Nghe nhạc

Thể hiện:

00:00|04:00
Chiến Thắng Hòa Bình

Album: UPDATING

Năm sáng tác: https://hoangvan.org/1951-1952 theo tên bài

Lời bài hát: Chiến Thắng Hòa Bình

Bản thu của bài này hiện nay chưa xác định 100% là của nhạc sĩ Hoàng Vân, chúng tôi đưa ở đây để xác định nguồn gốc và làm tư liệu trong khi tìm kiếm.

Nếu như nó là của nhạc sĩ Hoàng Vân, thì tác phẩm này là một phong cách giai điệu và tiết tấu hoàn toàn khác với những ca khúc ông sáng tác sau này. Tuy nhiên, vẫn trên giả thiết là sáng tác của nhạc sĩ, chúng ta thấy ông đã xử dụng các bè, hình thức biểu diễn với hợp xướng và đồng ca kết hợp với đơn ca, cũng như một số thủ pháp sáng tác và phát triển chủ đề về sau ông phát triển trong các tác phẩm khác.

Lúc sáng tác tác phẩm này, nhạc sĩ Hoàng Vân 21 tuổi và là chiến sĩ tại sư đoàn 312, sư đoàn Quyết Thắng.

Mời các bạn đọc một số  bài báo về chiến thắng Hòa Bình, một trong những khúc mở đầu của chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài 1 của tác giả Mạnh Hùng, báo Hòa Bình điện tử.

Chiến dịch Hòa Bình - bản hùng ca chiến thắng

(HBĐT) - Còn nhớ, cách đây chưa lâu, trong dịp trở về thăm lại khu di tích Tượng đài chiến thắng Tu Vũ (Thanh Thủy - Phú Thọ), nơi mở đầu cho những chiến thắng quan trọng trong chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 23/2/1952), thật may mắn chúng tôi gặp một bà cụ người bản xứ ở tuổi xưa nay hiếm. Tôi đã được nghe cụ kể về những trận đánh bẻ gãy nhiều đợt phản công của địch trên sông Đà; những trận đánh công kiên diệt đồn bốt địch để quân ta từ đây tiến về giải phóng Hòa Bình.

heo sự chỉ dẫn của những cán bộ xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), chúng tôi đã kết nối và trò chuyện được với cựu chiến binh (CCB) Đỗ Hạp, hiện là Trưởng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 88 - đơn vị vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ nổ phát súng đầu tiên tiêu diệt đồn Tu Vũ mở đầu chiến dịch Hòa Bình khi xưa. Dù năm tháng đã mờ xa nhưng với người cựu binh này vẫn còn in đậm ký ức về những trận đánh. Trong câu chuyện, CCB Đỗ Hạp kể: Chiến dịch Hòa Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do vậy, khi chuẩn bị mở chiến dịch Hòa Bình, nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp thị sát nắm tình hình địch và Đại tướng đã chọn Tu Vũ là nơi mở đầu chiến dịch.
 
Sau khi ra sức củng cố thế phòng ngự, tiến hành bình định, tăng cường lực lượng. Đầu năm 1951, viên tướng viễn chinh của quân đội Pháp là Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi cho rằng, đã đến lúc có thể chuyển sang thế phản công giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Vì thế, Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi cấp tốc vạch ra một kế hoạch phản công và quyết định tung toàn bộ lực lượng cơ động chiến lược ra mở cuộc hành quân tái chiếm tỉnh Hòa Bình - khi đó là tỉnh tự do duy nhất của Liên khu 3. Chọn Hòa Bình làm điểm quyết chiến mở đầu cho cuộc phản công giành lại thế chủ động, Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi đã tổ chức cuộc hành binh "Hoa tulip” là khúc dạo đầu. Theo đó, ngày 10/11/1951, 12 tiểu đoàn bộ binh và 5 cụm pháo binh của Pháp bất ngờ chiếm Chợ Bến, cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Tiếp đó, đến ngày 14/11, Tướng Sa - lăng chỉ huy 16 tiểu đoàn, 8 cụm pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng cùng 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình. Ngay trong đêm, 2 binh đoàn cơ động của Pháp chia thành 2 hướng, một theo đường 6 tiến về thị xã Hòa Bình và một theo sông Đà tiến chiếm Tu Vũ nhằm mục đích buộc "chủ lực đối phương phải tham chiến”. Tính đến chiều 15/11/1951, đích thân Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi chủ trì cuộc họp báo tại Hà Nội để loan tin "Chiến thắng Hòa Bình” và dựng lại "Xứ Mường tự trị”. Sau đó, địch đã tổ chức lực lượng thành 3 phân khu, gồm phân khu Chợ Bến, phân khu Sông Đà, phân khu Hòa Bình (bao gồm cả đường 6). Các phân khu được xây dựng theo cấu trúc hệ thống phòng ngự dã chiến với 28 cứ điểm lớn, nhỏ, biến khu vực Hòa Bình - sông Đà - đường 6 trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh... 
Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan trên quốc lộ 6 (cũ) ghi dấu chiến công anh hùng trong những trận đánh địch tại Hòa Bình, trở thành nơi sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
 
Về phía ta, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh nhận định: Cuộc tiến công ra Hòa Bình của địch sẽ gây cho ta những khó khăn nhất định. Nhưng cũng tạo cho ta một cơ hội tốt để tiêu diệt sinh lực của chúng. Trước tình hình trên, Chủ tịch     Hồ Chí Minh và Thường vụ T.Ư Đảng đã nhất trí mở "Chiến dịch Hòa Bình” với nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch. Chiến dịch Hòa Bình sẽ thực hiện đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch. Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch và mặt trận chính diện Hòa Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Ngay trước thời điểm diễn ra chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một bản huấn lệnh kêu gọi toàn thể cán bô, chiến sỹ, bộ đội chủ lực, bội đội địa phương và dân quân du kích: "Tìm địch mà đánh, diệt các cứ điểm mới đóng của địch, diệt các đội càn quét của chúng, cắt đứt đường giao thông liên lạc của chúng, biến sông Đà thành sông Lô năm xưa, đường số 6 thành đường số 4, tiêu diệt sinh lực địch, phá tan âm mưu chiếm đóng Hòa Bình”. Bản huấn lệnh của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiễn sỹ, bộ đội, đặc biệt là bộ đội và dân quân du kích của Hòa Bình trong cuộc chiến chống lại đội quân viễn chinh Pháp mạnh hơn ta nhiều lần về vũ khí trang bị. Điều mà sau này, Đại tướng đã chia sẻ trong cuốn Hồi ký của mình: "Tôi lên đường tư tưởng không một chút hoài nghi, phân vân. Chiến dịch này chỉ có thắng lớn hoặc thắng nhỏ, nhưng nhất định thắng. Đáp số đã hiện lên rõ mồn một: ta sẽ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ cũng như các vùng địch hậu sẽ được phục hồi”. 
 
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 10/12/1951 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Hòa Bình, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã tiêu diệt địch, đột phá phòng tuyến sông Đà. Đến đêm 10/12, Trung đoàn 88 tiến công san phẳng vị trí đồn Tu Vũ - một vị trí lớn thuộc cụm phòng ngự then chốt của phân khu sông Đà - mở đầu cho cuộc tiến công lớn tiêu diệt địch tại Hòa Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phương châm chỉ huy "đánh điểm, diệt viện”, chỉ sau 3 đợt công kích, ta đã đập tan phòng tuyến sông Đà, làm chủ tuyến giao thông đường sông lên Hòa Bình của địch. Đồng thời uy hiếp tuyến giao thông đường 6 lên sông Đà mà địch đang kiểm soát. Đứng trước thực tế đường sông bị cắt đứt, đường 6 bị uy hiếp, thị xã Hòa Bình liên tục bị tập kích. Hòa Bình đứng trước nguy cơ cô lập và bị tiêu diệt, từ ngày 22 - 24/2/1952, quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi Hòa Bình. Tổng kết chiến dịch Hòa Bình, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn quân Pháp, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến, phá hủy 12 khẩu pháo và hàng trăm xe vận tải, thu 24 khẩu pháo, giải phóng khu vực Hòa Bình - sông Đà, giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với các liên khu 3, 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ đông chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của Pháp. Trong chiến dịch này, quân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp hàng nghìn ngày công chi viện lương thực, thực phẩm cho bộ đội, tham gia, phối hợp hàng chục trận đánh, tiêu diệt một lượng lớn sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
 
Trong chiến dịch đã thể hiện rõ vai trò, sự tài tình, quyết đoán của vị Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong mọi hoàn cảnh Đại tướng đều sáng suốt chỉ huy và ra những mệnh lệnh đúng đắn trên chiến trường. Khi giao nhiệm vụ cho Đại đội 41 luồn sâu, bí mật đột nhập vào trận địa pháo của địch nằm kẹp giữa xóm Đúng và đồi Dè, thị xã Hòa Bình tiêu diệt trận địa pháo của địch ở đây, Đại tướng đã giao nhiệm vụ, úy lạo tinh thần cán bộ, chiến sỹ bằng bức thư tay trước giờ ra trận: "Các đồng chí được nhận nhiệm vụ xung phong vào ngay trung tâm địch, diệt hỏa lực của chúng, giúp các bạn chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đó là một vinh dự lớn. Bí mật và bất ngờ, anh dũng và kiên quyết, nhanh và gọn! Tôi tin các đồng chí sẽ làm tròn nhiệm vụ và trước khi các đồng chí ra trận, tôi gửi đến các đồng chí lời chào Quyết thắng”.
 
Chiến dịch giải phóng Hòa Bình, dù  cách đây đã gần 70 năm. Nhưng chiến thắng ấy, sử sách vẫn còn ghi, dạ người còn tạc. Chiến thắng của một dân tộc anh hùng, với ý chí sắt đá không gì lay chuyển được; một chiến thắng còn nguyên những dấu ấn về sự lãnh đạo, chỉ huy tài tình của  Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và chiến thắng trong chiến dịch Hòa Bình đã trở thành một bản hùng ca chiến thắng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh...
Mạnh Hùng
 
Bài 2 của Thạc sĩ MAI DANH THƯ (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Chiến dịch Hòa Bình: Đưa thắng lợi nhỏ thành thắng lợi lớn

QĐND Online - Bị quân dân ta đánh một đòn đau ở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, tiếp đó lại bị du kích ta đánh mạnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã khiến quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-1951, thực dân Pháp đưa tướng De Lattre trở lại Hà Nội nắm quyền...

QĐND Online - Bị quân dân ta đánh một đòn đau ở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, tiếp đó lại bị du kích ta đánh mạnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã khiến quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-1951, thực dân Pháp đưa tướng De Lattre trở lại Hà Nội nắm quyền. De Lattre tuyên bố: “Đã tới lúc giành lại chủ động trên chiến trường, buộc Việt Minh phải tiếp nhận chiến đấu trên một địa điểm do Pháp lựa chọn”.

De Lattre đã chọn phương án đánh chiếm Hòa Bình, địa bàn chỉ cách Hà Nội 76km, nằm trong tầm hoạt động của máy bay ném bom Pháp, là nút giao thông thủy - bộ nối liền Việt Bắc với đồng bằng và miền Trung.

Quân Pháp đã thực hiện cuộc hành binh bất ngờ đánh chiếm chợ Bến ngày 10-11-1951, nhằm cắt đường di chuyển chủ lực của ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Ngày 14-11-1951, Pháp đã sử dụng ba tiểu đoàn nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình. Chiều ngày 15-11-1951, De Lattre chủ trì họp báo ở Hà Nội, thông báo “chiến thắng Hòa Bình” và cho rằng: “Tiến công Hòa Bình có nghĩa là chúng ta đã bắt buộc đối phương phải xuất trận. Trận Hòa Bình sẽ có ảnh hưởng quốc tế lớn”.  Sau khi chiếm đóng Hòa Bình, quân Pháp đã xây dựng hệ thống cứ điểm mạnh, hình thành hai tuyến phòng ngự dọc đường 6 và dọc sông Đà.

 

Xe tăng Pháp bị tiêu diệt trong trận Tu Vũ. Ảnh: Tư liệu

 

Ngày 15-11-1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị Quân ủy Trung ương. Hội nghị nhận định việc Pháp chiếm thị xã Hòa Bình là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hoà Bình, địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hoà Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung Du đều tương đối sơ hở hơn trước. Quân ủy Trung ương đề nghị Trung ương cho “mở chiến dịch Hòa Bình, chuyển hướng hoạt động thụ động sang tiến công địch ở nơi chúng mới chiếm đóng. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích. Ngày 23-11-1951, Hội nghị Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất của Tổng Quân ủy mở chiến dịch Hòa Bình, nhấn mạnh: Cần hết sức tranh thủ thời gian, góp phần đưa thắng lợi nhỏ thành thắng lợi lớn.

Kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy phê chuẩn xác định tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ, đồng thời đánh địch trên phòng tuyến sông Đà, vừa triệt đường tiếp tế chủ yếu của địch, vừa mở rộng hành lang tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận.

Chiến dịch diễn ra thành ba đợt. Đợt 1 (từ ngày 10 đến 26-12-1951), ta cắt đứt tuyến sông Đà, tiến công tiêu diệt các cứ điểm Tu Vũ, Núi Chẹ. Trung đoàn 88 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ – một cứ điểm lớn được bảo vệ nghiêm ngặt. Địch chi viện 5.000 trái pháo yểm trợ nhưng không ngăn nổi ý chí quyết đánh của bộ đội ta. Trung đoàn 88 về sau được gọi tên truyền thống là Trung đoàn Tu Vũ.

Đợt 2 (từ 27 đến 31-12-1951), ta tiếp tục đập vỡ phòng tuyến sông Đà, tiêu diệt các điểm cao 400, 600, Đá Chông, Chẹ, chặn đánh các cánh quân viện trên các trục đường 87, Ba Vì, Mỹ Khê. Quân Pháp nhận thấy không đủ lực lượng bảo vệ phòng tuyến sông Đà nên rút lui toàn bộ, chỉ để lại cụm cứ điểm Đan Thê-La Phù gần Trung Hà (Sơn Tây). Địch dự định sẽ tăng cường phòng ngự tuyến đường số 6 và thị xã Hòa Bình. Tuy nhiên, ý định đó chưa thành thì quân ta đã nổ súng tiến công thị xã Hòa Bình.

Đợt 3 (từ 7-1 đến 25-2-1952): Ta tiếp tục sử dụng chiến thuật "công đồn đả viện" và thường xuyên uy hiếp các đường tiếp tế thuỷ, bộ để cầm chân số lớn lính Pháp (riêng tại đường số 6, Pháp phải dùng tới 16 tiểu đoàn để bảo vệ). Trên hướng phối hợp, ta tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, liên tục tiến công địch, góp phần vào thắng lợi của mặt trận chính. Quân Pháp phải rải quân ra nhiều nơi, cạn hết quân dự trữ. Bộ chỉ huy Pháp lúng túng đối phó trong khi chiến phí ngày càng quá sức chịu đựng khiến nội tình nước Pháp ngày càng rối bời. Tổng Quân uỷ nhận định: "Theo thế chung thì muốn hay không muốn, địch cũng phải rút khỏi Hoà Bình". Đúng như vậy, chiều 22-12-1952, 5 tiểu đoàn địch lặng lẽ rút chạy khỏi thị xã Hòa Bình. Pháp dùng ba vạn viên đạn pháo để yểm trợ cho cuộc rút lui với hy vọng giảm thiểu thiệt hại. Trên đường rút chạy, địch bị chủ lực ta đón đánh gây thiệt hại một phần; bộ đội địa phương, du kích tiếp tục truy kích, chặn đánh gây cho chúng những tổn thật nặng nề. Tổng kết chiến dịch Hòa Bình, ta đã tiêu diệt hơn 6.000 quân địch, phá hủy hàng trăm xe cơ giới các loại, bắn chìm hàng chục tàu chiến, ca nô, phá hủy nhiều đại bác... giải phóng vùng đất rộng trên 1.000km2 với hơn 20.000 dân. Tính cả hai mặt trận, quân dân ta đã tiêu diệt khoảng 22.000 quân địch, bức hàng, bức rút hơn 1.000 đồn bốt. Các căn cứ du kích của ta được mở rộng.

Thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình là thành công của Đảng ta trong việc chỉ đạo tiến công chiến dịch và đưa quân đội ta có bước tiến mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên hai mặt trận rộng lớn và phức tạp.

Khi nghiên cứu về chiến tranh của quân Pháp ở Đông Dương, nhà báo-nhà sử học Bernard Fall đã cho rằng: “chiến dịch Hòa Bình đối với quân Pháp cũng tổn thất về sinh mạng và trang bị nhiều không kém gì Chiến dịch Biên Giới và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này”. 

Trong thư khen ngợi Ban chỉ huy Mặt trận, toàn thể cán bộ quân, dân, chính hoạt động ở Mặt trận Hoà Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công... Phát huy thắng lợi của chiến dịch Hoà Bình, quân và dân ta trong vùng du kích và vùng tạm chiếm cần tích cực củng cố căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu mới của địch, làm phá sản chính sách bình định "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của chúng. Đồng thời, nhân dân ta trong các vùng tự do, vùng du kích tích cực thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến ngày càng vững mạnh để tiến lên giành thắng lợi mới”.

Thạc sĩ MAI DANH THƯ (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

 

Nghe các bài khác

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam