Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng tác giả bài viết
Hỏi thăm, lần tìm mãi khu vực trung tâm thành phố, quanh hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi cũng tới được nhà nhạc sĩ Hoàng Vân ở số 14, tầng 2, phố Hàng Thùng, Hà Nội. Cửa phòng mở, nhạc sĩ đã đứng trước mặt với dáng người mệt mỏi, bắt tay chúng tôi mời ngồi vào bàn uống nước. Chúng tôi chủ động xin lỗi ông, vì đường đột đến nhà mà không hẹn trước. Dù vậy, khi biết chúng tôi muốn ông kể lại về cảm xúc khi viết bài hát “Hò kéo pháo” ở Điện Biên Phủ năm 1954, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Binh chủng Pháo binh, ông đã niềm nở:
- Không sao, tuy có mệt nhưng bệnh tình không trầm trọng, bác sĩ cho biết điều trị đến cuối tháng này, sức khỏe sẽ ổn định trở lại. Mà với tuổi Canh Ngọ (1930), sức khỏe thế cũng là tốt lắm rồi.
Sau chầu nước, ông bắt đầu câu chuyện. Lúc đầu, ông nói như phải cố gắng hết sức nhưng càng về sau lại như càng khỏe ra. Ông kể lại những kỷ niệm sâu sắc, những cảm xúc mãnh liệt thôi thúc ông viết “Hò kéo pháo” ngay trên chiến trường Điện Biên năm xưa:
“Khi sáng tác bài “Hò kéo pháo”, tôi chưa phải là nhạc sĩ, mà là lính, là Đại đội trưởng Đại đội Độc lập, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Vì biết tiếng Pháp, tôi được điều động tham gia công tác ở Ban Địch vận, rồi sau được điều lên tổ công tác của Ban chỉ huy Mặt trận do đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy mặt trận phụ trách. Tổ công tác gồm những cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn ở các Đại đoàn với nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng nhận và thực hiện mọi nhiệm vụ theo yêu cầu của mặt trận, số đông là trí thức, có văn hóa, trong đó có nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, diễn viên văn công Kim Ngọc.
Ngót 2/3 thế kỷ đã trôi qua, ký ức cuộc đời việc nhớ, việc quên, nhưng ký ức Điện Biên với “Hò kéo pháo” đối với tôi, lúc nào cũng hiện hữu. Đó là những ngày tổ công tác chúng tôi đi cùng với pháo binh kéo pháo vào chiến dịch.
Tôi vẫn nhớ, những ngày đầu tháng 12-1953, tại mặt trận Điện Biên Phủ, do lực lượng địch chưa được tăng cường, trận địa phòng ngự của chúng mới được xây dựng chưa ổn định và kiên cố, đang ở cấp độ trận địa dã chiến, nên Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng để tiêu diệt quân thù với phương châm: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Theo đó, kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh dự kiến phải sử dụng 3 Đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh và phòng không với số quân tham gia chiến đấu khoảng 35.000 người. Nếu kể cả cơ quan chỉ huy chiến dịch, các đơn vị trực thuộc, bộ đội bảo vệ, tuyến cung cấp, bộ đội bổ sung thì quân số tham gia chiến dịch ước khoảng 42.000 người. Thời gian theo kế hoạch “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” trong 2-3 ngày, thời điểm nổ súng là 17h ngày 25-1-1954 (sau là 26-1-1954).
Ngày 14-1-1954 tại hội nghị cán bộ quân chính cấp Trung đoàn, Đại đoàn toàn mặt trận tại hang Thẩm Púa - Sở chỉ huy lâm thời của Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đại đoàn tham chiến. Đại tướng giao nhiệm vụ đưa đại bộ phận lựu pháo và pháo cao xạ vào bố trí trận địa ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm của địch. Phải mở ngay một con đường vắt qua núi để dùng sức người kéo pháo từ đường 41 (nay là đường 42) sang đường Điện Biên đi Lai Châu, trong một ngày đêm con đường đó phải hoàn thành. Chúng ta chủ trương kéo pháo bằng sức người, không phải chúng ta không làm được đường cho xe kéo, mà chính là để giữ bí mật, để tạo yếu tố bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và pháo cao xạ, trọng pháo đầu tiên của quân đội ta tham gia chiến đấu.
Nhiệm vụ mở đường được giao cho Đại đoàn 308, 1 tiểu đoàn công binh của Trung đoàn 151 và 5 đại đội sơn pháo của Trung đoàn pháo binh 675. Với lực lượng hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ, chỉ trong 1 đêm 14-1-1954 đã bí mật hoàn thành con đường dài 15km, rộng 3m từ bản Nà Nham men theo các sườn núi hiểm trở, qua nhiều dốc, đèo, núi cao, nhiều vực sâu đến gặp đường Điện Biên đi Lai Châu ở bản Tấu.
Nhiệm vụ kéo pháo do Đại đoàn 312 và lực lượng của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 và Trung đoàn Pháo binh 45 đảm nhiệm. Lúc đầu, để kéo một khẩu pháo phải sử dụng 20 chiến sĩ bộ binh, tổ chức thành 2 “dây”, mỗi “dây” do 10 người kéo. Các pháo thủ, người cầm lái, người chèn, đẩy pháo; các cán bộ trung đội, đại đội pháo trực tiếp chỉ huy kéo pháo. Càng lên cao, việc kéo pháo càng khó khăn hơn, tốc độ cứ chậm dần lại. Mỗi khẩu pháo phải đấu thêm 2 “dây” nữa (40 người), có dốc cao quá đã phải tập trung tới 100 người. Hàng chục, hàng trăm chiến sĩ khỏe mạnh cúi rạp mình theo sườn dốc, rướn hết sức để kéo, đẩy pháo theo nhịp hô của người chỉ huy: “hai, ba nào” nhưng sau mỗi nhịp hô như vậy, những khẩu pháo nặng 2,5 tấn cũng chỉ nhích lên được 20-30cm. Vì vậy, sau 1 ngày đêm mỗi khẩu pháo chỉ đi được quãng đường từ 2-3km.
Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ, kéo pháo ra còn gian khổ hơn nhiều. Chiều 26-1-1954, Trung đoàn 45 trọng pháo Tất Thắng chuẩn bị bắn những loạt đại bác đầu tiên mở màn chiến dịch thì nhận được lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy mặt trận trực tiếp ra lệnh cho pháo binh: “Từ 17h hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích”.
Thật ra ngày ấy, chúng tôi chưa hiểu được ý nghĩa mang tầm chiến lược của quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, nhưng một niềm tin sắt đá vào Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, vào Bác Hồ kính yêu và Tổng tư lệnh, Tổng chỉ huy mặt trận mà toàn thể các đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên đồng lòng quyết tâm với ý thức chấp hành kỷ luật “Quân lệnh như sơn”.
… Kéo pháo vượt những đèo dốc đứng đến 60 độ như dốc Bảy Tời, vực sâu vườn Chuối, suối Ngựa, suối Cây cụt, cửa rừng Bản Tó. Mỗi một địa danh trên là một trọng điểm, pháo binh địch luôn bắn chặn, cản đường; máy bay địch ném bom cháy (na-pan) thiêu cháy rừng, không ngày đêm nào là không có thương vong, mỗi khi có một đại đội pháo vượt qua được một cửa ải trên là như đã lập được một chiến công.
Có lần đang vượt đèo dốc, máy bay địch săn lùng mục tiêu, chúng dùng bom na-pan, đạn lửa đánh phá chặn đường, rừng bốc cháy, ngọn lửa lan nhanh vây quanh pháo. Cứu người hay cứu pháo? Không cần chờ lệnh, mọi người lập tức lao vào dập lửa, “ưu tiên” cứu pháo. Có lần đang trên đường lên dốc, bất ngờ mảnh bom địch phạt đứt dây tời, hơn bốn chục con người cố gằng ghìm lại nhưng không cưỡng nổi, bị pháo kéo lê, lao nhanh xuống dốc. Không chần chừ, các chiến sĩ rượt theo pháo để chèn. Pháo thủ Chức nhanh hơn lao vào chèn trước, pháo chồm qua người Chức, mất đà đâm ngay vào một gốc cây rồi dừng lại. Mọi người nghẹn ngào, xúc động cảm phục gương hy sinh quên mình cứu pháo của liệt sĩ Nguyễn Văn Chức.
Cũng như gương Anh hùng Tô Vĩnh Diện (pháo cao xạ), lấy thân mình chèn pháo đã nhanh chóng được truyền tới các đơn vị trên toàn mặt trận. Đêm đêm, tiếng “hò dô ta nào”, tiếng mõ tre “cốc, cốc” làm hiệu lệnh, dưới ánh trăng mờ ảo, hàng trăm chiến sĩ mình mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan, cúi rạp người choãi chân, những bắp tay cuồn cuộn bám vào dây chão, dây cóc, dây mây, dây song để kéo pháo. Đêm tháng chạp, tiết trời khá lạnh, song mồ hôi của các chiến sĩ ướt đầm… Tất cả những hình ảnh, những âm thanh ấy đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí hừng hực khí thế quyết chiến quyết thắng, làm vang động cả núi rừng Điện Biên.
Chính trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như huyền thoại ấy, đã trào dâng trong tôi những cảm xúc mãnh liệt để sáng tác bài “Hò kéo pháo” ngay tại mặt trận:
“Hò dô ta nào,
Kéo pháo ta vượt qua đèo…
Hò dô ta nào,
Kéo pháo ta vượt qua núi…
Dốc núi cao cao,
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi.
Vực sâu thăm thẳm,
Vực nào sâu bằng chí căm thù.
Hò dô ta nào…”
Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi, vinh quang thay sức người lao động. Hò dô ta pháo ta vượt đèo. Để quyết tâm bắn tan đồn thù. Hò… ơi!”.
Khi Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp biết có bài “Hò kéo pháo”, Đại tướng yêu cầu hát cho cơ quan tham mưu và Đại tướng nghe ở Sở chỉ huy Mường Phăng và ông yêu cầu phổ biến bài hát cho các chiến sĩ trên toàn mặt trận. Bài hát đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi không chỉ riêng trong các đơn vị kéo pháo mà đến với tất cả các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với “Giải phóng Điện Biên”, “Hò kéo pháo” đã trở thành một trong những bài ca đi cùng năm tháng của Bộ đội Pháo binh Anh hùng.
Sau giải phóng Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử chiến sĩ Điện Biên Hoàng Vân đi học và nghiên cứu thực tập tại 10 nước Á - Âu và trở thành nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông là một trong những nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước tặng giải thưởng cao quý, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nguồn: Gặp lại người viết bản hùng ca "Hò kéo pháo" - Báo An ninh Thủ đô