Đối với nhạc sĩ Hoàng Vân, âm nhạc là trên hết, ông muốn tập trung vào công việc sáng tạo, chỉ thế thôi, không bận tâm bất cứ chuyện gì khác
Khi tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân, hai đại thụ của âm nhạc Việt Nam, vừa ra đi thì người trong giới và công chúng cũng đón nhận tin không vui: nhạc sĩ Hoàng Vân bị viêm phổi nặng, đã điều trị gần một tháng trời trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhưng không thuyên giảm, lúc tỉnh lúc mê. Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những đại thụ của âm nhạc Việt Nam còn ở lại nên sức khỏe của ông khiến không ít người trong giới và công chúng lo lắng.
Chỉ sống cho âm nhạc
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Năm 16 tuổi, Lê Văn Ngọ gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312… Trong những năm kháng chiến gian khổ, Lê Văn Ngọ khi đó không bao giờ nghĩ mình là nhạc sĩ Hoàng Vân lừng danh sau này. Tác phẩm “Hò kéo pháo”, khi sáng tác, ông chỉ nghĩ rằng mình đang viết báo tường, dán lên vách hầm cho anh em cùng đọc để cùng sẻ chia và động viên giữa những người lính Cụ Hồ trên đường kháng chiến.
Nhạc sĩ Hoàng Vân Ảnh: LÊ ANH DŨNG
Nhạc sĩ Hoàng Vân kể: “Tôi nghe một số người nói lại rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy bài “Hò kéo pháo” hay nên phổ biến trên tất cả các mặt trận và nói nhất định phải cho tôi và một số đồng chí khác đi học nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy của trường âm nhạc Ba Lan trở về, tôi mới thành nhạc sĩ”.
Sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ cứu quốc và cả dòng chảy lịch sử của đất nước. Ông nổi danh với hàng loạt sáng tác vượt thời gian, để lại dấu ấn sâu đậm trên con đường phát triển của âm nhạc Việt Nam: “Hò kéo pháo”, “Tin chiến thắng”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Người chiến sĩ ấy”, “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tình ca Tây Nguyên”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”…
Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Có một thời gian dài, nhạc sĩ Hoàng Vân tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội và các nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Phú Quang, An Thuyên… đều là thế hệ học trò của ông.
Đối với nhạc sĩ Hoàng Vân, âm nhạc là trên hết. Ông muốn tập trung vào công việc sáng tạo, chỉ thế thôi, không bận tâm bất cứ chuyện gì khác. Không chỉ viết ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Vân có khá nhiều tác phẩm khí nhạc: “Fugue cho piano”, “Tổ khúc cho hautboy và piano”, “Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson”, “Hành khúc con voi, độc tấu flute” (“Vui được mùa”, “Hoa thơm bướm lượn”), âm nhạc cho vũ kịch: “Chị Sứ”, “Concerto cho piano và dàn nhạc”, thơ giao hưởng số 1: “Thành đồng Tổ quốc”, đại hợp xướng: “Điện Biên Phủ”…
Giai đoạn sau này, ông ít viết ca khúc mà tập trung bút lực cho những tác phẩm lớn như “Giao hưởng trữ tình”. Ông thường đi dạo bằng xích lô để tìm cảm hứng sáng tác. “Thủ đô bây giờ với tôi rất đẹp” - nhạc sĩ Hoàng Vân tự sự trong một lần trò chuyện với phóng viên. Ông cho biết một tháng mình chi tiêu không biết bao nhiêu tiền cho xích lô vì cứ đi theo giờ. Đi tới những khu mới, vừa đi vừa đọc truyện, sáng tác, muốn có cảm hứng thì phải đi.
Chuyện tình trọn vẹn
Đi chiến khu rồi trở về thủ đô, chiến sĩ Lê Văn Ngọ thầm thương trộm nhớ một cô gái mà tên cô đã trở thành bút danh nổi tiếng của ông: Y-na (tức: Yêu Ngọc Anh) và tên con gái ông sau này (Y Linh) cũng vẫn còn dấu vết của mối tình sâu đậm đó.
Nhà cô thiếu nữ là sinh viên ngành y ở phố Trần Quốc Toản. Ông muốn đến chơi nhưng biết gia đình của Ngọc Anh nghiêm khắc nên nghĩ không biết sẽ “ra mắt” như thế nào. Lại biết thêm mấy tin khiến chàng nhạc sĩ tay chân “rụng rời”, tan nát trái tim. Ngọc Anh có chị là người đẹp Hà thành hồi bấy giờ. Họa sĩ Nguyễn Sáng đã vẽ chân dung cô gái ấy, thực chất là tặng cô chị để “tiếp cận” cô em. Khi biết Hoàng Vân muốn đến thăm Ngọc Anh, họa sĩ Nguyễn Sáng lại vẽ tiếp một bức chân dung thứ hai. Cả hai bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Sáng nay đang có giá 350.000 euro/bức.
Biết cô Ngọc Anh chơi piano, nhạc sĩ Hoàng Vân bèn lấy hết can đảm, tung một “đòn knock-out”, phổ nhạc bài thơ mà thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết với lời đề tặng nữ nhà báo Pháp Madeleine Rifaud: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo Mây…”, gửi đến tặng nàng với bút danh Y-na ký dưới bản nhạc. Bút danh này sau đó đã theo ông gắn bó với nhiều ca khúc: “Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắng”, “Trên đường tiếp vận”…
Tết năm đó, Ngọc Anh thướt tha xuất hiện ở phố Hàng Thùng, chúc Tết gia đình nhạc sĩ và gửi lại cho chàng một món quà mà cả đời chẳng bao giờ quên được. Mở chiếc hộp sơn mài chạm khảm kỹ lưỡng, bên trong là một chiếc khăn choàng lụa tơ tằm rất dài, giản dị nhưng lộng lẫy, thêu tay đầy đủ cả bản nhạc mà nhạc sĩ đã gửi tặng. Sau món “quà độc” đó của Ngọc Anh, họa sĩ Nguyễn Sáng rút lui. Ông biết trái tim nàng đã dành cho nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân cất giữ kỹ lưỡng món quà của người bạn đời, ông ít khi đem khoe và càng không muốn mọi người chụp ảnh, ghi hình, đăng báo món kỷ vật thiêng liêng ấy. Đối với ông, tình cảm ở tận sâu thẳm đáy tim và nó vốn dĩ mong manh lắm, cho nên cần nuôi dưỡng, chăm sóc nhau bằng tình thật mới bền lâu, chứ không phải cần phô trương cho cả thiên hạ biết.
Cho đến tận bây giờ, người con gái Hà Nội mà ông đã yêu cũng là người vợ thương mến vẫn gắn bó và chăm sóc ông từ bữa ăn, giấc ngủ đến những bài tập thể dục và bài thuốc trên giường bệnh.
Thứ trưởng Vương Duy Biên thăm nhạc sĩ Hoàng Vân Sáng 8-7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Vương Duy Biên cùng lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến thăm và động viên nhạc sĩ Hoàng Vân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Cùng đi với ông Vương Duy Biên có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phú Quang và Văn Duy. Thứ trưởng Vương Duy Biên và nhạc sĩ Phú Quang thăm hỏi nhạc sĩ Hoàng Vân.
Thăm nhạc sĩ Hoàng Vân, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã xúc động nhắc lại những đóng góp của nhạc sĩ đối với nền âm nhạc nước nhà. Đồng thời, thứ trưởng mong muốn nhạc sĩ giữ gìn sức khỏe, cố gắng điều trị để sớm trở lại với công chúng và có thêm nhiều đóng góp cho nền âm nhạc với tấm lòng, tâm huyết và tài năng của một nhạc sĩ cách mạng. Y.Anh |
Nguồn: Nhạc sĩ Hoàng Vân - Một đời cho âm nhạc - hoinhacsi.vn