Chị Lê Y Linh – tiến sỹ âm nhạc, ái nữ của cố nhạc sỹ Hoàng Vân (1930 – 2018) - trong lần từ Pháp về Việt Nam gần đây nhất đã cho tôi biết: Chị đang kiện toàn một tập sách viết về người cha rất đỗi kính yêu để xuất bản. Biết tôi có nhiều kỷ niệm và rất hiểu ông, chị mời tôi viết một bài về cha mình. Đương nhiên là tôi hào hứng nhận lời. Nhưng phải vượt qua một điều: Viết về Hoàng Vân thì đã có quá nhiều người thực hiện. Họ là những nhà báo, nhà lý luận âm nhạc, các nhạc sỹ sáng tác có quan hệ gần gũi với ông. Nhắc đến sự nghiệp sáng tác đồ sộ với những thành tựu sáng chói của ông thì không khó vì tôi đã thuộc lòng gần như tất cả những ca khúc nổi tiếng và cũng nghe hết những tác phẩm khí nhạc ông cho ra đời. Nhưng nếu chỉ ca ngợi sự nghiệp của ông thì chẳng khác nào khen “phò mã tốt áo”. Sẽ chẳng thể có từ ngữ nào đích đáng hơn những từ ngữ mọi người viết về ông đã sử dụng. Tôi bèn nghĩ tới một hướng tiếp cận khác: Nhắc lại đôi kỷ niệm với Hoàng Vân. Qua đó, người đọc sẽ hiểu thêm về cung cách làm việc, phong cách sáng tác, tâm hồn, nhân cách của tài năng lớn này.
Tôi nhớ lần đầu tiên tiếp xúc với Hoàng Vân là một ngày mùa hè năm 1965 -1966 gì đó. Lúc này, tôi đang là một cậu sinh viên văn khoa, đã thuộc lòng và vẫn thường xuyên hát mấy bài khi đó rất nổi tiếng của ông: “Hò kéo pháo”, “Những cánh buồm”, “Tâm tình người thủy thủ”, “Nhớ”, “Quảng Bình quê ta ơi!”…Được biết nhà riêng của ông ở 14 phố Hàng Thùng (Hà Nội), từ nơi sơ tán tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), tôi về Hà Nội, tìm đến làm quen với ông. Lúc này tôi đã quen biết một số nhạc sỹ làm việc ở Đài TNVN, đều được họ cho biết Hoàng Vân rất “kiêu”, có phong thái lạnh lùng, không dễ tiếp cận. Tôi vô cùng ngần ngại, đã định từ bỏ ý định. Nhưng nhạc sỹ Lê Lôi (lúc đó là phó Ban Âm nhạc của Đài) nói với tôi: “- Đó là với nhiều người. Còn với cậu – một sinh viên văn học, trẻ, lại rất hâm mộ nhiều tác phẩm của cậu ấy thì có thể cậu ấy không như thế mà sẽ hào hứng tiếp cậu”. Nghe Lê Lôi nói vậy, tôi yên tâm, mạnh dạn đế gõ cửa tác giả “Hò kéo pháo”. Sau tiếng gõ cửa, tôi thấy một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi, to, cao, có gương mặt đẹp, phương phi, rất trí tuệ, ra mở hé cửa, chỉ đủ đế thò cái đầu ra hỏi tôi: “- Anh tìm ai?”. Tôi nghĩ ngay đó chắc chắn là người mình cần gặp. Quả là tôi thấy ngần ngại vì từ lối xưng hô đến cái cách chủ nhà không mở rộng cửa – tức không có ý muốn khách vào nhà – cho tôi cảm giác đúng như mọi người nhìn nhận về vị.
Tôi mạnh dạn cất lời:
- Thưa anh. Em là…rất hâm mộ nhạc sỹ Hoàng Vân, xin được đến thăm nhạc sỹ ít phút ạ.
Chủ nhà vẫn duy trì nét mặt cũ: Lạnh lùng, không một chút gì tỏ ra hào hứng tiếp tôi. Tuy vậy, đã mở cửa rộng hơn và mời tôi vào nhà, nhưng kèm câu nói:
- Cảm ơn. Nhưng tôi chỉ có thể tiếp anh chừng mươi phút vì sắp phải đến cơ quan.
Tôi hiểu ông nói vậy là để nhắc khéo tôi không ngồi lâu chứ ông sẽ chẳng ra khỏi nhà vì lúc đó đã hơn 10 giờ sáng và mọi cơ quan đã đi sơ tán hết. Phố xá Hà Nội vắng tanh. Tuy nhiên, tôi có cảm tình nhiều với ông bởi phong thái lịch lãm, nói ít nhưng khúc triết, mạch lạc. Và tôi hiểu được, còn thông cảm, thậm chí là ưa thích thái độ ban đầu của ông. Những người tài ba, rất có ý thức về bản thân đương nhiên là như thế. Không thể chờ đợi ở họ sự vồn vã, nồng nhiệt ở những phút ban đầu đối với người xa lạ. Còn về sau, thái độ họ thế nào sẽ tùy thuộc ở đối tượng tiếp xúc có khiến họ cảm tình hay không. Tuy lúc đầu ông nói chỉ có thể tiếp tôi mươi phút nhưng qua đi vài chục phút, tôi không thấy ông có biểu hiện cần ra khỏi nhà nên đã cho phép mình nấn ná thêm. Bỗng ông hỏi tôi:
- Bạn có thể nói lý do bạn đến gặp tôi. Bạn cần gì ở tôi, cứ nói?
- Thưa anh, không có việc gì ạ. Chỉ là em ngưỡng mộ anh nên tò mò muốn được tiếp xúc thôi ạ. Tuy nhiên, em cũng muốn luôn thể tìm hiểu cơ duyên ra đời những bài hát nổi tiếng của anh. Nhưng có lẽ phải dịp khác vì bây giờ đã muộn.
Tôi nói câu ấy khi thấy đã quá 11 giờ, cần để ông ăn trưa và nghỉ ngơi. Lúc đầu, ông xưng hô với tôi là “anh”, “tôi” mặc dù biết rõ tôi mới đang là một cậu sinh viên ở tuổi 18, đôi mươi khiến tôi rất ngại. Sau, ông chuyển sang gọi tôi là “bạn”. Sau nhiều lần tiếp xúc thêm, ông xưng hô “San, mình” và duy trì đại từ nhân sinh này suốt nhiều chục năm, cho đến cuối đời.
Khóa sinh viên chúng tôi nằm gọn trong 4 năm cao trào nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ (1964 -1968) nên phải sơ tán suốt. Lâu lâu nhớ nhà, tôi lại kiếm cớ xin về Hà Nội. Lần nào tôi cũng ghé đến thăm Hoàng Vân. Hồi đó, không có điện thoại nên không thể liện hệ trước. Tôi đến “hú họa” nên nhiều lần ông không có nhà. Ông vắng nhà khi đó chỉ có thể là lên chỗ Đài TNVN sơ tán. Ở ngoải cửa nhà ông bao giờ cũng treo một cuốn sổ nhỏ và cây bút chì để ai đến không gặp ông, có thể viết vài dòng nhắn lại. Hồi đó, ở nơi sơ tán, bên cạnh nỗi nhớ bố mẹ, nhớ một đôi mắt đen láy mỗi lần nhìn tôi cứ như xoáy vào trái tim, tôi rất nhớ Hoàng Vân – người nhạc sỹ tài ba mình rất đỗi ngưỡng mộ cả tác phẩm lẫn phong cách. Khi nói chuyện, ông hay luồn năm ngón tay vào mái tóc cắt ngắn rồi gật gù mỗi khi tâm đắc điều gì kèm từ “Rồi! Rồi!” Tôi nhớ mãi những điều ông nói về âm nhạc, về sáng tác. Ông tỏ ra thông thái và uyên bác không chỉ âm nhạc mà còn mở rộng sang các lĩnh vực văn nghệ khác như văn, thơ, sân khấu, điện ảnh, hội họa. Thật dễ hiểu bởi ông từng viết nhạc cho nhiều bộ phim và vở kịch nói nổi tiếng như “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Mối tình đầu”, “ Khói trắng”, “Ni-la cô bé đánh trống trận”, vũ kịch “Chị Sứ”…Tri thức của ông đa dạng và sâu sắc luôn lôi cuốn tôi khiến lần nào gặp ông xong, tôi cũng thấy thời gian quá ít ỏi. Ông nói về văn học Pháp, Nga, về chủ nghĩa cổ điển, lãng mạn phương Tây cứ như một giáo sư giỏi ở đại học vậy. Một lần, tôi cho đăng một bài viết có tên “Nhạc sỹ nốt và nhạc sỹ chữ” trên một tờ báo chuyên về VHNT có ý muốn nói nhạc sỹ ở nước ta hiện nay đa phần mới chỉ là “nhạc sỹ nốt” chứ rất ít người là “nhạc sỹ chữ”. Trong số quý hiếm nhạc sỹ có tri thức toàn diện về văn hóa (fon de culture) ở nước ta hiện nay, có thể nói Hoàng Vân xếp ở tốp đầu. Tôi học chuyên ngành văn học nhưng nói chuyện với ông, vẫn luôn cảm thấy mình còn nông, mỏng về kiến thức. Thì ra ông đã đọc khá nhiều tác phẩm lớn của thế giới và nhiều sách về lý luận văn học cũng như mỹ học.
Một lần, khi tôi đã trở thành nhạc sỹ, ông hỏi tôi: “- Nếu người ta hỏi San bình luận về những tác phẩm của mình, cậu trả lời sao? Rất vắn tắt xem nào?” Tôi trả lời: “-Hoàng Vân là phép cộng của truyền thống và hiện đại, của dân gian và bác học, của cảm xúc được thăng hoa ở mức tối đa và trí tuệ trác việt. Nhưng không thể tách bạch được hai số hạng của phép cộng đó mà nó gắn chặt, nhuần nhuyễn để chỉ có thể cảm mà không thể đong, đếm”. Tôi cứ tưởng ông phải thú vị lắm với lời bình luận rất chân thành của mình. Nhưng ông tỏ ra đăm chiêu, mắt nheo lại, khẽ gật gù và nói: “-Có đề cao mình quá không? Liệu có đạt được như vậy không?” Tôi khẳng định, không chút dè dặt: “-Không. Anh hoàn toàn chính xác như vậy. Nhạc sỹ Việt Nam đương đại, rất ít người đạt được điều này”. Rồi ông hỏi có điều gì trong các ca khúc của ông mà công chúng muốn đòi hỏi thêm. Ông yêu cầu tôi nói thoải mái. Tôi nói ca khúc của ông có thể nói là toàn bích. Tất nhiên mức độ thành công ở các bài có khác nhau giống như mọi tài năng khác. Nếu có gì gọi là nhược điểm của tác phẩm chỉ ở chỗ: Ông công phu, khó tính với việc viết nên tác phẩm bao nhiêu thì khi viết xong lại dễ dãi trong việc đặt tên bấy nhiêu. Tôi dẫn chứng: Cứ viết về đâu là ông gọi luôn tên nơi đó (hoặc “bài ca”): “Quảng Bình quê ta ơi!”, “Bài ca Vĩnh Linh”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Bài ca bên tay lái”, “Bài ca pháo kích”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Bài ca trên nhịp cầu thương nghiệp”…Tôi cũng nói với ông là ông hay kể lể dài dòng trong bài hát mà điều này là tối kỵ. Tuy nhiên cách kể của ông lại rất có duyên. Kể một cách thú vị, dài dòng văn tự mà vẫn cuốn hút người nghe. Người ta thích cái lối kể lể của ông (Ví như các bài “Hò kéo pháo”, “Bài ca người thợ lò”, “Tình ca người thợ mỏ”, “Nổi trống lên rừng núi ơi!”, “Tình yêu của đất và nước”…)
Biết Hoàng Vân cũng có ít nhiều thiện cảm với mình, tôi đặt vấn đề được đến học sáng tác ở ông sau khi đã có một số ca khúc được phát trên Đài TNVN lúc đang còn là sinh viên (ở buổi phát thanh Binh vận do cố nhạc sỹ Trọng Loan phụ trách). Hoàng Vân nhận lời nhưng ra điều kiện: Hãy thử vài buổi xem tôi có tiếp thu được không đã. Ông nói rằng biết sáng tác, thậm chí sáng tác hay là một chuyện. Học là chuyện khác. Không thiếu người thậm chí đã có những ca khúc nổi tiếng mà không thể theo học lâu dài. Tôi hiểu ý ông nên đề nghị cách học là viết được bài nào đem đến cho ông sửa. Qua đó sẽ học được nhiều ở ông.
Hoàng Vân có lối ứng xử với khách rất… Hà Nội: Với người xa lạ, ông thường rất xã giao, có thể nói là khách sáo. Chỉ khi thân thiết, gần gũi, ông mới chân thành vạch vòi, chỉ bảo những khiếm khuyết của họ. Tại nhà ông, tôi chứng kiến nhiều lần có những người sáng tác đến muốn ông góp ý để sửa chữa tác phẩm. Nhìn bản nhạc, ông hát ngay lên giai điệu rồi phán: “- Được rồi anh ạ. Không có gì cần sửa. Tìm người hát hay, bài sẽ hiệu quả hơn…” Đại khái là ông cứ khen rất chung chung mang tính động viên. Nói cho xong để họ ra về. Rồi ông nói với tôi: “-Tâm lý ai cũng thích khen. Đọc bài họ, mình biết họ không thể phát triển được trong nghề sáng tác nên chẳng mất gì mà nói như thế”. Nhưng với học trò thực thụ, trong đó có tôi – tuy chỉ là “học mót” chứ không ngồi ghế trường nhạc, ông chê thẳng thừng và khoanh bút đỏ chi chít những chỗ cần sửa. Tôi không sao quên lời ông dặn: “-Viết xong một bài đừng có say sưa, yêu nó quá mà tung ra ngay. Hãy cứ để đó, vài tháng sau, có khi cả năm sau mang ra suy ngẫm thêm, hát đi hát lại, sẽ thấy có chỗ cần sửa”. Và ông đã làm đúng như thế. Ông kể rằng để viết ra một bài, không mất nhiều thời gian, có bài chỉ sau một vài giờ là xong. Nhưng hãy coi đó chỉ là phác thảo dẫu đã có nhiều người ưa thích. Thời gian tu chỉnh, hoàn thiện mới đáng kể. Trừ những bài cần xuất hiện kịp thời như “Nhớ lời Bác” hay “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”, còn thì không vội vàng gì. Thảo nào mà các ca khúc của Hoàng Vân luôn hoàn cỉnh, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ nhất, khó có thể thay đổi khác.
Hồi tôi đến thăm ông từ nơi sơ tán rồi học ông (tại nhà) không có việc học sinh trả công thày bằng phong bao như bây giờ. Thày sẽ nhận lời dạy trò nếu trò thực sự đam mê và có năng khiếu, triển vọng. Đã nhận lời, họ dạy vô tư, không chờ đợi bất cứ sự trả ơn nào ngoài lòng nhiệt tình học tập và cầu thị, chịu khó rèn luyện. Hoàng Vân cũng vậy. Ở Thái Nguyên có đặc sản trà Tân Cương. Tôi thường mua về biếu ông. Hồi đó (thập niên 60-70 của thế kỷ trước), vẫn phổ biến tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Chỉ được mang tối đã 1 lạng trà trên tàu, ô-tô. Mang nhiều hơn sẽ bị nhà chức trách tịch thu và lập biên bản, phạt tiền. Tôi vẫn mang quá số lượng quy định, nhưng đều chót lọt. Duy có một lần, tôi mua hẳn nửa kg về có ý biếu Hoàng Vân. Thật rủi ro, hôm đó tôi bị “tóm”. Phân trần thế nào, hai nhân viên kiểm soát cũng không tha. Thấy họ còn trẻ, người nữ nhân viên đeo băng đỏ trông khá xinh xắn và văn minh, tôi nghĩ chắc chị ta phải ưa thích âm nhạc, bèn nghĩ ra một kế. Tôi đã khai: “-Thưa anh, chị, em là sinh viên, chẳng biết buôn bán là gì. Em mua quá số lượng quy định để về biếu người thày dạy nhạc của em là nhạc sỹ Hoàng Vân. Nhạc sỹ là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng chắc anh và chị biết: “Hò kéo pháo”, “Quảng Bình quê ta ơi!”, “Nổi trống lên rừng núi ơi!”… Nói chưa hết câu, người nữ đã nói: “-Biết rồi. Toàn những bài quá hay. Nhưng cậu nói thật chứ?” “-Khổ quá, thày của em thích trà Thái Nguyên lắm”. Thế là chị ta nói người đàn ông “tha” cho tôi. Kể lại chuyện này cho Hoàng Vân nghe, ông nói: “-Các nhân viên đáng yêu làm sao! Có lẽ mình phải viết một bài về ngành thuế mới được”. Sau đó, tôi quên khuấy, không hỏi ông có viết ra không? Tôi biếu ông cả gói nửa cân trà. Nhưng ông nói phu nhân sẻ làm đôi, ông chỉ nhận một nửa, nhất định không chịu nhận cả. Tôi nhớ mãi chi tiết này.
Sau khi bài “Quảng Bình quê ta ơi” nổi như cồn, nhiều địa phương tìm đến ông nhờ sáng tác “địa phương ca”. Một lần tại nhà ông, tôi chứng kiến mấy cán bộ tuyên giáo ở một tỉnh nọ đến “com-măng” ông sáng tác. Thời gian đó ông bận nên không thể nhận lời (mà họ lại cần gấp). Họ đề nghị sẽ gửi tư liệu cho ông để ông có thể dễ dàng soạn ca từ mà không phải đến tận nơi. Ông nói với họ: “-Không được. Sáng tác cần cảm xúc và sự nắm bắt sâu sắc đối tượng. Các đồng chí cứ để lại địa chỉ, khi nào thu xếp được thời gian, tôi sẽ chủ động báo các đồng chí để tổ chức đi thực tế. Sau đó mới có thể viết”. Họ về rồi, ông nói với tôi: “-Họ quan niệm về sáng tác đơn giản quá. Đâu phải cứ có đơn đặt hàng là viết ngay được. Phải đến tận nơi mới có cảm xúc chứ. Nhạc và thơ, thiếu cảm xúc, khó viết nên tác phẩm”.
Còn rất nhiều kỷ niệm của tôi với Hoàng Vân mà tôi không thể kể hết. Tôi đặc biệt biết ơn ông khi đã chỉ bảo cho tôi nhiều điều bổ ích trong nghiệp sáng tác. Ông cũng là một trong những nhạc sỹ đã rất ủng hộ tôi trong việc gia nhập Hội Nhạc sỹ Việt Nam cách đây trên 30 năm khi mà nhiều thành viên trong Ban Chấp hành không tán thành bởi tôi không có bằng cấp về âm nhạc. Khi viết những dòng chữ này, Hoàng Vân đã vĩnh biệt chúng ta được hơn 3 năm. Nhưng với tôi – và chắc với nhiều người nữa – ông vẫn mãi còn đó, luôn hiện hữu trong thế giới tinh thần của mỗi người yêu thích âm nhạc. Tác phẩm của ông là bất hủ, bất diệt cùng năm tháng. Thờ gian chỉ càng tôn thêm giá trị vĩnh hằng trong các trước tác của ông./.