuật thực sự, phải làm cho mình, cho người nghe rung động và tác phẩm ấy khiến người ta móc tiền túi người mua để nghe cho sướng…Một bài hát hay có thể lúc đầu nghe vô vị nhưng càng hát càng thấy nó ý nghĩa. Ông minh chứng luôn đó là “Hát về cây lúa hôm nay” sáng tác năm 1976 khi ông vào công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm ấy khi bài hát “ra lò” cũng có nhiều ý kiến trái chiều lắm nhưng sau đó ai cũng phải công nhận ca từ mộc mạc nhưng ý nghĩa và giai điệu. Ông mừng vì hiện tại nhiều bài hát của ông được công chúng yêu mến…
Giờ nghỉ trưa trong viện đã hết, tôi chào tạm biệt ông và gia đình. Nhạc sĩ nở một nụ cười hồn hậu ấm áp…Tôi ra về nhưng tiếng hát đầy cảm xúc do chính cha đẻ ca khúc“Hát về cây lúa hôm nay” cất lên vẫn khiến tôi thật vui: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Được mùa lúa thóc chớ phụ ngô khoai, ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng, bàn tay quê hương vỗ về yêu thương… Trong gian khổ hạnh phúc tới rồi. Đường lớn, đã mở đi tới tương lai”. Thầm cảm ơn ông và chúc ông nhiều sức khỏe…
Nhạc sĩ Hoàng Vân và những cống hiến lớn cho âm nhạc Việt Nam
Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học. Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc... Năm 1954, ông sáng tác ca khúc Cách mạng nổi tiếng Hò kéo pháo. Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ. Năm 2000 nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào.
Ngoài Hò kéo pháo, Hoàng Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng. Sau 1975, ông sáng tác Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên. Ngoài ra ông còn viết các ca khúc thiếu nhi Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên...
Bên cạnh mảng sáng tác ca khúc, ông còn viết nhiều tác phẩm hợp xướng và khí nhạc. Chính những phần này đã giúp cho những ca khúc của ông có được thêm phần kỹ thuật để hỗ trợ cho cảm xúc và trở thành những giai điệu sống mãi với thời gian.
Một số hợp xướng viết với dàn nhạc giao hưởng như: Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta...Lĩnh vực khí nhạc, ông có các tác phẩm như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, Hành khúc con voi, độc tấu flute Vui được mùa, Hoa thơm bướm lượn, âm nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, Concerto cho piano và dàn nhạc, thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc, concerto TS và tình yêu, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ...
Ngoài niềm đam mê viết nhạc, ông còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang...
Nguồn: Nhạc sĩ Hoàng Vân đã khỏe lại và nguyện ước cho âm nhạc Việt Nam - hoinhacsi.vn