Web-Internet

Hoa Huệ và Hoa Đỗ quyên - bài hát về ngành Y và người bạn đời của nhạc sĩ

19/02/2020   3421

 

Bà BS Lê Thị Ngọc Anh ngày ra trường Đại Học Y Khoa đầu những năm 1960.

Là người nhạc sĩ có thành công nhiều nhất trong thể loại bài hát dành cho ngành nghề, có một ngành mà nhạc sĩ đã sáng tác hai bài, đó là ngành Y. Hai bài này được thu một lần vào khoảng xung quanh những năm 60-70, được hát rộng rãi trong ngành nhưng ít được rộng rãi công chúng biết hơn là Bài ca Người giáo viên nhân dân, Tình ca người thợ mỏ hay Bài ca xây dựng…

Bài thứ nhất có tên « Bài ca người chiến sĩ áo trắng ». Như nhiều bài hát của ông trong thời chiến, tất cả các nhân viên ngành nghề đều là chiến sĩ. Bài được hát trên nhịp 6/8 là một nhịp thường dành cho bài múa với tốc độ nhanh, rộn ràng, hay bài hát ru với tốc độ chậm. Giai điệu của bài hát cũng như cấu trúc của nó tương đối lạ không vào các khuôn khổ hình thức đoạn nhạc bình thường. Hình ảnh của các cán bộ công nhân viên ngành Y được ví với loài hoa đỗ quyên, đã là loài hoa hiếm và tuyệt đẹp, nhưng còn là hoa đỗ quyên trên đỉnh Hoàng Liên. Hình ảnh này khẳng định ngay một tình cảm trân quý tột cùng của tác giả và đối với những người chiến sĩ áo trắng thầm lặng. Tên của bài thứ hai cũng được ngẫu hứng trên màu áo choàng bác sĩ biến thành hình ảnh tượng trưng một màu trắng tinh khiết, một loài hoa thật thanh tao, thánh thiện, « Hoa huệ trắng ». Bài được hát trên nhịp 3/4 để diễn tả sự dìu dặt, nhịp nhàng nâng cho một giai điệu thủ thỉ như một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ mặc dù nội dung của lời là miêu tả sự khó khăn và sự thần kỳ trong công việc của các bác sĩ trong thời chiến cũng như trong thời bình : « Chúng ta đi mang niềm vui và sức sống mới đến với muôn người », « Phải dành lại sự sống, từ bàn tay thần chết, mang cho đến bao người niềm vui và hạnh phúc ».

Người đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ viết hai bài ca này  không phải là một nhân vật mà nhạc sĩ gặp khi đi thực tế sáng tác, mà đó chính là người bạn đời của ông, bác sĩ Lê Thị Ngọc Anh.

Bà là con nhà quan lại Hà nội gốc, là một trong ba cô gái duy nhất trên hơn 150 bác sĩ tốt nghiệp trường Đại Học Y Khoa Hà nội khóa đầu tiên sau chiến tranh năm 1954, khóa đã sản sinh ra những bác sĩ đầu ngành của ngành Y Việt Nam từ ngày nước nhà độc lập.

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ leo thang, bà sang làm tại Bệnh Viện Đông Anh, sau đó quay về làm trưởng khoa cấp cứu Nhi của bệnh viện Hữu nghị Việt nam – Cu ba số 37 Hai bà Trưng trong vòng hơn một chục năm, trước khi chuyển về làm trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Saint Paul Hà nội. Bà là một trong những số bác sĩ hiếm hoi của khóa này làm thêm luận án Tiến sĩ về dinh dưỡng học sau một thời kỳ sang thực tập tại Pháp vào năm 1980.

Hai ông bà khoảng những năm 1980 tại nhà riêng phố cổ Hà nội

Sau khi về hưu từ bệnh viện Saint Paul, bà vẫn tiếp tục khám bệnh tại nhà. Ít có gia đình Hà nội nào trong làng âm nhạc và trong khu phố cổ xóm giềng mà không giữ một kỷ niệm có con cháu mang tới xin bà tư vấn và chữa chạy về bệnh tình khi còn nhỏ. « Lương Y như Từ mẫu » là câu nói cửa miệng bà vẫn dùng trả lời mọi người với nụ cười nhỏ nhẹ khi các bố mẹ của các cháu được chữa khỏi nói lời cảm tạ.

Vào đầu những năm 90, khi bà đã hơn sáu mươi tuổi, bà được mời làm cố vấn khoa học cho một chương trình nhân đạo y tế của Hội cựu chiến binh Việt Nam ở California, Mỹ, một tổ chức nhân đạo phi chính phủ. Qua sự cố vấn và hợp tác của bà, Tổ chức này đã được phép lên huyện Lương Sơn, Hòa Bình để mở một số trường học làng, trạm xá, cũng như tài trợ thiện nguyện cho các em bị tật bẩm sinh được lên Hà nội phẫu thuật. Bà làm cho tổ chức này trong vòng hơn hai mươi năm cho đến năm 2015, là năm bà đã hơn 80 tuổi và đột ngột gặp một căn bệnh hiểm nghèo bà mới thôi không làm nữa.

Hiện nay bác sĩ Ngọc Anh đã cao tuổi và yếu nhiều vì căn bệnh nhưng vẫn hàng ngày tiếp tục viết hồi ký để giữ lại những kỷ niệm không bao giờ quên được. Bên tên tuổi và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân, vai trò của bà ít khi được nhắc tới. Tuy nhiên, với rất nhiều bạn bè trong giới nghệ thuật, Bác sĩ Lê Thị Ngọc Anh cũng có nhiều người hâm mộ vì ngoài tấm lòng nhân hậu của một bà bác sĩ thế hệ xưa, giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, bà thích hát những lúc có thời gian, chơi đàn guitare Hawai, và tập Thái cực quyền.

Bà đóng vai trò thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng trong việc giáo dục dậy dỗ hai đứa con và hai đứa cháu nên người.

 

Tấm ảnh hiếm hoi và cuối cùng của ông bà và hai con ngày 30/12/2018, năm tuần trước khi ông ra đi vĩnh viễn.

Chuyện kể rằng bút danh Y-Na của nhạc sĩ, bút danh đi cùng năm tháng với nhiều bài hát bất hủ là viết tắt của câu Yêu Ngọc Anh. Chuyện cũng kể rằng bà là người nữ công gia chánh giỏi thêu thùa đan lát. Bà đã thêu lên một chiếc khăn lụa bài  Nhớ mà nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc trên thơ của Nguyễn Đình Thi để bày tỏ câu trả lời đồng thuận về cùng gia đình với nhạc sĩ. 

TS ÂN Lê Y Linh, IHMC-ENS, SFE, Paris, Pháp

Đây là đường dẫn tới bài Hoa Huệ Trắng

Đây là đường dẫn tới Bài ca người chiến sĩ áo trắng

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam