Web-Internet

Cảm ơn ông, nhạc sĩ Hoàng Vân! | Tác giả: Trần Hương Lê - Quảng Bình Online

30/09/2023   228

Quê hương “Hai giỏi” nhớ về ông...

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, người đã có những kỷ niệm với nhạc sĩ Hoàng Vân bùi ngùi: “Biết là quy luật của tạo hóa “sinh lão bệnh tử”, ai rồi cũng đến lúc đó thôi nhưng mà dù sao với nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi cảm thấy bàng hoàng, mất mát.

Nhạc sĩ Hoàng Vân, “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Hoàng Vân là bậc đàn anh lớp trước nhưng mà tôi cũng có vài kỷ niệm khi ông vào Quảng Bình viết bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Khi ấy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan xin phép được nghe bài hát và có cho phép tôi vào để nghe cùng. Và trong thời gian những năm chống Mỹ, mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều có ghé nhà anh Hoàng Vân chơi. Nhạc sỹ Hoàng Vân rất quý mến các nhạc sỹ ở địa phương Quảng Bình.

Đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết: Nhạc sĩ Hoàng Vân đối với Quảng Bình rất nặng nghĩa, nặng tình. Ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” do ông sáng tác mang nhiều âm hưởng dân ca của quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân Quảng Bình và sẽ tiếp tục gắn bó với những thế hệ sau này. Tỉnh Quảng Bình sẽ thành lập đoàn gồm có đại diện UBND tỉnh, Sở Văn hóa- Thể thao, Hội Văn học-Nghệ thuật... ra Hà Nội viếng ông, bày tỏ sự tri ân và chia buồn sâu sắc với gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân.

 

 

 

Đặc biệt, những năm chia tỉnh, tôi được tỉnh giao ra gặp gỡ, tiếp xúc với nhạc sĩ Hoàng Vân để nhờ ông viết nhạc hiệu cho Đài Phát thanh Quảng Bình (nhạc sĩ Quách Mộng Lân lúc đó là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Bình- PV). Nhạc hiệu của Đài Phát thanh Quảng Bình được viết, phối từ bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” đã trở thành giai điệu quen thuộc với nhiều thế hệ bạn nghe đài. Và hầu như tất cả các lễ, nhạc hiệu, phim nói về Quảng Bình... sau này, đều lấy giai điệu bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” để làm nhạc nền... vì nó đã thấm sâu vào lòng mỗi người dân nơi đây”.

“Đối với giới văn nghệ sĩ nước nhà, chúng ta đã mất đi một người anh có tầm cỡ, một nhạc sĩ có “độ dày”, có nhiều ca khúc, tác phẩm giá trị để lại cho quê hương, đất nước. Đối với tình cảm riêng tư, tôi mất đi một người anh đi trước, có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác. Tôi cảm thấy bùi ngùi thương nhớ”, nhạc sĩ Quách Mộng Lân chia sẻ.

“Dù rất bận rộn những ngày cuối năm nhưng nghe tin nhạc sĩ Hoàng Vân mất, tôi vẫn dành một chút thời gian nghe lại những tác phẩm đi cùng năm tháng của ông như Hò kéo pháo, Tình ca Tây Nguyên, Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em, Bài ca xây dựng... như là một lời tri ân gửi đến ông của một người con Quảng Bình trước sự ra đi đột ngột của ông”, anh Nguyễn Ngọc Thái, một người dân ở TP. Đồng Hới chia sẻ.

Vang mãi khúc ca “Quảng Bình quê ta ơi”...

Với nhiều thế hệ người Quảng Bình, giai điệu “Quảng Bình quê ta ơi” đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một phần “máu thịt” trong tâm hồn.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường kể, ông được nghe ca khúc này lần đầu lúc còn độ tuổi thiếu nhi. Ban đầu, cũng chưa hiểu hết được nhưng dần dần nó trở thành “máu thịt” tự lúc nào. Ông nhớ lại thời kỳ chia tỉnh, rời một nơi đã yên ấm 13 năm để trở về gây dựng lại từ đầu, ai cũng có chút gì đó hụt hẫng, xao xuyến. Khoảng một tuần liền, ở TP. Huế vang lên dàn đồng ca tự phát. Những người con Quảng Bình thời điểm đó đều hát “Quảng Bình quê ta ơi” để tự trấn tĩnh, để động viên nhau.

“Ca khúc này đã song hành với Quảng Bình trong những ngày đau thương của cuộc chiến tranh chống Mỹ, những ngày hân hoan niềm vui chiến thắng và trong cả những ngày kiến thiết xây dựng quê hương. Ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” được vang lên trong mọi cung bậc cảm xúc, ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần những dòng nhạc đầu tiên vang lên là ngay lập tức sẽ nhận được sự hưởng ứng từ những người còn lại”, nhà văn Nguyễn Thế Tường khẳng định.

 Nhạc sĩ Hoàng Vân bên gia đình trong một lần con trai về thăm nhà, vào tháng 1-2018. (Ảnh: gia đình cung cấp)
Nhạc sĩ Hoàng Vân bên gia đình trong một lần con trai về thăm nhà, vào tháng 1-2018. (Ảnh: gia đình cung cấp)

Với một người thuộc thế hệ 7X, anh Nguyễn Ngọc Thái cho rằng: “Có thể trên dải đất hình chữ S này, mỗi địa phương đều có bài hát cho riêng mình, nhưng với tôi, bài “Quảng Bình quê ta ơi” là bài hát hay nhất với những ca từ, giai điệu được tác giả lồng vào đó những địa danh, làng quê và những điệp khúc phụ họa đối đáp đậm chất hò khoan Lệ Thủy. Có lẽ phải cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, thấu hiểu, cảm thông và hơn thế nữa là phải có một tình yêu mãnh liệt mảnh đất này lắm, ông mới để lại cho người dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung một tác phẩm âm nhạc hay đến thế.

“Chắc là sẽ khó có một nhạc sĩ nào viết nên một bài hát hay hơn thế về Quảng Bình. Từ lời ca, nhạc điệu, phối khí... hiếm có một bài hát nào vừa nói lên những nét tiêu biểu của các miền quê Quảng Bình mà lại thấm đẫm, đi sâu vào lòng người đến như vậy”, ông Trần Khởi (Lệ Thủy) chia sẻ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình vào cuối năm 2016, nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định: “Không thể xếp thứ tự cho những đứa con của mình, cũng như các tác phẩm của tôi. Chỉ biết rằng, “Quảng Bình quê ta ơi” là bài nổi bật nhất trong 1964 và suốt về sau này. Đây là một tác phẩm được viết với những cảm xúc đặc biệt, có những sự sáng tạo nhất định và quan trọng nhất là trụ được theo năm tháng trong lòng khán giả. Tôi đã đi nhiều vùng miền, sáng tác hàng trăm ca khúc về những nơi đó, về các ngành nghề... Nhưng “Quảng Bình quê ta ơi” có lẽ là một trong những ca khúc mà chính tôi, người dân Quảng Bình và nhân dân cả nước yêu thích và luôn luôn hát nó với một tình cảm qua nhiều thế hệ. Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi”.

Người nhạc sĩ tài danh ấy nay đã về với cõi vĩnh hằng... Những tác phẩm của ông để lại đã trở thành khối tài sản vô giá cho nền âm nhạc Việt Nam. Riêng với Quảng Bình, người dân vùng đất này sẽ mãi nhớ về nhạc sĩ Hoàng Vân với đầy tình yêu mến mỗi khi cất lên lời hát “Quảng Bình quê ta ơi”...

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh 24 tháng 7 năm 1930, bút danh là Yna.

Ông là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng, như: “Hò kéo pháo”, “Tôi là người thợ lò”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”...

Sau 1975, ông còn nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình, lãng mạn như “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình ca Tây Nguyên”. Ngoài ra, ông còn viết nhiều hợp xướng, khí nhạc và phụ trách âm nhạc nhiều bộ phim nổi tiếng như “Con chim vành khuyên, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”...

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã đạt được những giải thưởng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Nguồn: Cảm ơn ông, nhạc sĩ Hoàng Vân! - Quảng Bình Online

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam