Có một Hoàng Vân của Hà Nội xưa | Tác giả: Duy Thịnh

01/10/2023   87

      Có một Hoàng Vân của Hà Nội xưa..

Cứ mỗi độ xuân về chúng tôi những người học trò,những người đàn em của ns Hoàng Vân lại nhớ tới những kỷ niệm về ông với những dấu ấn riêng mà ông đã để lại cho anh em bạn bè chúng tôi.Mọi người biết về ns Hoàng Vân với những ca khúc bất hủ như Hò kéo pháo,Tôi là người thợ lò, Quảng bình quê ta, Hà nội Huế sài gòn…vv  Nhưng còn có một Hoàng Vân nữa, Một Hoàng Vân-một ông đồ phố cổ, một Hoàng Vân với  những thú chơi tao nhã, một Hoàng vân của Hà nội cổ xưa… Nhớ tới ông với những kỷ niệm sâu đậm, tôi muốn chia sẻ những kỷ niệm đó như một nén nhang tưởng nhớ tới ông, một người thầy, một bậc đàn anh trong cuộc sống, một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

 

               Hoàng Vân người thầy lớn của tôi.

 Tôi gập ns Hoàng Vân lần đầu tiên tại nhà ns Nguyễn Cường năm 1998. Đó là một buổi sáng đầu thu ,ns Nguyễn Cường gọi tôi tới nhà ông ở 94 Hàng Bạc cafe như thường lệ. Khi tôi bước vào ns Nguyễn Cường hồ hởi, giọng thật thà: 

- Em ngồi đây. Giới thiệu với em đây là ns Hoàng Vân,người mà cách đây mười năm anh muốn gập mà không dám. Anh phải viết thư lên hội nhạc sĩ Việt nam để xin gập Hoàng vân.Nhưng khi ra tới bưu điện mới bỏ được nửa bức thư vào thùng anh lại sợ và rút lại. Về nhà và sau này anh chỉ dám học Hoàng Vân qua tác phẩm . Nói xong cả Hoàng Vân và Nguyễn Cường cùng cười vui. Hoàng Vân bảo: Đấy là Nguyễn Cường khiêm tốn thôi. Biết tôi là người yêu âm nhạc, yêu sáng tác Hoàng Vân truyện trò và hỏi han nhiều điều. Rồi ông về nhà tôi chơi. Thời gian dần già giữa ông và tôi có thêm nhiều ý hợp thân tình.Ông lập ra nhóm cafe phố cổ gồm có ông, anh  Nguyễn Cường,anh Trần Tiến (giờ anh ở Vũng Tầu nhưng ngày xưa nhà ở Ngõ Gạch), anh Vĩnh Thưởng, Minh Đạo và tôi. Biết tôi cũng bập bẹ viết ca khúc ông động viên cứ viết đi , đừng sợ gì hết. Nhưng rồi tới một hôm ông bỗng bảo tôi:

- Bây giờ em phải học sáng tác nghiêm chỉnh đi và tôi sẽ dậy em. Nhạc viện họ gọi tôi về dậy ,nhưng tôi muốn nghỉ. Còn em tôi muốn dậy để ta chơi với nhau. Em hãy coi tôi như một người đi trước trong âm nhạc , tôi sẽ truyền cho em kiến thức và những kinh nghiệm trong sáng tác của tôi.Tôi thật cảm động và cũng thật bất ngờ với lời đề nghị của ông. Phải chăng đây cũng là mối nhân duyên cho tôi được gần ông . Rồi lớp học một thầy một trò cũng được mở ở nhà tôi. Hôm đầu tiên học xong ông bảo:

_ Bây giờ về nhà tôi, bà Ngọc Anh nhà tôi sẽ có quà cho hai thầy trò đấy.

Chúng tôi về 14 hàng Thùng nhà ông. Bà Ngọc Anh vợ ông bê lên ba bát chè hạt sen long nhãn, ông bảo:

- Bà ấy mừng lớp ta khai giảng theo lối người Hà nội xưa đâý. Đãi khách thì phải đãi ở nhà nó mới quý, chứ ra hiệu là xoàng. Rồi ông khoe bà còn biết làm cỗ nhà quan, cỗ bát trân vì bà là con cháu nhà quan mà.

 

           Hoàng Vân và các thú chơi tao nhã.

Một lần ông tới nhà tôi dậy học nhưng rồi lại cao hứng :

- Hôm nay không bài vở học hành gì hết nhé, ta đi chơi đã. Tôi sẽ cho em biết thêm một thú chơi của người Hà nội xưa mà tôi học được ở cụ thân sinh nhà tôi.

 Thế là ông rủ tôi lên phố Yên phụ, nơi bán nhiều đồ cổ. Cánh bán hàng ở đây hầu hết biết ông, coi ông như một ông khách sộp và đón tiếp ông rất nồng hậu. Dẫn đi xem ông tẩn mẩn nói với tôi về các thể loại đồ gốm, đồ sứ, đồ gỗ...vv. Ông bảo trong nghề chơi thường coi : nhất Tự, nhị Tranh, tam Sành, tứ Gốm. Nhưng ông thích đồ gỗ nhất vì không bao giờ làm bằng tay mà được hai cái giống nhau. Đồ sứ ông thích lọ vuông hơn lọ tròn vì nó khó làm. Ông bảo ở đời cái gì khó thì nó mới quý? Còn men thì có nhiều loại : men túy lam, túy lĩnh, men rạn... Trong các loại men ông thích nhất là men túy hồng. Ông bảo nung loại men này khó nên trước khi đốt lò họ phải làm lễ tam sinh: đất, nước và lửa. Một mẻ ra lò được rất ít cái đẹp nên họ thường nói muốn khuynh gia bại sản thì làm men túy hồng. Còn khi đau đầu và cần tĩnh tâm ta ngồi ngắm kỹ mầu men sẽ thấy như có một dòng nhiệt huyết chẩy dưới lớp men, tâm của ta sẽ tĩnh lại. Một lần đi chơi tôi và ông tìm được một bức tương phật bà quan âm bằng gỗ dáng đứng cao hơn một mét rất đẹp, áo bay, tay bắt quyết,nét mặt đầy thần sắc .Hỏi tới giá thì lại cao nên chưa mua được. Lấy lý do với người bán chưa thật ưng ý, còn muốn cân nhắc thêm nên thỉnh thoảng hai thầy trò lại qua ngắm tượng cho đỡ thèm. Dần dà rồi cũng tới hơn một năm trời, tới lúc đó người bán hết kiên nhẫn bèn bảo ông: 

- Thôi  xin bác trả cho em giá gốc rồi để em gọi xích lô mời bác bê tượng về đi ạ.

Thế là cả chủ và khách cười vui mua bán. Mang tượng về tới nhà ông nói đùa:

- Đi mua gì cứ phải bình tâm em ạ, người tìm vật, nhưng vật cũng đi tìm chủ đấy. Nhất là đi mua đồ cổ, đầu tiên đến nhà người ta chó sẽ ra sủa và cắn. Kinh nghiệm muốn mua được đồ thì mình phải làm quen và chơi với chó trước. Xong rồi hãy chơi với chủ. Khi nào tới nhà họ chó vẫy đuôi ra mừng là khi ta sẽ mua được đồ. Mua xong là thân được với cả chó lẫn chủ... Rồi ông cười dí dỏm.... Câu chuyện vui cũng nói lên tính kiên nhẫn của Hoàng Vân.

 Ông có cái thú chơi chim và cây cảnh. Ông hay rủ tôi đi các chợ phiên xem cây, xem chim. Phiên nào chợ nấy ông rất nhớ ngày chợ họp. Chợ Bưởi họp phiên vào ngày cuối lịch âm mùng 4 mùng 9. Chợ Mơ họp phiên ngày 2 ngày 7. Chợ Hà Đông ngày 5 ngày 10. Đi chợ mua cây ông hay chọn mua cây mộc, gốc to, lá trụi hết, dáng trực hoặc huyền đẹp rồi về ông tự trồng vào chậu theo ý của mình (dân sáng tác mà). Ông bảo đợi khi cây mình trồng nó vào thế rồi đâm lộc, ra cành lúc đó ta ngồi café ngắm nó mới sướng, chứ mua cây họ trồng sẵn trong chậu rồi thì chán. Nhà tôi có một cây du ta dáng huyền ông rất thích. Cứ trước tết một hai tháng ông qua lấy kéo cắt tỉa, uốn thế cây rồi ông dặn:

- Khi nào cây nẩy chồi ra lộc em nhớ gọi tôi qua uống café. Lúc đó ta ngắm xem sao thân cây cứng như thế, mầm non mềm là vậy mà sao mầm vẫn chui ra được và vươn lên? Phải chăng đấy mới là sự sống mà ta cần phải học?

 Ông lại có tài luyện chim gáy. Một lần ông rủ tôi đi phiên chợ Bưởi, ông chọn mua được một con chim gáy mộc về nuôi và dậy. Thời gian trôi đi tôi cũng không để ý tới việc đó nữa. Mấy tháng sau tới sinh nhật tôi, ông xách lồng chim tới nhà và bảo : 

- Đây là quà sinh nhật của em, nó biết gáy rồi đấy. Em giữ lấy mà nuôi, thỉnh thoảng tôi qua ta cùng chơi cho vui. Rồi ông nói với tôi giống chim gáy này có nhiều loại giọng lắm : như giọng thổ đồng, thổ bầu, thổ sấm, thổ rền...vv .Con này có giọng “baston thổ đồng”, quý lắm đấy nhé...ông nói mà tôi nghe cứ ù cả tai....

 Ông có sở thích thưởng ngoạn trà sen Tây hồ. Thường vào đầu tháng 6 ông rủ chúng tôi lên hồ Tây thưởng trà.Ông bảo ở đầm Trị cạnh phủ Tây Hồ trước có loại sen bách điệp,hoa trăm cánh.Hoa ở đây bông to,nhẹ, thơm ngát nhất. Dân thưởng trà ban đêm khi hoa hé nở đi thuyền ra thả một nhúm trà vào bông sen rồi lấy lạt buộc lại. Sáng sớm hôm sau ra hái sen đem về lấy trà ra pha. Sành chơi nước pha trà phải là nước mưa lắng trong, hoặc sương đêm đọng trên lá sen hứng chắt từng giọt vào buổi sáng rồi đem về đun lên bằng than hoa pha trà. Trà mà pha bằng nước mưa hay nước sương đó sẽ đượm nước,  thơm và ngon khác hẳn. Nói về trà lại phải nói về ấm. Nếu dân đạo trà mà không có ấm quý thì không tính. Ấm đây là loại ấm bằng đất tử xa ở Nghi Hưng. Dân chơi ấm có câu: Thứ nhất Thế đức gan gà. Thứ nhì Lục bội thứ ba Mạnh thần. Ai giữ được bộ ấm này đều là của gia bảo, tuổi của ấm có từ thời nhà Minh nhà Thanh.Ông bảo :

-Loại ấm này đặc biệt khi sờ vào nó mát mịn như da con gái, còn núm ấm y như núm ti …

Ông cười dí dỏm :

- Các cụ ngày xưa chơi công phu và tinh tể đến thế là cùng. Còn thời @ bây giờ khác rồi em ạ, chơi hơi chán… Thảo nào mà Trần Tiến mới viết bài: Ra ngõ mà chơi: Người chơi thi ca, người chơi nhạc họa.Người chơi công danh, người chơi số phận…Người chơi tốc độ người chơi sổ số…Tôi không có tiền.. tôi không đi đâu…tôi nuôi râu mình… dài…chơi…. Rồi gần tới Tết ông hay rủ chúng tôi ra phố Tạ Hiện ăn tất niên. Ông thường mời mọi người món chim quay và phải đúng hiệu của người Hoa xưa. Ông hay thủ theo một chai rượu Mai quế lộ. Ông nói trước kia ông và cụ Nguyễn Tuân hay ăn món này ở đây. Trong bữa ăn cuối năm ông hỏi thăm công việc của mỗi người một năm qua làm được những gì? Viết được nhiều không? Chơi được nhiều không? (chắc ông thầy tổng kết kiểm tra cuối năm). Ông dặn cứ chơi được nhiều, đi được nhiều thì mới viết được. Chơi phải biết cách chơi sao cho sang, viết cũng phải viết sao cho nó hay, cho nó có nghề chứ đừng viết ba xí ba tú chạy theo thị trường là hỏng đấy. Cuối bữa ông nói đùa: 

- Hôm nay bọn mình mà ngồi với cụ Nguyễn Tuân thế nào cũng bị cụ lườm vì láo, can tội ăn nhanh. Từ đầu bữa tới giờ may ra Nguyễn Tuân mới nhắm hết một cái chân chim thôi đấy nhá. Nhưng về rượu thì mấy anh em mình xách dép cho cụ. Rồi ông chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm của ông với nhà văn Nguyễn Tuân, người bạn vong niên của ông với sự nể phục và nhiều luyến tiếc. Yêu các chợ truyền thống của Hà nội xưa nên khi nghe tin chợ Mơ cũ giống như chợ Hàng Da sắp bị phá đi để xây nhà cao tầng ông buồn lắm. Ông qua rủ tôi:

- Tôi và em phải tranh thủ đi chơi chợ thôi kẻo mất hết hồn vía Hà nội cổ tới nơi rồi. Ns Trần Tiến vừa khoe với tôi đã đi quay được tư liệu về những ngày cuối của chợ Mơ, chợ hàng Da đấy. Em nhớ mang máy ảnh nhé.

 Tôi và ông đi chợ nhưng tôi cảm thấy bước chân ông nặng hơn mọi lần. Ông tần ngần ngắm mấy hàng bán chim, hàng cá vàng, hàng sành sứ... Ông trò chuyện với mấy cô bán cây cảnh quen như những người thân sắp xa nhau. Mấy cô bán hàng dặn :

- Khi nào có chợ mới bác Vân nhớ qua mở hàng cho bọn cháu nhé. 

Ông cười thân mật :

- Cứ có chợ là tôi qua. Nhưng mà mua cây ở dưới tầng hầm thì buồn đấy các cô ạ.

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam