Tài viết thư pháp đẹp tựa tranh
Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh ra trong một gia đình Nho học, cha và ông nội của ông đều là nhà Nho, bởi vậy ông được học chữ thánh hiền từ thuở còn thơ bé.
Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng thừa nhận rằng, tính cách nhà Nho cũng ảnh hưởng nhiều đến cốt cách của ông sau này, dù âm nhạc ông luôn hào sảng, khỏe khoắn, nhiều bài mang đậm dấu ấn anh hùng ca, nhưng con người ông, tính cách của ông, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn điềm đạm, nhỏ nhẹ, ôn hòa.
Dường như, không điều gì làm cho ông có thể nổi nóng, to tiếng hay bất đồng, cãi vã...
Ở tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Hoàng Vân có một niềm say mê nữa là vẽ tranh và viết thư pháp bằng chữ Hán cổ, điều mà ông đã học được từ thời tóc còn để chỏm ngồi mài mực cho cha mình.
Ông dành toàn bộ thời gian để kỳ cọ mài mực tàu bút lông đắm mình theo xúc cảm của sắc màu và đường nét.
Nhạc sĩ Hoàng Vân bên bàn viết thư pháp của mình
Ông bảo rằng, càng về già, chơi chữ với ông lại càng trở thành một thú vui không thể thiếu, nó như một nguồn dinh dưỡng tinh thần, giúp ông suy nghĩ uyển chuyển và tinh tế hơn. Nghệ thuật thư pháp còn giúp ông rèn được chữ “nhẫn”, giữ được sự tĩnh tại, thăng bằng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thư pháp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một thứ tiêu dao, như dấu lặng trong bản nhạc. Có lẽ nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những người Việt cuối cùng biết và viết được chữ Nho.
Ông viết thư pháp tài đến nỗi nhiều người còn lầm tưởng ông là người Hoa trong khi vị nhạc sĩ là dân Hà Nội chính gốc và chỉ đi học nhạc tại Bắc Kinh 7 năm. Là một thư pháp gia có tài nhưng với ông: "viết là để giữ nếp nhà, gia phong".
"Thư pháp gia là những người chơi chữ, viết chữ một cách đầy sáng tạo và đầy cá tính". Quan trọng hơn, nghệ thuật thư pháp với ông còn là "một lối chơi chữ, một phong cách độc đáo".
Có lẽ vì thế mà chữ Hán cổ ông viết ngay cả những người học chuyên cũng không đọc nổi. Để trở thành một thư pháp gia, người ta không chỉ cần cá tính mà còn cần đến năng khiếu hội hoạ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân từng học hội hoạ nên cũng dễ hiểu khi những bức thư pháp của ông đều có tính tạo hình, đẹp tựa như một bức tranh, viết chữ mà tựa như vẽ.
Ông thảo hàng chục bức thư pháp đã có lời đề tựa sẵn cho từng người từ ông bạn già Lê Huy Ngọ đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Tô Vũ... Mỗi bức thư pháp không chỉ gửi gắm cái tình của người viết mà còn phải phù hợp với cá tính của mỗi người được tặng, để họ nhận ra mình sau mỗi nét vẽ.
Nhờ cái tài trời phú ấy mà giữa hàng triệu bức thư pháp người ta vẫn dễ dàng nhận ra nét bút của Hoàng Vân.
Bức thư pháp “Thi nhạc giao duyên” của Hoàng Vân
Sang Paris, ông viết thư pháp cho con cháu xem và chính họ cũng kinh ngạc vì khả năng ấy bởi ông vốn không phải người hay khoe. Chữ của ông có cá tính, đẹp lạ lùng.
Nhiều người nghe tiếng thường đến xin ông chữ. Thậm chí có người khuyên ông đi bán chữ nhưng ông chỉ quan niệm thư pháp là thú chơi, cho chữ thì được chứ bán thì không bao giờ.
Ông bảo với những thư pháp gia ngoài hiểu về chữ Nho còn cần phải có cá tính nên ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một người chơi thư pháp mà thôi.
Cả cuộc đời gắn liền gác xép tầng 2 nhà số 14 phố Hàng Thùng
Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Vân người ta còn nhớ đến câu chuyện, cả cuộc đời ông chỉ ở căn nhà tại ngõ 14 Hàng Thùng, trên gác xép tầng 2 chật chội, nhưng đây là căn nhà mà ông đã gắn bó suốt từ thời thơ ấu cho tới tận bây giờ.
Con ngõ ở khu phố cổ chật chội đến nỗi, một xe máy đi vào phải luồn lách rất khéo thì mới không vướng vào hai bên tường...
Nhạc sĩ Hoàng Vân bên cạnh vợ
Ngôi nhà bây giờ đã rất cũ, ấn tượng nhất về sự cũ ấy là cái cầu thang gỗ tôi tối đi lên tầng 2 có phòng ở của gia đình nhạc sĩ.
Trong một cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Hoàng Vân từng nói: "Không phải có mấy người sống ở phố cổ từ lúc sinh ra đến năm hơn 80 tuổi như ông, đó cũng là một điều thú vị".
Có lẽ, nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong số các nhạc sĩ hiếm hoi thành công trên nhiều phương diện sáng tác, từ khí nhạc đến ca khúc cho người lớn, ca khúc thiếu nhi, ca khúc cho các ngành, ca khúc cho phim.
Vì thế mà ai cũng nhớ lời ông bảo: “Sáng tác là công việc cả một đời người. Vừa sáng tác vừa học. Là nhạc sĩ sáng tác cũng tựa như con tằm, phải ăn nhiều, rồi phải nhả tơ, nên tôi luôn trang bị cho mình những hành trang mới.
Bây giờ viết hip hop cũng có thể viết được, nhưng những cái đó không thuộc về thế hệ chúng tôi. Chúng tôi hợp với chất trữ tình, anh hùng ca, với tình yêu quê hương đất nước”.
Bài viết nguyên bản ở đây: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhac-si-hoang-van-con-la-nha-thu-phap-tai-hoa-3352260/