Tối qua, 10-6, Đêm nhạc Hoàng Vân được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong chương trình này, lần đầu tiên bản giao hưởng và hợp xướng Điện Biên Phủ của nhạc sĩ Hoàng Vân được ra mắt khán thính giả dưới sự chỉ huy của chính con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi Không phải đợi đến lúc 4 chương của bản giao hưởng và hợp xướng Điện Biên Phủ (gồm Trên chiến trường không bao giờ quên, Đọc thư hậu phương, Lá cờ của Bác, Bài hát các chiến sĩ trẻ) vang lên tại Nhà hát Lớn, người ta mới biết đến sự hiện diện của tác phẩm này. Từ năm 1989, giới văn nghệ sĩ đã rỉ tai nhau: “Này, Hoàng Vân đang viết cái gì đó về Điện Biên Phủ, có vẻ lớn lắm!”. Và câu tiếp theo của mọi người, thể nào cũng là: “Hoàng Vân mà viết về Điện Biên Phủ, chắc kiểu gì cũng hay!”. Hoàng Vân viết về Điện Biên Phủ kiểu gì cũng hay là bởi vùng đất ấy, chiến dịch ấy đã tạo cho cuộc đời ông một bước ngoặt lớn... Bước ngoặt cuộc đời mang tên Điện Biên Xếp bút nghiên, chàng trai Hà Nội mới ngoài hai mươi tuổi Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Vân) hăm hở tham gia chiến dịch Điện Biên, làm công tác địch vận, viết bài cho bản tin của trung đoàn, sư đoàn, dẫn các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác... Cuộc sống chiến đấu gian khổ mà hào hùng của những ngày “mưa dầm cơm vắt”, đặc biệt là sự dũng cảm của các chiến sĩ pháo binh đã khiến Hoàng Vân - dù mới biết qua nhạc lý cơ bản – đã không ngăn được cảm xúc trào dâng, viết rất nhanh bài Hò kéo pháo. Viết xong bài hát, Hoàng Vân lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường, không ngờ nó lan nhanh khắp mặt trận. Sau chiến dịch Điện Biên, Hò kéo pháo được trao giải nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân, còn tác giả của nó thì được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc. Trở về nước sau 6 năm “dùi mài kinh sử”, anh lính Điện Biên ngày nào trở thành nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và giảng viên Trường Âm nhạc... “Sự nghiệp âm nhạc của tôi bắt đầu từ Điện Biên” - nhạc sĩ Hoàng Vân nói. Chính bởi lẽ đó, suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông vẫn canh cánh trong lòng một món nợ với những tháng ngày Điện Biên. Bản giao hưởng và hợp xướng Điện Biên Phủ được trau chuốt suốt một thời gian dài 15 năm (từ 1989 đến 2004) cũng là vì thế. Mặc dù được viết ra với tất cả những tình cảm, cảm xúc chân thật của một chiến sĩ Điện Biên, nhưng Hoàng Vân vẫn muốn mài giũa, chăm chút đứa con tinh thần của mình thật kỹ càng trước khi ra mắt công chúng...
Viết theo đơn đặt hàng của... cảm xúc! Tình cờ theo con đường âm nhạc sau giải phóng Điện Biên, nhưng với tài năng của mình, Hoàng Vân đã không lạc lối. Ông sáng tác nhiều thể loại, nhiều mảng đề tài và luôn gặt hái thành công. Là một người được đào tạo bài bản về âm nhạc bác học, lại có 12 năm ở vị trí chỉ huy dàn nhạc, Hoàng Vân đã viết rất nhiều tác phẩm khí nhạc và giành nhiều giải thưởng quan trọng của Hội Nhạc sĩ. Những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, ông đã có những bài hát hòa mình vào dòng chảy ca khúc cách mạng, được mọi người yêu thích: Hai chị em, Nổi trống lên núi rừng ơi, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng... Một điều rất thú vị là khá nhiều ca khúc của Hoàng Vân viết về hình tượng và thế giới cảm xúc của những người lao động được nhiều ngành, nghề coi như là “bài ca” của mình, như Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca người thợ mỏ, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca xây dựng... Những bài hát ấy có những cái tên khá... khô khan và dễ khiến người ta nghĩ rằng Hoàng Vân đã sáng tác theo đơn đặt hàng. “Đúng là tôi viết theo đơn đặt hàng, nhưng là cảm xúc của tôi đặt hàng chứ không phải do một công ty, một ngành nghề nào cả” – Hoàng Vân nói. Ngày ấy, văn nghệ sĩ như ông được đi thực tế sáng tác tại các hầm mỏ, trường học, những con đường đang làm dở... và chính cuộc sống ngồn ngộn trước mắt đã khiến những nốt nhạc, lời ca tuôn trào... Còn một mảng quan trọng khác nữa trong nhạc Hoàng Vân, đó là những ca khúc dành cho tuổi thơ. Bắt đầu từ việc viết cho hai đứa con bé bỏng đang độ tuổi mẫu giáo của mình hát chơi, Hoàng Vân bị cuốn vào thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo. Sự trong sáng, nhí nhảnh, ngộ nghĩnh của các em nhỏ cho ông trở về với thời ấu thơ đẹp đẽ của mình, để rồi những bài hát tươi vui, trong sáng ra đời: Con chim vành khuyên, Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia... Đáp lại, các em nhỏ không chỉ yêu bài hát mà còn yêu quý cả con người Hoàng Vân. Đi tới đâu, các em cũng ríu rít xung quanh ông, hỏi chuyện về con chim vành khuyên, chuyện hoa, chuyện quả, chuyện cầu vồng bảy sắc... “Tâm vô lụy” Cùng với âm nhạc, Hoàng Vân còn có một niềm đam mê không kém: chơi thư pháp. Sinh ra trong một gia đình Nho học, từ thuở tóc còn để chỏm, Hoàng Vân đã ngồi mài mực cho cha, được cha dạy viết chữ Nho. Càng về già, chơi chữ với ông lại càng trở thành một thú vui không thể thiếu. Chơi thư pháp, với Hoàng Vân, là một nguồn di dưỡng tinh thần, giúp con người suy nghĩ uyển chuyển, tinh tế hơn. Nghệ thuật thư pháp còn giúp Hoàng Vân rèn được chữ “nhẫn”, giữ được sự tĩnh tại, thăng bằng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Con đường đời cũng như sự nghiệp âm nhạc của ông không bằng phẳng, nhiều ca khúc của ông một thời bị coi là “có vấn đề” như Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải... Chính thư pháp đã cho ông niềm vui, sự thanh thản, giúp ông đủ kiên nhẫn và cả lòng khoan dung, độ lượng chờ đợi ngày những giá trị đích thực được công nhận, tôn vinh... Khách đến chơi nhà, nếu chuyện trò hợp ý tâm đồng, thể nào ra về cũng được Hoàng Vân tặng chữ. Ông thích nhất chữ “tâm vô lụy”, nghĩa là trái tim không mệt mỏi. Giờ đây, mặc dù đã bước sang tuổi 76, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Năm nào ông cũng đi nước ngoài vài chuyến, để biết thêm nhiều vùng đất mới, để thăm bạn bè và hai con - Lê Y Linh đang học tiến sĩ âm nhạc ở Pháp và Lê Phi Phi - nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng nước Cộng hòa Macedonia. Khi về nước, ông về ở ngôi nhà bên Hồ Tây – nơi không có điện thoại, không tivi, không máy vi tính – sống một cuộc sống chỉ có âm nhạc và thư pháp, không vướng chút bon chen, phiền nhiễu... | |