Web-Internet

Nhạc sĩ Hoàng Vân- Người ngợi ca hào khí quê hương | Tác giả: Ngô Hương Sen (2005) Báo Nhân dân

25/09/2023   296

Trong buổi chiều muộn ngày 13-3 lịch sử hơn năm mươi năm về trước, được Chính ủy trung đoàn 141 Mạc Ninh gợi ý, khi hiệu lệnh tiến công vừa phát ra, Hoàng Vân ôm Acordeon, cùng với Trần Ngọc Xương kéo violon, Ðỗ Nhuận và Văn Tiến thổi sáo, bắt đầu say sưa chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác. Phút giây hào sảng và lãng mạn ấy, bốn anh lính văn nghệ chợt tan biến cùng giai điệu mãnh liệt, sục sôi của Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Quốc tế ca... Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường,  âm nhạc đầy tinh thần lạc quan bắt nhịp cùng khí thế xung phong hừng hực của những người lính. Ðại đoàn 312 đã rất nhanh chóng đập tan trung tâm đề kháng Him Lam (Béatrice), tạo nên chiến thắng ròn rã ngay từ trận đánh đầu tiên.

Già nửa thế kỷ đã qua, nhưng ấn tượng đậm đặc về thời điểm huy hoàng ấy vẫn ngưng đọng trong tâm khảm nhạc sĩ Hoàng Vân. Vốn là dân ba sáu phố phường, nhà ở số 12 Hàng Thùng không biết đã từ năm nào, nói theo cách vui vui bây giờ, chính ra ông lại không có quê, không có đồng hương.

Vào tuổi 16, đang còn ngồi trên ghế nhà trường, gia đình dự định cho đi du học ở châu Âu, nhưng mang nguyên vẹn trong mình bầu nhiệt huyết và phong thái hào hoa của một thanh niên Hà Nội hăm hở với khí thế mùa thu 1945, Lê Hoàng Vân trở thành liên lạc viên trong Trung đoàn Thủ đô.

Những tháng ngày oai hùng tại chiến trường Ðiện Biên Phủ, làm lính đại đoàn 312, Hoàng Vân đã được nhiều người biết tới vì sự ra đời rất kịp thời và đầy ý nghĩa của bài hát Hò kéo pháo ngay dịp Tết Giáp Ngọ 1954. Chính Hoàng Vân và các ca sĩ Kim Ngọc, Thanh Phúc đã liên tục hát Hò kéo pháo ngay tại các tuyến đường dân công, các giao thông hào trận địa...

Bài hát đầu tiên ấy, cũng như "tuyên ngôn", như "cương lĩnh" nghệ thuật của ông, cả cuộc đời riêng dành phục vụ nhân dân. Bởi thế, dường như, mỗi một giai đoạn nước sôi lửa bỏng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, Hoàng Vân đều có những ca khúc đóng đinh vào trí nhớ công chúng không chỉ đương thời mà mãi tận hôm nay.

Quảng Bình quê ta ơi, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng ông viết đúng năm Mậu Thân 1968... nằm trong số những bài hát mà mỗi lúc lời ca dặt dìu, hứng khởi cất lên, lại khiến lòng người xốn xang, gợi nhớ... Bây giờ, cùng với sông và biển Nhật Lệ, cùng với thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng và huyền thoại về mẹ Suốt anh hùng, bài hát Quảng Bình quê ta ơi cũng đã thành một thứ đặc sản khó có thể thay thế của xứ sở nằm kề bên dãy Trường Sơn. Rồi Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Nổi trống lên rừng núi ơi, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Tình ca Tây Nguyên... cũng tạo được âm vang bề thế, sang trọng, lại đa cảm và hiệu quả cảm xúc lâu dài với người nghe.

Chính vì những dấu ấn không lẫn lộn trong nền âm nhạc cách mạng, Hoàng Vân đã là nhạc sĩ trẻ nhất được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2) về văn học nghệ thuật năm 2000.

Lúc nào cũng thư thái, nhã nhặn, lúc nào cũng muốn hòa đồng với cuộc sống, với thời đại, nên nhạc sĩ Hoàng Vân luôn trẻ trung, tươi mới, năng lực sáng tạo trong ông vẫn dồi dào, thanh xuân. Sự đam mê âm nhạc của ông đã được truyền lại trọn vẹn cho người con trai, nhạc trưởng Lê Phi Phi, hiện công tác tại Dàn nhạc giao hưởng Maxedonia (nước cộng hòa thuộc Nam Tư trước đây).

Một niềm vui lớn nữa lại vừa đến với nhạc sĩ Hoàng Vân, ấy là mới đây, giao hưởng Ðiện Biên Phủ ông viết từ hơn hai mươi năm qua, tưởng bụi thời gian phủ mờ, đã được dàn dựng và trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội trong không khí trang trọng, ấm cúng... Dòng chảy sáng tạo mãi dạt dào ở nhạc sĩ Hoàng Vân, đến tận hôm nay, vẫn khiến không ít người ngỡ ngàng, rưng rưng xúc động.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam