« Thời kỳ này tôi là bộ đội, đại đội độc lập vừa tuyên truyền tỏng hậu địch vừa cầm súng chiến đấu trong suốt vùng Tây Bắc, từ Lào Cai – Yên Bái đến Sơn La – Lai Châu. Là thanh niên Hà Nội có biết đàn hát, chưa bao giờ có nghĩ sáng tác nhạc để trở thành nhạc sĩ. Năm 1951, tôi bắt đầu sáng tác một vài bài mục đích làm bích báo dán ở Trung đoàn, được anh em trong đơn vị chuyền tay nhau hát. Khi tôi được lên chức Đại đội phó thì đơn vị điều sang Trung đoàn 165 (Trung đoàn Giao Hà theo cách gọi bí mật lúc bấy giờ). Về Trung đoàn, tôi được phân công làm báo, công tác địch vận, do tiếng Pháp, tiếng Anh thành thạo nên được cấp trên tín nhiệm.
Ca khúc đầu tiên được in là bài Chiến sĩ Tây Bắc do anh Trần Dần tình bày bìa vẽ rất đẹp, rồi in li-tô, tôi nhớ là vào năm 1951. Đến cuối năm 1953 đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đến Điện Biên tôi được phân công đi đón một số anh em văn nghệ sĩ do binh trạm đưa về trong đó có anh Đỗ Nhuận, anh Tô Hoài và nhiều anh em khác tôi không nhớ hết. Tôi là người trực tiếp lo nơi ăn, chốn ở cho anh em, gian khổ vất vả lắm, đi lại toàn dưới giao thông hào, bản thân tôi là cán bộ chính trị, nhwung lúc nào cũng phải đeo súng, đeo xẻng bên người để mỗi lần di chuyển đào cho mình một hầm trú ẩn tránh bom đạn. Trong đơn vị của tôi có một tiểu đoàn tham gia kéo pháo. Những tời,xà beng, búa chim, dây thừng, dây chão từng bó là dụng cụ để kéo pháo vào mặt trận. Tôi là người không tham gia trực tiếp kéo pháo, nhưng đã được quan sát và nghe số anh em trong đơn vị kể lại sau những lần đưa pháo vào mặt trận rồi lại có lệnh kéo pháo ra. Những câu chuyên về gương anh dũng hy sinh của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo quyết không cho lao xuống vực, những hy sinh mất mát do bom từ máy bay địch….
Vào một đêm mùa đông lạnh giá, tôi đang ngồi dưới hầm đột nhiên có một con gà rừng từ đâu lao xuống chỗ tôi nằm rồi lại vỗ cánh phành phạch bay vút lên, lúc sau cất tiếng gáy vang, tôi đoán khoảng gần về sáng. Từ bấy giờ tôi không sao chợp mắt. Rồi tự nhiên trong đầu hình thành ý thơ, nét nhạc với những ca từ. Tôi say sưa viết rồi lại sửa, rồi lại mang đàn ra hát, chỉ vài ngày sau ca khúc HKP ra đời. Một lần tình cờ chính trị viên qua đơn vị tôi ở thấy bản nhạc vừa sáng tác để nghị tôi dạy hát, thấy hay quá liền phổ biến rộng rãi đến các đại đội để anh em văn nghệ ca hát phục vụ chiến đấu. Sau này Đại hội liên hoan văn nghệ toàn quân tháng 11/1954 tại thủ đô Hà Nội, bài HKP được trao giải nhất. Nhưng lúc đó tôi đã lên đường sang Bắc Kinh tu nghiệp.
…Đi thực tế ở Quảng Bình là cả một đoàn văn nghệ sĩ trong đó các nhạc sĩ của Đài như anh Hồ Bắc, anh Phạm Tuyên, bên văn thơ có anh Xuân Diệu, nhà văn Bùi Hiển, khoảng hai mươi người. Khi đến Quảng Bình anh em chúng tôi tỏa xuống các huyện, xã để làm việc. Riêng tôi thâm nhập ngay đề tài nghiên cứu về dân ca các vùng miền Quảng Bình. Vào các buổi tối các mẹ, các chị thường tập trung nhau lại ca hát những làn điệu hay lắm, lạ lắm. Vừa nghe, tôi lấy mẩu bút chì nhấm nước bọt rồi ghi trên những trang giấy dó vàng khè. Hát đến đâu tôi ghi lại đến đó, ghi cả nhạc lẫn lời. Tôi ghi chép tổng cộng được khoảng 30 bài hát ở mỗi làng, xã khác nhau. Sau này ca khúc Quảng Bình quê ta ơi được phổ biến rộng rãi, có người hỏi tôi « Ông là người ở đây hay sao mà thuộc từng làn điệu, dân ca vùng miền rõ thế ». Muốn sáng tác một ca khúc dân ca vùng miền nào đó thì người nhạc sĩ phải tìm hiểu sâu ngôn ngữ âm nhạc nơi đó, chính vì vậy trong ca từ, nét nhạc của Quảng Bình quê ta ơi nó đã toát lên được con người, cuộc sống lao động của người dân Quảng Bình