Tối nay, 10-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra đêm hòa nhạc giao hưởng Nhạc sĩ Hoàng Vân với Điện Biên Phủ, giới thiệu 3 tác phẩm lớn của Hoàng Vân: Thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc (1960), concerto Tuổi trẻ và tình yêu (1975) và Đại hợp xướng Điện Biên Phủ (2004).
Chương trình do Dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng Nhạc viện Hà Nội thể hiện. Con trai ông, giáo sư, nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ trực tiếp chỉ huy chương trình.
Hoàng Vân, sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong kháng chiến chống Pháp từng phụ trách nghệ thuật Văn công Sư đoàn 312, hòa bình lập lại về chỉ huy Dàn nhạc Đoàn Ca múa nhạc Đài Tiếng nói VN, đồng thời tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội (cho đến 1989).
Học trò của ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang... Từ 1963 đến 1989 ông là ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ VN, rồi Trưởng ban Sáng tác Thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến 1996.
Được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca xây dựng... và nhiều tác phẩm khí nhạc, như Thành đồng Tổ quốc, Tuổi trẻ và tình yêu, Hành khúc con voi cùng nhiều tác phẩm hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng như Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi....
***
* Là nhạc sĩ rất gắn bó với ĐBP, nhưng kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất về chiến dịch vĩ đại này?
- ĐBP là nơi đưa tôi đến với âm nhạc. Tôi may mắn là người tham gia chiến dịch này không phải với tư cách nhạc sĩ, mà là một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác một vài ca khúc, trong đó có Hò kéo pháo.
Bất ngờ là với ca khúc này tôi đã được tặng thưởng huân chương Chiến công, và được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng khen ca khúc Hò kéo pháo của tôi và ông giới thiệu tôi với Tổng cục Chính trị. Sau đó Tổng cục đã cử tôi đi học âm nhạc ở nước ngoài và rồi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.
* Được biết Đại hợp xướng Điện Biên Phủ là tác phẩm tâm huyết nhất của ông?
- Đúng vậy, tác phẩm 4 chương viết cho hợp xướng và dàn nhạc. Tôi có ý định viết từ lâu, nhưng phải tới sau năm 1990 mới bắt tay vào viết và đến cuối 2004 mới xong. Đây là tác phẩm tôi dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Nhưng phải nói là rất khó sáng tác, bởi bây giờ là thời bình rồi, phải làm sao toát lên được âm hưởng hào hùng, vĩ đại của chiến thắng ĐBP lại phải phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng là điều không hề đơn giản.
Tôi đã viết với một khát vọng lớn. Về mặt ngôn ngữ âm nhạc cũng như hình tượng nghệ thuật, phải vừa mới mẻ lại kế thừa truyền thống và xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch để hy vọng thuyết phục được người nghe. Bây giờ tôi đang rất hồi hộp không biết khán giả sẽ đón nhận tác phẩm này thế nào.
* Giờ đây ở tuổi 76, có hơn 50 năm miệt mài sáng tác, đã lúc nào ông cảm thấy mình cạn nguồn cảm hứng chưa?
- Chưa bao giờ. Tôi cho rằng cảm hứng phải có từ sự tích lũy của bản thân. Ngày trước tôi sáng tác được bài Tôi là người thợ lò là vì tôi đã đi thực tế; trực tiếp làm cùng anh chị em công nhân thì mới hiểu được để viết chứ. Sáng tác là công việc cả một đời người. Vừa sáng tác vừa học. Tôi còn có một thói quen đọc sách, trước có ngày tôi đọc trên 300 trang sách, chủ yếu viết về văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước.
Là nhạc sĩ sáng tác cũng tựa như con tằm, phải ăn nhiều, và rồi thì phải nhả tơ, nên tôi luôn trang bị cho mình những hành trang mới. Bây giờ viết hip-hop cũng có thể được, nhưng những cái đó không thuộc về thế hệ chúng tôi. Chúng tôi hợp với chất trữ tình, anh hùng ca, với tình yêu quê hương đất nước.
* Ông có còn thường xuyên khai thác thế mạnh ca khúc không?
- Có chứ. Tôi từng có tới 20 năm trời thuộc diện “giám khổ” (cách bạn bè ông gọi vui chỉ từ giám khảo- PV) các cuộc thi sáng tác, cuộc nào cũng có mặt, nhưng mình làm giám khảo chẳng lẽ mình lại dự thi. Nên tôi xin rút. Mấy năm vừa rồi tôi đã được mấy giải thưởng. Gần đây tôi có gửi 2 bài tham dự cuộc thi nhân 30 năm Ngày giải phóng miền Nam.
Ông Toàn (NS Nguyễn Đức Toàn- PV) còn hỏi: “Sao lại dự thi, không sợ bây giờ già rồi “gân cốt” kém, nhỡ không được giải không sợ mất mặt à?”. Tôi bảo: “Sợ gì, mình phải có gan, được thì tốt, không được thì cũng biết mình vì sao mà không được để còn “chữa” chứ”. Nhưng cuối cùng cả 2 bài đều được giải.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!