Tạp chí

Hoàng Vân, Nghệ sĩ của những giai âm cuộc đời | Tác giả: Anh Chi (khoảng năm 1994), không rõ tên báo

25/09/2023   263

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có một thế hệ các nhạc sĩ lừng danh đã có những nhạc phẩm từ trước năm 1945, mà nay ta quen gọi là nhạc sĩ tiền chiến. Qua chín năm trường kháng chiến, một thế hệ các nghệ sĩ của cuộc đời mới đã hình thành. Hoàng Vân là một đại biểu âm nhạc của đời mới, do háo hức yêu đời, hòa mình vào dòng đòi mãnh liệt mà cât lên những giai âm đầy mỹ cảm không hề giống những gì đã có trước anh !

Nhận xét trên về Hoàng Vân do một nhà thơ nổi tiếng nói với tôi từ 20 năm trước, đển giờ tôi càng thấy đúng. Đó là 1974. Dạo ấy Hoàng Vân sau mấy năm bị ốm nặng, rồi mấy năm đi bảo vệ luận án phó tiến sĩ âm nhạc ở Bungari, lại xuât hiện trước thính giả với những ca khúc Chặng đường mới trước mắt với lời ca : « Trong đêm pháo hoa tưng bừng mà sao vẫn thấy bâng khuâng »(*). Rồi cả khúc hát trong đêm pháo hoa với lời ca và âm nhạc đa cảm, xao động.

Nữ tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính trong một lần tiếp xúc với Hoàng Vân đã hỏi anh « Phụ nữ Việt nam có hát ru không anh ? ». Hoàng Vân đã trả lời nhà toán học rằng có chứ, bao giờ cũng có hát ru. Thấy như còn chưa đủ : Hoàng Vân về nhà sáng tác ngay Hát ru trong đêm pháo hoa. Trong âm nhạc Việt nam, đây là bài mở đầu cho những sáng tác hát ru hiện đại !

Rồi, ào một cái, dòng cuộc sống cuồn cuộn sang năm 1975 huy hoàng. Mỗi con người đều thấy cuộc đời đáng cảm động xiết bao. Và Hoàng Vân lại có Bài ca xây dựng tươi tắn và nồng nàn ; Tình ca Tây Nguyên với lời ca chan chứa yêu đương và âm nhạc đầy mỹ cảm… Vậy đấy Hoàng Vân lại mới hơn Hoàng Vân của nhũng năm 60 ! Và cứ lần ngược thời gian nhớ lại các nhạc phẩm của anh, những năm 60 được bắt đầu từ 1964 với những ca khúc cuồn cuộn giai điệu hào hùng và mãnh liệt, lại phải nhận xét rằng Hoàng Vân mới hơn Hoàng Vân những năm 50 !...

Mấy tháng trước, khi được ngồi trò chuyện lâu với nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi nêu lại nhũng nhận xét như trên với anh. Hoàng Vân cười, dịu dàng nói : « Có lẽ, từ xưa, từ hồi rất trẻ ấy, tôi đã luôn luôn muốn hòa đồng với cuộc sống, nên có được những sáng tác phẩm hợp được với đời. Mà, đời sống thì luôn luôn mới… ».

Chỉ đơn thuần là trả lời câu hỏi của tôi, chắc nhạc sĩ không ý thức rõ ràng ông vừa nêu lên một điều có tính quy luật. Và tôi cũng nhận thấy Hoàng Vân đã sớm sống đúng với quy luật của nghệ thuật nên đời ông hoàn toàn thuộc về âm nhạc, hay nói một cách cách âm nhạc làm nên giá trị tuyệt vời cuộc đời ông.

Từ một câu học sinh Hà nội nhà giàu đủ khả năng cho Lê Hoàng Vân đi du học ở châu Âu, nhưng anh không theo hướng đó, mà lên chiến khu Việt Bắc, đi kháng Pháp. Cái háo hức của tuổi trẻ đưa Hoàng Vân lên đường. Khả năng văn hóa và sự thông minh khiến anh được đi học trường quân chính, rồi thành sĩ quan ngay khi mới 18 tuổi. Nhưng ngay cái năm 1948 đó, cái tố chất mạnh mẽ nhất trong Hoàng Vân cũng phát lộ : anh sáng tác bài hát đầu tiên, là bài hát về trung đoàn 165 của minh, và liên tiếp hàng chục bài hát khác nữa không có cao vọng xa xôi gì hết, làm bài hát để hát cho anh em bộ đội nghe, và bày cho anh em cùng hát, thế thôi ! Thời gian này bên trung đoàn 148 có mấy nhà văn, nhà thơ : Trần Dần, Quang Dũng. Chính các anh ấy rất mừng đón những bài hát của Hoàng Vân. Anh Trần Dần còn vẽ bìa cho tập ca khúc đầu tiên của Hoàng Vân. Tiếng là in tập bài hát, nhưng cũng chỉ là in thạch, và tác phẩm cũng mới phổ biến trong trung đoàn. Nhưng, như vậy cũng tuyệt vời chứ sao ! Viết về chính cuộc đời mà mình đang hòa đồng vào, và hát lên, đó là hạnh phúc đích thực của Hoàng Vân… Kháng chiến hào hùng và mơ mộng. Những người dân của đất nước kháng chiến còn phải hát chủ yếu những nhạc phẩm tiền chiến. Cho đến 1954, Đại hội văn công toàn quốc với những thành công đỉnh cao, đã khiến công chúng cả nước ghi nhận một thế hệ các nghệ sĩ của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có Hoàng Vân !

Hò kéo pháo đã được chính Hoàng Vân cùng Kim Ngọc và Thanh Phúc đi hát phục vụ các đơn vị chiến đấu ngay trên các chiến hào từ trước. Và ngay trong các chiến hào, Hò kéo pháo đã được sự tán thưởng nhiệt liệt của các chiến sĩ cho tới các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo. Và khi Hò kéo pháo được phần thưởng cao quý nhất Đại hội văn công toàn quốc, thì Hoàng Vân không có mặt ở đại hội. Lúc này anh đang theo học âm nhạc ở Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Hoàng Vân được học âm nhạc một các bài bản. Học âm nhạc tại Trung Quốc, Hoàng Vân với tâm hồn đa cảm lập tức yêu mến cả thơ Đường, một trong những giá trị lớn lao của nghệ thuật Trung Hoa. Do tình yêu mến đó mà Hoàng Vân viết nhiều tiểu phẩm, trong đó tiêu biểu nhât là bài Sông Hoàng Hà 18 khúc (phổ nhạc thơ Đường) (*). Do phổ thơ Đường qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sĩ và nhà thơ thành một đôi bạn tri kỷ. Sau khi học xong, Hoàng Vân có bài hát Những cánh buồm (phổ thơ Hoàng Trung Thông) ; rồi ca khúc Hà nội, Huế, Sài gòn qua giọng ca nghệ sĩ Thanh Huyền khiến thính giả miền bắc, đồng bào miền nam bên kia giới tuyến 17 cũng đón nghe mà thổn thức với đất nước với cuộc đời ! Hoàng Vân mới hơn hẳn so với giai đoạn trước. Đến chặng này đã hoàn chỉnh một tâm hồn nhạc sĩ phong phú về khúc thức, dày dặn về tri thức và đầy chất mĩ cảm. Làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa chỉ đao nghệ thuật lại vừa chỉ huy dàn nhạc, bận vô cùng, nhưng anh sáng tác được rất nhiều. Nhiều bài hát của Hoàng Vân cứ vừa ra đời đã được thính giả yêu thích ngay. Năm 1962 có cuộc thi ca khúc hay, Hoàng Vân đoạt cả giải nhất và giải nhì : Bài Nhớ do Trần Khánh hát (giải nhất) và Tâm tình người thủy thủ do Quý Dương hát (giải nhì).

Nhưng liền sau ngày giải thưởng, Tình ca người thủy thủ bị phê phán là ủy mị, là nhạc vàng (!). Sự kiện này khiến Hoàng Vân lịm tiếng hơn một năm trời. Chỉ có bạn thân thiết mới biết anh nhanh chóng dẹp cơn choáng sang bên, để lao vào những gì cần thiết. Anh đọc rất nhiều tác phẩm văn học, đọc kỹ, đọc sâu như một nhà nghiên cứu văn học vậy. Chính giai đoạn đọc này khiến Hoàng Vân thành nhạc sĩ có tư duy văn học khá cao, thể hiện qua rất nhiều ca từ rất dồi dào ý tưởng và phong phú về thẩm mỹ. Một cuộc đi thực tế vùng mỏ đã làm bùng dậy một loạt các thành công mới của Hoàng Vân, đó là Tôi là người thợ lò với vóc vạc của một sử thi ; rồi đi vào tuyến lửa Quảng Bình có ca khúc Quảng Bình quê ta ơi chan chứa một tấm tình xứ biển đẹp và anh hùng ; hay ca khúc Hai chị em mà nhạc và lời trong trẻo chất dân ca Thái Bình và nữa : Nổi trống lên rừng núi ơi bề thế về ý tưởng lại đầy đặn chất âm nhạc miền núi, chỉ riêng những ca khúc dưới bút danh Hoàng Vân đã thấy một nhạc sĩ có biên độ hoạt động rất rộng và khả năng sáng tạo những tầm giai âm rất đa dạng. Nhưng, nếu nhìn nhận Hoàng Vân phải nhìn nhận cả những nhạc phẩm anh ký dưới những bút danh khác, mới thấy sức lao động của anh dồi dào đến ngần nào. Những bài ca về chiến trường Lào, anh viết dưới bút danh Bua Khăm, đem đến cho thính giả những giai khúc đầy cảm mến. Đặc biệt hơn, với bút danh Yna, các ca khúc như Trên đường tiếp vận, Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng lại là những dòng giai âm cuộn xói vào lòng người nghe, gợi bừng lên những vẻ đẹp cao cả…

Có thể nói, nhưng ai đã đi qua những năm tháng mà âm nhạc Hoàng Vân thể hiện, thì chắc hẳn sẽ yêu mãi âm nhạc Hoàng Vân.

Ngoài ca khúc, Hoàng Vân còn viết nhạc cho sân khấu kịch, múa, nhạc cho mấy chục bộ phim… cho đến những ngày này anh vẫn hoạt động và sáng tác sung sức. Riêng năm 1993 anh viết nhạc cho 8 bộ phim, anh là giảng viên thỉnh giảng cho trường Đại học Điện Ảnh Việt nam v.v… Nhưng, tôi vẫn nghĩ, Hoàng Vân là nhạc sĩ của những ca khúc, cụ thể hơn : anh là nghệ sĩ của những giai âm cuộc đời, những giai âm đó phải do con người cất lên bằng những bài ca, sẽ thấy vẻ đẹp âm nhạc Hoàng Vân chính là sự sống bất diệt.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam