Web-Internet

Kỷ niệm qua lời kể của con gái | Tác giả: Lê Y Linh - hoinhacsi.vn

01/10/2023   231

Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng con gái Y Linh và con trai Phi Phi

Ngôi nhà trên căn gác hai trong phố cổ ngày ấy còn nhìn thấy mặt trời mọc buổi sáng và một tán bàng lẻ loi mọc trên đê sông Hồng, nhìn sang cả gác hai nhà số 10 là nơi ở của một chi họ nội. Trong chi họ này có gia đình nhà thơ Lê Nguyên và nhà điện ảnh Đỗ Phương Thảo. Anh Lê Nguyên gọi bố tôi là chú họ, hai con là Lê Thiết Cương và Lê Thiếu Hoa tầm tầm tuổi tôi và em tôi, nhưng lại phải gọi chúng tôi là cô chú. Cùng làm nghề nghệ thuật trong chiến tranh nên thân lắm.

Hà Nội hồi đó vẫn được coi như chỉ có bốn quận nội thành, ít dân, cũng không nhiều nghệ sĩ trí thức, cứ nói đùa là cả nước biết nhau. Cũng không biết là mọi người biết nhau thật hay vì bố tôi nổi tiếng, nhưng đúng là đi đâu thì cũng giới thiệu là cháu là con nhạc sĩ Hoàng Vân, thì ai cũng biết và đặc biệt rất quý trọng, kể cả bây giờ. Lúc đó đang thời chiến và rồi hậu chiến, cũng không có cánh cửa nào mở rộng hơn chào đón mình hay dịp may nào đặc biệt mang cho mình lợi ích gì nhưng chắc chắn là lúc nói cháu là con bố Hoàng Vân thì mười người cười thiện cảm cả mười. Và mình thì trong lòng cũng rất tự hào và hơi tự kiêu chút. Mặc dù thật ra cũng không biết là tại sao lại tự hào về bố mẹ thế.

Ngày bé tí tẹo tôi chả nhớ gì, chỉ nhớ những đợt đi sơ tán. Có đợt đi với với các anh chị họ đằng mẹ ở Hà Đông, hay là hồi bé nữa, năm em tôi ra đời (1967) thì đi luôn với mẹ và bà giúp việc sang chỗ mẹ làm việc ở Đông Anh. Năm 1960 bố tôi đi học ở nhạc viện Bắc Kinh về, mẹ tôi tốt nghiệp trường Đại Học Y khóa đầu, hai người làm đám cưới. Sau đó mẹ tôi được điều làm việc ở bệnh viện Bạch Mai, và bệnh viện Đông Anh. Lúc sau sự kiện vịnh Bắc bộ thì cả nhà tiện sang đó sơ tán luôn, bố ở lại Hà Nội, hồi ấy ông công tác ở Đài. Lần đầu về quê, nhớ kỷ niệm xuống ao rửa chân sợ đỉa, chạy ra đồng rầm rầm theo người lớn xem phi công Mỹ nhảy dù bị bắt. Cũng có một dạo đi sơ tán ở Quốc Oai, đêm sáng trăng đi ra đường làng chơi ngoài đường còn sáng hơn trong nhà ngắm bóng tre lào xào theo gió, vừa thích vừa rất sợ ma. Còn ở trong nhà có ngọn đèn dầu lù mù, tôi nhớ hồi đó ở làng họ bện tre làm dây thừng bằng một cái máy thủ công, mình vào bện thử không quay nổi mươi vòng đã rã tay ra rồi. Bố đi thực tế sáng tác triền miên khắp mọi miền đất nước, lúc không đi công tác thì làm việc ở đài ngày đêm, thu nhạc, sáng tác, chỉ huy, ít khi chúng tôi gặp bố. Nhưng hồi năm 1972 thì lại được đi với bố, ở trong khu tập thể của Đoàn Ca múa Tuyên Quang, sau này đọc báo mới biết là bác Nguyễn Đình Thi gửi xe tới đón ba bố con và gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi khỏi Hà Nội lúc sắp có thể bị oanh tạc ác liệt trong đợt Hà nội 12 ngày đêm, mẹ phải ở lại Hà Nội trực.

Lúc bé tôi không có nhớ là được nghe Quảng Bình quê ta ơi hay khúc Tâm tình người thủy thủ. Ở phố Hàng Thùng trong chiến tranh, radio là của hiếm quý. Tác phẩm của bố tôi sáng tác xong đưa đi Đài Tiếng nói Việt Nam thu, hay đưa đi các đoàn văn học nghệ thuật biểu diễn, không còn dấu vết bản thảo nào ở nhà nên không xác định được ngày viết của tác phẩm. Lúc bố tôi mất đi và chúng tôi làm bảo tàng số trên trang web của ông đi tìm không còn thấy. Lên Đài Tiếng nói Việt Nam hỏi, nhạc sĩ Cát Vận nói rằng trong một đợt cháy nào đó những năm 80 của thế kỷ trước, kho bản thảo không còn giữ được gì nữa.

Thế rồi chúng tôi lớn lên, đi học, đi làm, đi ra nước ngoài tu nghiệp. Đầu những năm 1980, sức sáng tác của ông ở độ sung sức nhưng ông ít công bố tác phẩm hơn. Từ những năm 1990, cơ cấu tổ chức của các cơ quan văn hóa thay đổi nhiều. Chúng tôi không ở nhà, căn nhà cổ tràn ngập đồ đạc, sách vở không sắp xếp thứ tự, không ai cập nhật kỹ thuật số để bố sống được trong âm nhạc như xưa. Nhưng bố tiếp tục viết, sáng tác, ấp ủ tác phẩm. Điện Biên Phủ - Trên chiến trường không bao giờ quên và hai bản giao hưởng ra đời trong thời kỳ này cùng một loạt bài thiếu nhi, bài cho chương trình TV, tình ca, tỉnh ca, phổ thơ, nhạc múa rối… Đau đáu lòng nhớ các con cháu, nhưng ông có một cuộc sống rất sôi động và đa dạng giữa lòng bè bạn và người hâm mộ.

Khoảng xung quanh năm 2000, ông bị hẹp động mạch, đã đặt một sten và sau đó ông tiếp tục cuộc sống và sáng tác.

Tới năm 2012, bố đã yếu hơn trước, không còn đi xe máy đi lên căn nhà trên Võng Thị tụ họp hát hò với các học trò nữa. Hai ông bà không muốn đi đâu khác ở, chúng tôi về dọn dẹp sửa sang lại căn gác trong phố cổ, gom góp hết bản thảo tìm được và chụp lại. Rồi tôi cố thu xếp để bố nghe lại được những bài hát xưa. Và bố thật hạnh phúc khi nghe lại những tác phẩm của mình, kể cả những lúc ốm gian nan nhất năm 2014 và 2015.

Đầu năm 2014, khi ông 84 tuổi, ông vào nằm bệnh viện lần đầu tiên. Tuy nhiên ông được về nhà lại sau một tháng. Từ đó, ở nhà phải thuê một người giúp việc. Phi Phi về hai năm một lần, hơn một tháng đầu năm xung quanh Tết và gần hai tháng dịp nghỉ hè, hai ba năm nếu thu xếp được về cùng vợ và cháu nội Adam Linh. Y Linh thì tranh thủ khi đi công tác ghé qua vài ngày đến mươi ngày, một năm ba bốn bận. Anh cháu ngoại, Anh Tú, đã đi làm từ 2010, mỗi năm tự mua vé về chơi với ông bà khoảng một tháng mùa hè. Thế là coi như các cụ cũng thỏa nỗi gặp con cháu. Là mình coi như vậy, chứ không hỏi ý kiến các cụ, mà các cụ cũng không đòi hỏi gì bao giờ. Chỉ biết là lúc về thì mừng, mừng lắm, và mấy hôm trước khi đi thì hai cụ nằm thượt, nhất là hôm đi… Thượt từ sáng đến tối.

Tháng 6 năm 2015, ông phải vào bệnh viện mổ, Linh về mang ông đi mổ. Mổ xong Linh phải quay về Pháp. Trong thời gian hậu phẫu, ông bị cấp cứu trợ tim ngay trong bệnh viện, từ đó biến chứng sang những căn bệnh mãn tính ẩn giấu hiện lại, làm ông phải ở lại gần ba tháng. Phi về Hà Nội lo cho ông. Bà cũng bị đột ngột phát hiện bệnh và nhập viện. Những ngày đầu tháng 8, Phi phải đi Sài gòn diễn, nên Linh phải quay lại Hà Nội gấp cùng Anh Tú, cháu ngoại ông, lúc đó đang ở Hà Nội, để trông nom ông bà trong bệnh viện.

Nhà 1, bệnh viện Hữu Nghị. Giữa mùa hè Hà Nội cháy bỏng. Bà nằm ở một tầng, ông nằm một tầng vì bệnh không giống nhau. Nằm lâu, phổi yếu, tim yếu, ông không đi lại được nữa. Linh nói với ông “Bố phải tập đi”, ông bảo “Thôi con à, bố không thể đi được nữa đâu, Linh kiếm cho bố cái xe đẩy” “Không được bố, nếu bố ngồi lên xe đẩy thì bố sẽ không bao giờ đứng dậy đi lại được nữa, bây giờ chọn con đường tập đi là con đường khó khăn hơn ngồi xe đẩy, nhưng bố vẫn bảo con là nếu có hai con đường trước mặt bao giờ con cũng nên chọn con đường khó hơn, vậy mình phải chọn con đường tập đi thôi ạ”. “Bố sợ không biết có đứng dậy tập được không”. “Con sẽ tập cho bố lúc nào bố đi được thì con về nhà con”. Ông đu người đứng dậy từ chiếc xe đẩy, tập miệt mài trong ba tuần theo nhịp Hò kéo pháo. Và ông đi lại được cho đến ngày cuối đời.

Sau thời gian này ông viết nhạc ít hơn, nhưng ông không bao giờ chịu ngừng nên làm thơ, và khi nàng nhạc nàng thơ không tới, ông chép lại các cuốn tiểu thuyết cổ điển bằng tiếng Anh và tiếng Pháp để giữ bút pháp và trí nhớ của mình.

Chúng tôi tiễn bố bằng âm nhạc của ông trong ngày tang lễ. Bút danh “nhạc sĩ Hoàng Vân” là tượng trưng cho cả cuộc đời của bố tôi, một cuộc đời gắn liền và hóa thân trong âm nhạc. “Viết tặng cho đời” như ông thường nói. Ngày tiễn ông đi, chúng tôi chọn chỉ để bút danh của ông mà không để “tên cúng cơm” Lê Văn Ngọ. Vì ông đã sống cả cuộc đời trước hết và duy nhất với sứ mệnh sáng tác âm nhạc dường như được chỉ định từ trước khi sinh ra, và ông đã rất tự hào đã hoàn thành sứ mệnh ấy.

Nhớ đến bố, điều tôi nhớ đầu tiên bao trùm tất cả là tính lạc quan và hoài vọng chân, thiện, mỹ. Âm nhạc của Hoàng Vân được mọi người yêu thích cũng bởi tính lạc quan, những chủ đề tuổi trẻ, mùa xuân, đất nước, con người… được hát lên bởi những giai điệu đẹp không bao giờ quên được. Mỗi lần tôi nhớ bố muốn khóc, tôi nghe lại “Khi những đàn chim én ríu rít tung bay trên nền trời nắng đẹp”, “Mùa xuân tới chim én ơi, mùa xuân tới rồi chim én ơi, chào xuân mới bay khắp nơi, chào xuân mới lượn bay khắp nơi”… Vẫn không kìm được nước mắt, nhưng không rơi vào bi lụy trầm cảm, đó cũng chính là sức mạnh bố để lại cho gia đình.

Trên hàng trăm tác phẩm của ông, nếu phải chọn một câu để đời, như một phương châm sống mà ông tích tụ nhắn nhủ có lẽ đó là câu: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Trong một cuộc đời, làm gì cũng phải nghĩ đến tương lai, dù gần hay xa, thì mới có được một cuộc đời hữu ích. Bao nhiêu tinh hoa của kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam mà ông vẫn dạy dỗ chúng tôi hàng ngày ngay cả khi chúng tôi đã trưởng thành được đúc kết trên phiên bản hiện đại này. Hữu ích cho người khác là hạnh phúc của mỗi cá nhân, tôi tạm bình lời cha dặn như vậy.

TS Lê Y Linh
Cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Lịch sử cận đại và hiện đại - Trường Cao đẳng Sư phạm Paris (IHMC-ENS - Institut d’Histoire Moderne et Contemporaine-Ecole Normale Supérieure Paris).
Thành viên của Hội Âm nhạc dân tộc học Pháp (SFE-Société Française d’Ethnomusicologie). 
 

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam