Web-Internet

Nhạc sĩ Hoàng Vân - Một đời cho âm nhạc | Theo Người Lao động

30/09/2023   230

Khi tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân, hai đại thụ của âm nhạc Việt Nam, vừa ra đi thì người trong giới và công chúng cũng đón nhận tin không vui: nhạc sĩ Hoàng Vân bị viêm phổi nặng, đã điều trị gần một tháng trời trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhưng không thuyên giảm, lúc tỉnh lúc mê. Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những đại thụ của âm nhạc Việt Nam còn ở lại nên sức khỏe của ông khiến không ít người trong giới và công chúng lo lắng.

Chỉ sống cho âm nhạc

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Năm 16 tuổi, Lê Văn Ngọ gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312… Trong những năm kháng chiến gian khổ, Lê Văn Ngọ khi đó không bao giờ nghĩ mình là nhạc sĩ Hoàng Vân lừng danh sau này. Tác phẩm “Hò kéo pháo”, khi sáng tác, ông chỉ nghĩ rằng mình đang viết báo tường, dán lên vách hầm cho anh em cùng đọc để cùng sẻ chia và động viên giữa những người lính Cụ Hồ trên đường kháng chiến.

Nhạc sĩ Hoàng Vân Ảnh: LÊ ANH DŨNG
Nhạc sĩ Hoàng Vân Ảnh: LÊ ANH DŨNG

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể: “Tôi nghe một số người nói lại rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy bài “Hò kéo pháo” hay nên phổ biến trên tất cả các mặt trận và nói nhất định phải cho tôi và một số đồng chí khác đi học nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy của trường âm nhạc Ba Lan trở về, tôi mới thành nhạc sĩ”.

Sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ cứu quốc và cả dòng chảy lịch sử của đất nước. Ông nổi danh với hàng loạt sáng tác vượt thời gian, để lại dấu ấn sâu đậm trên con đường phát triển của âm nhạc Việt Nam: “Hò kéo pháo”, “Tin chiến thắng”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Người chiến sĩ ấy”, “Chào anh giải phóng quân - Chào  mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tình ca Tây Nguyên”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”…

Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Có một thời gian dài, nhạc sĩ Hoàng Vân tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội và các nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Phú Quang, An Thuyên… đều là thế hệ học trò của ông.

Đối với nhạc sĩ Hoàng Vân, âm nhạc là trên hết. Ông muốn tập trung vào công việc sáng tạo, chỉ thế thôi, không bận tâm bất cứ chuyện gì khác. Không chỉ viết ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Vân có khá nhiều tác phẩm khí nhạc:  “Fugue cho piano”, “Tổ khúc cho hautboy và piano”, “Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson”, “Hành khúc con voi, độc tấu flute” (“Vui được mùa”, “Hoa thơm bướm lượn”), âm nhạc cho vũ kịch: “Chị Sứ”, “Concerto cho piano và dàn nhạc”, thơ giao hưởng số 1: “Thành đồng Tổ quốc”, đại hợp xướng: “Điện Biên Phủ”…

Giai đoạn sau này, ông ít viết ca khúc mà tập trung bút lực cho những tác phẩm lớn như “Giao hưởng trữ tình”. Ông thường đi dạo bằng xích lô để tìm cảm hứng sáng tác. “Thủ đô bây giờ với tôi rất đẹp” - nhạc sĩ Hoàng Vân tự sự trong một lần trò chuyện với phóng viên. Ông cho biết một tháng mình chi tiêu không biết bao nhiêu tiền cho xích lô vì cứ đi theo giờ. Đi tới những khu mới, vừa đi vừa đọc truyện, sáng tác, muốn có cảm hứng thì phải đi.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam