Tạp chí

Hoàng Vân: Người viết lịch sử bằng âm nhạc

22/11/2020   3925

HOÀNG VÂN – NGƯỜI VIẾT LỊCH SỬ BẰNG ÂM NHẠC

Trần Thị Trâm
Tạp chí NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN, SỐ 113 tháng 12/2018, tr.36-39

Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24/7/1930 trong một gia đình nhà nho tại phố Hàng Thùng, Hà Nội và mất ngày 4/2/2018. Ông là một tài năng lớn, một nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Hội tụ toàn bộ tư tưởng mĩ học của thời đại, âm nhạc Hoàng Vân có sức lan tỏa sâu rộng, có tác động tích cực, lâu dài tới đời sống xã hội và đời sống âm nhạc. Với hàng loạt tác phẩm nhạc đỏ xuất sắc, phản ánh kịp thời những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc và lịch sử tâm hồn dân tộc trong một thời kỳ nhiều biến động, nghệ sĩ chiến sĩ Hoàng Vân xứng đáng được tôn vinh là người viết sử bằng âm nhạc.
Sáng tác của Hoàng Vân phong phú, đa dạng. Trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng: Hò kéo pháo, Hà Nội- Huế - Sài gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Việt Nam muôn năm, Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng, Người chiến sỹ ấy, Nổi trống lên rừng núi ơi! Tình ca Tây Nguyên, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca người thợ lò, Hát về cây lúa hôm nay, Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh núi…
Ông cũng là tác giả một số hợp xướng viết với dàn nhạc giao hưởng như Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta... Đồng thời cũng là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, Hành khúc con voi, độc tấu flute Vui được mùa, Concerto cho piano và dàn nhạc, thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc (1960), concertino cho violon và dàn nhạc dây Tuổi trẻ và tình yêu (1975), Đại hợp xướng Điện Biên Phủ (2004)...
Ngoài ra, Hoàng Vân còn viết nhạc cho nhiều bộ phim có tiếng vang lớn của nền điện ảnh như: Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Khói trắng, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu... là người viết nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, kịch Nila, cô gái đánh trống trận...
Song hành cùng lịch sử, sáng tác của Hoàng Vân được chia làm hai giai đoạn: trước và sau 1975. Tuy ở mỗi thời kỳ có nét khác biệt song lại rất thống nhất: luôn gắn bó chặt chẽ với mỗi chặng đường cách mạng, có sự hòa quyện nhuần nhụy giữa chất sử thi và chất trữ tình.
Trong 30 năm chiến tranh, tác phẩm của Hoàng Vân đã tập trung phản ánh hai đề tài: đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và âm nhạc của ông đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Khi đất nước hòa bình, người nhạc sĩ tài ba đã cắm một cái mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc dân tộc bằng bài hát Quảng Bình Quê ta ơi! - một tuyệt phẩm ngợi ca cuộc sống mới con người mới ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Và khi hai miền Nam Bắc thống nhất, ông lập tức có nhiều tác phẩm thành công về đề tài dựng xây đất nước: Bài ca xây dựng, Bài ca người thợ lò, Bài ca Tây Nguyên, Hát về cây lúa hôm nay… Giống như tất cả các nhạc sĩ cùng thời, Hoàng Vân luôn có ý thức tiếp thu và phát huy những giá trị tinh hoa truyền thống và triệt để sử dụng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Dù trong hoàn cảnh nào, nhạc Hoàng Vân vẫn mang cảm hứng ngợi ca và tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: "Chào bình minh đang rạng/Chào mùa xuân đại thắng/Chào anh giải phóng quân" (Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng); "Đường lớn đã mở/Đi tới tương lai/Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay/Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay" (Hát về cây lúa hôm nay). Ca từ trong sáng, hướng con người tới một tương lai tươi đẹp: “Trời cao trong xanh sương sớm long lanh/Mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh… Mùa xuân đang đến, nhìn đất nước đổi mới muôn màu" (Hồi tưởng).
Tuy mang đậm dấu ấn thời đại, nhưng nhờ tài năng hơn người, độ nhạy cảm chính trị cũng hơn người, ông đã nỗ lực kiến tạo cho mình một phong cách nghệ thuật riêng. Vượt lên khỏi cái bình bình, Hoàng Vân đã trở thành lá cờ đầu của nền âm nhạc cách mạng, "người mang hồn thời đại bay cao" (Tố Hữu). Những tác phẩm xuất sắc và có diện phủ sóng lớn nhất như: Hò kéo pháo, Hà Nội Huế- Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi!... đều là những bài hát vừa mang hơi thở thời đại, rất hào hùng nhưng lại rất trữ tình và thấm đẫm chất dân gian. Hóa thân vào tác phẩm âm nhạc, những yếu tố dân gian tái sinh và phát sáng làm cho những ca khúc của Hoàng Vân không chỉ mang tình thời sự, không chỉ có sức mạnh thời đại mà còn mang sức mạnh của 4000 năm lịch sử, vừa là những bản anh hùng ca, vừa là hồi kèn xung trận nhưng đồng thời cũng là những khúc tình ca ngợi ca cuộc sống. Điều đó làm cho âm nhạc của ông không chỉ có sức mạnh tuyên truyền lớn, có tính đại chúng mà còn có sức sống bền lâu. “Nhạc Hoàng Vân tài tình ở chỗ, nghe thì cứ nghĩ là cổ động nhưng lại rất nghệ thuật. Ca khúc của ông hay vì những vấn đề được ông đặt ra, rất kịp thời, rất sử thi nhưng cũng rất sâu sắc về sự tìm tòi ngôn ngữ âm nhạc. Ví dụ như bài Hai chị em: Cô ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/chị hai Năm tấn quê ở Thái Bình… là sự tìm tòi rất lớn về pha trộn điệu thức. Phải cao tay lắm, độc đáo lắm mới viết được như vậy." (Nguyễn Cường)
Theo quy luật của cái đẹp, âm nhạc của Hoàng Vân không dừng lại ở việc kịp thời phản ánh những biến động lớn của lịch sử, mà tất cả những nội dung chính trị khô khan, những vấn đề sử thi đều được chuyển hóa thành những thông điệp nghệ thuật để có thể dễ dàng đi đến trái tim công chúng. Chẳng hạn: Bằng việc sử dụng điệu hò được chiết xuất từ âm nhạc dân gian và hình ảnh những người lính Cụ Hồ quả cảm kéo pháo ra trận, bài hát của Hoàng Vân đã cho thấy sức mạnh diệu kỳ, sự độc đáo của cuộc chiến tranh nhân dân, qua đó làm sống lại toàn bộ không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu: "Hò dô ta nào/kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào/kéo pháo ta vượt qua núi/Dốc núi cao cao/Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm /Vực nào sâu bằng chí căm thù"… (Hò kéo pháo). Với lịch sử âm nhạc, Hò kéo pháo còn là sự sáng tạo mới mẻ và với nhạc sĩ thì đây cũng là một bước đột biến trong sự nghiệp sáng tác của ông. Từ đây, (nhất là sau khi ông được đi tu nghiệp ở Bắc Kinh, Trung Quốc trở về), dường như nhạc sĩ đã tìm được chiếc chìa khóa mở ra những thành công vang dội. Tài năng của ông bùng nổ và không ngừng phát sáng: Hầu như Hoàng Vân “chạm tay” vào đề tài nào thì ở đó có sự nở hoa, tác phẩm của ông luôn được giới chuyên môn và công chúng nhiệt tình đón nhận. Ông không chỉ có biệt tài phát hiện mà còn có khả năng thể hiện vấn đề một cách nhuần nhụy tươi mới và độc đáo.
Chẳng hạn, khi viết về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước- một vấn đề lịch sử quan trọng của thời đại, Hoàng Vân thật tinh tế khi chọn cách biểu đạt nỗi đau chia cắt bằng mối tình anh em máu chảy ruột mềm, trong một giai điệu trữ tình da diết, ngọt ngào, sâu lắng: "Trên đất mẹ nắng hồng như lụa/Trải ngàn năm gắn bó ba miền/Như cành chung gốc lớn lên/Như anh em của mẹ hiền Việt Nam" (Hà Nội - Huế- Sài Gòn).
Hay để diễn tả không khí tổng tấn công long trời lở đất mùa xuân 68 và tinh thần bách chiến bách thắng của dân tộc, ông đã đặt hình tượng anh giải phóng quân - con người Việt Nam đẹp nhất trong một không gian vũ trụ hoành tráng, một thời gian nghệ thuật thiêng liêng (Thời khắc xuân sang), cùng một giai điệu dồn dập, cuồn cuộn như triều dâng, thác đổ: "Trông lên Trường Sơn/Kìa gió đã nổi/Trông qua biển Đông /Kìa sóng đang gầm…/Khắp Tây Nguyên sấm dậy/Trên đô thành rung chuyển". (Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng)
Rõ ràng, lịch sử đã nâng cánh cho âm nhạc của ông, làm cho chúng có thể mang ý nghĩa khái quát giúp ông trở thành nhà viết sử xuất sắc nhất của giới âm nhạc trên cả hai phương diện: số lượng và chất lượng. Ông không chỉ may mắn có được một bài hát hay về lịch sử mà có tới hơn một nửa thế kỷ sáng tác bền bỉ với nhiều tác phẩm sử thi- trữ tình đỉnh cao. Ở đó luôn có sự thống nhất nhuần nhuyễn giữa lịch sử và âm nhạc, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính thời sự và tính vĩnh cửu. Âm nhạc của ông không chỉ: "Cho ngày nay/cho ngày mai" (mà còn) "Cho muôn đời sau" (Bài ca xây dựng).
Vẫn biết, để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật cần phải hội tụ đủ các yếu tố: năng khiếu, kiến thức bài bản, sự khổ luyện, sự trải nghiệm thực tế cuộc sống… Nhưng để có những tác phẩm lớn mang tầm vóc thời đại, ngoài năng khiếu và nền tảng văn hóa, ngoài linh giác đặc biệt của người nghệ sĩ, còn cần một độ nhạy cảm chính trị. Sự hơn người này đã giúp Hoàng Vân có khả năng kịp thời phát hiện ra những thời khắc vàng lịch sử, nhờ thế mà xuất thần và độc sáng: "Chỉ những con đường mới biết mà thôi" (Bài ca giao thông vận tải), nhờ thế mà lịch sử hóa, bất tử hóa những sự kiện và con người. Bởi vì chỉ khi đặt trong thời gian nghệ thuật lịch sử đắt giá ấy thì những câu nói thường nhật "(Xưởng thợ, nhà trường, bến sông bãi chợ /Đều hân hoan chào đón các anh)", thậm chí những lời hô khẩu hiệu mới được thiêng hóa để rồi biến thành những thông điệp nghệ thuật một cách tự nhiên, dễ dàng đi vào những vùng khuất lấp trong trái tim công chúng.
Không chỉ viết hay về chiến tranh, mảng đề tài xây dựng đất nước của ông cũng rất thành công. Tiêu biểu là: Quảng bình quê ta ơi!, Tâm tình đất và nước, Bài ca xây dựng, Bài ca Tây Nguyên …Rất nhiều tác phẩm viết về tình yêu cuộc sống của người nhạc sĩ tài năng đã trở thành bài hát truyền thống hay nhất của các ngành đặc biệt quan trọng, ngành mũi nhọn của đất nước thời kỳ hòa bình: Bài ca xây dựng (Ngành xây dựng), Bài ca người giáo viên nhân dân (Ngành giáo dục), Hát về cây lúa hôm nay (Ngành nông nghiệp), Tôi là người thợ lò (Ngành khai thác mỏ), Bài ca giao thông vận tải (Ngành giao thông), Tâm tình người thủy thủ (Ngành hàng hải). Nhìn chung, những bài ngành ca thường thiên về tuyên truyền cổ động nhưng với Hoàng Vân thì chúng lại là những nhạc phẩm đích thực. Không dừng lại ở việc phản ánh trần trụi hiện thực khách quan, ông đã thổi hồn thời đại, đã đưa chất nhạc, chất thơ vào để xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật sống động: "Như chim bay về khắp miền/Em lên đường/Tung bay xa nhiều thế hệ/Cháu Bác Hồ/Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa/Lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam" (Bài ca Người giáo viên nhân dân); "Bạn đời ơi! Bạn có hay chăng niềm vui của những người vừa dọn đến ngôi nhà mới/Mà chúng tôi vừa xây xong/Và em thân yêu ơi! Ngày mai chúng ta lại lên đường/Đến những chân trời mới" (Bài ca xây dựng)
Căn cốt của vấn đề là bởi ông đã chọn cách tiếp cận những vấn đề sử thi, những vấn đề thời sự qua lăng kính của một người nghệ sĩ có trái tim mẫn cảm. Cái nhìn nghệ sĩ giúp ông trữ tình hóa, nghệ thuật hóa những vấn đề lịch sử khô khan, nên không ít lần những ca khúc của người nghệ sĩ tài hoa đã làm tan chẩy trái tim người yêu âm nhạc: "Nếu ai hỏi vì sao/Quê hương chúng ta nhiều ngói mới/Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi" (Quảng Bình quê ta ơi!). Chính điệu hò khoan xứ Quảng, ngôn ngữ giản dị mang hơi thở cuộc sống của người Quảng (bây chừ), đạo lý uống nước nhớ nguồn của một dân tộc nhân nghĩa, thủy chung và những câu hỏi tu từ đã làm cho bài hát của ông thật trong trẻo mà sâu lắng mang hồn xứ xở, xứng đáng là một tuyệt phẩm bất hủ về mảnh đất Quảng Bình dấu yêu.
Vẫn biết, lịch sử mỗi thời kỳ đều có những cá nhân kiệt suất, được lịch sử trao trọng trách gánh trên vai “sứ mệnh” cao cả của dân tộc và nhân loại. Hoàng Vân là một trường hợp như thế. Với hàng loạt tuyệt phẩm, vượt qua sự băng hoại của thời gian, ông thuộc thế hệ vàng của âm nhạc Việt Nam. Có lẽ một phần tác giả may mắn được sống trong thời khắc lịch sử nhiều biến động nhưng cơ bản là vì ở ông có tài năng âm nhạc và độ nhạy cảm chính trị. Nhờ thế Hoàng Vân mới có thể dựng lại một cách chân thật, hùng hồn, tinh tế diện mạo lịch sử dân tộc và quan trọng hơn là diện mạo lịch sử tâm hồn dân tộc với những đường vân văn hóa độc đáo.
Với những đóng góp quan trọng cho nền âm nhạc cách mạng, Hoàng Vân đã được Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Năm 2012 ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Nhưng có lẽ, với Hoàng Vân, phần thưởng cao quý nhất chính là tình yêu và sự ngưỡng mộ mà giới âm nhạc và nhân dân đã dành cho ông - người viết lịch sử dân tộc bằng âm nhạc.
Tóm tắt
Hoàng Vân là một tài năng lớn, một nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Hội tụ toàn bộ tư tưởng mĩ học của thời đại, âm nhạc Hoàng Vân có sức lan tỏa sâu rộng, có tác động tích cực, lâu dài tới đời sống xã hội và đời sống âm nhạc. Với hàng loạt tác phẩm nhạc đỏ xuất sắc, phản ánh kịp thời những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc và lịch sử tâm hồn dân tộc trong một thời kỳ nhiều biến động, nghệ sĩ chiến sĩ Hoàng Vân xứng đáng được tôn vinh là người viết sử bằng âm nhạc.
Từ khóa: Người viết lịch sử bằng âm nhạc, tài năng lớn

(Đăng lại trên FB ngày kỷ niệm tròn 2 năm nhạc sĩ Hoàng Vân ra đi)

Bài báo in nguyên bản

......

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam