Tạp chí

Hoàng Vân trong cõi mây vàng | Tác giả: Phương Anh - Tạp chí Âm nhạc, số 3/1998, tr. 30-31

30/09/2023   83

Chàng thanh niên Hà Nội « Jin » vốn ham mê hội họa rời phố Cầu Gỗ theo gia đình ra đi từ toàn quóc kháng chiến, đã gia nhập quân đội chống vào lúc đỉnh điểm của chiến tranh chống Pháp. Nếu trong lịch sử chiến tranh không có nơi nào như Việt Nam kéo pháo lớn vượt núi nhằm khống chế điểm cao sẵn sàng pháo đối pháo với kẻ thù, thì trong lịch sử âm nhạc cũng chẳng có nơi nào lại có một điệu Hò kéo pháo. Và người làm ra điệu hò này đã bắt đầu đặt một cái tên vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Và từ đó, cuộc đời có Hoàng Vân. Trong những ngày chống Pháp, Hoàng Vân có thêm một Tin chiến thắng. Còn vang lên trong trí nhớ giọng hào sảng của Trần Khánh vút cao « Tin chiến thắng vang vang, Tin chiến thắng vang vang, Chiều xuống trên cánh đồng vui trên phố phường vang vang tiếng hát… ». Cuộc chiến tranh đã chọn cho Hoàng Vân con đường sự nghiệp của một nhạc sĩ. Và anh đã thực sự xứng đáng với sự lựa chọn này.

Mấy năm đầu hòa bình, Hoàng Vân tu nghiệp âm nhạc ở Trung Quốc. Khi đất nước bước vào thập kỷ 60, tên tuổi Hoàng Vân đã vụt sáng trên vòm trời âm nhạc ngay kề những tên tuổi đàn anh. Với công việc âm nhạc của Đài Phát Thanh tiếng nói Việt Nam, Hoàng Vân vừa phối khí vừa chỉ huy dàn nhạc khi thu thanh các tác phẩm đã duyệt. Sự bận rồn của « bếp núc âm nhạc » không những không cản trở anh trong sáng tác mà ngược lại còn gây nhiều hưng phấn. Anh bắt đầu xác lập một « kiểu Hoàng Vân » trong phổ thơ. Đấy là Những cánh buồm thơ Hoàng Trung Thông, Nhớ thơ Nguyễn Đình Thi, Tâm tình người thủy thủ trên lời thơ của Mai Liêm (Lương văn Cán, bút danh khác là Hà Nhật). Bài hát đặc sắc này lại xuất hiện vào thời điểm chưa thật thuận lợi lắm. Nó là tiền đề trong một bi kịch mà Hoàng Vân đã không tránh được. Vẫn khi ấy Hoàng Vân hoành tráng trong trường ca Tôi là người thợ lò và đặc biệt là hợp xướng Hồi tưởng nằm trong tổ khúc hợp xướng do các nhạc sĩ Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện.

Sau những giai điệu rộn ràng của dàn đồng da thiếu nhie « Trời cao trong xanh sương sớm long lanh… » lại vút lên đĩnh đạc Trần Khánh « Tổ quốc đời đời còn ghi nhớ, Những năm bốn muoi không bao giờ quên… ». Ngày ấy, với cây đũa chỉ huy, Hoàng Vân đã khóc ròng trong giọng lĩnh xướng của Trần Khánh. Và cũng ngay ngày đó, thơ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc của anh đã được trình tấu. Có lẽ đấy là những năm tháng tươi đẹp nhất của nền cộng hòa và của Hoàng Vân. Với bản lĩnh đầy tự tin, Hoàng Vân đã bước vào thế giới nhạc cho điện ảnh với phim Con chim vành khuyên.  Cho đến nay, Con chim vành khuyên vẫn là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam. Góp vào niềm tự hào ấy, có âm nhạc Hoàng Vân. Từ Con chim vành khuyên anh lại bước sang Nổi gióVĩ tuyến 17 ngày và đêm. Một tính cách âm nhạc Hoàng Vân không thể trộn lẫn được.

Tên tuổi Hoàng Vân ở thời « tam thập nhi lập » đã khiến anh trở thành niềm đam mê cho đông đảo những người yêu âm nhạc trong đó có cả những người đang tranh đấu ở miền Nam. Khi chiến tranh phá hoại lan ra khắp miền Bắc 1965, Hoang Vân bươn bả trên các nẻo đường đất nước. Vừa hoàn thành xong hợp xướng Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta cho Hải Phòng dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng, anh đã vào ngay tuyến lửa Quảng Bình. Và bài « tỉnh ca » đầy xúc động Quảng Bình quê ta ơi đã được thu thanh và phát liên tục trên đài. Nó được hát khắp nơi, hát trong cả những đám cưới thời đó. Từ trẻ con đến cụ già đều nhẩm ở đầu môi « Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới… ». Bên cạnh khúc trữ tình Quảng Bình, anh lại viết ra một hành khúc hết sức thời sự Không cho chúng nó thoát cũng làm nưc lòng biết bao thanh niên trên các ụ phòng không. Ngày ấy, cũng chỉ một đắn đo trước một gợi ý, Hoàng Vân đã bị « cặp mắt khắc nghiệt » của tổ chức thời đó tỏ ra thiếu thiện cảm. Và Bài ca người thủy thủ đã thành cái cớ để họ thỏa mãn những thâm ý. Bài hát đã được nhà bình luận âm nhạc xu thời gắn cho đủ mọi tội lỗi : Nào là yếu đuối, nào là làm mất sức chiến đấu v.v… và không hề có một văn bản nào, nó vẫn được coi như là « một bài hát cấm ». Một « bản án » không thành « án » cứ thế luồn lỏi bên trong đời sống gây nên nhiều nỗi niềm trong lòng người nghệ sĩ. Hoàng Vân chỉ còn biết chứng tỏ mình bằng những sáng tác. Lên Tây Bắc, anh có Nổi trống lên rừng núi ơi !. Đi với giao thông anh có Bài ca giao thông vận tải. Đi với pháo binh, anh có Bài ca pháo kích. Đi với vận tải, anh có Bài ca trên dường xa.Bài ca trên đường xa, anh đã đưa vào đấy khá nhiều yếu tố « nhạc nhẹ » thật quí hiếm với thập kỷ 60 ở miền Bắc. « Xe ta đi lướt nhanh trên đường, Qua bao non núi xóm thôn ruộng đồng »… và đỉnh cam vạm vỡ là hơp xướng Vượt núi. Tính cách gây cao trào ở Hoàng Vân là tính cánh vút lên một bát độ tạo ấn tượng anh hùng ca mạnh mẽ : « Vượt núi ta bước tiếp, Vượt núi ta bước tiếp… ». Sự độc đáo ở anh còn thể hiện khá vững vàng trong Chào anh giải phóng quân – chào mùa xuân đại thắng, một ca khúc thời sự cho tổng tiến công mùa xuân 1968. Bích Liên đã thật nổi trội khi cất lên « Trông lên Trường Sơn, kìa gió đã nổi, Trông ra biển đông, kìa sóng đang gầm… » vừa dạt dào, hào sảng theo nhịp chiến đấu của đất nước, anh lại chợt đắm chìm trong những cung bậc thơ đàn. Bài Mùa hoa phương nở đã gây ngay cả trong lòng người lớn tuổi những xao xuyến về những mùa hè thanh bình : « Tu hú kêu, tu hú kêu, hoa gạo nở, hoa phượng đỏ, đầy ước mơ hy vọng. Tu hú kêu, tu hú kêu, mùa quả chín vào mùa thi, Tình bạn trong sáng dưới mái trường ». Anh cứ thế song hành cùng nhiều ca sĩ trong đó đặc biệt là Trần Khánh, Bích Liên đi tới những cuốn hút mới như Bài ca người giáo viên nhân dân, Người chiến sĩ ấy…

 

Giữa những hoạt động tổng lực cả trong bề nổi, trong « bếp núc » âm nhạc, anh vẫn tiếp tục chung thủy với nhạc không lời. Nhiều bản thảo khí nhạc, tổng phổ phối khí được anhvieest ra ngay trên dường công tác hoặc thời gian chớp nhoáng trước lúc thu thanh. Bên cạnh đó, anh còn viết nhạc múa và tiếp tục làm nhạc phim. Nhạc phim của Hoàng Vân với tính cách riêng ngày càng rõ rệt hơn. Nhiều tác giả phim tài liệu đã « com măng » cùng anh nhiều sáng tạo và cho đến khi B52 trút xuống Hà Nội tháng chạp năm 1972 thì anh lại « tốc ký » cùng các nhà làm phim một Em bé Hà Nội.

Giữa những ngày liên tục sáng tao của một thời kỳ vừa trăn trở vừa hưng phấn, Hoàng Vân chợt ẩn mình dưới một biệt danh nghe có vẻ rất « Tây Nguyên » : Y-Na. Ai đó đã kể cho tôi nghe rằng anh không hề cố tình làm ra vẻ « Tây Nguyên » gì cả mà Y-Na là tên một xã ở Bắc Ninh, tên một cô phiên dịch ở HNS Liên xô mà anh quen biết « INNA », nhưng cũng có nghĩa là Yêu Ngọc Anh – người bạn đời gắn bó của anh qua mọi thăng trầm. Nhưng quả thật, Y-Na đã xuất hiện đầu tiên với một ca khúc in đậm dấu vết dân ca Tây Nguyên « Đám cháy rừng đã bốc cao ngùn ngụt, Bon đót rừng đang bị lửa rừng vây, Khắp đất trời bão tố đang kêu gọi, Gió căm hờn bùng cháy lửa hơn căm… Cương lĩnh của mặt trận ta như mũi tên đang bật khỏi ná. Nhằm thẳng đích tiến tới ». Rồi lại Trên đường tiếp vận làm ra giọng hát Thanh Hòa « Trên những dòng sông, trên những nẻo đường, chị em ta đã đi qua ».

Tên tuổi Hoàng Vân đã thực sự được xác lập như một nhạc sĩ có hạng nhất trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Hòa bình, anh vẫn tiếp tục sáng tác với phong độ ấy. Nào là Tuổi trẻ đi xa đầy hơi thở nhạc nhẹ, nào là Bài ca xây dựng đậm chất bán cổ điển, nào là Tình ca Tây Nguyên rộn ràng tốp nữ phụ họa cho giọng đơn ca nam v.v… Hoàng Vân vẫn tiếp tục những cảm hứng trong một sức vóc khá dẻo dai.

Gần đây, bên cạnh việc cho xuất hiện trở lại bản Thơ giao hưởng số 2 cùng sự hồi sinh của nhạc giao hưởng Việt Nam, Hoàng Vân đã rất thành công trong nhạc phim Trương Chi cho hoạt hình và phim truyện Phía sau cổng trời. Anh đã rất xứng đáng, rực rỡ trong cái tên « Mây vàng » anh chọn cho sự nghiệp âm nhạc của mình. Âm nhạc Hoàng Vân lung linh, ánh xạ trong cõi mây vàng vừa hiện hữu vừa mờ ảo của tâm thức.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam