Ca khúc nổi tiếng Hò kéo pháo đã được các ca sỹ trẻ hát bằng phong cách rock đầy ấn tượng, đó là một trong những tiết mục xuất sắc trong chương trình Giai điệu tự hào số 4.
Giai điệu Tự hào với chủ đề “Ăn no đánh thắng” đã chính thức ra mắt. Những câu chuyện về hậu cần, tình quân dân trong chiến dịch Điện Biên được kể bằng âm nhạc đã tạo nên nhiều cảm xúc cho khán giả.
Quan niệm thưởng thức nghệ thuật đã thay đổi
Có thể coi Giai điệu Tự hào số 4 là một cuộc thử nghiệm trong âm nhạc hoàn toàn mới mẻ của Nhạc sĩ Thanh Phương và Hò kéo pháo là một trong những ví dụ tiêu biểu. Không chỉ mang vào ca khúc cũ tiết tấu rock nhanh, dồn dập, anh còn mạo hiểm thay solo guitar chào đầu bằng tứ tấu contrabass, đẩy mạnh cao trào của ca khúc bằng những cú vuốt dây ngoạn mục của guitarist Trần Thắng. Vứt bỏ vẻ đạo mạo, nghiêm túc khi tham gia chương trình truyền hình, các khách mời trẻ tuổi đồng loạt nhảy nhót, hò reo, phấn khích. Vậy nhưng, nhà báo Phùng Huy Thịnh, khách mời lớn tuổi đã thẳng thắn lắc đầu phàn nàn: “Ở thời chúng tôi chỉ cần một cây guitar gỗ là âm nhạc có thể được vang lên khắp mọi nơi. Chúng tôi yêu giai điệu, đề cao lời ca khúc. Chất âm nhạc điện tử quá mạnh của các bạn khiến nhiều khi tôi không nghe rõ ca sĩ hát gì”. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho rằng ca sĩ trẻ đã chưa truyền tải đúng tinh thần của ca khúc.
Ý kiến của Hội đồng bình luận lớn tuổi gặp phải sự phản đối của Hội đồng trẻ tuổi. Hoạ sĩ Đinh Công Đạt cho rằng, đừng ép tư duy âm nhạc của giới trẻ vào những tiêu chuẩn xưa cũ, hãy cho họ thưởng thức âm nhạc bằng quan điểm nghệ thuật hiện đại mà theo họ như thế mới hay. Quốc Trung, người kiệm lời nhất chương trình cũng bình luận rất sắc sảo về vấn đề này: ” Muốn bảo vệ Tổ quốc thì cả triệu người đều chung một ý chí nhưng trong âm nhạc thì một tác phẩm cần cả triệu ý kiến khác nhau. Có như thế âm nhạc mới phát triển được. Âm nhạc là những nốt nhạc. Khi tính âm nhạc, giai điệu chinh phục được người nghe thì ca khúc ấy đã thành công. Có nhiều khi phần lời không còn hợp thời đại nữa nhưng nếu giai điệu hay thì vẫn được đông đảo công chúng yêu thích “. Lời chia sẻ này cũng chính là một cách Quốc Trung phản biện lại những ý kiến trái chiều về sự phá cách của anh trong các số phát sóng Giai điệu Tự hào trước đây. Hò kéo pháo nhận được 93.45% khán giả tại trường quay đồng thuận.
Tùng Dương hào sảng hát opera – Hồ Quỳnh Hương mờ nhạt trong Lên ngàn
Công lớn nhất của số phát sóng lần này là đã tìm được một giọng ca thể hiện ca khúc “Ca ngợi Hồ chủ tịch” – Tùng Dương. Trước cái bóng quá lớn của NSND Trung Kiên, khó có ca sĩ nào thể hiện lại ca khúc này mà không khiến khán giả hẫng hụt. Phần biểu diễn của “người đàn ông hát” đã khiến khách mời Nguyễn Thị Minh Thái thốt lên: “Một phần dàn dựng đơn giản nhưng tuyệt đẹp. Tiếng hát của Tùng Dương đã kết nối cả triệu con người”. Nghe ca khúc, các khách mời bình luận hai hội đồng cũng tìm được tiếng nói chung về sự yếu kém của những người quản lý văn hoá hiện tại. Tiền bạc đổ vào những công trình vô ích, lãng phí trong khi người quản lý lại không âm hiểu về lĩnh vực chuyên môn. NSND Thanh Hoa thẳng thắn: “Tôi rất bức xúc về vấn đề này”.
Ngược lại với Tùng Dương, bản phối cổ điển, tiết tấu chậm chưa làm bật lên được hết nét đẹp, nội lực trong tiếng hát của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương do đó dù là ngôi sao hot nhất trong chương trình nhưng số lượng khán giả bình chọn cho cô lại khá thấp (70,27%).
NSND Thanh Hoa gừng càng già càng cay
Song ca cùng ca sĩ trẻ Dương Hoàng Yến trong tác phẩm “Bộ đội về làng”, NSND Thanh Hoa mang lại cho khán giả cảm giác, bà chiếm thế thượng phong khi đứng cùng sân khấu với tuổi trẻ. Hơi bất công khi so sánh giữa hai người bởi hơn 40 năm ca hát, biểu diễn “Bộ đội về làng” cả trăm lần, hơn nữa NSND Thanh Hoa lại được sống, được trải nghiệm những năm tháng chiến tranh gian khó, vậy nên cách hát, cách bà truyền tải câu chuyện được kể bằng âm nhạc này sâu lắng hơn hẳn người bạn diễn của mình. Ca khúc này có tỷ lệ bình chọn tại trường quay rất cao: 91,33% khán giả yêu thích.
Bảng tổng sắp tỷ lệ bình chọn của khán giả tại trường quay số 4:
1. Liên khúc Hò dân cày – Ăn no đánh thắng – Pì noong ơi: 68,42%
2. Bộ đội về làng: Dương Hoàng Yến và NSND Thanh Hoa: 91,33%
3. Ca ngợi Hồ chủ tịch: Tùng Dương: 91,82%
4. Lên ngàn: Hồ Quỳnh Hương: 70,27%
5. Hò kéo pháo: Minh Trí, Nông Tiến Bắc, Hoàng Hiệp: 93,45%
6. Liên khúc Hành quân xa – Trên đồi Him Lam – Chiến thắng Điện Biên: Tốp ca: 93,38%
Nguồn: Hò kéo pháo được “rock hóa” một cách bất ngờ - Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang