Đâu có giặc là ta cứ đi…
Đến bây giờ, bà Trần Thị Ngà (Đoàn văn công Tổng cục Chính trị) vẫn không khỏi tự hào khi được tham gia đoàn văn công mà một trong những người lãnh đạo là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tháng 11/1953, đoàn văn công cả thảy hai mươi người, đoàn trưởng là Tư Phác, nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm phó đoàn, hành quân cùng Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 đi chiến dịch. Cùng đi với Đại đoàn 308 khi ấy còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, họa sỹ Mai Văn Hiến và nhiều văn nghệ sĩ khác.
Trước đó, bà Ngà chưa biết nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho đến khi ông về tuyển diễn viên ở Yên Thế (Bắc Giang), nơi bà Ngà tản cư. Sau này khi đi chiến dịch, bà cũng chỉ biết nhạc sĩ Đỗ Nhuận là “một người ít nói, thậm chí khô khan”. Nhưng người lãnh đạo ấy đã tạo dấu ấn sâu đậm đối với bà và cả anh em trong đoàn khi sáng tác ca khúc “Hành quân xa”.
Khi chiến dịch Trần Đình (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) được phổ biến, lúc chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, bài hát Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được anh em rất thích và nhanh chóng được truyền đi. “Lúc chiến lược thay đổi, anh em bộ đội có người thắc mắc nhiều lắm. Khi ấy, chính trị viên một đại đội có nói: Thắc mắc làm gì, đâu có giặc là ta cứ đi. Câu nói này đã hình thành tứ cho bài hát, và chỉ trong một đêm nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết xong. Ngay sau đó, ông đã dạy miệng cho anh em trong đoàn”, bà Ngà kể.
“Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi… Với giai cấp, chí căm thù chờ đợi lệnh truyền ra ta quyết chiến. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”.
Như có lửa, bài hát nhanh chóng lan tỏa, nhiều chiến sĩ, nghệ sĩ đã hát với một niềm say mê và rực cháy trái tim nhiệt huyết. Khó khăn như vơi đi, mệt nhọc như vơi đi, cùng với đó là quyết tâm được củng cố. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa, đó là góp phần sốc lại tinh thần chiến sĩ vào thời điểm quan trọng nhất, lúc mà Bộ Tư lệnh đưa ra một quyết định sáng suốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bài hát “Hành quân xa” đã khiến tên tuổi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được nhắc đến nhiều ở Điện Biên Phủ. Nhưng tên ông còn được nhớ đến nhiều hơn nữa khi đúng vào đêm 7/5/1954 ông sáng tác ca khúc “Giải phóng Điện Biên”. Ngay sáng hôm sau, bài hát đã được truyền đi khắp các đơn vị toàn mặt trận.
Những ca từ với giai điệu hào sảng, hùng tráng, mang sức mạnh của đoàn quân đi với niềm tự hào chiến thắng trong niềm vui như vỡ òa: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui/Bản mường xưa nương lúa mới trồng/Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa/Dọc đường chiến thắng ta tiến về/Đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua… Núi sông bừng lên/Đất nước nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên”.
Bài hát này đã trở thành một trong những bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu đầu tiên từ tháng 7/1954.
Như thế, với nhạc sĩ tài danh Đỗ Nhuận, trong sự nghiệp sáng tác của mình, cùng với nhiều tác phẩm khác, những ca khúc về Điện Biên Phủ của ông đã gây ấn tượng mạnh trong lòng người yêu nhạc. Những ca khúc này cũng ghi dấu ấn về một giai đoạn sáng tác thành công của ông nơi chiến trường.
Kéo pháo ta vượt qua núi…
Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ một ca khúc được nhiều chiến sĩ yêu thích đó là “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Thực ra, trước đó nhạc sĩ Hoàng Vân đã có những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc như “Chiến thắng Hòa Bình”, “Tin chiến thắng”, “Chiến thắng Tây Bắc”. Nhưng phải cho đến khi ca khúc “Hò kéo pháo” ra đời thì tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Vân mới có một chỗ đứng thực sự trong lòng người yêu nhạc.
Và hơn hết, ca khúc ấy như một liều thuốc tinh thần cổ vũ những chiến sĩ vượt qua gian khó. Cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng đầy quả cảm, chấp nhận cả hy sinh của những chiến sĩ trong những ngày “mưa dầm cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn”, đặc biệt là sự dũng cảm của các chiến sĩ pháo binh đã khiến cảm xúc trong ông dâng trào. Những lời ca cứ thế chảy ra ào ạt. “Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua đèo…/Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua núi…/Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù”.
Ông cũng không thể ngờ rằng, bài hát ông dùng que ghim lên vách hầm như một bài báo tường lại lan nhanh trong đơn vị như thế. Sau chiến thắng Điện Biên, “Hò kéo pháo” được trao giải Nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Bài hát sáng tác ngay tại mặt trận ấy đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Ông được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và huy hiệu chiến sĩ Điện Biên, sau đó được cử đi học âm nhạc tại Trung Quốc.
Trở về nước, người chiến sĩ Điện Biên hôm nào đã nhận một nhiệm vụ mới, nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Mảnh đất Điện Biên đã để lại trong ông một ký ức vẹn nguyên và một tình cảm đặc biệt. Để sau này ông đã sáng tác “Đại hợp xướng Điện Biên Phủ”, một tác phẩm khí nhạc đồ sộ dài 4 chương viết cho hợp xướng và dàn nhạc, mà phải hơn 10 năm ông mới hoàn thành.
Năm nay, nhạc sĩ Hoàng Vân đã ở tuổi 84, sức khỏe đã kém đi nhiều. Sau khi mổ tim, ông phải sang Pháp để kiểm tra lại. Nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm, qua điện thoại, bằng một giọng vui vẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi là lính Điện Biên, không chỉ sáng tác nhạc đâu, mà còn tham gia chiến đấu nữa đấy”.
Nguồn: Điện Biên Phủ - Những bài ca đi cùng năm tháng - bcdcnt.net